WB cảnh báo ngừng tài trợ vaccine cho Liban sau thông tin về vi phạm quyền ưu tiên tiêm phòng
Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo sẽ ngừng tài trợ vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho Liban sau khi xuất hiện thông tin rằng một số nghị sĩ nước này sẽ được tiêm tại nghị viện ngày 23/2.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của Pfizer- BioNTech cho người dân tại Beirut, Liban, ngày 14/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh người dân và các bác sĩ ngày càng thất vọng vì tiến độ tiêm phòng diễn ra chậm chạp và có thể có những vi phạm quyền ưu tiên tiêm phòng.
Liban đã nhận lô vaccine đầu tiên, khoảng 28.000 liều vaccine của hãng Pfizer/BioNTech, trong tháng này nhờ tiền tài trợ của WB. WB dành 34 triệu USD để hỗ trợ Liban bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đại trà. WB đã từng cảnh báo về khả năng xuất hiện thiên vị ở nước này và cho biết sẽ giám sát để đảm bảo rằng các mũi tiêm đầu tiên phải dành cho những đối tượng cần được ưu tiên.
Sau khi truyền thông địa phương đưa tin một số nghị sĩ sẽ được tiêm vaccine ngày 23/2, Giám đốc khu vực của WB, ông Saroj Kumar Jha khẳng định việc này sẽ vi phạm kế hoạch quốc gia đã nhất trí về việc tiêm chủng công bằng.
Trên mạng xã hội Twitter, ông Jha viết: “Sau thông tin về vi phạm nói trên, WB có thể ngừng tài trợ vaccine và các hỗ trợ ứng phó chống COVID-19 ở Liban”. Ông kêu gọi tất cả mọi người “bất kể ở vị trí nào, hãy đăng ký và chờ đến lượt” tiêm phòng.
Bộ Y tế Liban trước đó đã tìm cách xua tan những lo ngại rằng các chính khách sẽ “chen ngang”. Tuy nhiên, hiện bộ trên chưa đưa ra bình luận về thông tin trên truyền thông.
Các bệnh viện ở Liban, vốn bị ảnh hưởng nặng nề của các cuộc khủng hoảng tài chính ở nước này và đặc biệt là vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut hồi năm ngoái, đang gồng mình ứng phó với dịch COVID-19. Liban hiện là một trong những nước có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất khu vực kể từ tháng 1. Hiện tổng số ca tử vong vì COVID-19 ở nước này đã lên tới 4.300 ca.
Video đang HOT
Toàn thế giới đã ghi nhận trên 104 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 2/2 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 104.031.036 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.250.245 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 75.867.883 người.
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại Beirut, Liban, ngày 1/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 454.246 ca tử vong trong tổng số 26.912.972 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 154.522 ca tử vong trong số 10.767.206 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 225.143 ca tử vong trong số 9.230.016 bệnh nhân.
Xét tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 182 người tử vong. Tiếp đến là Slovenia với 169 người và Anh 157 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với trên 33,5 triệu người mắc COVID-19, trong đó có trên 743.200 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với trên 599.600 ca tử vong trong trên 18,9 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có trên 463.400 ca tử vong trong trên 27,1 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận trên 241.300 ca tử vong trong trên 15,2 triệu ca nhiễm. Trung Đông có trên 97.800 ca tử vong, châu Phi có trên 91.400 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại dương là 945 người.
Trung Quốc, nơi khởi phát dịch COVID-19, đã ghi nhận số ca mắc mới thấp nhất trong 1 tháng qua. Đây được xem là một dấu hiệu cho thấy làn sóng dịch bệnh tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020 tại nước này đang dần bị đẩy lùi trước thềm kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Số liệu của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc công bố ngày 2/2 cho thấy trong ngày 1/2, Trung Quốc đại lục ghi nhận 30 ca mắc mới, giảm từ mức 42 ca ghi nhận một ngày trước đó và đánh dấu mức thấp nhất kể từ ngày 2/1. Đến nay Trung Quốc đại lục đã ghi nhận 89.594 ca mắc, trong đó có 4.636 ca tử vong.
Người dân di chuyển trên đường phố tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho biết ông sẽ gia hạn tình trạng khẩn cấp do dịch COVID-19 ở thủ đô Tokyo và 9 tỉnh, thành khác tới ngày 7/3, trong khi dự định sẽ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở tỉnh Tochigi, phía Bắc Tokyo, theo đúng kế hoạch vào ngày 7/2 do tình hình ở đây đã cải thiện đáng kể. Như vậy, các tỉnh, thành vẫn nằm trong phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp gồm: Tokyo, Kanagawa, Chiba, Saitama, Aichi, Gifu, Osaka, Kyoto, Hyogo và Fukuoka.
Chính phủ Nhật Bản sẽ duy trì hỗ trợ cho các chính quyền địa phương trợ cấp cho các nhà hàng và quán bar tuân thủ các yêu cầu của lệnh tình trạng khẩn cấp, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường làm việc từ xa và làm việc theo ca với mục tiêu giảm 70% số lượng nhân viên làm việc tại văn phòng, đồng thời không để nhân viên làm việc sau 20h ngoại trừ các công việc cần thiết để duy trì hoạt động.
Số ca mắc COVID-19 hằng ngày tại Hàn Quốc vẫn ở ngưỡng 300 ca ngày thứ 3 liên tiếp sau khi cơ quan chức năng tiếp tục duy trì các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt trong bối cảnh các ổ lây nhiễm tập thể chưa có dấu hiệu được kiểm soát. Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố ngày 2/2 cho thấy nước này có thêm 336 ca mắc mới, trong đó có 295 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 78.844 ca. KCDA cho biết sẽ tính toán nới lỏng giãn cách xã hội trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nếu số ca nhiễm mới tiếp tục giảm trong những ngày tới.
Chính phủ Malaysia đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa trên cả nước (ngoại trừ 1 bang), cũng như những hạn chế đi lại thêm 2 tuần nữa (cho đến ngày 18/2) trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng số ca mắc mới. Lệnh phong tỏa cho phép các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, song vẫn duy trì lệnh cấm đi lại giữa các bang và hoạt động xã hội. Malaysia hiện đã ghi nhận gần 220.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 770 ca tử vong.
Tại Trung Đông, Bộ Y tế Israel cho biết chỉ riêng trong tháng 1 vừa qua, nước này đã ghi nhận tới 1.433 người tử vong do mắc COVID-19, chiếm gần 30% tổng số bệnh nhân tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát. Ngoài ra, dịch bệnh cũng đang "nhắm" vào những người trẻ tuổi, trong đó có 6 trẻ em.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Tel Aviv, Israel ngày 1/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Chính phủ Israel đang tích cực đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine với hàng trăm nghìn người được tiêm mỗi ngày, đưa tổng số người được tiêm phòng lên gần 3,1 triệu người (chiếm 33% dân số). Tuy nhiên, nỗ lực này không thể ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh. Tỷ lệ phát hiện bệnh thông qua xét nghiệm vẫn ở mức cao là 9,7%, trong khi ở các cộng đồng người Do Thái chính thống tỷ lệ này lên tới 20,1%.
Số bệnh nhân COVID-19 đang phải điều trị tại Israel là trên 68.300 người, trong đó có 1.140 bệnh nhân nặng, đặc biệt 315 người phải thở máy. Các nhân viên y tế cho biết tỷ lệ bệnh nhân dưới 60 tuổi nhập viện với các triệu chứng nặng chiếm đến hơn 30%.
Tại châu Mỹ, Chính phủ Argentina thông báo tiếp tục cấm du khách nước ngoài nhập cảnh cho đến ngày 28/2. Tổng cục Di trú Quốc gia (DNM) sẽ hỗ trợ xác định các bước đi cần thiết để các công dân, cư dân nước ngoài và người nước ngoài không cư trú là người thân của công dân hoặc cư dân Argentina được nhập cảnh vào nước này. DNM và Bộ Y tế sẽ xác định lịch trình các chuyến bay và số lượng hành khách nhập cảnh hằng ngày, đặc biệt là qua các chuyến bay từ Mỹ, Mexico, châu Âu và Brazil. Trong khi đó, tần suất các chuyến bay chở khách đến Mỹ, Mexico, châu Âu bị giảm 30% và đến Brazil giảm 50%. Công dân và cư dân nước ngoài, đặc biệt là những người ngoài 60 tuổi hoặc thuộc các nhóm có nguy cơ cao, được khuyến nghị hoãn xuất ngoại nếu không cần thiết.
Trong khi đó, Bộ Y tế Cuba thông báo số ca nhiễm COVID-19 ở trẻ em tiếp tục tăng, sau khi ghi nhận 111 ca mới trong 24 giờ qua. Theo số liệu của bộ trên, trong gần 11 tháng đối phó với đại dịch, đã có 2.882 trẻ em và thanh thiếu niên ở Cuba mắc COVID-19 và 586 em trong số đó vẫn chưa bình phục. Trong 24 giờ qua, Cuba ghi nhận thêm 906 ca mắc và 2 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt 27.592 ca và 216 ca. Với số liệu này, Cuba đã khép lại tháng 1/2021 với tổng số 15.536 ca mắc - tháng nghiêm trọng nhất kể từ khi dịch bùng phát.
Một điểm điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 tại Frankfurt, Đức. Ảnh: THX/TTXVN
Tại châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định siết chặt các quy định nhập cảnh đối với du khách ngoài khối, theo đó chỉ những người đến từ các quốc gia có rất ít ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và gần như không có ca mắc các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 mới được vào khối này mà không phải tuân thủ các quy định phòng dịch nghiêm ngặt.
Theo khuyến nghị về hoạt động đi lại không thiết yếu, các nước EU cho phép nhóm đối tượng du khách nhất định được nhập cảnh mà không cần trải qua các quy định phòng dịch như cách ly bắt buộc song phải dựa trên các tiêu chí nghiêm ngặt. Nhóm đối tượng này là người đến từ một quốc gia ghi nhận tỷ lệ không quá 25 ca mắc COVID-19 trên 100.000 người trong 14 ngày - tỷ lệ lây nhiễm thấp hơn tất cả các nước EU.
Trong khi đó, các biện pháp hạn chế đi lại cần được nhanh chóng tái áp đặt đối với các nước có tỷ lệ mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 cao. Ngày 28/1 vừa qua, EU đã đưa Nhật Bản ra khỏi danh sách các nước mà du khách có thể nhập cảnh khối này mà không phải thực hiện các biện pháp phòng dịch. Danh sách này hiện có 7 nước, gồm Australia, Trung Quốc, New Zealand, Rwanda, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan.
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz thông báo nước này sẽ từng bước nới lỏng lệnh phong tỏa thứ ba kể từ ngày 8/2 tới, theo đó các trường học, cửa hàng và các địa điểm văn hóa như bảo tàng và vườn thú sẽ được phép mở cửa trở lại nhưng phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Học sinh tiểu học sẽ được trở lại trường, trong khi học sinh trung học cơ sở học theo ca. Các trung tâm thương mại cũng có thể mở cửa trở lại song phải đảm bảo giãn cách với chỉ 1 khách hàng/20 m2 và bắt buộc phải đeo khẩu trang FFP2. Người dân có thể đến các tiệm làm tóc, thẩm mỹ viện hoặc cơ sở massage nếu họ có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Tương tự, Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke cho biết từ ngày 8/2, học sinh lớp 1 đến lớp 4 sẽ được quay trở lại trường học. Ông lý giải lệnh phong tỏa đã phát huy tác dụng khi giúp giảm số ca mắc COVID-19 và giảm tải cho các bệnh viện, qua đó cho phép các trường học tiếp đón nhóm học sinh trên. Tuy nhiên, tất cả học sinh khác vẫn tiếp tục tuân thủ các biện pháp hạn chế chống dịch vốn được áp đặt kể từ ngày 12/12/2020.
Theo Viện Huyết học quốc gia Đan Mạch, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 488 ca mắc và 20 ca tử vong. Tới nay, nước này đã ghi nhận 198.960 ca mắc và 2.145 ca tử vong do COVID-19.
Trong khi đó, Bộ Y tế Pháp thông báo trong ngày 1/2 nước này có thêm 455 ca tử vong do mắc bệnh COVID-19, mức cao nhất kể từ ngày 25/1 vừa qua, trong khi số bệnh nhân đang được điều trị tích cực cũng tăng mạnh.
Tính tới nay, Pháp đã ghi nhận 76.512 ca tử vong, cao thứ 7 thế giới sau Mỹ, Brazil, Mexico, Ấn Độ, Anh và Italy. Tổng số bệnh nhân phải nhập viện là 27.914 người, tăng 70 trường hợp trong 24 giờ qua. Trong khi đó, số ca mắc mới trong 24 giờ qua là 4.347 ca và hiện Pháp đã ghi nhận trên 3,2 triệu ca mắc kể từ khi dịch bùng phát. Khoảng 1,49 triệu người tại Pháp đã được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng COVID-19, trong đó có 47.000 người đã được tiêm mũi thứ hai vào tối 30/1.
Kết luận của FBI về lượng phân bón đã phát nổ tại cảng Beirut Theo kết quả điều tra của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về vụ nổ ngày 4/8 vừa qua tại cảng Beirut của Liban, 500 tấn phân bón ammonium nitrate là nguyên nhân gây ra thảm họa kinh hoàng này. Hiện trường đổ nát sau vụ nổ tại Beirut, Liban, ngày 17/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN Trong thông báo ngày 29/12, Thủ tướng đã...