Washington cân nhắc cho phép các nhà thầu quân sự Mỹ triển khai tại Ukraine
Động thái này sẽ đánh dấu một sự thay đổi đáng kể khác trong chính sách Ukraine của chính quyền Tổng thống Biden, khi Mỹ đang tìm cách giúp quân đội Ukraine giành lại ưu thế trước Nga.
Hệ thống bệ phóng tên lửa đất đối không (SAM) MIM-104 Patriot của Quân đội Mỹ tại Sân bay Rzeszow-Jasionka ở Ba Lan. Ảnh: CNN
Bốn quan chức Mỹ nói với CNN rằng, chính quyền Tổng thống Biden đang tiến tới dỡ bỏ lệnh cấm các nhà thầu quân sự Mỹ triển khai tới Ukraine, nhằm giúp quân đội nước này bảo trì và sửa chữa các hệ thống vũ khí do Mỹ cung cấp.
Động thái này sẽ đánh dấu một sự thay đổi đáng kể khác trong chính sách Ukraine của chính quyền Biden, khi Mỹ đang tìm cách giúp quân đội Ukraine giành lại ưu thế trước Nga.
Các quan chức cho biết quyết định về vấn đề trên vẫn đang được các quan chức chính quyền xem xét và chưa nhận được sự thông qua cuối cùng từ Tổng thống Joe Biden.
Một quan chức chính quyền nói: “Chúng tôi chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào và bất kỳ cuộc thảo luận nào về vấn đề này đều còn quá sớm. Tổng thống hoàn toàn chắc chắn rằng ông ấy sẽ không gửi binh sĩ Mỹ đến Ukraine”.
Các quan chức cho biết, sau khi được phê duyệt, thay đổi trên có thể sẽ được ban hành trong năm nay và sẽ cho phép Lầu Năm Góc cung cấp hợp đồng cho các nhà thầu Mỹ làm việc trong lãnh thổ Ukraine lần đầu tiên kể từ khi cuộc xung đột với Nga bắt đầu vào năm 2022. Các quan chức cho biết họ hy vọng điều này sẽ đẩy nhanh quá trình bảo trì và sửa chữa các hệ thống vũ khí đang được quân đội Ukraine sử dụng.
Trong hai năm qua, Tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh rằng tất cả người Mỹ, đặc biệt là quân đội Mỹ, hãy tránh xa chiến tuyến Ukraine. Nhà Trắng đã quyết tâm hạn chế cả mối nguy hiểm đối với người Mỹ cũng như nhận thức rằng binh sĩ Mỹ đang tham gia chiến đấu ở Ukraine. Bộ Ngoại giao Mỹ đã phát đi cảnh báo công dân nước này không nên đến Ukraine kể từ năm 2022.
Kết quả là, các thiết bị quân sự do Mỹ cung cấp bị hư hỏng đáng kể trong chiến đấu phải được vận chuyển ra khỏi Ukraine, đến Ba Lan, Romania hoặc các nước NATO khác để sửa chữa – một quá trình mất nhiều thời gian. Quân đội Mỹ cũng sẵn sàng giúp đỡ Ukraine trong việc bảo trì và hậu cần thường xuyên hơn, nhưng chỉ từ xa thông qua trò chuyện video hoặc điện thoại bảo mật – một sự sắp xếp có những hạn chế cố hữu, vì quân đội và nhà thầu Mỹ không thể làm việc trực tiếp trên các hệ thống.
Các quan chức chính quyền Mỹ đã bắt đầu xem xét lại một cách nghiêm túc những hạn chế đó trong vài tháng qua, khi Nga tiếp tục đạt được những thắng lợi trên chiến trường trong khi nguồn tài trợ của Mỹ cho Ukraine bị đình trệ tại Quốc hội. Các quan chức cho biết, việc cho phép các nhà thầu Mỹ có kinh nghiệm, được chính phủ Mỹ tài trợ, duy trì sự hiện diện ở Ukraine có nghĩa là họ sẽ có thể giúp sửa chữa các thiết bị hư hỏng, có giá trị, cao nhanh hơn nhiều. Một hệ thống tiên tiến mà các quan chức cho rằng có thể sẽ cần được bảo trì thường xuyên là máy bay chiến đấu F-16 mà Ukraine dự kiến nhận vào cuối năm nay.
Video đang HOT
Theo một quan chức, các công ty đấu thầu hợp đồng sẽ được yêu cầu phát triển các kế hoạch giảm thiểu rủi ro mạnh mẽ để bảo vệ an toàn cho các nhân viên của họ.
Các cuộc thảo luận diễn ra sau một loạt quyết định mà Mỹ đưa ra trong những tháng gần đây nhằm cố gắng giúp Ukraine giành lại ưu thế chiến trường. Vào cuối tháng 5, Tổng thống Biden đã cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, cụ thể là khu vực gần biên giới với thành phố Kharkov – bằng vũ khí của Mỹ – một yêu cầu mà Washington trước đây đã nhiều lần từ chối. Tuần trước, chính sách đó dường như được mở rộng một lần nữa, khi Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết Ukraine có thể phản công bất cứ nơi nào dọc biên giới Ukraine-Nga bằng vũ khí của Mỹ.
Các quan chức hiện tại và cựu quan chức quen thuộc với các cuộc thảo luận về việc triển khai các nhà thầu tới Ukraine nhấn mạnh rằng sự thay đổi chính sách sẽ không dẫn đến sự hiện diện áp đảo của các nhà thầu Mỹ ở đó.
Viện trợ vũ khí của Mỹ lại 'chảy' tới Ukraine chỉ trong vài ngày
Vũ khí từ kho dự trữ của Lầu Năm Góc ở Đức sẽ được vận chuyển nhanh chóng bằng đường sắt đến biên giới Ukraine.
Các quân nhân Ukraina huấn luyện ở khu vực Donetsk vào đầu tháng 4/2024. Ảnh: New York Times
Các quan chức Mỹ cho biết các chuyến hàng vũ khí của nước này có thể sớm chảy trở lại Ukraine ngay sau khi gói viện trợ bị đình trệ từ lâu được Hạ viện thông qua ngày 20/4 và Tổng thống Biden nhanh chóng ký thành luật sau thủ tục phê chuẩn ở Thượng viện. Vũ khí từ kho dự trữ của Lầu Năm Góc ở Đức sẽ được vận chuyển nhanh chóng bằng đường sắt đến biên giới Ukraine.
Dự luật vừa được khơi thông sẽ cung cấp cho nỗ lực chiến đấu của Ukraine khoảng 60 tỷ USD. Trong số này, gần 14 tỉ USD được cho cho đào tạo, trang bị và tài trợ cho nhu cầu của quân đội Ukraine. Kiev cũng sẽ nhận được 10 tỉ USD dưới dạng "các khoản vay có thể miễn hoặc hoãn trả" để hỗ trợ kinh tế và ngân sách Ukraine, bao gồm hỗ trợ cho ngành năng lượng và khôi phục cơ sở hạ tầng. Khoảng 23 tỉ USD trong gói viện trợ được dùng để bổ sung vũ khí và trang thiết bị cho chính Mỹ.
Sau khi Hạ viện phê duyệt gói viện trợ, Tổng thống Biden đã kêu gọi Thượng viện nhanh chóng thực hiện biện pháp này để giúp đáp ứng "nhu cầu khẩn cấp trên chiến trường" của lực lượng Ukraine. Dự kiến dự luật sẽ được Thượng viện thông qua sớm nhất là vào 23/4.
Vũ khí viện trợ đã sẵn sàng
Suốt nhiều tháng, giới chức Ukraine đã phàn nàn rằng bế tắc chính trị tại Quốc hội Mỹ đã gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng đạn dược với họ trong cuộc chiến chống Nga. Quân đội Ukraine ở tiền tuyến đã phải phân chia khẩu phần đạn pháo và nhuệ khí bị ảnh hưởng nặng nề.
Các quan chức Mỹ chưa nói rõ loại vũ khí nào sẽ được gửi tới Kiev theo gói viện trợ mới, nhưng Thiếu tướng Patrick Ryder, người phát ngôn Lầu Năm Góc, nói với các phóng viên hôm 19/4 rằng có thể sẽ có thêm nhiều loại vũ khí phòng không và pháo binh.
Tướng Ryder cho biết: "Chúng tôi có một mạng lưới hậu cần rất mạnh mẽ cho phép chúng tôi di chuyển vật chất rất nhanh như chúng tôi đã làm trước đây".
"Chúng tôi có thể chuyển [vũ khí] trong vòng vài ngày", ông Ryder nói thêm.
Việc vận chuyển viện trợ quân sự từ Mỹ bằng máy bay chở hàng và tàu biển thường được điều phối từ tổng hành dinh Bộ Tư lệnh Vận tải Mỹ, đặt ở vùng nông thôn Illinois, nơi duy trì cơ sở dữ liệu rộng lớn về các cảng hàng hóa, đường sắt và đường bộ có thể được sử dụng bởi các phương tiện vận tải quân sự và dân sự trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, vũ khí và đạn dược gửi đến Ukraine thường được lấy từ tài sản của Lầu Năm Góc ở châu Âu, với các chuyến hàng được điều phối bởi một tổ chức được thành lập vào cuối năm 2022 có tên là Nhóm Hỗ trợ An ninh-Ukraine, có trụ sở tại Đức và hoạt động trong Bộ Tư lệnh Châu Âu của Lầu Năm Góc. Nhóm này có một đội ngũ nhân viên khoảng 300 người.
Quân nhân tập ngắm súng trường trên trường bắn. Ảnh: New York Times
Kể từ tháng 8/2021, các nhà lãnh đạo quân sự đã gửi cho Ukraine 55 gói viện trợ vũ khí, theo cơ chế PDA (quyền rút vốn của tổng thống) - bao gồm các phương tiện, đạn dược, máy bay không người lái và các thiết bị khác trị giá ít nhất 26,3 tỷ USD.
Các gói viện trợ, thường được cung cấp hai lần/tháng sau khi xung đột với Nga bùng nổ vào tháng 2/2022, đã bị chậm lại đáng kể vào mùa thu năm ngoái do một số đảng viên Cộng hòa phản đối gay gắt việc gửi thêm viện trợ cho Kiev.
Tên lửa chiến thuật lục quân ATACMS và đạn pháo
Gói viện trợ mới nhất được công bố vào ngày 12/3 bao gồm tên lửa phòng không Stinger, tên lửa dẫn đường cho xe phóng HIMARS, tên lửa chống tăng cỡ nhỏ và đạn pháo 155 mm trong đó có đạn chùm.
Tại cuộc họp báo ngày 19/4, Tướng Ryder được hỏi về một biện pháp không ràng buộc trong dự luật của Hạ viện về gửi vũ khí ATACMS cho Kiev. Đây vốn là tên lửa dẫn đường phóng từ mặt đất có tầm bắn xa nhất của Lầu Năm Góc kể từ cuối những năm 1980. Chính quyền Tổng thống Biden đã đồng ý cung cấp một số lượng nhỏ tên lửa đó vào năm ngoái và lực lượng Ukraine đã sử dụng chúng để tấn công hai căn cứ không quân trên lãnh thổ do Nga kiểm soát vào tháng 10/2023. Tuy nhiên, ông Ryder không cung cấp câu trả lời rõ ràng mà nói rằng: "Tất nhiên như bạn biết, chúng tôi luôn nói rằng không có gì là không thể tránh khỏi... Nhưng hôm nay tôi không có gì để thông báo cả."
Mỹ chỉ sở hữu số lượng hạn chế các loại vũ khí này và các quan chức cho biết phần còn lại trong kho vũ khí ATACMS của họ được dành cho các kế hoạch dự phòng.
Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân ATACMS được tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ phát triển và sản xuất từ những năm 1990. Tên lửa được thiết kế để trang bị trên tổ hợp pháo phản lực HIMARS, có khả năng vô hiệu hóa các sở chỉ huy và phá hủy kho vũ khí, đạn dược của đối phương.
Các quan chức cũng đưa ra tín hiệu rằng số tên lửa ATACMS bổ sung có thể được cung cấp cho Ukraine ngay khi vũ khí thay thế, được gọi là Tên lửa Tấn công Chính xác (PrSM), bắt đầu được đưa vào kho của Lầu Năm Góc.
Hôm 18/4, người phát ngôn của Lockheed Martin, nhà sản xuất cả ATACMS và HIMARS, cho biết công ty đã giao bốn tên lửa tấn công chính xác đầu tiên hoạt động cho Lục quân Mỹ vào năm ngoái. Một hợp đồng trị giá 220 triệu USD được ký vào tháng 3 vừa qua sẽ cung cấp thêm cho quân đội Mỹ nhiều vũ khí hơn, mặc dù chưa rõ số lượng sẽ mua là bao nhiêu.
Số lượng chính xác vũ khí mà Lầu Năm Góc đã gửi tới Kiev từ kho dự trữ cũng không rõ ràng. Lần cuối cùng Bộ Quốc phòng Mỹ cập nhật số lượng đạn pháo 155 mm mà họ đã cung cấp cho Ukraine là vào tháng 5/2023, khi họ cho biết cho đến nay đã có hơn 2 triệu quả đạn như vậy được gửi đi. Gói vũ khí nào trong số 17 gói viện trợ được công bố cho Ukraine kể từ đó đều bao gồm đạn 155 mm.
Không chỉ là ý chí chính trị
Tuy nhiên, việc gửi thêm vũ khí tới Ukraine phụ thuộc vào nhiều điều khác, chứ không chỉ là ý chí chính trị. Mỹ cũng phải đẩy nhanh việc sản xuất các loại đạn dược mà Ukraine cần nhất để đáp ứng nhu cầu của nước này.
Ở Mỹ, việc chế tạo đạn pháo phải mất vài tuần, vì những thanh thép nặng được rèn thành những viên đạn rỗng ở Scranton, Pennsylvania, sau đó được vận chuyển đến vùng nông thôn Iowa, nơi chúng được nhồi thuốc nổ và chuẩn bị giao hàng.
General Dynamics, công ty vận hành nhà máy ở Pennsylvania, đang mở một nhà máy mới sản xuất thân vỏ kim loại ở ngoại ô Dallas nhằm giúp tăng tổng số vỏ hoàn thiện.
Quân đội Mỹ cho biết họ sản xuất khoảng 30.000 quả đạn pháo công phá cao mỗi tháng, tăng từ mức khoảng 14.000 quả mỗi tháng trước khi chiến sự Ukraine nổ ra. Mục tiêu của họ là sản xuất 100.000 quả đạn pháo 155 mm mỗi tháng vào năm 2025.
Xung đột Nga Ukraine thúc đẩy nền kinh tế Mỹ như thế nào? Những người ủng hộ Ukraine thường viện dẫn lợi ích chiến lược hoặc "nghĩa vụ đạo đức" của Mỹ. Gần đây, họ đang đưa ra một viện dẫn tính toán hơn: Điều đó tốt cho nền kinh tế Mỹ. Quân nhân Ukraine vận chuyển lô hàng tên lửa Javenlin do Mỹ sản xuất và viện trợ cho Kiev. Ảnh: Sputnik Trong hai năm...