WikiLeaks hé lộ 300.000 email đảng của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ
WikiLeaks công bố gần 300.000 email được cho là thuộc về đảng cầm quyền Công lý và Phát triển của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ảnh: Reuters.
WikiLeaks công bố 294.548 email cùng hàng nghìn tập tin đính kèm từ 762 hộp thư điện tử, bắt đầu từ A đến I, có tên miền akparti.org.tr vào 23h00 ngày 19/7 (giờ Ankara), RT đưa tin.
Tên miền trên thuộc về đảng cầm quyền Công lý và Phát triển (AKP) của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Các email có ghi thời gian từ năm 2010 đến ngày 6/7/2016.
“Cần lưu ý những email chủ yếu được dùng để giải quyết vấn đề thế giới”, WikiLeaks thông báo, cho biết họ nhận chúng một tuần trước khi xảy ra cuộc đảo chính đêm 15/7. “WikiLeaks quyết định thực hiện kế hoạch công bố để đáp trả những đợt thanh trừng hậu đảo chính của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ”.
WikiLeaks tuyên bố đã xác thực nội dung và nguồn gốc email đều không có liên hệ đến các yếu tố đứng sau cuộc đảo chính hay đảng phái chính trị hoặc quốc gia đối lập.
WikiLeaks ngày 18/7 đăng trên Twitter sẽ “hé lộ tài liệu về cấu trúc quyền lực chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ”. Tổ chức này còn tố chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã cố ngăn quá trình công bố các email và kêu gọi người dân ủng hộ họ bằng cách tải về và chia sẻ thông tin.
Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp tục chiến dịch trấn áp quy mô lớn sau cuộc đảo chính bất thành cuối tuần trước. Hàng nghìn người thuộc bộ nội vụ, cơ quan tư pháp, quân sự và dân sự đã bị bắt hoặc sa thải. Tổng thống Erdogan cáo buộc giáo sĩ Fethullah Gulen cùng người ủng hộ ông đứng sau vụ đảo chính. Gulen, hiện ở Mỹ, phủ nhận có liên quan.
Như Tâm
Theo VNE
Video đang HOT
Vì sao Mỹ bất an vì cuộc đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ
Cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể tác động đến quan hệ quân sự giữa hai nước, đồng thời ảnh hưởng đến cuộc chiến chống IS.
Người dân nhảy lên xe tăng ăn mừng sau khi cuộc đảo chính bị dẹp tan. Ảnh: AFP
Sau âm mưu đảo chính bất thành tối 15/7, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã làm chủ tình hình và tái kiểm soát các thành phố lớn từ sáng 16/7. Dù vậy đây vẫn sẽ là một diễn biến khiến giới chức Mỹ lo lắng, theo CNN.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện là một trong số ít nền dân chủ có đa số người Hồi giáo sinh sống, với vị trí địa lý ngay tại giao lộ của phương Tây và Trung Đông. Thổ Nhĩ Kỳ cũng là quốc gia có vai trò thiết yếu với cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria, là chốt chặn dòng người tị nạn Syria, cũng là nơi các chiến binh nước ngoài đi qua để đến Syria đầu quân cho IS.
Cho dù chính quyền Tổng thống Mỹ Obama không muốn thấy Thổ Nhĩ Kỳ bị một chính quyền quân sự kiểm soát, quan hệ của Washington với Tổng thống Erdogan ngày càng lạnh nhạt. Ankara bị cáo buộc đàn áp tự do báo chí và người bất đồng chính kiến, trong khi không ủng hộ nhiệt thành nỗ lực của Mỹ nhằm đánh bại IS cũng như các nhóm Hồi giáo cực đoan khác.
Thêm vào đó, căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có thể gia tăng khi một cuộc chiến về dẫn độ đang lớn dần. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cáo buộc giáo sĩ Fethullah Gulen, người đang sống lưu vong tại bang Pennsylvania, đứng sau vụ đảo chính. Ông Erdogan yêu cầu Mỹ dẫn độ ông Gulen dù giáo sĩ bác bỏ mọi liên quan.
Gián đoạn quan hệ quân sự
Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ năm 1952, sở hữu lực lượng vũ trang lớn thứ hai NATO. Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một trong hai quốc gia thuộc liên minh có dân số đa phần là người Hồi giáo.
Quan hệ quân sự giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ từng rất khăng khít, khi quân Mỹ đồn trú tại một số căn cứ quân sự tại quốc gia này, bao gồm trạm không quân Izmir và căn cứ không quân Incirlik. Tổng hành dinh Bộ Chỉ huy Liên quân trên bộ của NATO do thiếu tướng Mỹ Darryl Williams lãnh đạo cũng được đặt tại Izmir. Tuần trước, tại hội nghị thượng đỉnh ở Warsaw, Ba Lan, NATO tuyên bố sẽ triển khai các may bay trinh sát kiểm soát và cảnh báo sớm trên không (AWACS) tới Thổ Nhĩ Kỳ để giúp tiêu diệt IS.
Dù vậy, cuộc đảo chính bất thành vẫn có thể gây tổn hại tới hợp tác quân sự Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ. Theo nhà nghiên cứu Aaron Stein đến từ Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, vụ việc như vậy "lẽ ra không được xảy ra ở một quốc gia thành viên NATO".
Ngay sau vụ đảo chính bất thành, Mỹ lập tức chịu tác động khi căn cứ không quân Incirlik tại miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi họ sử dụng để không kích IS, buộc phải tạm ngừng hoạt động. Căn cứ này cách biên giới Syria chỉ khoảng 100 km.
Dù căn cứ giờ đã được mở lại, quân đội Mỹ có thể sẽ miễn cưỡng khôi phục hoạt động cho đến khi biết chắc ai đang lãnh đạo lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ. Tướng Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu căn cứ này đã bị bắt.
Trong các cuộc đảo chính trước, các sĩ quan Thổ Nhĩ Kỳ, phần lớn có tư tưởng thân phương Tây và không ràng buộc bởi tôn giáo, tìm cách duy trì quan hệ thân thiết với NATO và Mỹ. Một số sĩ quan tham gia âm mưu đảo chính hôm 15/7 cũng khẳng định họ có ý định duy trì các cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ với NATO, theo thông cáo được đọc trên truyền hình quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ những giờ đầu đảo chính.
Trái lại, Mỹ thường gặp khó khăn với đảng đảng Công lý và phát triển (AKP) thân đạo Hồi của ông Erdogan. Washington cảm nhận rằng Ankara lẽ ra có thể hành động nhiều hơn để trấn áp các nhóm Hồi giáo cực đoan tại Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như chặn các chiến binh nước ngoài tại biên giới, và ưu tiên cao hơn cho cuộc chiến chống IS.
Dù quan hệ quân sự giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã được cải thiện đáng kể trong 6 tháng gần đây, theo chuyên gia Stein, những biến động trong quân đội và khả năng phe thân phương Tây trong quân đội bị giảm ảnh hưởng có thể tác động xấu tới quan hệ hợp tác.
Giảm đóng góp cho cuộc chiến chống IS
Ông Stein cũng chỉ ra rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ suy yếu do chiến dịch thanh trừng hàng ngũ sau cuộc đảo chính, và do đó, không thể hỗ trợ được Mỹ.
Giới chức đã bắt khoảng 7.500 người, trong đó có các chỉ huy đương nhiệm cấp cao như tư lệnh quân đoàn 2 Adem Huduti và tư lệnh quân đoàn 3 Erdal Ozturk, chỉ huy trưởng căn cứ không quân Incirlik, Bekir Ercan Van, và cố vấn quân sự cấp cao cho tổng thống Ali Yazici.
Chiến dịch bắt bớ quy mô lớn như vậy sẽ khiến hoạt động của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ xáo trộn, gieo rắc sự hoài nghi trong hàng ngũ, khiến các binh sĩ mất đi tính gắn kết, yếu tố quyết định cho thắng lợi trên chiến trường.
Khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ mất ổn định, họ sẽ khó có thể cung cấp bất kỳ hỗ trợ nào cho cuộc chiến chống IS do Mỹ dẫn đầu, dù Mỹ liên tục thúc đẩy sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ.
"IS có thể lợi dụng cuộc cải tổ an ninh này và tăng cường thực hiện các cuộc tấn công lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ", theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến tranh ở Washington.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng là khách hàng mua vũ khí lớn của Mỹ, đứng thứ ba trong số các nhà nhập khẩu vũ khí Mỹ năm 2015. Doanh số này có thể sụt giảm khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trải qua những biến động trên diện rộng.
Mỹ còn có thể đối diện những tổn thất khác. Họ đã gây sức ép để Thổ Nhĩ Kỳ chặn làn sóng chiến binh nước ngoài di chuyển từ châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria.
"Người Thổ Nhĩ Kỳ để cho các chiến binh đi qua với ý nghĩ rằng họ sẽ chiến đấu chống lại chính quyền Assad", Bulent Aliriza, giám đốc dự án Thổ Nhĩ Kỳ tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược từng khẳng định trong một cuộc phỏng vấn với CNN hồi tháng 6.
Chuyên gia này tin rằng việc nhiều chiến binh có thể gia nhập IS là "sản phẩm phụ không mong muốn" từ chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ, trong việc ưu tiên tấn công Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Mỹ cũng muốn ông Assad rời ghế nhưng tin rằng cuộc chiến chống các nhóm khủng bố như IS và Al-Nusra phải là ưu tiên hàng đầu. Và nay, khi Thổ Nhĩ Kỳ bị phân tâm vì những rối loạn nội bộ, họ sẽ càng ít có xu hướng cũng như năng lực để đẩy mạnh việc kiểm soát dòng chiến binh nước ngoài.
Ảnh hưởng đến đồng minh khác của Mỹ
Nỗ lực đảo chính tại một nước đồng minh lớn của NATO diễn ra vào thời điểm các nước khác trên khắp Trung Đông đang trong tình trạng hỗn loạn, tạo ra nơi trú ẩn an toàn cho các nhóm khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, khiến khu vực ngày càng mất ổn định.
Thổ Nhĩ Kỳ vốn là nước tương đối ổn định tại khu vực này. Nhưng sau khi cuộc đảo chính xảy ra, có khả năng nổ ra xung đột vũ trang giữa các nhóm chính trị hoặc đấu đá nội bộ tại đây.
Khoảng ba triệu người Syria đã chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ để thoát khỏi cuộc nội chiến. Thổ Nhĩ Kỳ ký một thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) trong nỗ lực kiểm soát số lượng người tị nạn đến châu Âu, đổi lại, EU cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ hàng tỷ USD viện trợ.
Nhưng nếu Thổ Nhĩ Kỳ cũng lâm vào bất ổn, nhiều người tị nạn Syria có thể sẽ tiếp tục đổ đến châu Âu, làm phức tạp thêm tình hình đối với các đồng minh lớn khác của Mỹ tại châu lục này.
"Mọi người luôn cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều vấn đề nhưng nhìn chung là nước ổn định", ông Stein nói, tuy nhiên, sự ổn định này đang có nguy cơ bị phá vỡ.
Hoàng Nguyên
Theo VNE
Thổ Nhĩ Kỳ bác tin 14 tàu chiến mất tích sau đảo chính Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ phủ nhận thông tin có 14 tàu chiến nước này mất tích sau cuộc đảo chính cuối tuần trước. Một tàu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters. 14 tàu chiến mất tích khi đang hoạt động trên biển Aegean hoặc Biển Đen. Chúng không liên lạc với trụ sở hải quân hay báo cáo về cảng,...