Xã hội hóa loại bỏ tiêu cực trong đào tạo lái xe
Việc xã hội hóa giúp tăng tính công khai minh bạch, giảm tiêu cực trong đào tạo sát hạch lái xe.
Ông Nguyễn Văn Quyền
Sau 15 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa lĩnh vực đào tạo, sát hạch lái xe đã huy động được nguồn lực đầu tư lớn từ xã hội, đáp ứng được nhu cầu học lái xe của người dân sau nhiều năm luôn trong tình trạng quá tải. Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN trao đổi với Báo Giao thông xung quanh vấn đề này.
Đột phá nhờ xã hội hóa
Ông đánh giá như thế nào về kết quả sau 15 năm thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo, sát hạch lái xe (ĐTSHLX)?
Chủ trương xã hội hóa đào tạo, sát hạch lái xe là bước đột phá quan trọng trong việc hình thành hệ thống cơ sở ĐTSHLX ô tô trên toàn quốc. Cách đây gần chục năm, người dân học lái xe phải xếp hàng, chờ từ 3-6 tháng, thậm chí cả năm mới được nhập học. Sau 15 năm thực hiện công tác xã hội hóa đã huy động được nguồn lực lớn từ xã hội đáp ứng được nhu cầu học lái xe của người dân.
Video đang HOT
Đến nay, các cơ sở đào tạo hiện đại được hình thành, các tiêu chí về hạ tầng được đầu tư, hiện đại hóa, khắc phục sự sơ sài, nghèo nàn về phòng học, không còn sân bãi tập chưa rải nhựa, xe tập lái cũ nát gần như đã được thay thế. Nếu như năm 2001, cả nước chỉ có 147 cơ sở đào tạo lái xe cả ô tô và mô tô, thì đến năm 2013 đã có 326 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và hầu hết bao gồm cả đào tạo lái xe mô tô. Cùng thời điểm 2001, tỷ lệ cơ sở đầu tư theo hình thức xã hội hóa mới chỉ có 20%, nay tăng lên 43%. Đến nay đã có 96 trung tâm sát hạch lái xe, trong đó có 49 trung tâm của doanh nghiệp được xây dựng theo hình thức xã hội hóa.
Việc xã hội hóa cũng giúp tăng tính công khai minh bạch, giảm tiêu cực trong ĐTSHLX. Trước đây, tiêu cực phát sinh ngay từ khâu xin đi học. Đến nay, người học được quyền lựa chọn cơ sở nào tốt, thuận tiện thì đăng ký học. Khi vào học, học viên được công khai chương trình đào tạo, mức học phí. Người học có thể giám sát việc thực hiện hợp đồng đối với cơ sở đào tạo. Việc này giúp giảm chi phí tiêu cực rất nhiều.
Để đạt được những kết quả như ông vừa nêu, giải pháp nào đã được Tổng cục Đường bộ VN triển khai thực hiện, thưa ông?
Tổng cục Đường bộ VN thực hiện tiêu chuẩn hóa phòng học lý thuyết, xe, sân bãi tập lái… của các cơ sở đào tạo. Đặc biệt coi trọng chuẩn hóa chất lượng đội ngũ giáo viên bằng việc tập huấn, nâng cao trình độ theo hướng tích hợp nhiều kỹ năng để phù hợp với thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo ngày càng hoàn thiện theo hướng phù hợp với nhu cầu đa dạng của xã hội.
Thời gian qua, chúng tôi cũng đẩy mạnh việc cải cách hành chính theo hướng công khai minh bạch trong quá trình đào tạo. Quyền lợi của học viên sẽ được hưởng tương ứng với chương trình, nội dung đào tạo, loại xe, mức học phí mà cơ sở đưa ra. Người học cũng được quyền nhận xét về cơ sở đào tạo, về giáo viên dạy, đồng thời có quyền giám sát cơ sở đào tạo về vấn đề công khai, minh bạch trong hợp đồng đào tạo. Bên cạnh đó, công tác thanh, kiểm tra và giám sát cũng được thực hiện thường xuyên, các cơ sở đào tạo phải báo cáo và công khai kế hoạch đào tạo.
Trong khâu sát hạch cũng công khai bằng hình thức mọi người đều có thể giám sát. Trước đó, việc sát hạch hoàn toàn bằng thủ công. Nay nhờ thực hiện xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất, trung tâm sát hạch đã đạt chuẩn, quá trình sát hạch được hiện đại hóa bằng việc dùng thiết bị chấm điểm tự động.
Đến nay, cả nước đã có 68 trung tâm sát hạch lái xe gắn thiết bị chấm điểm tự động, hạn chế tối đa sự can thiệp của con người (Trong ảnh: Trung tâm Sát hạch lái xe Uông Bí – Quảng Ninh) – Ảnh: Trần Duy
Cơ sở yếu kém sẽ bị đào thải
Có nhiều ý kiến cho rằng, việc xã hội hóa dẫn đến tình trạng các cơ sở đào tạo phát triển “ nóng” khiến năng lực đào tạo dư thừa so với nhu cầu thực tế. Theo ông điều này có gây ra những hệ luỵ?
Qua công tác quản lý 326 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, chúng tôi thấy năng lực đào tạo của doanh nghiệp theo giấy phép được cấp khoảng 600 nghìn học viên/năm. Trên thực tế vài năm trở lại đây, số người được đào tạo, đỗ sát hạch và được cấp GPLX luôn ở mức khoảng trên 500 nghìn người, cộng với số người học, sát hạch không đạt, về cơ bản các cơ sở đào tạo vẫn tuyển sinh đủ năng lực được cấp phép. Thực tế, tại một số cơ sở đào tạo tại Hà Nội, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh cũng có tình trạng tuyển sinh không đủ so với lưu lượng được cấp phép.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, khi xem xét năng lực đào tạo so với nhu cầu học, phải có tầm nhìn với thời gian nhất định. Theo mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đây là mốc để tính toán nhu cầu đào tạo trong tương lai. Đến năm 2020, Việt Nam chỉ cần phấn đấu đạt tỷ lệ trung bình thấp về số ô tô/đầu người so với khu vực cộng với nhu cầu đào tạo lái xe thay thế. Mỗi một năm chúng ta phải đào tạo mới khoảng 700 nghìn người. Nếu vậy, năng lực đào tạo của chúng ta vẫn còn thấp.
Thời gian qua báo chí phản ánh nhiều về một số cơ sở đào tạo làm ăn theo kiểu chộp giật. Ông đánh giá như thế nào về việc này?
Theo kết quả thanh, kiểm tra định kỳ hàng năm, vẫn còn một tỷ lệ nhất định các cơ sở đào tạo lái xe chưa chấp hành một cách đầy đủ và nghiêm túc như: cắt xén nội dung đào tạo, cấp chứng chỉ nghề chưa nghiêm túc và còn khiếm khuyết nhất định về cơ sở vật chất…
Hiện nay, tỷ lệ sát hạch đạt trung bình khoảng 75%. Như vậy, tỷ lệ người sát hạch trượt phải học lại tương đối cao, khoảng 25%. Cơ sở đào tạo nào chất lượng đào tạo kém, nhất là tỷ lệ qua sát hạch trượt nhiều thì học viên sẽ có đánh giá không tốt. Ngược lại, học cơ sở nào mà sát hạch đạt tỷ lệ cao, xe tập lái tốt, giáo viên hòa nhã… sẽ được đánh giá cao. Chúng tôi tin rằng với hệ thống giải pháp cả về mặt hành chính, cả về cơ chế thị trường, dư luận xã hội, những cơ sở đào tạo có chất lượng, giá cả phù hợp sẽ ngày càng phát triển và sẽ loại trừ dần những cơ sở đào tạo làm theo kiểu chộp giật, có tiêu cực.
Cảm ơn ông!
“Xã hội hóa ĐTSHLX góp phần giảm tải cho các cơ sở đào tạo của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc học lái xe. Nhờ được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, các cơ sở tuân thủ nghiêm quy trình đào tạo, quy trình sát hạch nên trình độ chuyên môn, kỹ năng xử lý các tình huống của đội ngũ lái xe khi tham gia giao thông cũng được nâng lên”.
Ông Mai Xuân PhươngPhó Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng
“Nhờ chủ trương xã hội hóa, các cơ sở đào tạo có trung tâm sát hạch đạt tiêu chuẩn rất thuận lợi để nâng cao chất lượng đào tạo. Học viên có điều kiện học tập tốt nhất từ thực hành, thi tốt nghiệp và sát hạch”.
Ông Trần Văn Toản
Giám đốc Trung tâmDạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô (Bắc Ninh)
Theo baogiaothong.vn