WHO: Mỹ không đưa bằng chứng nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm
WHO nói Mỹ không cung cấp bằng chứng ủng hộ tuyên bố “mang tính suy đoán” của Trump rằng nCoV có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm Trung Quốc.
“Chúng tôi không nhận được bất kỳ dữ liệu hay bằng chứng cụ thể nào từ chính phủ Mỹ liên quan đến nguồn gốc của nCoV. Bởi vậy, theo quan điểm của chúng tôi, điều này vẫn chỉ là suy đoán”, Michael Ryan, giám đốc khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ, hôm 4/5.
Phần lớn các nhà khoa học cho rằng nCoV đã lây từ động vật, có thể là dơi, sang người sau khi xuất hiện tại một chợ bán đồ tươi sống ở Vũ Hán cuối năm ngoái. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục chỉ trích cách Trung Quốc xử lý dịch bệnh ở giai đoạn đầu, tuyên bố có bằng chứng virus lọt ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 3/5 cũng tuyên bố có “bằng chứng to lớn” rằng nCoV xuất phát từ phòng thí nghiệm. Trump được cho là đã giao nhiệm vụ cho các điệp viên Mỹ tìm hiểu về nguồn gốc của nCoV.
Giám đốc khẩn cấp Ryan tại cuộc họp báo về Covid-19 ở Geneva, Thụy Sĩ, hồi tháng 3. Ảnh: AFP.
Video đang HOT
“Giống như bất kỳ tổ chức căn cứ trên bằng chứng nào, chúng tôi rất sẵn lòng nhận thông tin liên quan đến nguồn gốc virus”, giám đốc Ryan cho hay, nhấn mạnh rằng đây là “thông tin y tế công cộng rất quan trọng để kiểm soát trong tương lai”.
“Nếu đã có dữ liệu và bằng chứng, chính phủ Mỹ có quyền quyết định liệu nó có thể được chia sẻ hay không, nhưng rất khó để WHO hoạt động trong môi trường thông tin như vậy”, ông nói thêm.
Chuyên gia WHO Maria Van Kerkhove nhấn mạnh có khoảng 15.000 chuỗi gene đầy đủ của nCoV, và tất cả các bằng chứng cho thấy virus này “có nguồn gốc tự nhiên”. Cả Van Kerkhove và Ryan đều nhấn mạnh tầm quan trọng của tìm ra cách thức virus lây sang người, cũng như động vật nào đóng vai trò vật chủ trung gian.
Viện virus học Vũ Hán, nơi có phòng thí nghiệm bị nghi để lọt nCoV ra ngoài, bác giả thuyết virus xuất phát từ cơ sở của họ. Trung Quốc cũng nhiều lần khẳng định giả thuyết virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm là “phi thực tế và vô căn cứ”.
Covid-19 đã xuất hiện tại 212 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn 3,6 triệu người nhiễm bệnh và gần 252.000 người tử vong. Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 1,2 triệu ca nhiễm và gần 70.000 ca tử vong.
WHO: Thế giới đang trong 'cuộc chiến sống còn'
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng dù nhiều nước đã kiểm soát thành công dịch bệnh, Covid-19 vẫn là mối nguy hại nếu chưa có vaccine an toàn và hiệu quả.
Tuyên bố được Mike Ryan, giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO đưa ra hôm 3/5, trong cuộc họp tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ.
"Như vậy là vẫn có hy vọng. Trên cấp độ toàn cầu, dịch bệnh vẫn còn rất nghiêm trọng. Song tình hình ở các nước khá khác nhau. Điều mà chúng ta biết là căn bệnh có thể được khống chế. Khả năng lấy lại nền kinh tế và cuộc sống bình thường, với sự cẩn trọng và cảnh giác, là khả thi", ông nói.
Số ca nhiễm ở một số quốc gia châu Phi, Trung và Nam Mỹ vẫn gia tăng. Dù tình hình chưa trở nên nghiêm trọng, công tác xét nghiệm chẩn đoán là một vấn đề đối với chính phủ.
"Chúng ta đang ở giữa cuộc chiến sống còn. Những rủi ro đáng kể và lâu dài vẫn tồn tại cho đến khi điều chế được loại vaccine an toàn và hiệu quả", Ryan phát biểu.
Mike Ryan, giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO trong cuộc họp báo tại Geneva, Thụy Sĩ, hôm 6/2. Ảnh: Reuters
Ông cũng nhận định tình hình tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, New Zealand và một số quốc gia khác đã đạt được sự ổn định. Dịch bệnh vẫn lây lan dữ dội ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Sau nhiều tháng, Italy và Tây Ban Nha đã nới lỏng lệnh phong tỏa. Israel cũng mở lại một số trường học. Hàn Quốc cho biết sẽ giảm hạn chế xã hội kể từ ngày 6/5, cho phép các doanh nghiệp hoạt động.
WHO cho rằng nCoV không phải loại virus có thể bị tiêu diệt hoàn toàn. Tuy nhiên các nước có khả năng kiểm soát căn bệnh, đủ để mở cửa lại nền kinh tế, đưa xã hội trở về quỹ đạo vốn có.
Song ông Ryan cũng nhấn mạnh các chính phủ cần "hết sức thận trọng" khi nới lỏng lệnh hạn chế, ngăn ngừa nguy cơ Covid-19 quay trở lại.
Đến sáng 4/5, thế giới ghi nhận hơn 3,5 triệu ca nhiễm nCoV và hơn 248.000 trường hợp tử vong. Dịch bệnh lây lan đến hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ kể từ khi khởi phát ở Vũ Hán, Trung Quốc, hồi cuối tháng 12.
Ngoài Covid-19, thế giới cần cảnh giác các dịch bệnh nguy hiểm khác Với dự đoán Covid-19 sẽ là cuộc chiến dài hơi, giới chuyên gia y tế cảnh báo, không nên lơ là và chủ quan trước nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác. Những tháng đầu năm 2020, thế giới gần như tê liệt trước một đại dịch được đánh giá là "chưa từng có". Với dự đoán Covid-19 sẽ là một cuộc chiến dài...