World Vision hỗ trợ xây dựng môi trường giáo dục an toàn tại 14 tỉnh thành của Việt Nam
Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) và World Vision sẽ hợp tác triển khai một số các nội dung, chương trình, hoạt động tại 14 tỉnh, thành phố của Việt Nam nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, đẩy lùi bạo lực thân thể trẻ em.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cùng Trưởng Đại diện World Vision Việt Nam Trần Thu Huyền ký kết biên bản thoả thuận.
Sáng 17/5, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) cùng Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam (World Vision) đã ký kết thoả thuận hợp tác về việc thực hiện sáng kiến “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học”
Theo đó, Bộ GD&ĐT và World Vision sẽ hợp tác triển khai một số các nội dung, chương trình, hoạt động tại 14 tỉnh, thành phố hiện có dự án của World Vision, gồm: Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Điện Biên, Hưng Yên, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Đắc Nông, TP HCM và Bình Thuận.
Sự hợp tác này tập trung đẩy mạnh giáo dục thay đổi hành vi cho giáo viên và học sinh, hướng đến xây dựng và duy trì một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phi bạo lực.
Các nghiên cứu cho thấy bạo lực thân thể không chỉ để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với các kỹ năng tương tác xã hội của trẻ, mà còn ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của xã hội nói chung.
Trong khuôn khổ của Thoả thuận hợp tác, Bộ GD&ĐT cùng World Vision sẽ cùng nhau đưa vào nhà trường những kiến thức, kỹ năng thực tiễn giúp giáo viên và học sinh ngăn chặn bạo lực đối với trẻ em trong trường học.
Cụ thể, hai bên sẽ biên soạn tài liệu về giáo dục tích cực, giới thiệu phương pháp này cho đội ngũ giáo viên. Đây được đánh giá là cách dạy trẻ hiệu quả, giúp nhận biết và phát huy thái độ, hành vi tích cực mà không cần mắng mỏ hay đòn roi.
Đối với học sinh, giáo dục thay đổi hành vi được chú trọng để các em nhận biết nguy cơ bạo lực, từ đó nâng cao khả năng xử lý tình huống và năng lực tự vệ bản thân. Nội dung này được cụ thể hóa trong các hoạt động như hội thảo, tọa đàm về xây dựng gia đình, giá trị sống, kỹ năng sống; hoạt động huy động sự tham gia, sáng kiến của trẻ để chấm dứt bạo lực; chia sẻ, nhân rộng những mô hình tốt…
Video đang HOT
Trưởng Đại diện World Vision Trần Thu Huyền nhấn mạnh: “Chúng ta không thể phủ nhận vai trò rất quan trọng của trường học trong việc hình thành nhân cách, uốn nắn thái độ và hành vi của trẻ. Vì vậy các chương trình bảo vệ trẻ em do World Vision giúp đỡ tại 14 tỉnh, thành phố trên cả nước luôn hết sức chú trọng vun đắp các giá trị yêu thương trong gia đình, nhà trường và cộng đồng. Chúng tôi tin rằng, chỉ khi được đối xử và nuôi dưỡng bằng tình yêu thương và sự quan tâm, trẻ em mới nhìn nhận thế giời xung quanh một cách tích cực và đối xử đúng mực với mọi người”.
Bà Huyền cho biết, sáng kiến “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học” đã được triển khai ở 97 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu tại buổi lễ.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết bạo lực thân thể không chỉ khiến trẻ đau đớn về thể xác mà còn tổn thương về tinh thần. Trẻ bị bạo lực sẽ bị ảnh hưởng đến nhân cách và hành vi của mình. Rất có thể, trong tương lai những đứa trẻ ấy lại trở thành những người gây ra bạo lực. Trẻ em có thể là nạn nhân và cũng có thể là nguyên nhân của bạo lực.
Thứ trưởng nhấn mạnh: “Chính vì những tác hại ấy, ngành Giáo dục luôn mong muốn phối hợp với các tổ chức, cá nhân chung tay đẩy lùi bạo lực trẻ em”.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định thỏa thuận này là quan trọng để giảm thiểu tác hại của bạo lực, xâm hại trẻ em nói chung và bạo lực học đường nói riêng. “Bạo lực trẻ em là vấn đề toàn cầu. Việc đẩy lùi phải có sự chung tay của gia đình, nhà trường và cả cộng đồng. Tôi hy vọng thỏa thuận sẽ giúp trẻ em Việt Nam được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, từ đó phát triển thể chất và tinh thần”, bà Nghĩa nhấn mạnh.
Theo thoidai.com
Bộ GDĐT lên tiếng về quy định cấm học sinh nói xấu giáo dục trên mạng
Những ngày qua, quy định "không sử dụng mạng xã hội để phát tán, bình luận ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục" tại Thông tư số 06/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã nhận nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.
Cụ thể, Thông tư số 06/2019 có hiệu lực từ ngày 28.5, đưa ra quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục, được thể hiện qua ngôn ngữ, trang phục, hành vi ứng xử của các chủ thể trong các nhà trường.
Trong đó, Điều 4 thông tư có quy định: "Không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách của pháp luật của nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục".
Nhiều người cho rằng việc Bộ GDĐT quy định như trên là xâm phạm quyền bày tỏ quan điểm của mỗi cá nhân. Đây là cách làm "không quản được thì cấm".
Về những ý kiến này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa lên tiếng để làm rõ hơn quy định đang gây tranh cãi.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa.
Bộ GDĐT không cấm phản biện
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, khi xây dựng quy định trong Thông tư 06, Bộ GDĐT đã rất cân nhắc và tham khảo các luật, quy định có liên quan. Đồng thời, tham khảo những đánh giá, khảo sát khách quan về tác động của việc sử dụng mạng xã hội đối với giới trẻ, trong đó có học sinh.
Dẫn lại sự việc một nữ sinh của Nghệ An tung tin xuyên tạc lên mạng về một nữ sinh khác (cùng trường) có bầu, sau đó một nhóm học sinh đến gặp học sinh tung tin để đánh bạn, Thứ trưởng Nghĩa cho rằng, mạng xã hội bên cạnh những ích lợi, thì cũng có không ít thông tin xấu, độc hại, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống của thế hệ trẻ.
Không ít phụ huynh đã bày tỏ sự lo lắng trước việc không thể quản lý con em mình sử dụng mạng xã hội.
Đại diện Bộ GDĐT cho rằng, môi trường giúp học sinh hình thành nhân cách nên luôn cần những ứng xử chuẩn mực, kể cả ứng xử trên môi trường mạng. Vì vậy, bên cạnh việc khuyến khích giáo viên, học sinh sử dụng mạng xã hội để khai thác thông tin tích cực phục vụ cho học tập, giảng dạy, vui chơi, giải trí, thì cũng muốn định hướng để giáo viên, học sinh không sử dụng mạng xã hội vào những việc tiêu cực.
"Quy định tại Điều 4 của Thông tư 06 chính là mang tính định hướng như vậy. Quy định này nhằm hướng cán bộ, giáo viên, học sinh đến việc sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh, trách nhiệm và hiệu quả, chứ không có nghĩa là cấm giáo viên, học sinh góp ý, phản biện, nếu góp ý đó có cơ sở và mang tính chất xây dựng.
Quy định về việc sử dụng tích cực mạng xã hội không phải đến Thông tư 06 của Bộ GDĐT mới có mà trước đó, Đề án văn hóa công vụ cũng đã quy định "Cán bộ, công chức, viên chức không sử dụng mạng xã hội để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều ảnh hưởng đến hoạt động công vụ" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định.
Mỗi trường sẽ có bộ quy tắc ứng xử riêng
Đại diện Bộ GDĐT cũng thông tin thêm, Thông tư 06 chỉ là quy định khung. Từ quy định mang tính chất khung này, các cơ sở giáo dục sẽ cụ thể hóa trong các Bộ Quy tắc ứng xử riêng, phù hợp với yêu cầu và thực tiễn tại cơ sở, phù hợp với văn hóa, vùng miền.
Bộ Quy tắc ứng xử của các trường học phải thể hiện được các giá trị cốt lõi: Nhân ái, tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, trung thực trong mối quan hệ của mỗi thành viên trong cơ sở giáo dục đối với người khác, đối với môi trường xung quanh và đối với chính mình.
Bộ GDĐT cũng lưu ý các trường, khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội dung Bộ Quy tắc ứng xử phải được thảo luận dân chủ, khách quan, công khai và được sự đồng thuận của đa số các thành viên trong cơ sở giáo dục.
Bộ GDĐT sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc quán triệt, triển khai tại các địa phương, cơ sở giáo dục để cùng tháo gỡ khó khăn vướng mắc, trên cơ sở lắng nghe, hướng dẫn kịp thời.
Infographic: Nguyễn Hà-Văn Thắng
ĐẶNG CHUNG
Theo Lao động
Học sinh bị xâm hại tình dục: Tìm lại an toàn học đường như thế nào? Chuyên gia chăm sóc và bảo vệ quyền trẻ em đã đưa ra lý giải nguyên nhân những sự việc dâm ô, xâm hại "nối đuôi" nhau và giải pháp để học sinh được sống an nhiên trong môi trường học đường "mỗi ngày đến trường là một ngày vui". Sự việc học sinh bị xâm hại tình dục, dâm ô thậm chí...