Xác định chỉ tiêu tuyển sinh 2016: Lại đẻ ra ngoại lệ, xin cho
TP – Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 32 quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với đại học, học viện, viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2016.
Sinh viên trong giờ học ngoại ngữ tại Trường ĐH Bách khoa, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu.
Vẫn còn ngoại lệ
Thông tư quy định rõ ràng những tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh tối đa của các trường. Theo đó, nếu số sinh viên chính quy tính trên 1 giảng viên quy đổi theo khối ngành vượt quy định thì chỉ tiêu tuỵển sinh hàng năm của khối ngành được xác định không quá 1/4 quy mô năng lực đào tạo tối đa của khối ngành đó. Tiêu chí 2 quy định: diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của cơ sở giáo dục đại học tính trên 1 sinh viên chính quy không thấp hơn 2,5 m2…
Đối với Đại học Quốc gia và Đại học vùng, quy mô sinh viên chính quy tối đa được xác định theo các trường thành viên. Với những trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ xem xét và quyết định đối với từng trường hợp cụ thể. Cơ sở giáo dục đại học không được đào tạo cao đẳng, trung cấp trừ các cơ sở giáo dục đại học thuộc khối ngành II và các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương không có cơ sở đào tạo cao đẳng, trung cấp khối ngành I.
Video đang HOT
Cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo cao đẳng mỗi năm phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo cao đẳng ít nhất 30% so với chỉ tiêu năm 2015, tiến tới dừng tuyển sinh cao đẳng trước năm 2020. Cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo trung cấp phải dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2017.
Chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy được xác định không quá 15% chỉ tiêu chính quy đối với khối ngành VI; không quá 20% chỉ tiêu chính quy đối với các khối ngành khác. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh vừa làm vừa học; liên thông đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học; văn bằng hai đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học được xác định không quá 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh sinh viên chính quy đã xác định của cơ sở giáo dục đại học.
Nhiều trường sẽ thừa giảng viên!
Chỉ tiêu tuyển sinh theo hình thức học từ xa: Được xem xét căn cứ theo đề án của cơ sở giáo dục đại học. Các cơ sở giáo dục đại học không đào tạo từ xa đối với khối ngành I. Cơ sở giáo dục đại học xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ trên cơ sở giảng viên cơ hữu theo các quy định cụ thể hướng dẫn trong thông tư. Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức kiểm tra, thanh tra việc xác định chỉ tiêu và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học. Các cơ sở vi phạm sẽ bị khấu trừ vào chỉ tiêu tuyến sinh năm sau của trường và nhà trường sẽ bị xử phạt theo quy định.
Nguy cơ thừa giảng viên là thông tin được một số trường đưa ra khi siết lại chỉ tiêu tuyển sinh. Lấy ĐH Bách khoa làm một ví dụ. Với số lượng sinh viên khoảng 27.500 như hiện nay thì trường này phải đạt được ít nhất là gấp đôi số lượng đào tạo sau ĐH trong khi, thực tế là người học cao học đã cạn nguồn.
Điều đáng chú ý là, nếu chỉ được phép đào tạo 15.000 sinh viên chính quy thì với khối lượng giảng viên trên đầu giáo viên đủ cho đào tạo đến năm 2020, sẽ có khoảng một nửa trong số 1.250 giảng viên của trường này bị “thất nghiệp”! Đại diện một trường đại học tại Hà Nội cho rằng, với quy định “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét và quyết định đối với từng trường hợp cụ thể” sẽ lại đẻ ra cơ chế xin-cho mới khi xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016.
Theo TPO
Bộ GTVT xóa cơ chế "xin-cho" tuyến xe khách
Sau nhiều "lùm xùm" về vấn đề xin chấp thuận tuyến xe khách, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành Thông tư 60, theo đó, các doanh nghiệp vận tải hành khách không còn phải "chạy ngược chạy xuôi" với cơ chế "xin - cho" từ Sở GTVT.
Thông tư 60/2015/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Nội dung nổi cộm trong Thông tư 60 là bỏ quy định về xin chấp thuận tuyến của Thông tư 63.
Trước đây, các doanh nghiệp muốn kinh doanh vận tải hành khách phải làm hồ sơ xin chấp thuận tuyến của Sở GTVT, dù đã có quy hoạch luồng tuyến chi tiết. Đây được cho là lí do làm nảy sinh nhiều tiêu cực trong cơ chế "xin - cho". Thủ tục hành chính này cũng khiến các doanh nghiệp vận tải khốn khổ vì mất rất nhiều thời gian để chờ được các Sở GTVT chấp thuận.
Với quy định mới tại Thông tư số 60 có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, các Sở GTVT sẽ phải công bố chi tiết biểu đồ chạy xe, các doanh nghiệp vận tải chỉ cần đăng ký khai thác tuyến. Theo đó, doanh nghiệp, hợp tác xã có giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo tuyến cố định được đăng ký khai thác tuyến.
Các doanh nghiệp vận tải sẽ không còn phải "xin" Sở GTVT chấp thuận tuyến
Căn cứ quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Sở GTVT (đối với tuyến nội tỉnh) và Sở GTVT hai đầu tuyến (đối với tuyến liên tỉnh) thống nhất và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Sở biểu đồ chạy xe của từng tuyến do Sở GTVT quản lý theo mẫu quy định.
Căn cứ biểu đồ chạy xe đã được công bố, doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động lựa chọn và gửi hồ sơ đăng ký khai thác tuyến theo quy định.
Thông tư nêu rõ, trong thời hạn 5 ngày, Sở GTVT hai đầu tuyến phải công bố công khai trên trang thông tin điện tử và thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp, hợp tác xã biết việc tổ chức lựa chọn doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác tuyến.
Đối với cơ quan quản lý tuyến, tổ chức lựa chọn doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác tuyến, Sở GTVT quản lý các tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh; Sở GTVT nơi cấp phù hiệu chủ trì, phối hợp với các Sở GTVT liên quan quản lý tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, giải quyết xử lý các vấn đề phát sinh trên tuyến liên quan đến phương tiện do mình cấp phù hiệu.
Sở GTVT tổ chức thực hiện việc lựa chọn doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri