WHO: 25 triệu trẻ em chưa tiêm đủ các vắc xin phòng bệnh trong năm 2021
WHO và UNICEF cảnh báo về số lượng trẻ em được tiêm các vắc xin thiết yếu giảm đáng báo động.
Một y tá đang tiêm vắc xin định kỳ cho trẻ em tại một Trung tâm y tế địa phương ở Manila, Philippines – Ảnh: REUTERS
Hãng tin CNN ngày 15-7 cho biết tỉ lệ bao phủ vắc xin vẫn đang có xu hướng giảm trên phạm vi toàn thế giới trong năm 2021 và số lượng trẻ em chưa hoàn thành tiêm chủng các loại vắc xin thiết yếu cao nhất trong 30 năm qua.
Theo những dữ liệu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) công bố hôm 14-7, trên thế giới hiện có đến 25 triệu trẻ em chưa tiêm đủ các liều vắc xin phòng ngừa bệnh.
Từ năm 2019-2021, tỉ lệ trẻ em tiêm đầy đủ 3 mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà (DTP3) đã giảm đến 5 lần, tỉ lệ bao phủ vắc xin này giảm xuống còn 81%.
“Tổng cộng có đến 25 triệu trẻ em vẫn chưa hoàn thành tiêm chủng đầy đủ, nhiều hơn 2 triệu trẻ so với năm 2020 và nhiều hơn 6 triệu trẻ so với số liệu của năm 2019″, báo cáo cho biết.
Điều này cho thấy số lượng trẻ em có nguy cơ bị mắc các bệnh đã có vắc xin phòng ngừa sẽ có khả năng tăng dần trong tương lai. Đặc biệt trong số này có đến 18 triệu trẻ chưa được tiêm bất kỳ liều vắc xin nào, đa phần các trẻ sống ở những quốc gia có thu nhập trung bình thấp.
Video đang HOT
Số trẻ tiêm vắc xin HPV cũng giảm 25% so với năm 2019, trong khi số trẻ tiêm mũi 1 vắc xin ngừa sởi giảm đến 81% trong năm 2021. WHO cảnh báo đây là mức thấp nhất kể từ năm 2008.
Tất cả các khu vực đều giảm tỉ lệ bao phủ vắc xin, trong đó tỉ lệ bao phủ vắc xin DTP3 giảm mạnh nhất ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
Có nhiều lý do khiến tỉ lệ bao phủ vắc xin thiết yếu ở trẻ em bị giảm, như trẻ sống trong các khu vực đang xảy ra xung đột hoặc ở những nơi có điều kiện khó khăn, cơ hội tiếp cận thông tin về vắc xin chưa cao và các vấn đề liên quan đến COVID-19.
Bà Catherine Russell, Giám đốc điều hành UNICEF – cho biết: “Năm ngoái chúng ta đều đoán trước về tình trạng gián đoạn trong công tác tiêm chủng cho trẻ em do ảnh hưởng của COVID-19, thế nhưng tình trạng này tiếp tục kéo dài liên tục cho đến nay”.
Theo bà, COVID-19 không phải là một lý do hợp lý để biện minh cho sự sụt giảm này. “Chúng ta cần phải tiêm chủng đầy đủ cho hàng triệu trẻ em hoặc cả nhân loại sẽ phải chứng kiến nhiều đợt bùng phát các loại dịch bệnh khác nhau ở trẻ nhỏ, tất cả sẽ chỉ khiến áp lực lên hệ thống y tế vốn đã căng thẳng nay sẽ càng căng thẳng hơn”, bà Catherine nhấn mạnh.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: “Việc lập kế hoạch ngăn ngừa và điều trị COVID-19 vẫn nên đi đôi với việc tiêm chủng các bệnh nguy hiểm khác như sởi, viêm phổi và tiêu chảy”.
Các thành viên của Chương trình Tiêm chủng toàn cầu 2030 cho rằng để có thể tối ưu hóa những lợi ích của vắc xin, chính phủ và các tổ chức y tế tại các quốc gia trên toàn thế giới phải nhanh chóng giải quyết những tồn tại trong tiêm chủng.
Các nước cần tăng cường hoàn thành đủ các mũi tiêm, đẩy mạnh việc tuyên truyền về các lợi ích của việc tiêm chủng cho tất cả người dân và ưu tiên phát triển y tế và hệ thống giám sát dịch bệnh.
Những hiểu lầm thường gặp về tiêm nhắc cho trẻ 4 - 6 tuổi
Nhiều phụ huynh không biết rằng kháng thể đối với bạch hầu, ho gà, uốn ván và bại liệt trẻ có được từ các mũi tiêm trước 2 tuổi sẽ giảm dần theo thời gian và trẻ cần tiêm nhắc phòng 4 bệnh này lúc 4 - 6 tuổi.
Một khảo sát gần đây cho thấy, trên 65% phụ huynh nghĩ rằng những mũi tiêm trong 2 năm đầu đời có thể bảo vệ con họ lâu dài khỏi 4 bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt, và chỉ có 24,2% phụ huynh đã cho con đi tiêm nhắc mũi ngừa 4 bệnh trên khi trẻ 4 - 6 tuổi. Hãy cùng lắng nghe PGS.TS. Nguyễn Anh Dũng - Chánh Văn phòng Hội Y học Dự phòng Việt Nam giải đáp những hiểu lầm thường gặp về mũi tiêm nhắc quan trọng này.
Thưa Phó Giáo Sư, vì ít được đề cập trong những năm gần đây nên nhiều người cho rằng bạch hầu, ho gà, uốn ván và bại liệt không còn phổ biến và đáng quan ngại nữa. Điều này có đúng hay không?
- PGS.TS. Nguyễn Anh Dũng: Chúng ta không nên chủ quan và mất cảnh giác trước bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào, đặc biệt là bạch hầu, ho gà, uốn ván và bại liệt. Bởi, mầm bệnh vẫn luôn tồn tại xung quanh và có thể tấn công bất cứ lúc nào khi trẻ không đủ kháng thể.
Tại Việt Nam, trong năm 2019 - 2020, dịch bạch hầu đã bùng phát ở Tây Nguyên. Thống kê trong các đợt dịch xảy ra gần đây cho thấy có sự thay đổi về độ tuổi mắc bệnh, với đa số ca mắc xảy ra ở trẻ lớn> 5 tuổi và người lớn. Đây là căn bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp và do tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp của người mang vi khuẩn. Giả mạc màu trắng ngà ở hầu họng, thanh quản,... khiến bệnh nhân bị tắc nghẽn đường hô hấp. Ngoài ra còn có thể có biến chứng khác như viêm cơ tim, biến chứng thận..., dẫn đến tử vong.
Ho gà cũng lây nhanh qua giọt bắn đường hô hấp: một người bệnh có thể lây lan cho 12 - 17 người. Bệnh điển hình với những cơn ho kịch phát và kéo dài, khiến trẻ kiệt sức, tím tái và có thể ngừng thở. Theo số liệu thống kê từ WHO, số ca mắc ho gà đang có dấu hiệu gia tăng trở lại và những ca nặng thường tập trung ở nhóm trẻ dưới 2 tháng tuổi.
Uốn ván cũng là bệnh nguy hiểm. Trực khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở và phát triển thành các ổ nhiễm trùng, gây ra cơn co cứng. Uốn ván có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm hơn như co thắt thanh quản, ngưng thở... Ở trẻ em, tỷ lệ tử vong do uốn ván còn cao. Dù không lây trực tiếp từ người sang người nhưng nha bào trực khuẩn uốn ván luôn xuất hiện ngoài môi trường tự nhiên và có thể gây bệnh khi có vết thương hở.
Bại liệt là bệnh do virus gây ra, lây lan chủ yếu qua đường phân - miệng. Bệnh có thể gây ra những biến chứng thần kinh như liệt chi, liệt cơ hô hấp và thậm chí tử vong. Từ năm 2000, Việt Nam đã thanh toán được bại liệt, nhưng với số ca mắc vẫn được ghi nhận tại một số nước lân cận, và với tốc độ toàn cầu hóa hiện nay, nguy cơ xâm nhập và xuất hiện ca mắc mới và bùng phát dịch bại liệt tại Việt Nam vẫn có thể xảy ra.
Hầu hết trẻ em Việt Nam đều đã được tiêm ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, và bại liệt bằng các vaccine phối hợp trong hai năm đầu đời. Vậy, phải chăng chỉ cần tiêm đầy đủ những mũi vaccine này thì trẻ sẽ được bảo vệ khỏi 4 bệnh này suốt đời?
- PGS.TS. Nguyễn Anh Dũng: Kháng thể đối với 4 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván và bại liệt mà trẻ có được từ 3 mũi tiêm cơ bản trước 12 tháng và một mũi nhắc trước 2 tuổi sẽ giảm dần theo thời gian. Đặc biệt là giai đoạn từ 4-6 tuổi, kháng thể từ những mũi tiêm này giảm nhiều nhất, điều đó có nghĩa là trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh khi tiếp xúc nguồn lây.
Đáng chú ý, với nhóm trẻ ra đời từ năm 2016 - 2018, khi chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia chuyển từ vaccine bại liệt đường uống tam giá sang nhị giá (chỉ ngừa được virus bại liệt chủng một và 3) và chưa có vaccine bại liệt dạng tiêm, thì những trẻ này chưa được bảo vệ khỏi virus bại liệt chủng 2. Vì vậy, đến nay khi nhóm trẻ sinh từ 2016 - 2018 vừa đủ 4 - 6 tuổi, đây chính là thời điểm quan trọng trẻ cần được tiêm nhắc lại 4 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván và bại liệt, điều này giúp tăng cường khả năng bảo vệ trẻ khỏi 3 chủng của virus bại liệt.
Nguồn ảnh: Shutterstock.
Nhiều phụ huynh cho rằng việc tiêm nhắc có thể được thực hiện ở bất kỳ độ tuổi nào, vậy nên có thể trì hoãn. Bác sĩ có ý kiến gì về quan điểm trên?
- PGS.TS. Nguyễn Anh Dũng: Việc tiêm nhắc phòng 4 bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt nên được triển khai khi trẻ bắt đầu đi nhà trẻ, mẫu giáo, bởi đây là môi trường đa dạng, dễ lây lan các bệnh truyền nhiễm. Mũi tiêm nhắc giúp tăng cường kháng thể bảo vệ trẻ, không chỉ trong độ tuổi 4-6 mà còn đến giai đoạn thiếu niên. Hơn thế nữa, tiêm nhắc còn hạn chế nguy cơ lây bệnh cho những trẻ nhỏ hơn, sống cùng nhà và chưa được chủng ngừa đầy đủ.
Vậy trẻ quá 6 tuổi thì có thể tiêm vaccine phòng 4 bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt hay không?
- PGS.TS. Nguyễn Anh Dũng: Trẻ cần được tiêm nhắc càng sớm càng tốt để phòng 4 bệnh trên. Hơn nữa, trẻ cần được tiêm nhắc phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà một lần nữa ở giai đoạn thanh thiếu niên và nhắc lại mỗi 10 năm sau đó.
Mũi nhắc phòng 4 bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà và bại liệt là vô cùng quan trọng với trẻ 4-6 tuổi, phụ huynh nên chủ động đưa con đi tiêm ngay khi có thể để tăng cường kháng thể bảo vệ trẻ trước khi bước vào độ tuổi đi học.
Chuyên gia cảnh báo trẻ mắc bệnh nguy hiểm khi bỏ quên mũi tiêm nhắc TS.BS Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cảnh báo, rất nhiều trẻ bị quên mũi tiêm nhắc trong giai đoạn 4-6 tuổi mũi vắc xin bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt. Tiêm đủ 4 mũi trước 2 tuổi, nên có mũi nhắc lại sau 2-4 năm Tại buổi tọa đàm trực tuyến "Tiêm nhắc bạch hầu, uốn...