Kế hoạch hỗ trợ tiền mặt và đạn dược của EU cho Ukraine bị đình trệ
Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết hỗ trợ 1 triệu viên đạn pháo và hàng tỷ USD tiền mặt, nhưng gói viện trợ này đang bị đình lại.
Các quan chức Ukraine cho biết họ cần ít nhất 1 triệu quả đạn pháo 155 mm để bổ sung và duy trì khả năng phòng thủ. Ảnh: AFP/Getty Images
Theo tờ Politico, các bộ trưởng quốc phòng EU sẽ tập trung tại Brussels ngày 14/11 trong bối cảnh một số cam kết của khối này nhằm hỗ trợ Ukraine bằng vũ khí và tiền mặt đang gặp khó khăn.
Các nhà ngoại giao ngày càng lo ngại mục tiêu của EU cung cấp 1 triệu viên đạn cho Kiev trong vòng một năm để hỗ trợ nước này trong cuộc xung đột với Nga đang gặp khó khăn, trong khi các cam kết về tiền mặt mới cũng đang bị mắc kẹt trong một cuộc tranh luận chính trị căng thẳng.
Một quan chức cấp cao của EU hôm 11/11 cho biết, 300.000 viên đạn đã được vận chuyển kể từ ngày 9/2 theo chương trình gửi đạn từ kho dự trữ quốc gia tới Ukraine. Nhưng quá trình đó đã không đi đúng hướng, với một triệu viên đạn như cam kết vào đầu năm.
Một nhà ngoại giao châu Âu cho biết: “Sẽ rất khó đạt được mục tiêu vào giữa tháng 3/2024″.
Các nhà điều hành trong ngành công nghiệp chỉ ra tình trạng thiếu nhân lực và các vấn đề trong việc tìm nguồn cung cấp đủ chất nổ là một số trở ngại mà các nhà thầu phải đối mặt khi họ tìm cách đẩy mạnh sản xuất đạn dược.
“Mục tiêu chưa chết”, quan chức EU nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm con số trên chỉ là “khoảng giữa” vì hàng nghìn viên đạn nữa sẽ được gửi đi theo một chương trình mua sắm chung khác. Ông nói thêm: “Nói chung đây là một vấn đề với năng lực công nghiệp”.
Ngoài ra, nỗ lực nhằm triển khai gói hỗ trợ mới cho Ukraine trị giá 20 tỷ euro trong 4 năm từ Quỹ Cơ sở Hòa bình châu Âu (EPF) của EU cũng đang vướng vào tranh luận. Chưa kể việc Hungary vẫn đang chặn khoản thanh toán 500 triệu euro từ quỹ EPF hiện có do các lệnh trừng phạt đối với một ngân hàng địa phương của nước này.
Video đang HOT
Mặc dù nhìn chung EU rõ ràng ủng hộ Ukraine, nhưng các quốc gia thành viên lại bị chia rẽ về cách cung cấp thêm tài chính và liệu sẽ hoàn trả cho các quốc gia thành viên số vũ khí mà họ chuyển giao theo một lần hay theo từng phần hàng năm.
Nói về gói 20 tỷ euro, nhà ngoại giao trên cho biết: “Gần đây chúng tôi chưa nói về con số này”, đồng thời cho biết thêm rằng trước tiên phải đưa ra quyết định về cách thức hoạt động của quỹ trước khi phân bổ kinh phí. “Quỹ này sẽ không đóng cửa vào 14/11″, ông nói.
Trong cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU vào cuối tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thận trọng trong việc cam kết tài trợ nhiều hơn trong bối cảnh cuộc tranh luận về cách chi tiêu ngân sách dài hạn của khối đến năm 2027 hiệu quả hơn. Ông Scholz nói về sự hỗ trợ dành cho Ukraine: “Nhiều quốc gia đang cung cấp mức hỗ trợ song phương rất cao – nhiều nhất là Đức và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy. Đó là điều chúng ta nên tập trung vào lúc này”.
Trước đó, vào tháng 10, các nhà lãnh đạo EU đã đạt được thoả thuận gửi cho Ukraine 1 triệu viên đạn trong vòng 12 tháng.
Thỏa thuận này đánh dấu một bước ngoặt đối với EU với việc lần đầu tiên đạt được thoả thuận cùng mua vũ khí cho một quốc gia đang trong xung đột.
Kế hoạch này được xúc tiến trong bối cảnh có lo ngại rằng Kiev sắp hết đạn trong cuộc xung đột kéo dài với Nga. Các quan chức Ukraine cho biết họ cần ít nhất 1 triệu quả đạn pháo 155 mm để bổ sung và duy trì hệ thống phòng thủ – một con số vượt xa năng lực sản xuất hàng năm của châu Âu.
Để bù đắp sự thiếu hụt, EU đã soạn thảo một kế hoạch chi tiết gồm nhiều giai đoạn. Đầu tiên, họ sẽ dành 1 tỷ euro cho các quốc gia có thể tài trợ đạn dược ngay lập tức từ kho dự trữ của họ hoặc chuyển hướng các đơn đặt hàng hiện có. Sau đó, họ sẽ dành thêm 1 tỷ euro để cùng mua thêm đạn dược (và có thể cả tên lửa) cho Ukraine và thay thế đạn pháo do châu Âu tài trợ. Cuối cùng, họ muốn khám phá những cách khác để tăng cường khả năng sản xuất vũ khí mà châu Âu cần trong nhiều năm tới.
Slovakia dừng viện trợ cho Ukraine
Bratislava sẽ không gửi thêm viện trợ cho Kiev vì các đảng phản đối sự hỗ trợ đó đang đàm phán để thành lập chính phủ mới sau cuộc bầu cử ở Slovakia vào cuối tuần trước.
Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova có bài phát biểu tại Nghị viện Châu Âu, ngày 19/10/2022. Vào ngày 4/10/2023, bà Caputova đã phản đối kế hoạch của chính phủ tạm quyền về gửi thêm viện trợ quân sự cho Ukraine. Ảnh: AP
Chính phủ tạm quyền của Slovakia cho biết họ đã ngừng gửi thêm viện trợ quân sự cho Ukraine vì các đảng chính trị phản đối sự hỗ trợ đó đang đàm phán để thành lập liên minh sau cuộc bầu cử cuối tuần trước ở nước này.
Một phát ngôn viên của chính phủ cho biết: "Chính phủ sắp mãn nhiệm ở Slovakia sẽ không gửi thêm bất kỳ vật liệu quân sự nào tới Ukraine". Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Bộ quốc phòng Slovakia cho biết đang xem xét gửi một gói viện trợ mới.
Trước đó, Tổng thống Slovakia cũng đã từ chối kế hoạch của chính phủ tạm quyền về gửi thêm viện trợ quân sự cho Ukraine, nói rằng họ không có thẩm quyền và các đảng phản đối sự hỗ trợ đó đang đàm phán để thành lập chính phủ sau cuộc bầu cử vào tuần trước.
Văn phòng tổng thống Caputova cho biết trong một tuyên bố ngày 5/10 rằng chính phủ hiện tại của các nhà kỹ trị chỉ có quyền lực hạn chế vì họ đã thua trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm bắt buộc tại Quốc hội vào ngày 15/6, một tháng sau khi Tổng thống Zuzana Caputova tuyên thệ nhậm chức. Một nội các lâm thời đã được thành lập với mục đích dẫn dắt đất nước tiến tới cuộc bầu cử sớm hôm 30/9.
Tại cuộc bầu cử này, cựu thủ tướng theo chủ nghĩa dân túy Robert Fico và đảng cánh tả Smer (hay Direction) của ông đã giành được 22,9% số phiếu bầu, qua đó sẽ sở hữu 42 ghế trong Quốc hội 150 ghế. Chiến thắng của đảng Smer đi kèm với cam kết sẽ ngừng gửi vũ khí tới Ukraine, ngăn chặn tư cách thành viên NATO tiềm năng của Kiev và phản đối các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova hôm 2/10 đã yêu cầu ông Fico cố gắng thành lập một chính phủ liên minh. Ông có thời hạn đến ngày 16/10 để làm việc đó.
Ông Martin Strižinec, người phát ngôn của Tổng thống Slovakia, cho biết: "Quyết định về vấn đề này sẽ phản ánh kết quả của cuộc bầu cử quốc hội gần đây và phải tuân theo kết quả của các cuộc đàm phán thành lập chính phủ đang diễn ra những ngày này".
"Một quyết định về việc cung cấp hỗ trợ quân sự vào thời điểm cụ thể này sẽ tạo tiền lệ cho những thay đổi quyền lực chính trị trong tương lai", người phát ngôn trên nói.
Ông Fico đã buộc phải từ chức thủ tướng vào năm 2018 sau các cuộc biểu tình lớn trong nước về vụ sát hại một nhà báo điều tra.
Trước cuộc bầu cử, chính trị gia này tuyên bố sẽ rút hỗ trợ quân sự của Slovakia cho Ukraine nếu đảng của ông thắng cử. Hãng tin AP nhận định, chiến thắng của ông có thể làm căng thẳng thêm sự thống nhất mong manh trong Liên minh châu Âu và NATO.
Ông Fico hiện cần tìm đối tác liên minh để kiểm soát đa số trong quốc hội và đang đàm phán với hai đảng khác.
Trong khi đó, Văn phòng tổng thống Slovakia cho biết Tổng thống Caputova, người luôn ủng hộ Ukraine và đã đến thăm Kiev hai lần kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, đã không thay đổi quan điểm của mình về sự cần thiết của hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Tuy nhiên bà cũng nói rằng "việc phê duyệt gói viện trợ quân sự của chính phủ sắp mãn nhiệm hiện tại sẽ tạo ra tiền lệ rủi ro cho việc thay đổi quyền lực sau bất kỳ cuộc bầu cử nào trong tương lai".
Tuyên bố của Tổng thống Caputova khẳng định bà sẵn sàng ủng hộ các hỗ trợ quân sự cho Ukraine được đề xuất bởi bất kỳ chính phủ chính thức nào.
Slovakia là một trong những quốc gia ủng hộ chính cho Ukraine, tài trợ vũ khí, bao gồm cả phi đội máy bay chiến đấu MiG-29 thời Liên Xô.
Chính phủ tạm quyền ở Slovakia đã lên kế hoạch gửi đạn dược cho lực lượng vũ trang Ukraine và huấn luyện binh sĩ nước này về rà phá bom mìn.
Pháp, Đức mở đường sản xuất vũ khí ở Ukraine Khi nguồn dự trữ của quân đội phương Tây bắt đầu cạn, các chính phủ khuyến khích khu vực tư nhân xây dựng quan hệ đối tác trực tiếp với Kiev. Theo tờ Politico, các công ty quốc phòng của Pháp và Đức đang thành lập các cửa hàng địa phương ở Ukraine để bảo trì vũ khí. Đây được xem là bước...