‘Giấy chứng nhận miễn dịch’ không đáng tin
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo các quốc gia không nên cấp “ giấy chứng nhận miễn dịch” cho người từng nhiễm nCoV.
Đại diện WHO cho biết: “Hiện tại chưa có đủ bằng chứng về miễn dịch dựa trên kháng thể, không đảm bảo được tính chính xác của ‘giấy chứng nhận miễn dịch’”.
Trước đây, tiến sĩ Maria Van Kerkhove, chuyên gia WHO cũng cho rằng chưa chắc những người từng mắc Covid-19, đã hồi phục, hoàn toàn miễn dịch với căn bệnh. Thông báo mới của tổ chức một lần nữa nhấn mạnh quan điểm này.
Trong cuộc họp hôm 24/4, Hiệp hội Các bệnh Truyền nhiễm Mỹ (IDSA) cũng cảnh báo chưa đủ cơ sở cho thấy xét nghiệm miễn dịch có thể khẳng định khả năng chống lại Covid-19 ở người.
Tiến sĩ Mary Hayden, đại diện của IDSA, Trưởng khoa Các bệnh Truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Rush, cho hay: “Chúng ta chưa biết liệu những người bệnh mang kháng thể có thể tái nhiễm Covid-19 hay không. Tại thời điểm này, tôi nghĩ rằng vẫn nên đưa họ vào diện có nguy cơ tái nhiễm”.
Hiệp hội cũng khuyến cáo những người có kháng thể với Covid-19 không nên thay đổi hành vi sinh hoạt của bản thân, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội. Việc hiểu sai về tác dụng của kháng thể có thể khiến bản thân cũng như xã hội gặp nguy hiểm, theo tiến sĩ Hayden.
Video đang HOT
Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, chuyên gia dịch tễ của WHO. Ảnh: Reuters
Trung Quốc, Hàn Quốc, cả Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp dương tính trở lại. Ông Jeong Eun-kyeong, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), cho rằng virus tái hoạt động trong cơ thể bệnh nhân chứ không phải bị nhiễm từ người khác. Nguyên nhân khác có thể là độ nhạy của xét nghiệm. Nhiều nhà khoa học lại nhận định trong cơ thể bệnh nhân vẫn còn sót lại tàn dư của virus, song chúng không gây nguy hiểm cho cơ thể hoặc lây nhiễm sang người khác.
Chính điều này làm các chuyên gia lo ngại “giấy chứng nhận miễn dịch” có thể dẫn tới các vấn đề về kinh tế và xã hội, thậm chí làm tăng nguy cơ lây nhiễm khi có những người cố tình mắc bệnh để hồi phục, được cấp giấy và đi làm trở lại.
Trung Quốc hiện là nước duy nhất thực hiện rộng rãi chính sách “giấy chứng nhận miễn dịch”. Những quốc gia khác vẫn đang lo lắng về độ tin cậy và tính khả thi của kế hoạch nếu chỉ một phần nhỏ dân số từng nhiễm virus.
Trong vòng 4 tháng sau khi dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán, virus đã giết chết hơn 200.000 người và lây nhiễm cho gần 3 triệu người. Tuy vậy, chưa quốc gia nào có “miễn dịch cộng đồng”, vốn từng là chính sách đối phó của Anh.
Thục Linh
Nguy cơ tái bùng phát nCoV vì nới hạn chế sớm
Chuyên gia dịch tễ Hong Kong cảnh báo nguy cơ các quốc gia hứng đợt bùng phát thứ hai nếu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nCoV quá sớm.
"Tôi nghĩ rằng rất khó để đưa ra các mốc thời gian. Không một nước nào muốn mở cửa quá sớm rồi trở thành nơi đầu tiên hứng đợt bùng phát thứ hai", giáo sư tại Trường Y tế Công cộng của Đại học Hong Kong Ben Cowling nói trong chương trình của CNBC hôm 13/4.
Nhiều quốc gia đang đối mặt với tình trạng tăng số ca nhập khẩu trong lúc đang cân nhắc nới lỏng các biện pháp hạn chế, vốn đang giáng đòn mạnh vào nền kinh tế trừ lĩnh vực thiết yếu. Số ca nhiễm tại Trung Quốc và Singapore có chiều hướng giảm, song hai nước này phát hiện nhiều ca ngoại nhập trong những ngày gần đây.
"Tôi nghĩ điều này rất khó bởi chúng ta hiểu rằng ngay cả những nước vượt qua đợt (bùng phát) đầu tiên, họ sẽ gặp thách thức từ những nước chưa hết đợt thứ nhất hoặc đang trải qua đợt thứ hai. Tại Trung Quốc, đợt bùng phát thứ hai có thể đang diễn ra", Cowling nói.
Cảnh sát vùng Catalonia (Mossos d'Esquadra) kiểm tra người lao động tới ga Sants ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 14/4. Ảnh: AFP.
Chuyên gia dịch tễ nhận định tình hình Covid-19 tại Hong Kong, Singapore và nhiều nơi khác ở châu Á cho thấy "các ca nhập khẩu" gây ra vấn đề lớn cho nỗ lực kiểm soát đại dịch ở địa phương. "Xét nghiệm là rất quan trọng, nhưng vẫn cần duy trì cách biệt cộng đồng. Do đó thậm chí đến tháng 6 hoặc tháng 7 vẫn chưa thể mở cửa (nền kinh tế) hoàn toàn", Cowling cảnh báo.
Singapore từng được ca ngợi nhờ ứng phó sớm từ tháng 1 giúp giảm tốc độ lây nhiễm. Tuy nhiên, số ca nhiễm và cụm dịch tại Singapore tăng đột biến gần đây.
Giới chức Singapore chọn xét nghiệm và truy vết để đối phó với đại dịch, phương pháp này hoạt động tốt "trước khi các ca nhập khẩu gây ra rắc rối", Cowling cho biết.
"Xét nghiệm và truy vết sẽ hiệu quả trong một thời gian, nhưng sau đó sẽ bị áp đảo bởi các ca nhập khẩu hoặc một đợt bùng phát. Khi phương pháp này bị áp đảo, rất khó để lấy lại những gì ta thấy ở Singapore. Đó là lý do việc giữ các con số thấp là thách thức", Cowling nói.
Chuyên gia dịch tễ học cảnh báo số ca nhiễm quá lớn không chỉ áp đảo biện pháp xét nghiệm và truy vết mà còn thách thức hiệu quả của các biện pháp cách biệt cộng đồng. Cowling cho biết bài học rút ra từ tình hình ở Singapore là xét nghiệm và truy vết các ca nhiễm vẫn quan trọng, song cần duy trì "cách biệt cộng đồng ở một số cấp độ để tiếp tục chiến lược thoát dịch".
Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc vào tháng 12/2019, xuất hiện tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với gần 2 triệu người nhiễm nCoV, hơn 126.000 người chết và hơn 478.000 người đã hồi phục.
Nguyễn Tiến
"Bệnh nhân mắc Covid-19 có kết quả âm tính trở lại là bình thường" Theo chuyên gia dịch tễ, việc BN 50 ở Quảng Ninh dương tính trở lại với SARS-CoV-2 là bình thường. Đây là ca bệnh vẫn đang trong quá trình điều trị. Thông tin từ Sở Y tế Quảng Ninh về việc một bệnh nhân mắc Covid-19 đang được điều trị tại bệnh viện trên địa bàn tỉnh lại có kết quả dương tính...