WHO phát cảnh báo về bệnh đậu mùa khỉ tại châu Âu
Ngày 30/7, Văn phòng châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo số ca tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ sẽ gia tăng sau khi ghi nhận những ca tử vong đầu tiên bên ngoài châu Phi, nhưng cho rằng những biến chứng nguy hiểm vẫn rất hiếm.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ cho người dân tại Paris, Pháp ngày 27/7/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Bà Catherine Smallwood, một quan chức cấp cao của WHO khu vực châu Âu, nhận định khi mà bệnh đậu mùa khỉ ngày càng lây lan ở châu Âu thì số ca tử vong vì bệnh này sẽ gia tăng. Theo bà Smallwood, mục tiêu hiện nay là cần ngăn chặn đà lây lan nhanh chóng ở châu Âu và chấm dứt đợt bùng phát hiện nay. Bà Smallwood nhấn mạnh báo cáo về những ca tử vong đầu tiên vì bệnh đậu mùa khỉ ở bên ngoài châu Phi sẽ không làm thay đổi đánh giá của WHO khu vực châu Âu về đợt bùng phát hiện nay ở châu lục này.
Bà cho biết thêm hầu hết các ca bệnh hiện nay đều tự khỏi mà không cần điều trị, tuy nhiên, bệnh này vẫn có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Theo bà, những triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân đậu mùa khỉ mà cần nhập viện là khi họ cần kiểm soát cơn đau, nhiễm trùng thứ phát và trong một số ít trường hợp cần kiểm soát các biến chứng đe dọa tính mạng như viêm não.
Theo WHO, kể từ đầu tháng 5 đến nay, thế giới đã ghi nhận hơn 18.000 ca bệnh đậu mùa khỉ ở bên ngoài châu Phi, trong đó phần lớn là ở châu Âu. Mới đây nhất, ngày 29/7, Tây Ban Nha và Brazil là những quốc gia đầu tiên bên ngoài châu Phi ghi nhận những ca tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ. Ngày 30/7, Tây Ban Nha tiếp tục ghi nhận ca tử vong thứ 2 vì bệnh này. Nhà chức trách Tây Ban Nha không nêu nguyên nhân cụ thể của các ca tử vong này trong khi chờ kết quả khám nghiệm tử thi, nhưng giới chức Brazil cho biết ca tử vong ở nước này có các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
Dấu hiệu đầu tiên của bệnh đậu mùa khỉ là sốt cao, xuất hiện các nốt phồng rộp trên da. Ngày 23/7 vừa qua, WHO đã tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Bệnh này thường tự khỏi sau 2-3 tuần, đôi khi kéo dài 1 tháng. Vaccine đậu mùa của hãng Bavarian Nordic ở Đan Mạch, với tên thương mại là Jynneos tại Mỹ và Imvanex tại châu Âu, có thể phòng đậu mùa khỉ.
Philippines ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ
Bộ Y tế Philippines cho biết đã phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm virus gây bệnh đậu mùa khỉ trong nước.
Các ban đỏ nổi trên tay một bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: Shutterstock/TTXVN
Trường hợp nhiễm bệnh trên là một công dân từ nước ngoài trở về nước đầu tháng này. Theo bộ trên, bệnh nhân này hiện đã được cách ly.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo ghi nhận trên 18.000 ca bệnh đậu mùa khỉ trên toàn thế giới tại 78 quốc gia, trong đó phần lớn là ở châu Âu. Số ca nhiễm trên thế giới đã tăng 77% từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, trong đó có nhiều trường hợp là bệnh nhi. Con số lây nhiễm thực tế có thể còn cao hơn do nhiều nước hạn chế về năng lực xét nghiệm đậu mùa khỉ. Ngày 23/7, WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ.
Các triệu chứng xuất hiện đầu tiên khi một người mắc bệnh đậu mùa khỉ bao gồm: sốt (thường là triệu chứng bệnh đầu tiên), đau đầu dữ dội, đau mỏi lưng và các cơ, ớn lạnh, mệt mỏi uể oải, nổi hạch. Sau khi có biểu hiện sốt, người bị bệnh đậu mùa khỉ có thể bị phát ban từ 1 - 3 ngày.
WHO công bố báo cáo nhanh đầu tiên về bệnh đậu mùa khỉ Ngày 7/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố bản báo cáo đầu tiên về tình hình lây lan bệnh đậu mùa khỉ, trong đó nêu chi tiết về các đặc điểm điển hình của những người nhiễm virus này. Bàn tay của bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN Theo báo cáo, sự gia tăng số...