WTO: Mỹ không tuân thủ đầy đủ yêu cầu ngừng trợ cấp cho Boeing
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 28/3 khẳng định Mỹ đã phớt lờ phán quyết của tổ chức này liên quan yêu cầu ngừng trợ cấp cho Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing.
Máy bay Boeing 737 Max 8 hạ cánh tại sân bay quốc gia Washington Reagan, Washington D.C., Mỹ, ngày 13/3/2019. (Ảnh: THX/ TTXVN)
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 28/3 khẳng định Mỹ đã phớt lờ phán quyết của tổ chức này liên quan yêu cầu ngừng trợ cấp cho Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing.
Theo một phán quyết được WTO đưa ra hồi tháng 3/2012, Mỹ đã trợ cấp hàng tỷ USD trái phép cho Boeing, đồng thời yêu cầu Mỹ chấm dứt hành động này.
Vài tháng sau đó, EU tiếp tục đệ đơn kiện mới lên WTO, cáo buộc bang Washington không tuân thủ phán quyết nêu trên.
Video đang HOT
Trong một phán quyết ban hành tháng 6/2017, WTO cho biết Mỹ đã thực hiện 28/29 yêu cầu, song cũng giống như cáo buộc của Liên minh châu Âu (EU), WTO cho rằng nền kinh tế đầu tàu thế giới đã không tiến hành các bước đi phù hợp nhằm xóa bỏ các tác động gây hại hoặc ngừng trợ cấp trong vụ việc ở bang Washington.
Trong phán quyết mới nhất ngày 28/3, Cơ quan Phúc thẩm của WTO vẫn giữ phán quyết đưa ra năm 2017, thậm chí còn tố cáo thêm những chương trình trợ cấp khác đối với Boeing, trong đó có xảy ra ở bang Nam Carolina.
Trong một tuyên bố, Ủy viên phụ trách thương mại của EU Cecilia Malmstrom nhấn mạnh phán quyết trên đã xác nhận quan điểm của EU về việc Mỹ tiếp tục hỗ trợ Boeing bất chấp các phán quyết của WTO. Theo bà, phán quyết trên có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi các doanh nghiệp châu Âu phải được cạnh tranh công bằng và bình đẳng.
Trong khi đó, phía Mỹ cho rằng nước này chỉ vi phạm duy nhất chương trình trợ cấp hằng năm trị giá khoảng 100 triệu USD mà bang Washington dành cho Boeing.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer coi phán quyết mới nhất của WTO là chiến thắng cho phía Mỹ do WTO chỉ phát hiện 1 khoản hỗ trợ bất hợp pháp, đồng thời bác bỏ tuyên bố của EU đưa ra trước đó về việc chương trình máy bay thương mại của Boeing nhận được hơn 10 tỷ USD hỗ trợ bất hợp pháp của Mỹ. Ông khẳng định Mỹ không hỗ trợ Boeing dù là rất nhỏ so với khoản hỗ trợ lớn mà EU dành cho Airbus.
Cùng ngày, Boeing đã hoan nghênh việc WTO bác mọi cáo buộc hỗ trợ bất hợp pháp đối với Boeing, ngoại trừ trường hợp xảy ra tại bang Washington, đồng thời cam kết tuân thủ phán quyết trên.
Trong khi đó, Airbus cảnh báo nếu không giải quyết vấn đề này, Mỹ sẽ phải đối mặt với các biện pháp trả đũa lên tới hàng tỷ USD. EU và Mỹ đã vướng vào một cuộc tranh chấp kể từ năm 2004, khi đưa ra các cáo buộc lẫn nhau về việc hỗ trợ trái phép đối với 2 tập đoàn sản xuất máy bay “khổng lồ” của mình, lần lượt là Airbus và Boeing.
WTO phát hiện hai bên đã trợ cấp hàng tỷ USD để giành lợi thế trong việc kinh doanh máy bay toàn cầu, đồng thời yêu cầu EU và Mỹ ngừng hoạt động này nếu không sẽ bị áp đặt các biện pháp trừng phạt./.
Theo Vietnam
EU cảnh báo chính sách của Mỹ đe dọa hệ thống thương mại toàn cầu
Ngày 7/3, Ủy viên phụ trách thương mại của Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstrom cảnh báo những hành động của Mỹ có thể phá vỡ hệ thống thương mại toàn cầu.
Ủy viên phụ trách thương mại của Liên minh châu Âu Cecilia Malmstrom. Ảnh: AFP/TTXVN
Ủy viên Malmstrom kêu gọi Washington hợp tác trong vấn đề cải cách các quy tắc thương mại.
Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh Nhà Trắng liên tục sử dụng chính sách thương mại cứng rắn với cả các đồng minh lẫn đối thủ của Mỹ, trong đó Trung Quốc là mục tiêu chủ yếu vì Washington cho rằng Bắc Kinh áp dụng các quy tắc thương mại không công bằng, như tình trạng ép buộc chuyển giao công nghệ Mỹ, hành động trợ cấp ồ ạt và các ưu đãi dành cho doanh nghiệp nhà nước.
Ủy viên Malmstrom cho rằng dù lo ngại của Mỹ rằng các quy tắc thương mại toàn cầu thiếu chặt chẽ gây trở ngại cho việc xử lý các vấn đề bất công trong thương mại là điều dễ hiểu, nhưng cách xử lý vấn đề và những động thái của Washington tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) lại làm tình hình càng trở nên rắc rối.
Phát biểu tại một Hội nghị về luật thương mại tại Washington, bà Malmstrom đánh giá EU và Mỹ thường thống nhất trong cách nhận định các mối đe dọa đối với thương mại toàn cầu, nhưng hai bên không phải lúc nào cũng đồng ý với nhau về cách giải quyết vấn đề. Bà Malmstrom nhấn mạnh hành động của Mỹ sẽ tạo nguy cơ phá vỡ hoàn toàn hệ thống thương mại quốc tế.
Theo ủy viên EU, Trung Quốc đang tận dụng tốt các quy tắc của WTO, qua đó kêu gọi Mỹ hợp tác để cùng giải quyết vấn đề và đưa ra các giải pháp. Ủy viên EU cũng khẳng định Mỹ và châu Âu là đồng minh. EU cũng đang theo dõi một cách cẩn trọng các quyết định của Nhà Trắng về xe hơi và phụ tùng xe hơi.
Năm 2018, Nhật Bản, EU và Mỹ cùng tuyên bố sẽ nỗ lực cải cách các quy tắc của WTO để ngăn chặn những hoạt động thương mại không công bằng. Washington và Brussels đã dành nhiều tháng để chuẩn bị cho các cuộc các cuộc đàm phán thương mại chính thức, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đạt thỏa thuận hồi tháng 7/2018.
Tuy nhiên, quan hệ thương mại EU- Mỹ lại đang đứng trước nguy cơ căng thẳng sau khi Bộ Thương mại Mỹ đệ trình một báo cáo lên Nhà Trắng vào ngày 20/2 với nội dung cho rằng hoạt động nhập khẩu ô tô có thể làm tổn hại tới an ninh quốc gia, mở đường cho Tổng thống Trump áp thuế nhập khẩu ô tô có thể lên tới 25% như cảnh báo từng đưa ra. Tuy nhiên, hiện Tổng thống Trump vẫn chưa đưa ra quyết định về vấn đề này./.
Theo Kim Chung/TTXVN
Tín hiệu sau đàm phán thương mại Mỹ-Trung ở Bắc Kinh Các thị trường đang theo dõi những dấu hiệu liệu hai siêu cường kinh tế có duy trì việc "tạm đình chỉ" áp các mức thuế cao gây nhiều thiệt hại hay không. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Ảnh: THX/TTXVN Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết Mỹ đã có những cuộc trao đổi "hữu ích" với Trung Quốc...