Vượt lên nghịch cảnh, cậu học sinh nghèo 9 năm đạt học sinh giỏi
Hiểu được sự vất vả của mẹ, ngay từ nhỏ em Đặng Văn Nguyên (sinh năm 2005) đã luôn cố gắng học giỏi.
Nghị lực vượt khó của người con hiếu thảo
Em Đặng Văn Nguyên dân tộc Dao, sinh ra tại một vùng quê nghèo khó ở xã Yên Lập, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Trong căn nhà nhỏ chỉ có hai mẹ con sống với nhau.
Chị Đặng Thị Dần – mẹ em Nguyên kể lại, từ khi biết chị mang thai Nguyên, người đàn ông chị đã trót dại trao thân gửi phận ấy bỏ đi biệt tích, từ ngày đó đến giờ chưa hề gặp lại.
Nhà nghèo, giờ đây lại phải nuôi con một mình nhưng chị Dần quyết không từ bỏ giọt máu của mình, chị đã một mình nuôi con cho dù hoàn cảnh rất khó khăn, phải chạy cơm từng bữa.
“Hồi ấy nhà nghèo lắm, bố mẹ tôi có được 6 người con nhưng không gia đình nào khá giả cả. Trong lúc mang thai tôi vẫn phải đi làm không bất kể việc gì để có tiền lo cho hai mẹ con”, chị Dần nhớ lại.
Thương mẹ nên ngay từ khi còn nhỏ Nguyên đã rất chăm chỉ học hành, 9 năm liền em đều giành được danh hiệu học sinh giỏi.
Trong các kì thi học sinh giỏi Toán cấp huyện, cả bốn năm lớp 6,7,8,9 em đều đạt giải nhất. Năm lớp 8 và lớp 9 em lần lượt được giải khuyến khích và giải nhất môn Toán trong kì thi Học sinh giỏi cấp tỉnh.
Đối với em Đặng Văn Nguyên, mẹ chính là động lực lớn nhất để em cố gắng học tập (Ảnh: Diệp Anh)
Mẹ Nguyên kể lại, hồi lớp mẫu giáo và lên tiểu học Nguyên thường xuyên bị các bạn trêu không có bố, nhiều lần về nhà thấy con khóc vì tủi thân chị không cầm được lòng.
Cô giáo đã nhắc nhở nhiều lần nhưng các bạn vẫn trêu Nguyên. Chỉ khi nhận thấy Nguyên thiếu đi tình yêu thương của cha mà vẫn học giỏi khiến các bạn trong lớp nể phục, từ đó Nguyên mới không bị trêu nữa.
Nguyên may mắn đỗ vào Trường Phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở Chiêm Hóa và theo học ở đây từ năm lớp 6.
Video đang HOT
“Em đã rất vui khi được học ở ngôi trường này, vì ở đây không chỉ có điều kiện học tập tốt mà em còn được nuôi ăn, ở và được miễn học phí. Nếu không mẹ em sẽ vất vả hơn nhiều…”, Nguyên chia sẻ.
Thầy Đào Xuân Diệp – giáo viên chủ nhiệm lớp 6, 7 của Nguyên kể về em với giọng đầy tự hào: “Nguyên là một học sinh ngoan, thông minh và rất chăm chỉ. Ở môi trường nội trú, chúng tôi phân chia giờ giấc học tập và sinh hoạt nhất định cho các em học sinh. Nhưng với Nguyên, ngày thứ 7, chủ nhật rất ít khi thấy em chơi ở sân trường.
Em dành hầu hết thời gian học Toán ở sách nâng cao, bài nào khó em lại tìm hỏi tôi. Nhưng không vì học giỏi mà Nguyên “kiêu”, em rất thân thiện với bạn bè và tích cực tham gia các hoạt động ở lớp, ở trường. Đặc biệt, Nguyên sẵn sàng giảng cho những bạn học yếu môn Toán rất nhiệt tình”.
Nguyên học cách xa nhà hơn 20km, chị Dần lại không biết đi xe máy nên hàng tuần không xuống thăm em được.
Nghị lực sống của mẹ chính là em, Nguyên hiểu được điều đó nên không ngừng nỗ lực học tập, em cũng không quên thứ 7 cuối tuần nào cũng xuống căng tin để mượn điện thoại chú bảo vệ gọi điện về cho mẹ.
“Đi học xa, để mẹ ở nhà một mình em cũng không yên tâm. Em sợ mẹ nhớ em nên tuần nào cũng gọi điện nói chuyện thật lâu với mẹ.
Cũng may mắn là mỗi tháng trường cho về nhà một lần nếu không chắc mẹ nhớ em nhiều lắm”, Nguyên tâm sự.
Vì không đi được xe máy nên việc đưa đón Nguyên hàng tháng đều nhờ vào người bác dâu là chị Triệu Thị Bình.
Chị Bình chia sẻ: “Cháu Nguyên ngoan và thương mẹ lắm, biết mẹ vất vả nên mỗi lần về nhà cháu đều phụ giúp mẹ hết việc nhà.
Có hôm tôi sang nhà thấy cháu đang nấu cơm, cháu nói nấu cơm chín xong xuôi hết mẹ đi làm đồng về chỉ việc ngồi ăn thôi.
Đàn ông mà việc gì cũng làm và biết làm, từ việc nhỏ đến lớn trong nhà chưa bao giờ đến tay mẹ cháu mỗi khi cháu về nhà.
Ông trời cũng thật có mắt khi cho cô Dần được một đứa con ngoan ngoãn như Nguyên”.
Khi học xong, Nguyên phụ mẹ tất cả việc nhà từ nấu cơm, rửa bát hay đi lấy củi (Ảnh: Diệp Anh)
Chị Dần cũng tỏ sự ấm lòng về đứa con của mình: “Đống củi trước nhà là Nguyên vừa đi lấy về đấy cô ạ. Tôi nghèo không cho cháu được ăn uống đầy đủ như bao đứa trẻ khác nên so với bạn bè cháu nhỏ hơn rất nhiều. Bó củi to không vác lên vai được nên cháu chỉ kéo về.
Mỗi lần về nhà là lại đi lấy 5,6 có khi cả chục bó củi để mẹ đỡ phải lên rừng. Nói chung mỗi lần cháu về nhà là tôi không phải động tay động chân đến bất cứ việc gì”.
Chị Dần giãi bày thêm: “Kinh tế gia đình phụ thuộc vào hơn 100 mét vuông ruộng, làm quần quật cũng không đủ ăn, tôi cũng đi làm thuê khắp vùng, ai thuê gì làm nấy để có đồng ra đồng vào. Mỗi lần cháu về tôi cho cháu 100 nghìn đồng để ăn quà nhưng cháu không ăn mà để dành tiền mua sách để đọc”.
Cậu học trò nghèo và ước mơ trở thành công an
Kết thúc năm học lớp 9 với thành tích xuất sắc, Nguyên thi đỗ vào trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Tuyên Quang.
Trong khi bạn bè của Nguyên đi ôn luyện thi vào trường thì Nguyên chỉ ôn luyện tại nhà, cứ ăn cơm xong và phụ giúp mẹ hết mọi việc là em lại mang sách vở ra học bài.
Nguyên không có góc học tập riêng, bàn uống nước là nơi duy nhất để em có thể ngồi viết bài.
Bàn uống nước cũng chính là góc học tập của Nguyên. (Ảnh: Diệp Anh)
Mẹ em kể lại, nguyện vọng của em là muốn được theo học chuyên Toán tại Trường Trung học phổ thông chuyên Tuyên Quang để thực hiện ước mơ trở thành giáo sư về Toán học.
Nguyên chia sẻ, em rất hâm mộ Giáo sư Ngô Bảo Châu, tương lai em mong muốn được tài giỏi và uyên bác như vậy. Nhưng do học phí ở đó đắt đỏ nên em quyết định theo học trường nội trú.
“Dù học ở môi trường nào, em tin chỉ cần mình nỗ lực thì mọi ước mơ sẽ thành hiện thực”, Nguyên nói.
Nhưng với chi phí đắt đỏ ở Hà Nội, một mình mẹ em sẽ không cáng đáng nổi.
Nguyên trong lễ tốt nghiệp cấp 2 của mình (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
“Em thích trở thành giáo sư về Toán học nhưng em cũng rất yêu ngành công an. Nhiều người thi vào ngành công an với nguyện vọng ra trường sẽ có việc làm luôn và không mất tiền học phí, nhưng em thích làm công an vì ngoài việc không phải đóng tiền học phí ra thì đây là một nghề rất cao quý, làm nhiệm bảo vệ sự bình yên cho mọi người, bảo vệ Tổ quốc.
Em không biết mình sẽ cống hiến được cho đất nước bao nhiêu, nhưng tình yêu của em dành cho mẹ đủ lớn để em có thể trở thành người có ích cho xã hội, để mẹ em luôn tự hào về em”, Nguyên tâm sự.
Chia tay mẹ con Nguyên trong nắng chiều dần tắt ở bản làng người Dao, nhìn ánh mắt của cậu bé 15 tuổi đầy những hoài bão kia, tôi mong rằng cậu sẽ thực hiện được ước mơ trở thành công an của mình.
Nghi Xuân trao thưởng 53 học sinh giỏi và sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
Nhằm khích lệ tinh thần vươn lên trong học tập, Hội Khuyến học - Cựu giáo chức huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã tổ chức vinh danh học sinh giỏi các cấp và trao học bổng cho các em hoàn cảnh khó khăn.
Tại chương trình diễn ra sáng 24/7, có 4 học sinh giỏi quốc gia (1 giải nhì, 3 giải khuyến khích), 18 học sinh giỏi tỉnh và 31 em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập đã được khen thưởng và nhận học bổng từ Quỹ khuyến học Khuyến tài Nguyễn Du với tổng số tiền gần 75 triệu đồng. (Trong ảnh: Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Tĩnh Đoàn Đình Anh cùng lãnh đạo huyện trao thưởng cho các em học sinh giỏi quốc gia).
Đây là nguồn động viên giúp các em tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên học tập tốt, xứng đáng với niềm tin yêu của thầy cô, bạn bè và người thân. (Trong ảnh: Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Tĩnh Đoàn Đình Anh trao thưởng cho các em học sinh giỏi tỉnh).
Lãnh đạo Hội Khuyến học Nghi Xuân trao học bổng cho sinh viên, học sinh nghèo xuất sắc
Từ đầu năm đến nay, Quỹ khuyến học Nghi Xuân đã trao 207 triệu đồng cho 350 học sinh giỏi, sinh viên giỏi, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi. Tới đây, Hội tiếp tục trao 170 suất quà trị giá 50 triệu đồng hỗ trợ những học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.
Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Nghi Xuân Trần Ngọc Sinh
Nghị lực của nữ sinh "hoa xương rồng" nhiều lần đoạt giải cao cuộc thi học sinh giỏi môn Lịch sử Mặc dù gia cảnh khó khăn nhưng được sự động viên của thầy cô, gia đình, em Lục Mùi Khe đã nỗ lực, vươn lên trong học tập và đạt nhiều thành tích đáng khen ngợi trong các kỳ thi học sinh giỏi. Gia cảnh ngặt nghèo và ý định nhường cơ hội đến trường cho em trai Trong một lần công tác...