Vượt lên ung thư, đậu cao đẳng
Ái Vân bị cha mẹ rời bỏ khi mới 7 tuổi, cha có vợ khác còn mẹ lấy chồng khác, nên sống với bà nội và người bác, gia đình rất nghèo.
Từ nhỏ, Ái Vân đã vừa học vừa làm, ngày nghỉ đi mò cua được vài ký bán được hơn chục nghìn đồng. Còn ngày thường, Ái Vân lãnh dây ni lông về đan giỏ đệm, mỗi ngày kiếm được khoảng 9.000 đồng.
Học hành, Ái Vân luôn là học sinh giỏi, năm lớp 9 là học sinh giỏi cấp huyện môn văn và sử, được Phòng GD-ĐT huyện tặng giấy khen.
Ái Vân đan giỏ đệm ni lông, một ngày kiếm được 9.000 đồng
Hoàn cảnh nghèo khó, thiếu tình thương cả cha lẫn mẹ vậy mà Ái Vân lại gặp căn bệnh hiểm nghèo. Vào lúc thi kỳ 2 lớp 11, năm 2011, Ái Vân nghẹt mũi, nhức đầu, có khi khó thở nhiều giờ.
Cố gắng đương đầu với bệnh tật qua kỳ thi cuối năm, nghỉ hè, Ái Vân đến bệnh viện đa khoa huyện để khám, được chuyển lên bệnh viện tỉnh, rồi Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM và Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Đến nay, Ái Vân đã được hóa trị khối u 10 lần, tóc rụng hết.
Thầy Trần Công Danh, Hiệu trưởng trường THPT Trần Đại Nghĩa, nơi Ái Vân học, cho biết nhà trường miễn học phí và còn quyên góp giúp Ái Vân một phần tiền chữa bệnh, Ái Vân có nghị lực rất lớn, mỗi lần đi viện về, cơ thể suy sụp nhưng tiếp tục đi học ngay.
Video đang HOT
Nụ cười của Ái Vân bây giờ thật buồn, gương mặt xanh xao, ai nhìn cũng cảm thấy nhói lòng. Ái Vân nói trong làn nước mắt, rất sợ hóa trị vì không có tiền và sau khi hóa trị thì ói liên tục, không ăn uống được cả tuần lễ.
Hỏi về cha mẹ, Ái Vân cho biết, có hai lần mẹ đến trường thăm và khuyên đi theo mẹ nhưng Ái Vân không đi, còn cha thì vài ba năm mới gặp một lần.
Mặc dù hoàn cảnh quá ngặt nghèo, Ái Vân vẫn thi đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Vĩnh Long, ngành Anh văn với 15 điểm.
Ông Phạm Hữu Thạnh, Trưởng ấp Mỹ Quới, cho biết: “Gia đình bà nội và bác ruột của Ái Vân rất nghèo. Bà con dân ấp có giúp đỡ nhưng đều thuộc diện khó khăn nên không giúp được nhiều. Thật mong những tấm lòng hảo tâm giúp Ái Vân vượt qua căn bệnh ngặt nghèo, thực hiện ước mơ đến giảng đường”.
The tuổi trẻ
Người mẹ bỏ quê ra phố nuôi giấc mơ ĐH cho con
Chồng đột ngột qua đời, để lại cho chị 2 đứa con thơ dại. Thương con, chị Lê Thị Thu (SN 1968, xóm 4, Diễn Thắng, Diễn Châu, Nghệ An) quyết định bỏ quê ra phố, làm thuê làm mướn chỉ mong con có điều kiện được học hành tốt hơn.
Đón chúng tôi nơi căn nhà trọ tồi tàn ở một con hẻm nhỏ thuộc phường Hưng Bình (TP Vinh, Nghệ An) khi trời đã nhá nhem tối, chị Lê Thị Thu nở một nụ cười mãn nguyện. Cậu con trai út Đặng Quốc Phong dù được tuyển thẳng vào ĐH Dược nhưng vẫn đăng ký đi thi và đỗ một lúc 2 trường. Mừng đấy nhưng trên khuôn mặt gầy gò của người mẹ vẫn nặng trĩu nỗi lo.
Chị Lê Thị Thu.
Trong căn phòng nhỏ chưa đến 10m2, ngoài chiếc giường 3 mẹ con ngủ chung và chiếc bàn học chẳng có gì đáng giá ngoài những cuốn sách chất ngồn ngộn. Suốt 3 năm qua, mẹ con chị đã bám trụ tại TP Vinh trong căn phòng nhỏ nóng hầm hập này. Lo đủ ăn đã khó, nói chi đến mua sắm thêm đồ.
Năm 2003, chị quyết định vay mượn để chồng đi xuất khẩu lao động những mong sớm thoát nghèo và lo cho 2 con ăn học tới nơi tới chốn. Thời điểm đó, thị trường lao động Malaysia vẫn còn hết sức khó khăn, dè sẻn lắm chồng chị mới gửi về cho vợ được vài ba triệu mỗi tháng. Nợ trả chưa xong thì anh đột tử, chị chạy vạy lo tiền nong để đưa thi thể chồng về nước. Khi đó Đặng Thị Xuân đang học năm đầu tiên hệ cao đẳng của Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cơ sở tại Nghệ An, còn Đặng Quốc Phong mới lên lớp 9.
Nén nỗi đau, chị gồng gánh nuôi con ăn học. Chẳng thế nói hết những cơ cực của người phụ nữ chỉ biết trông chờ vào 5 sào ruộng để nuôi đứa con trọ học trong thành phố và một đứa con bị bệnh tim. Hiểu được sự vất vả của mẹ, ở thành phố, Xuân cố gắng dành dụm chi tiêu còn Phong liên tục nhiều năm liền đạt học sinh giỏi tỉnh.
Thương mẹ vất vả, Phong đã báo đáp bằng thành tích học tập ấn tượng
Thương con và muốn cho con có điều kiện học tập tốt nhất nhưng khi Phong ngỏ ý thi vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Vinh) thì chị hoang mang lắm. Một mình chị làm sao nuôi nổi 2 đứa con trọ học ở thành phố? Chị khuyên con học cấp 3 gần nhà để bớt đi một khoản chi tiêu. Nhưng khát khao được vào học ở ngôi trường chuyên của tỉnh lớn quá nên Phong dấu mẹ đi thi và đậu vào chuyên Hóa Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu và Khối THPT chuyên Trường ĐH Vinh.
"Nói thật lúc biết tin cháu đỗ vào trường chuyên, tôi lo nhiều hơn mừng. Tôi làm ruộng, lấy mô ra tiền nuôi cả 2 đứa. Thằng Phong năn nỉ mãi, cuối cùng nó bảo: "Mẹ cứ cho con vào Vinh, con sẽ làm thêm để kiếm tiền trọ học". Một mình nó, ốm đau bệnh tật tôi không nỡ nên khăn gói theo con vào Vinh luôn", chị Thu tâm sự.
Ruộng vườn cho người khác thuê, trâu bò cũng bán hết, chị khăn gói vào Vinh làm đủ nghề để duy trì cuộc sống của 3 mẹ con. May mắn xin vào làm tạp vụ trong một khách sạn với mức lương 1,3 triệu đồng, tối chị đi rửa bát thuê. 2 triệu đồng mỗi tháng chỉ đủ cho 3 mẹ con chi tiêu một cách tằn tiện. Mỗi tháng hoặc vài ba tháng chị lại bắt xe về quê dọn dẹp nhà cửa, lo hương khói cho người chồng quá cố. Nhiều khi thấy mình kiệt sức nhưng nghĩ 2 đứa con ham học, học giỏi, chị lại gắng gượng.
Hành trình tới giảng đường của Phong sẽ còn gian nan, một lần nữa chị lại phải rời quê "đi học" cùng các con.
"Nhà trường, các thầy cô giáo và hội phụ huynh biết hoàn cảnh của Phong nên quan tâm giúp đỡ mẹ con tôi nhiều lắm. Cháu được miễn học phí, các khoản đóng góp, rồi học bổng, thậm chí trường và Hội phụ huynh còn san sẻ phần lớn chi phí Phong ra Hà Nội ôn luyện cho kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Hóa". Không phụ lòng mong mỏi của mọi người, kỳ thi học sinh giỏi quốc gia vừa qua, Phong xuất sắc giành giải Ba môn Hóa học và nghiễm nhiên được lựa chọn một trường ĐH mà không cần phải tham gia tuyển sinh.
Phong đăng ký vào Trường ĐH Dược Hà Nội và được chấp nhận nhưng em vẫn muốn thử sức mình nên đăng ký dự thi vào Trường ĐY Y Hà Nội và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và đậu cả 2 trường với số điểm khá cao. "Em quyết định học ĐH Dược Hà Nội vì học phí trường ĐH Y Hà Nội đắt, sợ mẹ không kham nổi. Ra Hà Nội, em sẽ cố gắng tìm việc làm thuê để đỡ đần cho mẹ và chị gái. Hiện giờ chị Xuân vừa học liên thông lên đại học, lại vừa đi làm thêm, cũng vất vả lắm", Phong chia sẻ.
Nói thì là vậy nhưng chị Thu đâu nỡ để con trai phải cực khổ khi phải trọ học xa nhà bởi di chứng căn bệnh tim vẫn hành hạ cậu bé. "Có lẽ tôi phải xin nghỉ việc ở Vinh rồi ra Hà Nội với cháu. Ra đó cố gắng tìm công việc gì đó hai mẹ con nuôi nhau chứ để cháu ở một mình tôi không yên tâm. Cháu Xuân giờ mỗi tháng cũng kiếm được gần 1 triệu đồng, dù khó khăn nhưng chắc cũng lo nổi cho cuộc sống và học hành. Mình có sức khỏe, có quyết tâm thì chắc trời không nỡ bỏ rơi mô cô ạ. Điều mong muốn duy nhất của tôi lúc này là có thể lo cho con học tới nơi tới chốn để các cháu không phải khổ cực như bố mẹ", chị tâm sự mà như cố gắng nén nặng trĩu nỗi lo vào trong lòng.
Hoàng Lam
Theo dân trí
Đà Nẵng: Khung học phí mới cao nhất 95 nghìn đồng/tháng Chiều 2/8, UBND TP Đà Nẵng ban hành khung học phí mới năm học 2012 - 2013. Theo đó, mức thu học phí cao nhất áp dụng đối với học sinh ở các nhà trẻ, trường mẫu giáo ở khu vực trung tâm TP. là 95 nghìn đồng/học sinh/tháng. Học sinh Đà Nẵng vừa chính thức bắt đầu chương trình học của năm...