Xác định điểm sàn như thế nào?
Bộ GD-ĐT khẳng định, năm 2013 các trường vẫn tiếp tục thi “3 chung” và không bỏ điểm sàn. Bộ sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp để xây dựng điểm sàn phù hợp hơn so với thực tế nhưng tuân thủ theo nguyên tắc: Phải đảm bảo chất lượng!
Trong thời gian qua, nhiều độc giả đã chia sẻ quan điểm với báo Dân trí về việc nên hay không nên bỏ điểm sàn ĐH, CĐ. Phần lớn các ý kiến đều cho rằng, sự tồn tại của điểm sàn là cần thiết bởi nếu thả nổi thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Thời gian quan, hàng loạt cảnh báo được đưa ra khi mà sinh viên ra trường không có việc làm xuất phát từ nguyên nhân là chưa đáp ứng được với nhu cầu doanh nghiệp, chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ ngày càng tăng…
Vấn đề quan trọng hơn cả là hiện nay vẫn chưa phân tầng ĐH được, việc phân định trường top trên, top dưới chưa có tiêu chí cụ thể… Trong khi đó, theo Luật thì bằng cấp của các trường có giá trị như nhau trong hệ thống giáo dục quốc dân, không phân biệt trường công hay trường tư. Khi chất lượng đầu ra không được xã hội chấp nhận thì người học sẽ bị thiệt thòi nhất.
Với việc số lượng trường ĐH, CĐ là hơn 400 trường và chỉ tiêu khá lớn thì việc “thả nổi” chất lượng để lấy đủ chỉ tiêu là điều hoàn toàn có thể xảy ra nếu không có điểm sàn. Thực tế hiện tại không khó để nhận thấy, nếu thí sinh dự thi hai môn trắc nghiệm hiển nhiên sẽ được “biếu không” 5 điểm. Nếu tính cả điểm ưu tiên khu vực, đối tượng tối đa thì các thí sinh này đã “đút túi” đến tận 8,5 điểm. Như vậy, nếu lấy điểm trúng tuyển vào ĐH, CĐ dưới 8-9 điểm thì hiển nhiên thí sinh có học lực bằng hoặc dưới mức trung bình vẫn trúng tuyển được ĐH.
Năm 2002, khi bắt đầu tổ chức thi “3 chung”, Bộ GD-ĐT chưa đưa ra điểm sàn. Vào thời điểm đó các trường xây dựng phương án điểm chuẩn sau đó trình Bộ duyệt. Không ít trường lúc đó đã xác định điểm chuẩn khá thấp, dưới 10 điểm (lúc này chỉ có 3 môn thi tự luận, chưa có môn thi trắc nghiệm). Để xóa cơ chế “xin cho” và nâng cao chất lượng đầu vào, bắt đầu từ mùa tuyển sinh 2004 “điểm sàn” được ra đời và lúc đó hầu hết các trường đều hưởng ứng.
Bất cập của điểm sàn hiện tại
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, điểm sàn lâu nay được xác định điểm sàn dựa trên chỉ tiêu, khả năng dịch chuyển của thí sinh từ vùng này sang vùng kia, đồng thời phán đoán hệ số thí sinh ảo. Với việc dư luận cho rằng, điểm sàn năm 2012 không chính xác bởi Bộ GD-ĐT không công bố phổ điểm môn thi thì lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định: “Nếu không dựa vào phổ điểm thì không thể xác định được điểm sàn. Hàng năm Bộ GD-ĐT phải thống kê số liệu khá chi tiết ở từng mức điểm để Hội đồng điểm sàn xem xét trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Phổ điểm chính là số liệu thống kê”.
Xác định một cách đã khoa học như vậy nhưng tại sao Bộ GD-ĐT lại quyết định nghiên cứu xây dựng phương án điểm sàn mới? Câu hỏi này đã được đích thân Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga trả lời tại Hội nghị thi và tuyển sinh năm 2013.
Video đang HOT
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, việc dự báo 2 thông số sau (thí sinh ảo, việc dịch chuyển vùng này sang vùng khác) là không thật chắc chắn và chính xác. Năm 2012, hệ số dịch chuyển được xác định rất cao nhưng cuối cùng các trường lại khó tuyển sinh. Qua đó cho đây, độ dịch chuyển là rất ít.
Lãnh đạo Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) phân tích thêm: “Hầu hết các thí sinh đều có tham vọng được học các trường ĐH, CĐ đóng ở khu vực tỉnh/thành phố lớn bởi điều kiện học tập, làm thêm cũng như học thêm ngoại ngữ, tin học… thuận lợi hơn. Do xu hướng thời gian trở lại đây như vậy nên việc xác định hệ số dịch chuyển là rất khó”.
Đó là về mặt lý thuyết, về góc độ khoa học, môt chuyên gia tuyển sinh phân tích: “Việc xác định điểm sàn theo khối như hiện nay là bất cập và không đánh giá đúng hiện trạng. Khi thống kê chúng ta chưa loại bỏ được số thí sinh dự thi 2 lượt, dự thi hai khối… Chính vì thế có độ “vênh” lớn. Bên cạnh đó chỉ tiêu từng ngành của các trường có sự “chênh” nhau nên xác định điểm sàn theo khối là không chính xác”.
Nên thay đổi theo hướng nào?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, Bộ căn cứ vào kết quả thi của thí sinh qua phổ điểm môn, trên đó mới phân tích và tổng hợp. Có nhiều cách tính điểm sàn khác nhau nhưng hiện nay đang trong quá trình lấy rộng rãi ý kiến góp ý vế lấy điểm sàn mới năm nay. Bộ sẽ lựa những phương án hay nhất áp dụng cho năm nay. Sẽ có thay đổi chứ không cứng nhắc như các năm trước.
Theo đánh giá của các chuyên gia thì với mức phổ điểm của thí sinh có thể xây dựng điểm sàn theo rất nhiều phương án: Điểm sàn theo khối; điểm sàn theo nhóm ngành; điểm sàn cho vùng và điểm sàn phân tầng…
Như đã đề cập ở trên thì điểm sàn theo khối không còn phù hợp với thực tế. Còn nếu lấy điểm sàn theo vùng lại nảy sinh bất cập trong khâu “xét tuyển” các nguyện vọng kế tiếp vì chúng ta vẫn tổ chức thi “3 chung”… Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi hướng đến việc xây dựng điểm sàn theo nhóm ngành và mong nhận được ý kiến đóng góp của các nhà giáo dục.
Sỡ dĩ hướng đến phương án này là xuất phát từ thực tế tuyển sinh của các trường. Như chúng ta đã biết, rất nhiều ngành đào tạo của các trường có thí sinh dự thi nhưng lại không thể gọi trúng tuyển do điểm của các em dưới sàn theo khối của Bộ GD-ĐT. Điều này cho ta thấy nghịch lý, nhiều em xác định được năng lực bản thân dự thi vào các ngành có sự cạnh tranh thấp (tất nhiên trong đó có cả sự đam mê) nhưng không thể trúng tuyển. Các ngành này lại phải chờ đợi những thí sinh rớt NV1 đăng ký xuống. Nếu lấy điểm theo nhóm ngành thì rõ ràng sẽ giải quyết được bất cập này.
Bên cạnh đó, việc xác định điểm sàn theo nhóm ngành sẽ tạo ra bước đột phá trong việc cơ cấu lại ngành nghề đào tạo. Hiện nay các trường đua nhau mở các ngành mà xã hội cho là “hót” và thí sinh cứ thế nộp hồ sơ vào. Cùng một ngành đào tạo nhưng sự “chênh nhau” về điểm chuẩn giữa các trường là rất lớn. Do đó nếu lấy điểm sàn theo nhóm ngành sẽ làm giảm độ “chênh” điểm chuẩn giữa các ngành đào tạo của các trường. Thông qua đó, thí sinh sẽ phải cân nhắc hơn trong việc lựa chọn ngành vừa sức với bản thân. Ngoài ra, cũng từ đây các trường cũng phải xác định lại ngành nghề đào tạo để có thể tuyển sinh được.
Theo chuyên viên của Vụ giáo dục ĐH thì việc xác định điểm sàn theo nhóm ngành không khó vì hiện nay đều có quy định mã ngành cụ thể. Không khó để tách lọc phổ điểm của các nhóm ngành ra. Vấn đề quan trọng là ở chỗ, phương án có được xã hội và các trường chấp thuận hay không.
Các ý kiến tham gia diễn đàn “Hiến kế xây dựng phương án điểm sàn mùa tuyển sinh 2013″ xin gửi về báo Dân trí qua email: tuyensinh@dantri.com.vn.
Nguyễn Hùng
Theo dân trí
Tuyển sinh 2013: Lúng túng điểm sàn
Lần đầu tiên, Bộ GD-ĐT đã phải tổ chức một cuộc lấy ý kiến góp ý mở rộng phương án xây dựng điểm sàn và ngồi lại với Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập để bàn về vấn đề này vào ngày 5/3.
Được coi là ngưỡng tối thiểu để kiếm soát chất lượng đầu vào các trường ĐH, CĐ, sau 10 năm triển khai, cách tính điểm sàn đã bộc lộ nhiều bất cập. Hệ quả là suốt mấy năm trở lại đây, hàng loạt các trường ĐH, CĐ kêu than không thể tuyển sinh được chỉ vì... điểm sàn.
Cách tính điểm sàn có vấn đề
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, điểm sàn tuyển sinh ĐH, CĐ hàng năm được tính dựa trên nhiều yếu tố: Cơ cấu ngành nghề, nhu cầu về nguồn nhân lực, sự dịch chuyển thí sinh giữa các vùng miền, phổ điểm thi... Điểm sàn cũng được xác định dựa trên nguyên tắc: Tổng số thí sinh đạt trên điểm sàn cân đối với tổng chỉ tiêu tuyển sinh của từng trường. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều trường ĐH, CĐ cho rằng cách tính này chưa chính xác, tổng số thí sinh đạt trên điểm sàn không tương ứng với tổng số chỉ tiêu dẫn đến việc Bộ GDĐT năm nào cũng nói thừa rất nhiều thí sinh có điểm trên sàn nhưng các trường vẫn không tài nào tuyển đủ.
Ông Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho rằng: Bộ cứ cho rằng các trường không đủ chất lượng nên thí sinh quay lưng, thực tế có rất nhiều trường ĐH cơ sở vật chất tốt, giảng viên đầy đủ, điều kiện về học phí và học bổng rất tốt, chất lượng đào tạo đã được khẳng định nhưng vẫn không thể tuyển được 50% chỉ tiêu như trường: ĐH Dân lập Phương Đông, ĐH Dân lập Hải Phòng... thậm chí nhiều trường công cũng phải lấy sát sàn nhưng vẫn không tuyển được. "Điều đó cho thấy điểm sàn của Bộ có vấn đề, nó đang gây sự lãng phí rất lớn về cơ sở vật chất ngành giáo dục. Bộ nên chỉ kiểm soát đầu ra" - ông Quân nói.
Cách tính điểm sàn còn bất cập đã khiến nhiều thí sinh bỏ lỡ cơ hội vào các trường ĐH-CĐ
Còn Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Phương Đông - ông Nguyễn Thiện Dụ thì cho rằng: "Bộ nên công khai cách tính điểm sàn. Bộ luôn nói rằng nguồn tuyển trên sàn luôn đủ, vậy số học sinh dôi dư này đi đâu?".
Sau 10 năm áp dụng điểm sàn, lần đầu tiên Thứ trưởng Bùi Văn Ga phải thừa nhận: "Tiêu chí xác định điểm sàn đã làm rất kỹ nhưng chưa chắc chắn. Ví dụ: Năm 2012, khối B đã để số thí sinh đủ điểm sàn gấp trên 10 lần chỉ tiêu nhưng vẫn không tuyển đủ. Bên cạnh đó khả năng dịch chuyển theo vùng miền của thí sinh (một trong những yếu tố xác định điểm sàn) cũng không thể phán đoán chính xác được, ví dụ lượng thí sinh dịch chuyển từ TP. Hồ Chí Minh vào đồng bằng sông Cửu Long, hay thí sinh tại Hà Nội vào miền Trung mỗi năm đều không giống nhau".
Điểm sàn 2013 sẽ ra sao?
Tại buổi làm việc giưa Bộ GD-ĐT với Hiệp hội các trường ĐH ngoài công lập xung quanh vấn đề điểm sàn và thi 3 chung, Hiệp hội chính thức kiến nghị thay đổi cách xác định điểm sàn theo kết quả thi tốt nghiệp THPT và xóa bỏ 3 chung... để cứu nhiều trường ngoài công lập khỏi nguy cơ giải thể. Trước kiến nghị của Hiệp hội, quan điểm của Bộ GDĐT vẫn cho rằng: Thay đổi phương thức thi và cách thức xác định điểm sàn vẫn không thể thực hiện ngay lập tức trong năm.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga giải thích: "Luật Giáo dục Đại học của chúng ta vừa mới đi vào thực tiễn và chưa "ráo mực", phải chờ đến sau năm 2015 khi chất lượng giáo dục phổ thông được nâng cao, sách giáo khoa được cải cách lúc đó sẽ có nhiều phương án tuyển sinh cho các trường. Có thể các trường sẽ được tuyển sinh riêng, có thể xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, xóa bỏ điểm sàn...Còn từ nay đến khi đó, Bộ vẫn áp dụng thi 3 chung với những cải tiến về kỹ thuật".
Theo ông Bùi Văn Ga, hiện Bộ đang mở diễn đàn "Hiến kế xây dựng điểm sàn" trên trang thông tin chính thống báo Giáo Dục Thời Đại để có được sự góp ý rộng rãi của xã hội nhằm xây dựng được cơ chế điểm sàn hợp lý cho năm 2013.
Trước mắt, để tránh việc nhiều trường công lấy điểm đến sàn "vét thí sinh, năm nay Bộ cũng quy định cụ thể về việc xét tuyển nguyện vọng sau không được thấp hơn nguyện vọng trước. Về các tiêu chí xác định điểm sàn năm 2013, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: "Ước tính năm nay sẽ có 1,2 triệu thí sinh dự thi, trong đó có 900.000 thí sinh tốt nghiệp mới và 300.000 thí sinh thi lại.
Trong khi chỉ tiêu tuyển mới năm nay là 550.000 vào ĐH, CĐ ngoài ra còn các trình độ khác. Bộ sẽ tính toán trên cơ sở làm sao cho số lượng dôi dư trên điểm sàn nhiều nhất nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng tối thiểu đầu vào, căn cứ vào chỉ tiêu năm nay, phổ điểm của từng môn, điểm trung bình chung của một thí sinh có thể đạt được... trên cơ sở phân tích tổng hợp để rút ra khung điểm hợp lý nhất. Ngoài ra, Bộ đang chờ ý kiến góp ý của dư luận, các chuyên gia giáo dục để bổ sung thêm tiêu chí xác định điểm sàn. Chắc chắn, điểm sàn năm nay sẽ không còn cứng nhắc như các năm trước nữa" - ông Ga nói.
Theo Tùng Anh (Dân Việt)
Công khai thủ tục phê duyệt Chương trình Liên kết đào tạo với nước ngoài Cục Đào tạo với nước ngoài - Bộ GD-ĐT vừa đưa ra thông báo công khai thủ tục phê duyệt Chương trình Liên kết đào tạo với nước ngoài tại Bộ GD-ĐT. Với việc công khai này, các cơ sở đào tạo sẽ được thuận tiện hơn khi làm hồ sơ xin cấp phép. Theo thông báo của Cục đào tạo với nước...