Vượt qua đau đớn để học giỏi
Em bị bệnh tim từ khi lọt lòng mẹ, nhưng cả nhà không một ai hay biết, chỉ thấy em hay khò khè, khó thở… Em èo uột lớn lên trong sự nghèo khó của gia đình.
Nhà nghèo, mẹ phải gửi em cho ngoại để một buổi lên lớp dạy, một buổi đeo em trên lưng đi gánh nước thuê hay giúp việc nhà cho người khác…
Bác sĩ bảo em bị thoát vị bẹn nhưng mãi đến năm em vào lớp 6, gia đình mới đưa em đi phẫu thuật. Cơ thể em kỳ lạ quá: phẫu thuật xong bên trái, ruột lại thòng bên phải, ấy cũng chính là lúc bệnh tim phát triển nặng… Vậy mà em vẫn cố gắng vượt qua mọi đau đớn để học tập. Chín năm học em đều đạt học sinh giỏi toàn diện. Năm lớp 9 em đoạt giải nhì học sinh giỏi môn hóa và giải khuyến khích vòng tỉnh.
Tranh thủ thời gian rỗi, Nghĩa sửa vợt điện của bà con trong xóm kiếm thêm thu nhập phụ mẹ
Video đang HOT
Những cơn đau ngày càng xuất hiện nhiều hơn nhưng em vẫn cắn răng chịu đựng. Ý chí đã nâng bước chân em vào lớp chuyên hóa của Trường chuyên Bạc Liêu. Càng học sức khỏe em càng yếu dần, nhưng vẫn là thành viên đội tuyển học sinh giỏi của trường. Xúc động nhất là thời gian em theo mẹ lên xuống Viện Tim TP.HCM để chuẩn bị cuộc phẫu thuật: giấy báo mổ đã hẹn, lịch thi cuối năm cũng cận kề mà tiền phẫu thuật vẫn chưa đủ… Biết hoàn cảnh của mẹ cha, em đã tranh thủ thời gian rảnh nhận vợt điện hư của bà con trong xóm sửa lại kiếm thêm năm bảy ngàn đồng.
Vừa thi học kỳ II lớp 11 xong, em cùng mẹ cầm giấy báo nhập viện để phẫu thuật. Khó khăn chồng chất khó khăn. Bốn đơn vị máu, tiền phẫu thuật, tiền làm các xét nghiệm… tất cả là một ngọn núi khổng lồ của sự lo lắng khiến em cứ cầm những ngón tay sưng vù, tím bầm và thở dài. Thương em, bạn bè, thầy cô cùng hội phụ huynh và Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP chung tay giúp đỡ em một phần viện phí… Ông bà nội ngoại thương cháu đã chạy đôn chạy đáo khắp nơi vay mượn cho kịp phẫu thuật. Sau ca mổ, em lại bị tràn dịch màng tim nên cứ sốt li bì… Gần một tháng sau phẫu thuật em mới được về và lại tất tả lo chuẩn bị bước vào năm cuối cấp của bậc trung học phổ thông.
Khai giảng năm học mới, nhà trường tặng em suất học bổng do một ngân hàng tài trợ. Vui hơn nữa, tháng 11 vừa qua em nhận một suất học bổng. Số tiền không nhiều nhưng chính là nguồn động viên rất lớn giúp em mua sắm dụng cụ học tập và có điều kiện tái khám đều đặn để học tốt hơn. Em mong mình mau bình phục để tiếp tục mổ thoát vị bẹn bên phải cho người bớt mệt, vì mỗi lần ngồi lâu hay đi lại nhiều, ruột lại thòng xuống khiến em đau đớn vô cùng. Giờ em có một ước mong trở thành bác sĩ tim mạch giỏi để có điều kiện giúp đỡ những bệnh nhân nghèo khắp mọi miền đất nước. Em là Võ Trần Trọng Nghĩa, lớp 12H Trường THPT chuyên Bạc Liêu.
Theo Tuổi Trẻ
Đi tìm con chữ bằng... tay
Suốt 12 năm qua, mình phải "đi" trên đôi tay của mình để đến trường, theo học cái chữ bằng được. Mình nghĩ, không có chữ, sau này làm gì cũng sẽ khổ!
Bố kể, năm 1993, khi lọt lòng mẹ, mình đã bị ảnh hưởng chất độc da cam từ bố, nên cơ thể phát triển không bình thường, hai chân cứ teo dần rồi liệt hẳn. Từ đó, việc di chuyển của mình hoàn toàn phụ thuộc vào bàn tay phải.
Ngày nhỏ, mỗi khi cha mẹ đi làm rẫy, mình được giao nhiệm vụ "ở nhà trông nhà". Nhìn mấy đứa bạn chạy nhảy nô đùa, đi học, mình thèm lắm. Mình cũng đòi đi học. Lúc đó, cả bản Suối Hộc này ai cũng nghĩ mình đòi đi học chỉ để cho vui thôi. Còn bố thì nghĩ mình đòi vu vơ nên chỉ an ủi cho qua chuyện, nhưng thấy mình năn nỉ, ông dẫn đến trường xin các thầy, cô giáo cho mình vào học.
Nhà mình nằm chênh vênh trên lưng chừng một ngọn đồi, cách xa trường, nên phải rời nhà ra ở gần trường để trọ học. Bố dựng một chiếc lều, nhờ các thầy, cô giáo cùng những người quen ở gần đó giúp đỡ, còn bố phải về nhà làm nương rẫy.
Những ngày bò từ lều lên lớp học là những lần bị xước mặt, bầm tím do chân và tay vấp phải đá khi xuống dốc. Từ khi biết mặt chữ cũng là lúc mình phải tự xoay xở với những sinh hoạt thường ngày. Vài tháng bố mẹ mới ra thăm một lần, cho ít tiền mua gạo, mua mắm, muối... rồi lại phải về đi làm rẫy.
Hơn chục năm rồi, mỗi năm mình chỉ "về phép" một lần vào dịp Tết. Học xong tiểu học tại bản, mình xin bố mẹ cho đến trung tâm xã cách nhà gần 30km để tiếp tục theo học THCS. Bố lại đi chặt cây rừng, dựng lều ở cạnh Trường THCS Trung Lý. Ngày ngày phải vượt qua hơn 400m đường, "đánh vật" với con dốc đứng dài hơn 50m cùng 16 bậc thang để đến lớp, nhiều lúc mình cũng thấy nản.
Nhưng khi học hết cấp 2, mình tự nhủ, dù thế nào cũng không được bỏ học. Thế là mình xin bố mẹ cho lên trung tâm huyện Mường Lát (cách nhà hơn 60km) để học cấp 3 tại TTGDTX. Trong hai năm qua, mình được hưởng trợ cấp mỗi tháng 140.000 đồng nên cũng đỡ vất vả phần nào. Ngoài số tiền được trợ cấp ấy, còn được sự cưu mang, giúp đỡ của bạn bè, thầy cô giáo trong trường.
Dịp hè vừa qua, mình có theo học đàn oóc-gan ở một lớp âm nhạc ngay thị trấn Mường Lát. Mình nghĩ mình sẽ làm việc gì đó mà ít phải di chuyển hơn, vì việc đi lại với mình còn khó khăn lắm. Khi mình đã yêu thích môn học nào thì bằng sự quyết tâm và những nỗ lực của mình, tin mình sẽ làm được.
Theo Việt Báo
Nữ sinh có điểm trung bình môn cao nhất Việt Nam Vũ Thị Hồng Lê, sinh viên năm 4 trường ĐH KTQD là sinh viên duy nhất đại diện cho 201 sinh viên tiêu biểu cả nước phát biểu tại lễ tuyên dương sinh viên tiêu biểu xuất sắc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, vừa được tổ chức tại Hà Nội. Hiện tại sau 4 năm học,...