Xả van áp suất
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ L. Panetta lại vừa lên tiếng cảnh báo nguy cơ chiến tranh xảy ra nếu các nước châu Á tiếp tục “cách hành xử mang tính khiêu khích” liên quan đến tranh chấp lãnh thổ.
Một cuộc biểu tình phản đối Nhật Bản ở, Thâm Quyến, Trung Quốc hôm 16-9
Tuyên bố của ông L. Panetta được đưa ra trước khi ông tới Tokyo (Nhật Bản) trong chuyến công du châu Á. Khi được hỏi về khả năng đụng độ giữa các bên tranh chấp, ông L. Panetta nói: “Tôi quan ngại rằng khi các nước này có hành động khiêu khích liên quan đến các hòn đảo, thì sẽ có khả năng rằng việc đánh giá sai của một hay nhiều bên liên quan có thể dẫn đến vũ lực và có thể kéo theo xung đột. Và cuộc xung đột này sẽ tiềm ẩn nguy cơ loang rộng”.
Cuộc tranh cãi về chủ quyền xung quanh các quần đảo không người trên vùng biển Đông Bắc Á vẫn tiếp tục nóng lên. Phản ứng lại việc Chính phủ Nhật Bản ký hợp đồng với chủ sở hữu tư nhân để quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo thuộc quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, 6 tàu hải giám của Trung Quốc đã đi vào vùng biển gần quần đảo mà theo Bắc Kinh là để “bắt đầu tuần tra và thực thi luật pháp, chứng tỏ quyền tài phán của Trung Quốc” đối với các đảo trên.
Không dừng ở những biện pháp trả đũa nhau, các vấn đề quá khứ cũng bắt đầu được nhắc lại, đốt nóng quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc. Hôm 16-9, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung Hwan dự kiến sẽ nêu vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị ép làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật trong Thế chiến thứ II trong bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ vào ngày 28-9 tới. Ông Kim khẳng định: “Vấn đề tranh chấp lãnh thổ và phụ nữ bị ép mua vui đều thuộc về lịch sử Đông Á”. Còn ở Trung Quốc, làn sóng chống Nhật đã lan ra 50 thành phố trong cả nước với sự tham gia của hàng vạn người. Một số công ty và cửa hàng Nhật Bản bị người biểu tình quá khích xông vào đập phá.
Tất cả những vụ việc đó làm người ta nhớ lại phong trào “bài Nhật” xảy ra cách đây vài năm, khi Nhật Bản cho phát hành cuốn sách giáo khoa mà người ta cho rằng Tokyo đã cố tình xóa đi những tội ác chiến tranh do phát xít Nhật gây ra với nhân dân các nước châu Á, trong đó có Trung Quốc. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, quá khứ nặng nề của những năm tháng đau khổ dưới ách đô hộ của phát xít Nhật vẫn là nỗi ám ảnh với người dân Trung Quốc và Hàn Quốc. Cảm giác bị hành hạ về thể xác, hạ nhục về tinh thần đã bùng lên thành cơn thịnh nộ khó có thể kiểm soát mỗi khi có vấn đề nảy sinh trong quan hệ với Nhật Bản.
Video đang HOT
Trong bối cảnh đó, tranh cãi xung quanh vấn đề nhạy cảm như chủ quyền lãnh thổ chẳng khác nào như mồi lửa làm bùng lên tâm lý dân tộc thiếu thiện cảm của các bên tranh chấp nhằm vào nhau. Đó chính là lý do của những hành động phản đối Nhật Bản từ phía người dân Hàn Quốc và Trung Quốc hiện nay. Trước mắt, mâu thuẫn trên sẽ làm gián đoạn quan hệ kinh tế giữa các nước Đông Bắc Á. Nhưng về lâu dài, nếu căng thẳng không được giải tỏa, nó có thể sẽ dẫn đến đụng độ giữa các bên tranh chấp.
Mâu thuẫn giữa Nhật Bản với Hàn Quốc và Trung Quốc chẳng khác nào như chiếc nồi hơi đang tăng dần áp suất, có thể phát nổ vào bất cứ lúc nào. Làm sao xả áp mối quan hệ này là mối quan tâm của dư luận thế giới hiện nay.
Theo ANTD
Mỹ kêu gọi Trung, Nhật kiềm chế
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta hôm nay kêu gọi những nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc tranh chấp lãnh thổ đang ngày một xấu đi giữa Nhật Bản và Trung Quốc, sau khi cảnh báo về nguy cơ chiến tranh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta (trái) và người đồng cấp Nhật Bản Satoshi Morimoto trong cuộc họp báo tại Tokyo hôm nay. Ảnh: AFP
Phát biểu sau các cuộc gặp với giới chức Nhật Bản tại Tokyo hôm nay, ông Panetta kêu gọi các bên liên quan "bình tĩnh và kiềm chế" trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo, vốn leo thang mạnh mẽ trong tuần qua và dẫn đến làn sóng biểu tình bạo lực ở Trung Quốc.
"Rõ ràng các cuộc biểu tình và đụng độ quanh vấn đề Senkaku khiến chúng ta đều lo ngại", ông nhắc đến quần đảo do Nhật Bản quản lý. Nó được gọi là Điếu Ngư theo tiếng Trung.
"Việc cả hai bên sử dụng các biện pháp ngoại giao để giải quyết một cách tích cực vấn đề này là vô cùng quan trọng. Giải pháp cho tranh chấp phải dựa trên những quy tắc rõ ràng và luật pháp quốc tế". Ông khẳng định mối quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và Nhật Bản nằm trong lợi ích chung của tất cả mọi người.
Theo AFP, ông Panetta chiều qua có mặt ở Nhật Bản, bắt đầu chuyến công du 3 nước châu Á-Thái Bình dương. Chuyến thăm diễn ra khi làn sóng biểu tình chống Nhật bùng phát trở lại một cách dữ dội tại nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc, trong đó các cơ quan ngoại giao cũng trở thành mục tiêu của bạo lực.
Trước đó phát biểu trên máy bay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng những hành động thái quá quanh tranh chấp nhóm đảo ở biển Hoa Đông có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, "gây xung đột và cuộc xung đột này sau đó có thể tiếp tục mở rộng".
Tranh chấp chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư bị đẩy lên cao trào khi tuần trước, Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo thuộc nhóm này. Tokyo đã sở hữu một đảo thứ tư và cho thuê đảo còn lại. Những hòn đảo không người sinh sống nằm trên tuyến đường vận tải biển quan trọng và gần khu vực được cho là chứa nguồn tài nguyên khoáng sản có giá trị.
Ông Panetta khẳng định cam kết của Mỹ đối với Nhật Bản dưới hình thức một hiệp ước quốc phòng song phương là không thay đổi. Tuy nhiên, chính sách của Mỹ là không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ.
Trong chuyến công du châu Á dài một tuần, ông Panetta cũng sẽ dừng chân ở Bắc Kinh và Auckland, nhưng lịch trình ban đầu của ông không có tên Tokyo. Cuộc tranh chấp trên có khả năng đã khiến ông thay đổi hành trình, các nhà phân tích nói.
Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba, người có cuộc gặp với ông Panetta sáng nay, cũng lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh hạ nhiệt căng thẳng.
"Những cuộc biểu tình chống Nhật đang lan rộng ở quy mô chưa từng thấy. Một vài trong số đó đã chuyển thành bạo loạn. Thật sự đáng tiếc khi kinh tế Nhật Bản phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề", ông nói.
Các nguồn tin hôm nay cho hay các công ty Nhật Bản đang phải tạm dừng hoạt động tại Trung Quốc sau khi các nhà máy bị người biểu tình đập phá. Ông Gemba cho biết sẽ yêu cầu chính phủ Trung Quốc tiến hành các biện pháp thích hợp.
"Tôi hy vọng luật pháp và trật tự sẽ được tôn trọng", ông nói và cam kết sẽ hợp tác với Mỹ để đảm bảo quan hệ Nhật-Trung "không bị tổn hại nghiêm trọng".
Nhật Bản hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại Trung Quốc. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 342,9 tỷ USD năm 2011, theo số liệu chính thức từ phía Trung Quốc.
Theo VNE
'Tranh chấp lãnh thổ ở châu Á có thể thành chiến tranh' Đó là nhận định của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trước khi ông tới Nhật Bản để bắt đầu chuyến công du châu Á - Thái Bình dương. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta. Ảnh: AFP Phát biểu trước báo giới, ông Panetta kêu gọi sự kiềm chế trong bối cảnh căng thẳng gia tăng liên quan tới các tranh...