Xã hội hóa các môn ngoại ngữ, tin học như gợi ý của Bộ trưởng không hề đơn giản
Việc đào tạo nghiệp vụ sư phạm cũng chỉ là giải pháp tình thế để giải quyết bài toán thiếu giáo viên trước mắt, còn lâu dài cũng không nên áp dụng.
Trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước vào cuối tháng 12/2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng để giải bài toán thừa thiếu giáo viên, bên cạnh chỉ tiêu cho phép thì địa phương triển khai đa dạng các giải pháp, trong đó có thể tính đến giải pháp xã hội hóa đối với các môn như ngoại ngữ, tin học, thông qua việc ký hợp đồng với doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ trong thiết kế bài giảng Elearning, mô hình dạy học trực tuyến,…
Trước gợi ý này của tư lệnh ngành giáo dục, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho hay, từ thực tế tại Hải Dương, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ngành giáo dục đã thực hiện việc ký hợp đồng lao động đối với giáo viên dạy ngoại ngữ và tin học bậc tiểu học.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm nguồn nhân lực đủ điều kiện, trình độ giảng dạy 2 môn này cũng rất hạn chế. Bởi vì, những người có chuyên môn về ngoại ngữ và tin học đều dễ dàng tìm được công việc phù hợp với mức lương cao hơn tại các doanh nghiệp, các khu đô thị lớn và các trường giáo dục tư thục, quốc tế. Điều đó dẫn tới tình trạng mất cân bằng tỷ lệ giáo viên tin học, ngoại ngữ giữa các vùng; đặc biệt tình trạng thiếu giáo viên tin học, ngoại ngữ xảy ra phổ biến tại các vùng nông thôn.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) (ảnh: quochoi.vn)
Chỉ nói riêng ở bậc tiểu học với yêu cầu về trình độ giảng dạy không quá cao mà việc tuyển dụng giáo viên đã khó khăn do thiếu nguồn nhân lực như vậy. Nên đối với những bậc học cao hơn, đồng nghĩa với yêu cầu trình độ giáo viên cao hơn thì việc duy trì, bổ sung giáo viên tin học và ngoại ngữ sẽ càng khó khăn, đặc biệt là khi giáo viên không được tuyển dụng hợp đồng không xác định thời hạn mà chỉ ký hợp đồng lao động.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cũng cho rằng, cần nhìn thẳng vào sự thật là nghề giáo hấp dẫn ở tính chất ổn định, còn thu nhập của nghề giáo thì khó có thể cạnh tranh với các ngành nghề khác. Thậm chí, từ nhiều năm nay giáo viên luôn được xếp vào một trong những ngành nghề có mức thu nhập thấp và cần có thêm các chính sách hỗ trợ, khuyến khích.
Vì vậy, đối với những nhân lực mong muốn một mức thu nhập cao thì nghề giáo viên chắc chắn không phải là lựa chọn. Còn đối với những nhân lực mong muốn có một công việc ổn định thì họ sẽ không lựa chọn nghề giáo viên nếu như không được tuyển dụng vào hợp đồng không xác định thời hạn mà chỉ ký hợp đồng giảng dạy ngắn hạn.
“Có rất nhiều tiêu chí khác nhau để lựa chọn công việc, tuy nhiên, hai tiêu chí tôi cho rằng có rất nhiều người quan tâm và đặt lên hàng đầu khi tìm kiếm việc làm đó là thu nhập và sự ổn định. Vậy khi một giáo viên chỉ được ký hợp đồng, năm học trước dạy trường này đến năm học sau phải lo lắng tìm trường khác để “được dạy”, vì trường cũ đã tuyển dụng được giáo viên hợp đồng không xác định thời hạn, hoặc đơn giản hơn là tìm được giáo viên hợp đồng khác phù hợp hơn; thêm vào đó với thu nhập ở mức thấp thì chắc chắn, nghề giáo không phải là một lựa chọn tốt để họ duy trì và đảm bảo cơ bản cuộc sống.
Tôi đã gặp những giáo viên mầm non nghỉ việc đi làm công nhân. Đến khi có kế hoạch tuyển dụng biên chế họ cũng không muốn quay lại tham gia thi tuyển, xét tuyển nữa vì họ nhận thấy làm công nhân có thu nhập tốt hơn, thậm chí còn ổn định hơn làm giáo viên hợp đồng”, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu thực tế.
Một vấn đề nữa đó là nghề giáo đòi hỏi nhiều kỹ năng và quan trọng nhất là nghiệp vụ sư phạm. Không phải một sinh viên ra trường có trình độ và giỏi ngoại ngữ hay tin học thì có thể ngay lập tức trở thành giáo viên dạy ngoại ngữ, tin học trong hệ thống các trường phổ thông được. Bởi kiến thức về ngoại ngữ và tin học chỉ là điều kiện cần để đáp ứng được một phần yêu cầu của người giáo viên, ngoài ra còn cần những điều kiện đủ khác.
Người dạy phải được trang bị những kỹ năng sư phạm, những kỹ năng mềm. Những kỹ năng sư phạm, nghiệp vụ sư phạm cũng cần thời gian trau dồi, học tập tại hệ thống những trường đại học sư phạm. Hiện nay, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu sinh viên tốt nghiệp một chuyên ngành tương đương muốn trở thành giáo viên, muốn dự tuyển các kỳ thi viên chức ngành giáo dục, phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
Video đang HOT
“Tuy nhiên, việc đào tạo nghiệp vụ sư phạm cũng chỉ là giải pháp tình thế để giải quyết bài toán thiếu giáo viên trước mắt, còn lâu dài cũng không nên áp dụng. Một chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm được học trong vòng khoảng 6 tháng với khoảng 17 tín chỉ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể hoàn toàn thay thế được những kỹ năng sư phạm mà sinh viên các trường đại học sư phạm được đào tạo trong 4 năm học”, bà Nga nhấn mạnh.
Thực hiện xã hội hóa trong giảng dạy các môn tin học, ngoại ngữ cũng là một phương án khắc phục tình trạng thiếu giáo viên 2 bộ môn này hiện nay. Tuy nhiên, với những lý do nêu trên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, kể cả ký hợp đồng trực tiếp với các trường thì nhiều giáo viên vẫn lo lắng về tính chất bấp bênh của công việc. Nếu còn thông qua ký hợp đồng với bên thứ ba, liệu có tạo tâm lý e ngại cho giáo viên, mất đi một trong những sự hấp dẫn, thu hút người làm nghề giáo đó là tính ổn định của nghề.
“Có những giải pháp chúng ta cần áp dụng ngay, để khắc phục những hạn chế trước mắt nhưng để giải quyết tình trạng thiếu nguồn nhân lực ngành giáo dục cần những có những giải pháp căn cơ, lâu bền và hoàn chỉnh”, đại biểu Nga đề xuất.
Đầu tiên vẫn là việc củng cố hệ thống các trường sư phạm, đặc biệt trong giai đoạn chuyển tiếp hiện nay, theo yêu cầu nâng chuẩn giáo viên của Luật Giáo dục 2019, nếu không rà soát, xây dựng quy hoạch bao quát, tính toán phương án cụ thể, toàn diện sẽ gây ảnh hưởng đến hệ thống các trường sư phạm hiện có; thậm chí nhiều trường cao đẳng sư phạm có chất lượng đào tạo tốt sẽ có nguy cơ bị giải thể, xóa sổ; gây lãng phí hệ thống cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên đào tạo sinh viên sư phạm.
Thứ hai, trong quá trình phân bổ chỉ tiêu và tuyển sinh của các trường sư phạm cần có sự tính toán cụ thể, khoa học dựa trên nhu cầu về giáo viên của tất cả các cấp học, các môn học để tránh đào tạo tràn lan, dẫn đến việc rất bị động về nhân lực giáo viên, lúc thì thừa, sinh viên sư phạm ra trường không thể xin được việc, lúc lại thiếu giáo viên trầm trọng.
Thứ ba, cần có chế độ thu hút và đãi ngộ thật xứng đáng đối với sinh viên sư phạm cũng như các chế độ lương, phụ cấp đối với các giáo viên để các giáo viên chuyên tâm với nghề, gắn bó với nghề và loại bỏ định kiến “giáo viên có thu thấp” để tăng tâm lý lựa chọn nghề giáo đối với những nhân lực có khả năng, trình độ. Đặc biệt chú trọng chính sách thu hút giáo viên tại khu vực nông thôn, các vùng kinh tế khó khăn để tránh tình trạng mất cân bằng nguồn nhân lực giữa các địa phương, vùng miền.
Thị trường lao động là một thị trường có sự cạnh tranh không kém các thị trường thương mại hàng hóa. Để có một đội ngũ giáo viên tốt, chất lượng, cần phải có những biện pháp cạnh tranh và thu hút xứng đáng. Nhất là nhân lực về ngoại ngữ và tin học, là những ngành rất được ưa chuộng và có nhu cầu cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số, thì sự cạnh tranh cũng ở mức cao hơn so với những chuyên ngành, bộ môn giảng dạy khác. Đây cũng là một trong những thách thức đối với các nhà quản lý giáo dục hiện nay.
Xã hội hóa để giải bài toán thừa thiếu giáo viên: cần được luật hóa cụ thể
Để giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên, có thể hướng đến giải pháp xã hội hóa. Nhưng xã hội hóa không đồng nghĩa với việc giảm bớt trách nhiệm của nhà trường.
Trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước ngày 24/12, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn có nêu hướng giải quyết bài toán thừa thiếu giáo viên, cụ thể là bên cạnh chỉ tiêu cho phép, địa phương có thể triển khai đa dạng các giải pháp, như giải pháp xã hội hóa đối với các môn như ngoại ngữ, tin học.
Cần có quy định cụ thể trong hệ thống quản lý giáo dục
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Trần Hồng Quân - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói rằng, trong thời đại công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế như hiện nay, tin học và ngoại ngữ là hai môn học có vai trò vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, muốn học sinh được học tập tốt, cần phải đảm bảo đủ số lượng đội ngũ giáo viên.
Giáo sư Trần Hồng Quân - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Ngọc Quang)
Trong trường hợp thiếu giáo viên, nhà trường có thể mời những giáo viên ngoài trường về giảng dạy.
"Có thể mời những nhân sự ngoài trường, ngoài hệ thống giáo dục về giảng dạy tại trường nếu họ đủ năng lực, kiến thức và đáp ứng đủ yêu cầu tuyển dụng. Ví dụ, có người giỏi ngoại ngữ nhưng chưa được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm, nhà trường có thể mời họ về giảng dạy và ký hợp đồng. Trong quá trình đó, trường chủ động bổ sung, bồi dưỡng thêm giúp họ về năng lực, nghiệp vụ sư phạm.
Tuy nhiên, nhà trường cũng có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá năng lực, đạo đức của đội ngũ nhân sự này một cách cẩn trọng để xem xét liệu họ có đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao hay không.
Mặt khác, khi đã mời họ về giảng dạy thì nhà trường cũng phải đảm bảo lương và các chế độ khác khi sử dụng lao động", Giáo sư Trần Hồng Quân khẳng định.
Quan trọng hơn, để triển khai được giải pháp này cần có quy định rõ ràng, nhất quán trong hệ thống quản lý giáo dục, phải thực sự trao quyền để các cơ sở giáo dục thực hiện.
Giáo sư Trần Hồng Quân cho rằng, giải pháp dài hạn cho bài toán thừa thiếu giáo viên cục bộ hiện nay là công tác đào tạo đội ngũ cho ngành giáo dục, đào tạo phải có sự điều tiết theo nhu cầu tuyển dụng. Bên cạnh đó, phải có chính sách để giữ chân những giáo viên giỏi. Bởi lẽ, có nhiều giáo viên được đào tạo sư phạm ngoại ngữ nhưng sau khi ra trường lại làm việc ngoài các cơ sở giáo dục, điều này làm thất thoát nguồn nhân lực, đội ngũ chất lượng đã qua đào tạo bài bản, đúng chuyên môn, nghiệp vụ.
Xã hội hóa giúp giảm tải áp lực về nhân sự, đội ngũ
Bàn về giải pháp xã hội hóa đối với các môn như ngoại ngữ, tin học, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, khi đã đưa các môn tin học, ngoại ngữ vào chương trình giáo dục ở các bậc phổ thông thì nhà trường phải đảm bảo dạy học theo đúng chương trình đã quy định.
Trước thực tế thừa thiếu giáo viên cục bộ như hiện nay, giải pháp mà Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đưa ra có thể giúp các trường giảm bớt áp lực về nhân sự, đội ngũ, đặc biệt đối với hai môn ngoại ngữ, tin học.
Phó Giáo sư Nguyễn Kim Hồng nhận định, giải pháp xã hội hóa có thể giải quyết bài toán thừa thiếu giáo viên hiện nay. (Ảnh: NVCC)
Phó Giáo sư Nguyễn Kim Hồng đưa ra 2 hướng thực hiện xã hội hóa để giải quyết bài toán thừa thiếu giáo viên.
Thứ nhất, nhà trường có thể ký hợp đồng với các cơ sở giáo dục bên ngoài để công nhận kết quả học tập tại các cơ sở đó. Tất nhiên, đây phải là những cơ sở đáng tin cậy, đã qua đánh giá, kiểm định và được công nhận. Điều này đảm bảo học thật, tạo nên giá trị thật, tránh tình trạng chạy điểm, mua bằng bán cấp.
Cụ thể, với những gia đình học sinh có điều kiện và có nhu cầu học tập ngoại ngữ, tin học bên ngoài, các em có thể học tại những cơ sở, trung tâm đã được nhà trường công nhận, các em được miễn tham gia học tập môn học đó trong trường, kết quả học tập của các em cũng được công nhận như khi các em hoàn thành chương trình trong trường.
Muốn thực hiện tốt giải pháp này, cần phải lưu ý hai vấn đề. Đầu tiên là phải quy định rõ từng cấp độ chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục trong nhà trường tương ứng với các bậc trình độ tại các trung tâm bên ngoài.
Ví dụ, tại các trung tâm ngoại ngữ có trình độ tiếng Anh B1 (trình độ tiếng Anh bậc 3 theo khung năng lực Ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam/khung châu Âu), chứng chỉ PET của Cambridge, các mức IELTS, TOEIC,... Với những chứng chỉ này, nhà trường phải quy đổi kết quả tương ứng với các cấp học, bậc học trong trường phổ thông như thế nào?
"Cần có một hội đồng chuyên môn để xem xét và quy đổi các chứng chỉ, mức điểm khi học sinh theo học tại các trung tâm ngoài trường.
Bên cạnh đó, khuyến khích xã hội hóa để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên nhưng phải đảm bảo không tăng thêm gánh nặng cho người dân. Thực hiện xã hội hóa không có nghĩa chuyển trách nhiệm của nhà trường cho xã hội, bởi nhà trường luôn phải có trách nhiệm với công tác giáo dục và đào tạo của mình.
Giải pháp xã hội hóa theo hướng này chỉ áp dụng với những gia đình nào có nguyện vọng, mong muốn học tập ngoài trường, có đủ khả năng chi trả chi phí học tập đó.
Đồng thời, nhà trường cũng cần lưu ý về chi phí mà phụ huynh học sinh phải chi trả cho các trung tâm khi học tập bên ngoài", thầy Hồng nhận định.
Thứ hai, nhà trường có thể ký hợp đồng với các giáo viên ngoài trường. Kinh phí chi trả cho đối tượng giáo viên này phải nằm trong chương trình của nhà trường. Dù ký hợp đồng với giáo viên bên ngoài, nhà trường vẫn luôn phải thực hiện tốt trách nhiệm trong công tác đào tạo, đảm bảo chất lượng giáo dục.
Cũng theo thầy Hồng, giáo viên khi đã ký hợp đồng làm việc tại trường, cần phải thực hiện đúng chương trình giáo dục trong nhà trường. Việc ký hợp đồng với giáo viên ngoài trường phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật, cần có hành lang pháp lý, cần quy định đầy đủ về học vấn của những người giảng dạy cũng như yêu cầu hành nghề dạy học đối với thầy cô giáo được tuyển dụng theo phương thức này.
Phó Giáo sư Nguyễn Kim Hồng đề xuất thêm một số giải pháp giải quyết bài toán thừa thiếu giáo viên cục bộ. Có thể thực hiện giải pháp sử dụng chung giáo viên cho 1-2 trường trong trường hợp sử dụng biên chế và thiếu giờ dạy cho giáo viên. Ví dụ, nhận 1 giáo viên dạy các môn học chỉ có từ 1 đến 1,5 tiết/tuần, nếu biên chế sẽ thừa, không biên chế sẽ thiếu. Vì vậy, có thể sử dụng giáo viên biên chế trường A sẽ dạy cả cho trường B (trong cùng khu vực/địa phương) nếu giáo viên trường A không có đủ giờ dạy theo quy định của ngành.
Về lâu dài, khi đã có quy định cụ thể đối với các môn học bắt buộc và môn học tự chọn, có thể khuyến khích để học sinh học tập các môn tự chọn ở ngoài trường theo nhu cầu và nguyện vọng người học.
Đó là những hướng tiếp cận để triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm giải quyết bài toán thừa, thiếu giáo viên cục bộ như hiện nay, đặc biệt với hai môn ngoại ngữ và tin học.
Giáo viên "gồng gánh" quá nhiều áp lực Nhà giáo bị nhiều áp lực cần được "cởi trói" để không phải quá tải giờ dạy hoặc dạy trái môn do thiếu giáo viên, hay phải minh chứng năng lực giảng dạy của mình không phải bằng chất lượng học sinh mà bằng một loạt hồ sơ sổ sách, chứng chỉ. Cần "cởi trói" ngay yêu cầu bằng cấp, chứng chỉ Nhiều...