WHO kêu gọi châu Âu có chiến lược khẩn cấp đối phó dịch bệnh
Mới đây, Văn phòng khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi khu vực này đưa ra những chiến lược và công cụ khẩn cấp để kiểm soát và đẩy lùi các dịch bệnh như COVID-19, đậu mùa khỉ và bại liệt.
Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Aachen, miền Tây Đức ngày 10/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Trả lời họp báo ngày 30/8, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO – Hans Kluge đã đưa ra đánh giá về từng loại dịch bệnh đang hoành hành tại châu Âu cũng như trên toàn cầu.
Đối với COVID-19, trong khi mùa Thu – Đông đang đến gần, WHO dự đoán số ca bệnh sẽ gia tăng ở châu Âu, trong khi dịch cúm mùa có thể bùng phát hoặc không. Theo ông Kluge, chiến lược đối phó với COVID-19 mùa Thu – Đông mới đây của châu Âu đã đề ra những biện pháp các quốc gia cần thực hiện kiểm soát cả dịch bệnh do SARS-CoV-2 và các virus đường hô hấp khác. Ông cũng kêu gọi các quốc gia sử dụng vaccine cúm cùng với vaccine COVID-19 nếu có thể. Theo số liệu của WHO, chỉ trong tuần trước, châu Âu đã có 3.000 người tử vong do COVID-19 và chiếm khoảng 1/3 số ca tử vong toàn cầu.
Trong khi đó, châu Âu hiện cũng đã ghi nhận 22.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở 43 quốc gia, chiếm 1/3 tổng số ca toàn cầu. Tuy nhiên, Giám đốc Văn phòng WHO tin rằng châu Âu có thể chặn đứng chuỗi lây nhiễm bệnh đậu mùa ở khỉ từ người sang người “nếu quyết tâm và dành các nguồn lực cần thiết cho mục tiêu đó”. Theo ông, các ổ bùng phát ở Pháp, Đức, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh và các quốc gia khác có thể đang chậm lại nhưng châu Âu phải khẩn trương đẩy mạnh nỗ lực chống dịch.
Tuần này, WHO đã công bố 2 bản tóm lược chính sách toàn diện về bệnh đậu mùa khỉ. Trong đó, 1 bản phác thảo các mục tiêu chính sách và các bước cần thiết để kiểm soát và loại bỏ dịch bệnh, còn 1 bản tập trung vào việc sử dụng vaccine phòng bệnh. Theo ông Kluge, 2 bản tóm lược đã cung cấp một thông điệp rõ ràng về mục tiêu của WHO gồm trước tiên là kiểm soát rồi khống chế và tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng lây nhiễm bệnh tại châu Âu.
Đối với bệnh bại liệt, mặc dù châu Âu đã kỷ niệm 20 năm xóa bỏ căn bệnh này nhưng quan chức của WHO vẫn nhắc lại rằng những tiến bộ quan trọng đạt được rất mong manh. Trong những năm gần đây, virus bại liệt có nguồn gốc từ vaccine đã được phát hiện ở Israel, Tajikistan, Ukraine và Vương quốc Anh. Ông Kluge cho rằng: “Đây là một lời cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta. Đó là trách nhiệm chung của chúng ta trong việc xóa sổ bệnh bại liệt trên toàn cầu.”
Vị quan chức này cho biết thêm, bại liệt, đậu mùa khỉ và COVID-19 đã chứng minh rằng mối đe dọa từ dịch bệnh địa phương có thể nhanh chóng lan ra toàn cầu và đây là bài học cần ghi nhớ trong thế giới ngày nay.
Nhật Bản áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm tại 13 địa phương
Ngày 19/1, Hội đồng chuyên gia phòng chống dịch bệnh đã phê duyệt chủ trương của Chính phủ Nhật Bản áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm đối với thủ đô Tokyo và 12 tỉnh thành khác tại Nhật Bản.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 8/1/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, các địa phương sẽ được áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm gồm: Thủ đô Tokyo, Saitama, Chiba, Kanagawa, Aichi, Gifu, Mie, Gunma, Niigata, Kagawa, Nagasaki, Kumamoto và Miyazaki. Thời gian áp dụng từ ngày 21/1-13/2. Như vậy, sẽ có tổng số 16 tỉnh, thành phố tại Nhật Bản áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm khi trước đó ba tỉnh là Hiroshima, Yamaguchi và Okinawa đã được áp dụng biện pháp này.
Biện pháp phòng dịch trọng điểm được Chính phủ Nhật Bản ban hành dựa trên luật các biện pháp đặc biệt phòng chống các chủng cúm mới. Trong lần áp dụng này, Chính phủ Nhật Bản sẽ giao cho các chính quyền các địa phương căn cứ tình hình thực tế để áp dụng các biện pháp cụ thể về ra lệnh hoặc yêu cầu các cửa hàng kinh doanh rút ngắn thời gian hoạt động, áp dụng các biện pháp hỗ trợ kinh phí cần thiết, đồng thời đưa ra mức phạt tối đa 200.000 yen đối với các trường hợp vi phạm quy định. Dự kiến, quyết định chính thức sẽ được Chính phủ Nhật Bản công bố tại cuộc họp của Ủy ban phòng chống dịch bệnh diễn ra vào chiều 19/1.
Quyết định áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm tại 13 địa phương của chính phủ Nhật Bản được đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 tại Nhật Bản diễn biến phức tạp trong những ngày gần đây. Số ca mắc COVID-19 tại Nhật Bản ghi nhận trong ngày 18/1 là 32.197 người, mức cao kỷ lục kể từ khi dịch bệnh diễn ra. Theo Giáo sư Koji Wada thuộc Đại học Y tế và Phúc lợi quốc tế, đồng thời là thành viên của nhóm chuyên gia phòng chống dịch bệnh thuộc Bộ Y tế, Lao động và phúc lợi xã hội Nhật Bản, số ca mắc COVID-19 tại Nhật Bản sẽ còn gia tăng trong thời gian tới. Mặc dù biến chủng Omicron đang lây lan tại Nhật Bản được cho là ít có nguy cơ gây biến chứng nặng, song việc gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm có thể gây ảnh hưởng lớn đến hệ thống y tế, giao thông và lưu thông hàng hóa tại Nhật Bản.
Dịch bệnh và lạm phát đe dọa kinh tế toàn cầu năm 2022 Phóng viên TTXVN tại Hong Kong (Trung Quốc) dẫn báo "Hong Kong Economic Herald" nhận định năm 2022 sẽ lại là năm đầy thách thức đối với các nền kinh tế trên thế giới. Mức độ nghiêm trọng của tình hình không hề thua kém 2 năm trước đó. Rủi ro và nguy cơ mà nền kinh tế toàn cầu đối diện sẽ...