Xã hội hóa giáo dục “ăn đong”
Dù Nhà nước đã đề ra nhiều chính sách có lợi cho công tác xã hội hóa giáo dục nhưng trên thực tế, việc khuyến khích, ủng hộ chủ trương xã hội hóa tại rất nhiều địa phương vẫn chỉ nằm trên giấy
Bốn năm sau ngày Chính phủ ban hành Nghị định 69/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa (XHH) đối với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, theo đánh giá của PGS Trần Xuân Nhĩ, Chủ tịch Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam, những nội dung quan trọng của nó vẫn chưa đi vào cuộc sống.
Chỉ ủng hộ bằng tinh thần
Một số địa phương còn có những chủ trương, chính sách mâu thuẫn với tinh thần của Nghị định 69, không phù hợp với Luật Giáo dục, gây ra những bất lợi không đáng có đối với các trường ĐH, CĐ ngoài công lập.
Học sinh Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, một trường dân lập ở TPHCM, trong giờ học. Ảnh: TẤN THẠNH
Video đang HOT
Theo ông Nhĩ, đa số trường tư thục từ mầm non đến trung học, CĐ, ĐH không nhận được sự hỗ trợ về đất đai hay cho vay tín dụng để xây dựng trường như nghị định đã đề ra. Chưa hết, có địa phương đã thu thuế các trường tư thục như các doanh nghiệp thuần túy với những điều kiện nghiệt ngã, như trường nào đạt tỉ lệ 25 m2 đất/sinh viên thì mới được hưởng chính sách ưu đãi. “Trong khi nhiều trường công lập được Nhà nước bao cấp về mọi mặt mà vẫn không đạt được tiêu chí đất đai, xây dựng mặt bằng thì làm sao các trường ngoài công lập có thể đáp ứng được nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước” – ông Nhĩ băn khoăn.
Bà Trần Kim Phương, Chủ tịch HĐQT Trường CĐ ASEAN, bức xúc: “Nhà nước nói ủng hộ XHH nhưng chỉ ủng hộ trên giấy, ủng hộ tinh thần, các trường phải tự bơi hết. Đầu tư hơn 100 tỉ đồng xây trường nhưng cả đất, cả tiền xây dựng, doanh nghiệp phải tự lo vì đi vay ngân hàng cực kỳ khó khăn. Làm bộ hồ sơ xin vay ưu đãi vô cùng gian khổ” – bà Phương cho hay.
PGS Đặng Quốc Bảo, nguyên hiệu trưởng Học viện Quản lý giáo dục, chỉ ra rằng XHH giáo dục hiện nay đang “ăn đong”. Theo ông, chỉ khi nào tạo nên sự cộng hưởng của tổ chức Nhà nước, cơ chế thị trường và sự hoạt động của mạng lưới các đoàn thể xã hội phục vụ mục tiêu XHH thì XHH giáo dục mới có thể phát triển bền vững.
Lạm dụng xã hội hóa
Chính vì tình trạng ăn đong nên XHH giáo dục đang bị lạm dụng và bóp méo, dẫn đến lạm thu và đẩy gánh nặng tài chính cho dân. Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, sự tham gia của các thành phần ngoài Nhà nước không chỉ đơn thuần ở khía cạnh đóng góp tài chính mà phải ở toàn bộ nội dung và phương thức giáo dục. Tuy nhiên, thật đáng thất vọng là điều này đang bị hiểu sai và bóp méo.
Theo GS-TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, chính việc hiểu sai bản chất dẫn đến XHH giáo dục bị biến tướng. “Nhiều nơi kêu gọi phụ huynh XHH từ tiền tưới cây, thuê bảo vệ, quét rác, xây bể bơi, mua máy điều hòa đến… cái chổi quét lớp. Nguyên tắc tự nguyện bị lấp liếm dưới vỏ bọc hội phụ huynh, như thế là trái luật. XHH không chỉ là thu tiền. Những cơ sở cung cấp dịch vụ giáo dục, nếu nhân danh XHH giáo dục để lạm thu thì đó là sự mạo danh” – GS Phạm Tất Dong nhấn mạnh. Hệ quả của việc hiểu sai, cố tình hiểu sai hoặc bóp méo bản chất tích cực của XHH giáo dục đã biến một chủ trương đúng đắn thành gánh nặng cho người dân.
Trong nghiên cứu về đề tài “Sự tiếp cận các dịch vụ giáo dục của người nghèo ở nông thôn trong bối cảnh XHH”, TS Dương Việt Anh (Trung tâm Hội nhập và Phát triển) cũng nêu rõ gần 95% học sinh đang theo học tại các trường dân lập ở nông thôn là con em nông dân, phần lớn có hoàn cảnh khó khăn. Giải thích cho hiện tượng này, TS Việt Anh cho biết: “Con em các gia đình khá giả ở nông thôn thường có điều kiện học tập tốt và dễ thi đỗ vào trường công hoặc cha mẹ “có cách” để các em được vào trường công lập. Chỉ có con em con nhà nghèo, học kém mới vào trường dân lập”. Vì thế, các em không được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ cho người nghèo như miễn giảm học phí, miễn phí xây trường, cấp sách giáo khoa, cấp kinh phí ăn ở… – những thứ mà chỉ ở trường công lập mới có.
Cũng theo nghiên cứu này, khoản chi cho giáo dục của mỗi gia đình nghèo hiện đã chiếm hơn 30% thu nhập. Điều này hạn chế các hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ giáo dục chất lượng cao.
Theo người lao động
Đẩy mạnh tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục
Đoàn giám sát của HĐND Thành phố Hà Nội vừa đề nghị Sở GD-ĐT cần giám sát, thực hiện tốt hơn nữa công tác xã hội hóa. Bên cạnh đó sớm đưa ra tiêu chí mô hình trường cung ứng trình độ, dịch vụ chất lượng cao.
Thông tin từ Văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay, đoàn giám sát của HĐND Thành phố (TP) do đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh - UVTƯ Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở GD-ĐT nhằm đánh giá kết quả sau 3 năm thực hiện Nghị quyết của TP về đẩy mạnh xã hội hoá (XHH) giáo dục và y tế của Thành phố giai đoạn 2009-2015. Tại buổi làm việc, các thành viên của Đoàn giám sát và Lãnh đạo Sở đã trao đổi, bàn bạc một số vấn đề về công tác triển khai XXH giáo dục.
Theo đánh giá, công tác triển khai, đẩy mạnh XXH trên địa bàn Hà Nội còn vướng mắc nhiều bất cập như khu vực nội thành có nhu cầu phát triển trường ngoài công lập nhưng khó khăn về quỹ đất, trong khi đó, khu vực ngoại thành có quỹ đất nhưng không có nhiều nhu cầu trường ngoài công lập.
Sự phối hợp giữa các Sở, Ban, Ngành trong việc rà soát xây dựng trường học trong các khu đô thị mới, khu nhà ở đảm bảo phải có đủ trường học công lập và ngoài công lập nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân còn chậm. Việc thực hiện thí điểm và đưa ra các tiêu chí về mô hình trường cung ứng dịch vụ trình độ, chất lượng cao còn chậm do Bộ GD-ĐT chưa chuẩn mô hình này...
Tại buổi làm việc này, bà Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị Sở GD-ĐT cần giám sát, thực hiện tốt hơn nữa công tác XHH giáo dục vì Hà Nội là địa phương có nhiều tiềm năng về nhân lực, nhân tài và có điều kiện tiếp cận với giáo dục quốc tế. Cần sớm tham mưu và trình Thành phố phê duyệt tiêu chí mô hình trường cung ứng trình độ, dịch vụ chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân. Ngoài ra phối hợp với các Sở, Ngành có liên quan rà soát, tiếp tục hoàn thiện, bổ sung và thống nhất các văn bản, cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho các đơn vị, các nhà đầu tư thực hiện tốt hơn công tác XHH.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, sau 3 năm triển khai và thực hiện Nghị quyết của TP về đẩy mạnh XHH giáo dục thì quy mô, mạng lưới, trường lớp của thủ đô tiếp tục phát triển ổn định. Hiện nay toàn TP có 2.434 trường, trong đó có 121 cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài (24 cơ sở có vốn nước ngoài đầu tư, 97 cơ sở giáo dục giảng dạy tăng cường ngoại ngữ theo chương trình của nước ngoài), 371 cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Song song với việc chuyển đổi loại hình trường như chuyển đổi trường mầm non (MN) bán công nông thôn thành trường MN công lập, chuyển đổi trường dân lập sang tư thục. Đã thí điểm triển khai mô hình cung ứng dịch vụ trình độ, chất lượng cao. Đến nay toàn thành phố đã có 12 trường tham gia ở các loại hình trường và các cấp học từ MN đến TCCN...
N.H.
Theo dân trí
Sao để trường xin "tự chết"? Chủ trương xã hội hóa giáo dục đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập trường. Tuy nhiên, nhiều trường đã không thực hiện cam kết khiến điều kiện dạy học không bảo đảm, quyền lợi học sinh bị xâm phạm. Sở GD-ĐT TPHCM vừa ra quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục của Trường THCS - THPT Hiền Vương...