Xã hội hóa để giải bài toán thừa thiếu giáo viên: cần được luật hóa cụ thể
Để giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên, có thể hướng đến giải pháp xã hội hóa. Nhưng xã hội hóa không đồng nghĩa với việc giảm bớt trách nhiệm của nhà trường.
Trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước ngày 24/12, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn có nêu hướng giải quyết bài toán thừa thiếu giáo viên, cụ thể là bên cạnh chỉ tiêu cho phép, địa phương có thể triển khai đa dạng các giải pháp, như giải pháp xã hội hóa đối với các môn như ngoại ngữ, tin học.
Cần có quy định cụ thể trong hệ thống quản lý giáo dục
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Trần Hồng Quân – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói rằng, trong thời đại công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế như hiện nay, tin học và ngoại ngữ là hai môn học có vai trò vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, muốn học sinh được học tập tốt, cần phải đảm bảo đủ số lượng đội ngũ giáo viên.
Giáo sư Trần Hồng Quân – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Ngọc Quang)
Trong trường hợp thiếu giáo viên, nhà trường có thể mời những giáo viên ngoài trường về giảng dạy.
“Có thể mời những nhân sự ngoài trường, ngoài hệ thống giáo dục về giảng dạy tại trường nếu họ đủ năng lực, kiến thức và đáp ứng đủ yêu cầu tuyển dụng. Ví dụ, có người giỏi ngoại ngữ nhưng chưa được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm, nhà trường có thể mời họ về giảng dạy và ký hợp đồng. Trong quá trình đó, trường chủ động bổ sung, bồi dưỡng thêm giúp họ về năng lực, nghiệp vụ sư phạm.
Tuy nhiên, nhà trường cũng có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá năng lực, đạo đức của đội ngũ nhân sự này một cách cẩn trọng để xem xét liệu họ có đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao hay không.
Mặt khác, khi đã mời họ về giảng dạy thì nhà trường cũng phải đảm bảo lương và các chế độ khác khi sử dụng lao động”, Giáo sư Trần Hồng Quân khẳng định.
Quan trọng hơn, để triển khai được giải pháp này cần có quy định rõ ràng, nhất quán trong hệ thống quản lý giáo dục, phải thực sự trao quyền để các cơ sở giáo dục thực hiện.
Video đang HOT
Giáo sư Trần Hồng Quân cho rằng, giải pháp dài hạn cho bài toán thừa thiếu giáo viên cục bộ hiện nay là công tác đào tạo đội ngũ cho ngành giáo dục, đào tạo phải có sự điều tiết theo nhu cầu tuyển dụng. Bên cạnh đó, phải có chính sách để giữ chân những giáo viên giỏi. Bởi lẽ, có nhiều giáo viên được đào tạo sư phạm ngoại ngữ nhưng sau khi ra trường lại làm việc ngoài các cơ sở giáo dục, điều này làm thất thoát nguồn nhân lực, đội ngũ chất lượng đã qua đào tạo bài bản, đúng chuyên môn, nghiệp vụ.
Xã hội hóa giúp giảm tải áp lực về nhân sự, đội ngũ
Bàn về giải pháp xã hội hóa đối với các môn như ngoại ngữ, tin học, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, khi đã đưa các môn tin học, ngoại ngữ vào chương trình giáo dục ở các bậc phổ thông thì nhà trường phải đảm bảo dạy học theo đúng chương trình đã quy định.
Trước thực tế thừa thiếu giáo viên cục bộ như hiện nay, giải pháp mà Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đưa ra có thể giúp các trường giảm bớt áp lực về nhân sự, đội ngũ, đặc biệt đối với hai môn ngoại ngữ, tin học.
Phó Giáo sư Nguyễn Kim Hồng nhận định, giải pháp xã hội hóa có thể giải quyết bài toán thừa thiếu giáo viên hiện nay. (Ảnh: NVCC)
Phó Giáo sư Nguyễn Kim Hồng đưa ra 2 hướng thực hiện xã hội hóa để giải quyết bài toán thừa thiếu giáo viên.
Thứ nhất, nhà trường có thể ký hợp đồng với các cơ sở giáo dục bên ngoài để công nhận kết quả học tập tại các cơ sở đó. Tất nhiên, đây phải là những cơ sở đáng tin cậy, đã qua đánh giá, kiểm định và được công nhận. Điều này đảm bảo học thật, tạo nên giá trị thật, tránh tình trạng chạy điểm, mua bằng bán cấp.
Cụ thể, với những gia đình học sinh có điều kiện và có nhu cầu học tập ngoại ngữ, tin học bên ngoài, các em có thể học tại những cơ sở, trung tâm đã được nhà trường công nhận, các em được miễn tham gia học tập môn học đó trong trường, kết quả học tập của các em cũng được công nhận như khi các em hoàn thành chương trình trong trường.
Muốn thực hiện tốt giải pháp này, cần phải lưu ý hai vấn đề. Đầu tiên là phải quy định rõ từng cấp độ chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục trong nhà trường tương ứng với các bậc trình độ tại các trung tâm bên ngoài.
Ví dụ, tại các trung tâm ngoại ngữ có trình độ tiếng Anh B1 (trình độ tiếng Anh bậc 3 theo khung năng lực Ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam/khung châu Âu), chứng chỉ PET của Cambridge, các mức IELTS, TOEIC,… Với những chứng chỉ này, nhà trường phải quy đổi kết quả tương ứng với các cấp học, bậc học trong trường phổ thông như thế nào?
“Cần có một hội đồng chuyên môn để xem xét và quy đổi các chứng chỉ, mức điểm khi học sinh theo học tại các trung tâm ngoài trường.
Bên cạnh đó, khuyến khích xã hội hóa để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên nhưng phải đảm bảo không tăng thêm gánh nặng cho người dân. Thực hiện xã hội hóa không có nghĩa chuyển trách nhiệm của nhà trường cho xã hội, bởi nhà trường luôn phải có trách nhiệm với công tác giáo dục và đào tạo của mình.
Giải pháp xã hội hóa theo hướng này chỉ áp dụng với những gia đình nào có nguyện vọng, mong muốn học tập ngoài trường, có đủ khả năng chi trả chi phí học tập đó.
Đồng thời, nhà trường cũng cần lưu ý về chi phí mà phụ huynh học sinh phải chi trả cho các trung tâm khi học tập bên ngoài”, thầy Hồng nhận định.
Thứ hai, nhà trường có thể ký hợp đồng với các giáo viên ngoài trường. Kinh phí chi trả cho đối tượng giáo viên này phải nằm trong chương trình của nhà trường. Dù ký hợp đồng với giáo viên bên ngoài, nhà trường vẫn luôn phải thực hiện tốt trách nhiệm trong công tác đào tạo, đảm bảo chất lượng giáo dục.
Cũng theo thầy Hồng, giáo viên khi đã ký hợp đồng làm việc tại trường, cần phải thực hiện đúng chương trình giáo dục trong nhà trường. Việc ký hợp đồng với giáo viên ngoài trường phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật, cần có hành lang pháp lý, cần quy định đầy đủ về học vấn của những người giảng dạy cũng như yêu cầu hành nghề dạy học đối với thầy cô giáo được tuyển dụng theo phương thức này.
Phó Giáo sư Nguyễn Kim Hồng đề xuất thêm một số giải pháp giải quyết bài toán thừa thiếu giáo viên cục bộ. Có thể thực hiện giải pháp sử dụng chung giáo viên cho 1-2 trường trong trường hợp sử dụng biên chế và thiếu giờ dạy cho giáo viên. Ví dụ, nhận 1 giáo viên dạy các môn học chỉ có từ 1 đến 1,5 tiết/tuần, nếu biên chế sẽ thừa, không biên chế sẽ thiếu. Vì vậy, có thể sử dụng giáo viên biên chế trường A sẽ dạy cả cho trường B (trong cùng khu vực/địa phương) nếu giáo viên trường A không có đủ giờ dạy theo quy định của ngành.
Về lâu dài, khi đã có quy định cụ thể đối với các môn học bắt buộc và môn học tự chọn, có thể khuyến khích để học sinh học tập các môn tự chọn ở ngoài trường theo nhu cầu và nguyện vọng người học.
Đó là những hướng tiếp cận để triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm giải quyết bài toán thừa, thiếu giáo viên cục bộ như hiện nay, đặc biệt với hai môn ngoại ngữ và tin học.
Bộ trưởng Giáo dục lý giải nguyên nhân thiếu giáo viên
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng đây thiếu giáo viên là vấn đề lớn. Theo thống kê, cả nước hiện đang thiếu khoảng trên 94.000 giáo viên, trong đó hơn 1/3 là giáo viên mầm non.
Cả nước đang thiếu hơn 30.000 giáo viên mầm non. Ảnh minh họa: Interrnet
Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về lý do dẫn đến thiếu giáo viên mầm non, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đó là do việc phổ cập cho mẫu giáo 5 tuổi và "Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Bộ Nội vụ đã phối hợp rất chặt chẽ để tìm phương án giải quyết".
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ cũng đã trình và đã được phê duyệt tuyển thêm hơn 20.000 giáo viên trong 14 tỉnh, khu vực có nhu cầu cao.
Trong tháng này, hai Bộ đã làm việc và trình các cấp có thẩm quyền cho phép tuyển thêm hơn 27.000 giáo viên nữa để giải quyết một phần tình trạng thiếu giáo viên cho các bậc học, đặc biệt là trong đó một số lượng rất lớn cho giáo dục mầm non.
Giáo viên "ngại" đến vùng sâu, vùng xa
Trước thực tế thiếu giáo viên ngoại ngữ, tin học ở các tỉnh khu vực miền núi, các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lý giải vì thực tế, nhiều tỉnh chưa có chính sách ưu đãi thu hút nên để đáp ứng được nhu cầu giảng dạy hai môn tin học, ngoại ngữ các tỉnh, các khu vực miền núi đang là vấn đề rất khó khăn.
Nhiều tỉnh chưa có chính sách ưu đãi thu hút nên thiếu giáo viên. Ảnh minh họa: baotintuc
Để khắc phục tình trạng này, ngành Giáo dục đang đặt ra một số giải pháp, trong đó tăng các chỉ tiêu đào tạo cho các trường đại học ở các khu vực và cung cấp nhiều cho nguồn nhân lực của các tỉnh khu vực miền núi.
Đối với các tỉnh thì sẽ tăng cường nhiều hơn nữa các biện pháp đào tạo tại chỗ cũng như thu hút nhân lực, nhưng những việc đó còn rất là tính thêm nhiều yếu tố, nhất là "rất nhiều giáo viên dạy môn học này thì cơ hội việc làm ở các vùng miền khác rộng mở, nên cũng có phần ngại đến các tỉnh vùng sâu, vùng xa", Bộ trưởng chia sẻ.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng có một giải pháp phải tính đến là xây dựng các bài giảng E-learning để học sinh vùng miền núi, dù thiếu giáo viên nhưng có thể học các bài giảng được xây dựng học qua Internet, giáo viên chỉ cần chuẩn bị để hướng dẫn, định hướng, kiểm tra, giám sát.
Giai đoạn chuyển đổi số mạng internet cũng là một trong các giải pháp góp phần khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tin học, ngoại ngữ cho các tỉnh miền núi và các tỉnh vùng sâu, vùng xa.
Giải bài toán thừa, thiếu giáo viên Thiếu giáo viên là nguyên nhân dẫn đến quá tải ở nhiều trường học. Nhưng khó khăn này không chỉ riêng ngành Giáo dục có thể giải quyết khi biên chế là câu chuyện liên quan đến nhiều bộ, ngành. Việc thừa, thiếu giáo viên ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Ảnh: Quang Vinh. Mong minh bạch thông tin Thống kê...