Vượt khó học giỏi như chủ nhân Huy chương Bạc Olympic Toán Quốc tế
Giữ vững danh hiệu học sinh giỏi toàn diện suốt 12 năm học phổ thông, liên tiếp đoạt các giải cao trong các kỳ thi Toán cấp quốc gia, mới đây nhất, Nguyễn Kiều Hiếu giành Huy chương Bạc cuộc thi Olympic Toán Quốc tế 2010 với điểm số suýt soát đạt Huy chương Vàng.
Thành tích của cậu học trò lớp 12A, THPT chuyên Lê Quý Đôn thật đáng nể. Song đằng sau nụ cười lạc quan thường trực của Kiều Hiếu là cả một hành trình vượt khó đầy nghị lực.
Nguyễn Kiều Hiếu vừa giành Huy chương Bạc cuộc thi Olympic Toán học Quốc tế (IMO) 2010.
“Hiếu mồ côi cha từ năm 10 tuổi”
Đó là câu nói tận đáy lòng khi tâm sự cùng chúng tôi của bà Kiều Thị Ba, mẹ của Nguyễn Kiều Hiếu. Mẹ Hiếu luôn nhớ về hình ảnh của con trai khi ba Hiếu mất lúc em còn là cậu học trò lớp 3, chưa được 10 tuổi.
“Đám tang cha, con tôi không khóc. Mọi người vẫn nghĩ Hiếu còn nhỏ, chưa cảm nhận hết mất mát. Nhưng rồi tôi nhìn thấy con gục đầu bên cha lần cuối trong lễ tang đến tận khuya. Rồi chính Hiếu an ủi tôi khi tôi qụy ngã Mẹ đừng khóc nữa. Mẹ còn có hai chị em con nữa. Mẹ giữ sức, đừng để ngã bệnh”.
Chính câu nói đó của Hiếu đã vực người mẹ trong đau khổ vì gia đình đã vĩnh viễn mất đi một trụ cột.
Công việc của một nhân viên công ty 503 thuộc Khu đường bộ 5 nhiều vất vả, bà Ba vẫn không nề hà. Ngày đêm chắt chiu lo cho con được ăn học. Rồi khi nghỉ hưu, đồng lương hưu ít ỏi không đủ xoay trở lo chu toàn sinh hoạt phí trong nhà, mẹ Hiếu xin một chân tạp vụ ở cơ quan cũ kiếm thêm thu nhập.
Video đang HOT
“Vì điều kiện gia đình, Hiếu thiệt thòi hơn các bạn học cùng trang lứa. Vậy mà chưa mà giờ tôi nghe nó than một tiếng khó. Mỗi lần nghe thầy giáo gọi điện thoại nhắc chừng mai Hiếu đi thi học sinh giỏi, tôi mới lật đật mua cho con vài hộp sữa bồi bổ. Món đồ dùng học tập xa xỉ nhất của nó là cái máy tính cũ để bàn mà cả nhà ngoại, cậu, dì gom góp mua tặng thưởng cháu khi nó thi đỗ vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, cái trường ai cũng biết dễ chi mà thi đậu vô đó.”.
Rồi mẹ Hiếu kể tiếp về con trai: “Nó chẳng bao giờ xin tiền mẹ đi chơi. Hồi Hiếu còn học cấp hai, có lần tôi cho tiền nó đi học thêm môn Toán. Mấy tháng sau, nó đem tiền về lại nói Không hiểu răng mà thầy biết hoàn cảnh nhà mình, thầy giảm học phí cho con. Mấy lần cần lắm mới xin mẹ cho tiền ra tiệm để lên mạng. Nó nói trên mạng có diễn đàn chi đó để nó tải tài liệu rồi trao đổi với các bạn về cách giải các bài Toán”.
Phần thưởng lớn nhất với Hiếu có lẽ là niềm vui đầy tự hào của mẹ.
Lên cấp ba, cũng vì chưa quen với môi trường học mới với nhiều yêu cầu cao của trường chuyên, trong học kỳ đầu tiên, Hiếu chỉ đạt học lực khá. Sợ mẹ buồn, Hiếu hứa chắc cho mẹ yên lòng: “Mẹ đừng lo. Cuối năm con sẽ cố gắng là học sinh giỏi” và Hiếu đã giữ đúng lời hứa.
Và sau đó là một loạt các giải thưởng: giải Ba môn Toán cấp TP năm lớp 10, Huy chương Bạc Olympic 30-4 môn Toán, giải nhì giải Toán trên máy tính năm lớp 11, giải ba Quốc gia và mới nhất là huy chương Bạc Olympic Toán Quốc tế 2010.
Uớc mơ đuổi theo Toán học tới cùng
Chia sẻ về dự định tương lai, Hiếu chia sẻ: “Em sẽ đăng ký học lớp cử nhân tài năng Toán của Đại học Quốc gia Hà Nội. Em muốn được theo đuổi Toán học tới cùng.”
Trước đó, vì nhận thức hoàn cảnh gia đình, Hiếu đã đồng ý với mẹ là học ở trường đại học ngay TP Đà Nẵng cho gần, không tốn kém nhiều sinh hoạt phí như khi xa nhà đi học. Nhưng như lời ông Phạm Gia Hữu, tổ trưởng tổ 19, phường Thanh Khê Đông, Q. Thanh Khê (Đà Nẵng) : “Hắn được huy chương cả xóm ni mừng. Ai cũng biết thằng Hiếu có tiếng học giỏi mà lại ngoan, có hiếu với mẹ. Tui nghe trong xóm nói hắn ưng học Toán lắm, ưng học ngành chi thiên hẳn về Toán học luôn kìa nhưng hắn có dám nói với mẹ hắn mô. Hắn thương mẹ, nói Thôi nói rứa thôi chớ con đăng ký trường học ở Đà Nẵng cho gần nhà”.
Trò chuyện với Dân trí, Hiếu tâm sự: “Em đam mê môn Toán học chính từ niềm đam mê Toán học của thầy Sơn (thầy Nguyễn Duy Thái Sơn – PV). Thầy là người tận tụy với Toán học và với học trò bọn em”.
Hiếu và thầy Nguyễn Duy Thái Sơn, người đã truyền lửa cho em niềm đam mê Toán học.
Nhận xét về Kiều Hiếu, thầy Nguyễn Duy Thái Sơn – người đã dạy và dẫn dắt hai học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn là em Nguyễn Kiều Hiều và em Phạm Việt Cường đến tận trường thi Olympic Toán Quốc tế IMO 2010 và đoạt hai Huy chương Bạc, cho biết: “Hiếu là một học trò khiêm tốn. Em thực sự rất có năng lực môn Toán học, nhất là Toán tổ hợp (Toán suy luận). Ở ngày thi thứ hai, bài làm của em rất hoàn hảo và bứt phá. Tôi hoàn toàn tin tưởng ở em trước kỳ thi. Mừng hơn là em đạt được thành tích cao hơn kỳ vọng”.
Theo dân trí
Chân dung cậu học sinh đoạt HCV Toán
"Năm cháu học lớp 11, vì ham chơi nên cháu thường không thể dậy đúng giờ đi học được. Gia đình tôi rất lo nên quyết định xin cho cháu về trường THPT chuyên Hùng Vương Phú Thọ", mẹ của Nguyễn Ngọc Trung, cậu bé vừa đạt Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế tự hào chia sẻ.
Trung (Ngoài cùng bên phải) chụp ảnh cũng bạn bè và thầy cô.
Trong những ngày này, ở khu II, xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, đâu đâu cũng râm ran chuyện về cậu con trai của người thợ mộc Nguyễn Văn Giỏi và vợ là Nguyễn Thị Tuyết Dung vừa đoạt Huy chương Vàng Olympic quốc tế môn toán.
Con đường làng xanh mát dẫn chúng tôi tới ngôi nhà xây đã lâu nhưng vẫn chưa trát vữa của vợ chồng anh Giỏi. Ngoài sân, bàn, tủ, máy cưa để ngổn ngang cùng với những đống gỗ nham nhở.Trời nắng chang chang, nhưng người phụ nữ tuổi 50 vẫn hì hục xếp từng thanh gỗ ngay ngắn vào mép tường. Thấy có khách, chị kéo vội ống tay áo lau hai hàng mồ hôi chảy trên mặt. Chị là Nguyễn Thị Tuyết Dung, mẹ của Nguyễn Ngọc Trung, cậu bé vừa đoạt Huy chương Vàng Olympic môn toán quốc tế. Vừa rót nước chị vừa tâm sự: "Thầy giáo cháu vừa gọi điện thông báo cho gia đình, chủ nhật tuần này cháu sẽ về nên tôi dọn dẹp nhà cửa gọn gàng để đón cậu cả về đó. Làng xóm, họ hàng, bạn bè, thầy cô đến chúc mừng còn có chỗ mà ngồi". Theo chị Dung, ngày còn nhỏ, Trung vốn đã có năng khiếu về toán học, đồ chơi xếp hình được các bác, chú mua cho em đều làm thành thạo và rất nhanh.
Dừng lại một hồi lâu, như hồi tưởng lại những khó khăn đã qua, chị chia sẻ: "Ngày trước gia đình tôi còn vất vả hơn bây giờ rất nhiều. Tôi vốn lập gia đình muộn nên từng này tuổi (ngoài 50 tuổi) mà con trai lớn nhà tôi, tức thằng cu Trung mới có 18 tuổi, cô con gái thứ hai thì năm nay mới tròn 14".Câu chuyện trở về với những ngày chị còn làm công nhân ở Nhà máy Supe - phốt phát Lâm Thao. Làm việc vất vả mà lương ba cọc ba đồng, nên cuộc sống của gia đình đều trông chờ vào thu nhập từ nghề thợ mộc của anh Giỏi. Nếu không có nghề mộc của anh Giỏi thì hai đứa con không thể có điều kiện để học hành. "Mặc dù nhà nghèo, nhưng ông trời thương xót thế nào mà thằng Trung học rất giỏi, cứ thi đâu đỗ đấy" - chị Dung kể.
Nguyễn Ngọc Trung.
Ngay từ bé, Trung đã thể hiện nhiều năng khiếu. Hồi mới học lớp 4, mấy bác hàng xóm thi thoảng lại nhờ Trung dò kênh, cái đặt các chương trình, rồi hướng dẫn cách sử dụng khi mua tivi mới. Những năm học cấp hai, thầy Huy làm chủ nhiệm, thầy đã phát hiện em có năng khiếu đặc biệt môn toán. "Càng lớn cháu càng ít nói. Hàng ngày, đi học về, cháu cứ lầm lầm lì lì, ít giao tiếp với mọi người. Vợ chồng chúng tôi đều ít chữ nên không dạy cháu được, cũng chẳng hiểu cháu nó học hành thế nào, nhưng thấy nó cứ cặm cụi trước những cuốn sách, tập vở. Vợ chồng tôi chỉ biết động viên con học để sau này lớn lên có công việc ổn định, đỡ vất vả như bố mẹ", chị Dung kể.
Rồi những năm học cấp hai cũng qua nhanh. Cậu bé lầm lì ít nói thi đỗ liền lúc hai trường cực khó, với điểm số rất cao, đó là Trường THPT chuyên Hùng Vương Phú Thọ và lớp chuyên Toán, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội. Mặc dù cuộc sống khốn khó trăm bề, miếng ăn còn chẳng mấy khi no bụng, lại là những người ít chữ, song anh Giỏi, chị Dung vẫn quyết tâm đầu tư cho con học hành tới bờ tới bến. Sự cặm cụi lao động nuôi con của bố mẹ đã truyền cho Trung nghị lực và tình yêu thương để em biết phấn đấu vươn lên.Tuy nhiên, một lần tay xách nách mang bắt xe xuống Hà Nội thăm con, chị Dung đã bàng hoàng khi phát hiện ra cậu con của mình rất... lười học, ham mê các trò chơi điện tử. Suốt ngày Trung chúi mũi vào máy tính chat chít.
"Khi biết thời gian học ở Hà Nội cháu rất ham chơi, lười học, nên vợ chồng tôi rất lo lắng. Năm cháu lên lớp 11, cháu thường không thể thức dậy đúng giờ để đi học được. Lo lắng cho con, vợ chồng chúng tôi quyết định xin chuyển cháu về trường chuyên Hùng Vương ở Phú Thọ", chị Dung nhớ lại.
Sau khi chuyển con về trường Hùng Vương cho dễ giám sát, dù công việc hàng ngày đầu tắt mặt tối, nhưng anh chị vẫn thay nhau lên thăm Trung. "Hầu như tuần nào vợ chồng tôi cũng thay nhau lên thăm cháu, theo dõi xem cháu học tập thế nào. Mỗi lần lên Việt Trì, tôi lại nhờ ông bà chủ nhà trọ quản lý hộ. Nếu cháu lười học, mải chơi thì họ sẽ trực tiếp báo cho tôi. Nhưng cũng may cho chúng tôi, từ khi về Việt Trì cháu rất ngoan, chịu khó học tập."
"Ngay năm học lớp 11, cháu đã đạt giải 3 vượt cấp môn Toán cấp quốc gia năm học 2008-2009. Thấy Trung có tiềm năng, nhà trường quyết định xếp cháu vào đội tuyển ôn luyện thi toán quốc tế lần thứ 51", chị Dung kể.
Ngồi trò chuyện về cậu con trai vừa đoạt Huy chương Vàng Olympic môn toán quốc tế, chị Dung không giấu nổi xúc động: "Vợ chồng chúng tôi ít chữ, chẳng có bằng cấp gì, cũng không phải là người thành đạt, nhưng chúng tôi đã cố gắng dạy con làm được điều mà vì hoàn cảnh, bố mẹ đã không làm được, đó là học hành cho thành người".Rời mảnh đất núi đồi đá sỏi gan trâu, cuộc sống vô cùng khốn khó, mảnh đất từng nổi tiếng cả nước vì có rất nhiều bệnh nhân ung thư, tôi mang theo cảm giác bồi hồi khó tả. Không ngờ, giữa mảnh đất mà hàng trăm con người đang nhọc nhằn đối mặt với sự sống và cái chết, vẫn có một chàng trai con nhà nghèo khổ làm được điều rạng danh cho Tổ quốc.
Theo VTC
Nữ thủ khoa Trường Luật xinh xinh Xinh xắn và thông minh, Hồ Hạnh Thảo, thủ khoa ĐH Luật TPHCM khiến người đối diện dễ dàng có thiện cảm. Càng chuyện trò với cô học trò THPT Hoàng Hoa Thám, Đà Nẵng, hiểu gia đình em còn nhiều khó khăn, càng thêm nể ý chí vượt khó của cô bé kính cận. Hồ Hạnh Thảo vừa đỗ thủ khoa vào...