Vượt qua nghịch cảnh
Em mồ côi cha, em thì nhà nghèo nhưng với nỗ lực của bản thân, cả hai đã vượt qua nghịch cảnh, trở thành học sinh chăm ngoan, học giỏi.
Vàng Mí Già (bàn trên cùng, bên phải) luôn là học sinh chăm ngoan, chịu khó
“Em chỉ mong mẹ trở về!”
Cậu bé dân tộc Mông Vàng Mí Già, 12 tuổi, ở xã Ma Lé, huyện Đồng Văn ( tỉnh Hà Giang) mồ côi cha từ sớm. “Đêm đó bố ngủ rồi không thấy tỉnh dậy. Từ đó, em không còn bố nữa. Bố mất đột ngột không biết bị bệnh gì”, Già ngậm ngùi kể.
Nỗi đau đến với Già chưa dừng lại ở đó, 10 ngày sau khi bố mất, mẹ em cũng lặng lẽ bỏ đi, không một lời dặn dò. Lúc đó, Vàng Mí Già học lớp 5, em trai Già học lớp 4. Đến nay, sau hơn 1 năm, hai anh em Già vẫn bặt tin về mẹ. “Người dân làng bản em nói, mẹ đi nước ngoài làm ăn nhưng không thấy mẹ gửi tiền về nuôi hai anh em”, cậu học trò dân tộc Mông nói trong nước mắt.
Hai anh em côi cút, sống dựa vào ông nội đã già yếu. Hằng ngày, ông nội vào rừng đào củ, nhặt củi, hái lá để nuôi hai anh em Già sống qua ngày. Ông cháu bữa no bữa đói, nhưng Già và em trai đều rất ngoan ngoãn, chịu khó và thương ông. Đặc biệt, Vàng Mí Già chăm chỉ học hành, luôn là học giỏi. Già từng đoạt giải Ba tại cuộc giao lưu “Em yêu Toán, tiếng Việt và hoạt động trải nghiệm” cấp huyện.
Lên cấp 2, Già được vào học Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Đồng Văn. Tại đây, em vừa nỗ lực học tập, vừa tham gia công tác Đội và đã đạt được nhiều thành tích như: giải Khuyến khích cuộc thi “Nét đẹp đội viên” cấp huyện năm học 2018 -2019; giải Khuyến khích cuộc thi Tìm hiểu văn hóa truyền thống các dân tộc năm học 2019 – 2020 của huyện. Trong học tập, em đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập và rèn luyện từ năm học 2014 – 2015 đến năm học 2018 – 2019.
Cô giáo Dương Hương Liên, Tổng phụ trách Đội của trường nhận xét, Vàng Mí Già là một học trò chăm chỉ, chịu thương, chịu khó. “Mặc dù, hoàn cảnh khó khăn nhưng Già thường xuyên thức khuya, dậy sớm học để đạt kết quả học tập tốt”, cô Liên nói và cho biết thêm, hiện cậu là Chi đội trưởng của lớp 7A, Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Đồng Văn. Trong vai trò Chi đội trưởng, Già luôn năng nổ, gương mẫu tham gia các hoạt động, trở thành tấm gương sáng cho các bạn nhỏ noi theo.
Video đang HOT
Cậu bé dân tộc Mông này có niềm đam mê đặc biệt với sáo. Già mượn sáo của người khác tự tập rồi thổi. Cậu thổi được nhiều bài nhưng đa phần là buồn. Già ước mơ có chiếc sáo của riêng mình để thổi cho thỏa đam mê nhưng mãi đến giờ vẫn chưa có tiền để mua. Hỏi về ước mơ lớn nhất của em là gì, Vàng Mí Già nghẹn giọng: “Em chỉ mong mẹ trở về!” .
Cậu học trò chữ đẹp, mê văn
Nguyễn Thanh Vũ học lớp 9A3, trường THCS Nguyễn Trãi, TP Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang), có hoàn cảnh khá khó khăn. Mẹ đi phụ quán, bố làm vườn, em trai bị bệnh down. Sinh ra, lớn lên trong hoàn cảnh đó, Vũ luôn chăm chỉ, hiếu thảo.
Mỗi ngày, mẹ phải thức dậy từ 3 rưỡi sáng để đi phụ quán cơm đến trưa mới về. Thương mẹ vất vả, Vũ thường xuyên dậy sớm quét nhà, giặt quần áo, nấu cơm giúp mẹ. Em trai Vũ năm nay 12 tuổi, bị bệnh down. Gia đình Vũ phải bố trí một người ở nhà để chăm sóc em. Bản thân Vũ, ngoài giờ học, đều dành thời gian để chơi, trò chuyện với em. “Em trai em có một chút không may mắn khi mắc bệnh. Nhưng em và bố mẹ luôn tạo không khí vui vẻ, mang đến những câu chuyện tích cực để em ấy luôn cảm thấy được yêu thương, không cô đơn”, Vũ cho biết.
Là con trai nhưng Vũ yêu thích môn Văn và viết chữ rất đẹp. Từ lúc học mẫu giáo, Vũ đã biết đọc. Vì thích môn tiếng Việt nên cậu đã xin bố mẹ mua sách tiếng Việt lớp 1, rồi đọc thuộc vanh vách các bài trước khi đi học. “Em rất yêu tiếng Việt. Tiếng Việt của mình thật đẹp, thật phong phú. Em thường mượn sách về đọc rồi tập viết văn để giãi bày cảm xúc của mình”, Vũ chia sẻ.
Bên cạnh đó, cậu hàng ngày tập luyện viết chữ đẹp. “Em luyện viết chữ đẹp như bị nghiện đó, cứ có thời gian là em ngồi tập viết. Có khi em ngồi viết mấy bài văn, chép mấy bài thơ liền. Viết xong rồi ngồi ngắm những nét chữ của mình thấy càng yêu tiếng Việt”, Vũ nói.
Với sự cố gắng và niềm đam mê đó, cậu học trò nhỏ Nguyễn Thanh Vũ lần lượt đoạt giải 3, giải 2, Hội thi Viết chữ đẹp cấp Thành phố, các năm học 2014-2015; 2015-2016; 2016-2017. Năm học 2015-2016 cậu đoạt giải 3, Hội thi viết chữ đẹp cấp tỉnh. Vũ còn đoạt giải Nhất Hội thi Kể chuyện Bác Hồ cấp Thành phố năm học 2018-2019.
Vũ có sở thích làm MC – người dẫn chương trình. Mặc dù chưa từng tham gia lớp đào tạo MC nào nhưng Vũ từng được đứng chung sân khấu, dẫn chương trình với MC chuyên nghiệp của Đài Truyền hình tỉnh Hậu Giang trong các chương trình: Gala trao học bổng ADC; Gala Hoa Lúa.
Chia sẻ về niềm vui khi trở thành đại biểu Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ IX, năm 2020, Nguyễn Thanh Vũ nói: “Đây là lần đầu tiên em được ra thăm Thủ đô Hà Nội. Em rất hồi hộp, háo hức. Em sẽ mua một vật nhỏ hay chỉ là nhặt một chiếc lá của Hà Nội cất về làm kỷ niệm”.
Nguyễn Thanh Vũ làm MC trong một chương trình của Đài Truyền hình Hậu Giang
Vàng Mí Già,12 tuổi, học Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) và Nguyễn Thanh Vũ học lớp 9A3, trường THCS Nguyễn Trãi, TP Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) là hai trong số 344 đại biểu là đội viên, thiếu nhi có thành tích xuất sắc từ các tỉnh, thành phố trên cả nước tham dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ IX, năm 2020. Đại hội diễn ra trong 2 ngày, 24 và 25/10, tại Thủ đô Hà Nội.
Khó khăn trong việc dạy học trực tuyến ở vùng cao
Nhiều gia đình có điện thoại thông minh và máy tính kết nối internet nhưng việc học trực tuyến ở nhiều vùng nông thôn vẫn chưa hiệu quả.
Vừa qua, nhiều người không khỏi xúc động, khâm phục câu chuyện của sinh viên Lầu Mí Xá, dân tộc Mông, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã dựng lán giữa rừng để bắt sóng 4G theo dõi các bài giảng trực tuyến khi phải nghỉ học để phòng, chống dịch Covid 19. Nhưng qua câu chuyện này cũng cho thấy, việc học trực tuyến qua mạng Internet hay qua các kênh truyền hình cũng không phải là điều đơn giản đối với học sinh, sinh viên tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Những ngày nghỉ học do dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, Ngô Lệ Hoa, học sinh lớp 8 trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng cùng em trai đều tạm gác lại việc học tập. Công việc của 2 chị em là phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy. Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương học trực tuyến, ước mơ nghe giảng bài của em càng khó thực hiện bởi lấy đâu ra máy tính, các thiết bị để hỗ trợ học hành.
Những ngày nghỉ của các em học sinh vùng cao tại Cao Bằng chủ yếu là phụ giúp bố mẹ làm việc nhà.
"Nghỉ học lâu, hằng ngày em giúp gia đình làm việc và đi giúp các cô, các bác vun ngô, vì nhà em không đủ điều kiện, máy tính em không có, còn điện thoại, thiết bị thông minh cũng không đầy đủ. Em mong muốn dịch qua nhanh để em được đi học trở lại", Hoa nói.
Thêm vào đó là ý thức tự giác học của nhiều em chưa cao nên việc học qua truyền hình hay học trực tuyến không phải là dễ, kể cả với những gia đình có máy thu hình.
Ông Nông Văn Hiển, phụ huynh ở xóm Phan Thanh, xã Quang Trung, huyện Hòa An cho biết: "Gia đình có nhắc nhưng hầu như các cháu không học, chủ yếu ngày nghỉ chơi điện tử. Cũng thấy Đài, báo nói đến là một số chương trình học qua TV, qua mạng nhưng chúng tôi cũng không biết là chương trình nào nên không biết để mở cho các con xem".
Cô giáo Trương Thúy Bình, Hiệu trưởng trường Tiểu học và Trung học cơ sở bán trú Quang Trung cho rằng, việc học trực tuyến với nhà trường là không khả thi. Hiện nhà trường cũng chỉ có thể cho học sinh ôn tập thông qua các chương trình do giáo viên soạn sẵn từ trước và gửi đến từng em học sinh: "Trường chúng tôi nằm ở xã vùng 3, là xã rất khó khăn với tỉ lệ học sinh là người dân tộc thiểu số chiếm đến trên 80%, phương tiện cho học sinh học trực tuyến cũng thiếu thốn. Đặc biệt là cơ sở vật chất của nhà trường không đáp ứng được, về phía học sinh và phụ huynh học sinh thì phương tiện để học cũng không có".
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có 40 trường THPT, trên 530 trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, tuy vậy, phần lớn các trường đều ở vùng sâu, vùng xa. Địa phương cũng đã phối hợp với một số nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hướng dẫn cho giáo viên, học sinh các bài giảng trực tuyến cũng như các kênh truyền hình.
Tuy nhiên, ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở GD-ĐT Cao Bằng cũng thừa nhận, hiện không chỉ học sinh mà ngay cả với các giáo viên, việc tiếp cận hình thức dạy học trực tuyến cũng không dễ dàng: "Về cơ sở vật chất để triển khai học trực tuyến như đường truyền internet, trang thiết bị dạy học thì nhiều trường gặp khó khăn, nhất là các trường ở vùng sâu vùng xa. Hai nữa với giáo viên là thiếu phương tiện dạy học trực tuyến, chỉ có một số trường học ở trung tâm thì giáo viên mới có một số thiết bị như máy tính cá nhân, đường truyền và Sở cũng chưa có tập huấn bồi dưỡng kỹ năng cho các thầy cô về dạy học trực tuyến".
Cũng có một thực tế, nhiều gia đình có điện thoại thông minh và máy tính kết nối internet nhưng việc học trực tuyến ở nhiều vùng nông thôn vẫn chưa cho thấy hiệu quả. Tại tỉnh Bắc Kạn, ngành giáo dục đã triển khai, tập huấn sử dụng phần mềm học trực tuyến đến các trường, với nội dung chủ yếu là ôn tập cho các em từ lớp 1 đến lớp 9. Bên cạnh một số trường ở trung tâm thành phố, thị trấn thực hiện khá tốt thì vẫn có một số trường vùng cao chưa thể triển khai. Theo số liệu thống kê của Sở GD-ĐT Bắc Kạn, tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến trên một ứng dụng do đơn vị quản lý chỉ khoảng 17%.
Bà Đào Thị Mai Sen, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Kạn cho biết: "Hiện nay chưa giám sát được chất lượng mà chỉ giám sát được số lượng học sinh vào học. Với học sinh vùng sâu, vùng xa nên học trực tuyến không dễ vì thiếu điện thoại thông minh, thiếu TV và việc giám sát của cha mẹ cũng khó. Bên cạnh đó, học sinh ở vùng sâu, vùng xa thường sống rải rác, nên việc đến từng nhà các em để kiểm tra, giám sát, giao bài cũng rất khó.
Có thể thấy, để việc học trực tuyến đạt kết quả như mong muốn, bên cạnh việc đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật thì cũng rất cần ý thức tự giác của các em học sinh và cần hơn nữa sự quan tâm nhắc nhở, giám sát của các bậc cha mẹ với việc học của con em mình./.
Công Luận-Tiểu Nguyệt
Lính biên phòng vượt núi mang con chữ lên bản vùng cao Ngày nào cũng vậy, dù mưa hay nắng, Trung uý người dân tộc Mông Vàng Lao Lừ, cán bộ thuộc Đồn biên phòng Mường Lạn (Sơn La) cùng chiếc xe máy cà tàng vẫn vượt núi, băng rừng hàng chục cây số đến lớp dạy xoá mù chữ tại các bản vùng cao nơi đây. Với người dân nơi vùng cao biên giới...