Vượt khó, cô gái tật nguyền viết nên chuyện cổ tích
Một mình tự mua sách mở và mượn sách của các em về học để tìm kiếm tương lai khỏi làm phiền bố mẹ già yếu, cô gái bị bệnh viêm đa khớp dạng thấp nằm liệt gần 8 năm nay đã làm nên chuyện cổ tích: thi đỗ đại học ở tuổi 25.
Đó là Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (SN 1987, trú thôn Dưỡng Xuân, xã Quế Xuân 1, Quế Sơn, Quảng Nam). Tin Nguyệt đậu vào trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) làm mọi người ở xóm nhỏ Dưỡng Xuân không khỏi bất ngờ bởi gần 8 năm nay, Nguyệt bị bệnh phải nằm một chỗ. Ngoài những lúc phải đi bệnh viện cấp cứu, Nguyệt không đi đâu ra khỏi nhà.
Đã bước vào năm học mới, Nguyệt đi học chính trị ở trường được vài ngày thì được nghỉ để ngày 17/9 đến mới bước vào học chính thức. Vậy là ước mơ giảng đường với Nguyệt đã được toại nguyện, tuy nhiên phía trước em vẫn còn rất nhiều điều lo lắng bởi vì em bị tật.
Chiếc nạng đã gắn bó với Nguyệt mấy năm nay để đi lại trong nhà.
Ngôi nhà nhỏ của bố mẹ Nguyệt nằm sâu trong xóm nhỏ thôn Dưỡng Xuân. Mấy hôm nay, bố Nguyệt – ông Nguyễn Văn Hoàng chuẩn bị sắm sửa chiếc giường tre để mang ra Đà Nẵng cho Nguyệt nằm vì nhà trọ thuê không có giường.
Ông tâm sự: “Suốt 11 năm, nó là đứa học sinh ngoan hiền, là học sinh đi thi Tiếng Anh của tỉnh, là niềm hy vọng của gia đình. Thế nhưng, bắt đầu từ nửa năm cuối lớp 11, nó bắt đầu đổ bệnh”. Nói rồi, giọng ông chùng xuống.
Đến năm lớp 12, Nguyệt đổ bệnh nặng, gia đình chạy chữa nhiều nơi nhưng không khỏi. Bác sĩ bảo bệnh của em không khỏi nhưng hàng ngày phải uống thuốc để khỏi đau nhứt. Từ đó, sức học của em sụt giảm hẳn.
Vì thấy một học trò ngoan và giỏi bị bệnh nặng nên năm đó, thầy cô giáo trường THPT Nguyễn Văn Cừ (xã Quế Phú, Quế Sơn) khuyên em nên viết đơn xin được đặt cách không phải thi tốt nghiệp. Tốt nghiệp THPT nhưng giấc mơ vào đại học của Nguyệt đành gác lại.
Video đang HOT
Giấy khen của Hội khuyến học xã Quế Xuân 1 tặng Nguyệt khi em đậu đại học.
Gần 8 năm chiến đấu với bệnh tật, Nguyệt cân nặng chỉ còn hơn 20kg. Chạy chữa nhiều nơi không khỏi, nghe chỗ nào có thầy giỏi thuốc hay là bố em lại lặn lội đến mua về. Bao nhiêu tài sản trong nhà đành đội nón ra đi.
“Nhà nghèo quá nên nhiều lần em định tìm đến cái chết để khỏi phải tốn tiền tốn của nhưng nghĩ lại, em thấy mình còn trẻ phải làm gì đó có ích chứ nếu chết thì đơn giả quá”, Nguyệt tâm sự.
Cuối năm 2011, bệnh tình thuyên giảm một phần, Nguyệt có thể chống nạng tự đi lại trong nhà. Nguyệt kể, một lần tình cờ xem tivi thấy một hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình nhưng được bố cõng đi thi đại học, thế là ươc mơ làm sinh viên lại trỗi dậy trong em. Nguyệt quyết tâm tự học ở nhà để đi thi đại học mặc cho các khớp tay không cho em cầm chắc cây bút.
Nguyệt mượn sách của các em đã học trong xóm, xin đề thi các năm trước rồi tự ôn luyện và giải. Miệt mài gần một năm cùng với những lời động viên của gia đình và những người bạn thân thiết, Nguyệt đã cảm thấy mình đủ tự tin để thi đại học.
Đến khi đăng ký, Nguyệt chọn ngành Sư phạm tiếng Anh vì ước mơ của em sau này trở thành giáo viên như lời em tâm sự. Và em đã đỗ đại học với số điểm 27,5 làm ngỡ ngàng nhiều người.
Ông Hoàng tâm sự: “Tôi đưa cháu đi thi cũng là để giải quyết tư tưởng tinh thần cho cháu chứ cũng không hy vọng cháu đậu. Nhưng nghe cháu đã đậu rồi thì tôi càng đâm lo hơn. Nào là tiền đâu để cho cháu ăn học, nào là bệnh tật như thế khi ra ngoài thì ai sẽ lo cho cháu lúc trái gió trở trời…”.
Tuy nhiên, một chuyện vừa xảy ra làm ông Hoàng và em Nguyệt cảm thấy tủi thân. Số là trong thời gian chuẩn bị cho Nguyệt ra Đà Nẵng học, ông đã rong ruổi gần nửa tháng ở Đà Nẵng để kiếm nhà trọ gần trường vì năm đầu tiên, các sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) phải học tại địa chỉ 41 Lê Duẩn. Đến khi tìm được nhà trọ đối diện trường với giá thuê mỗi tháng 1,2 triệu đồng thì bà chủ lại không cho ở.
Ông Hoàng kể: “Tối ngày 8/9, tôi cùng Nguyệt và đứa em của Nguyệt đang học CĐ Thương mại ngủ tại nhà trọ thì sáng hôm sau bà chủ nhà thấy cháu tàn tật thì cương quyết không cho thuê vì sợ ảnh hưởng đến gia đình. Tôi tủi thân quá đưa cháu về quê luôn rồi mai mốt tính tiếp”.
“Tôi nghĩ với giá thuê 1,2 triệu để hai chị em trọ ăn học dù là khó khăn tôi có thể chấp nhận được nhưng thái độ bà chủ nhà làm tôi tủi thân quá chú à”, ông Hoàng tâm sự. Ngồi bên cạnh, Nguyệt cũng rớm nước mắt.
Nguyệt tâm sự: “Dù thế nào đi nữa thì em vẫn quyết tâm đi học, đó là ước mơ lớn nhất của em, em sẽ không đầu hàng số phận”.
Công Bính
Theo dân trí
Đất nghèo hiếu học
Nằm bên bờ sông Nhuệ, Hoàng Long là một trong những xã thuần nông của huyện Phú Xuyên, đời sống còn nhiều khó khăn nhưng vượt qua mọi trở ngại, lớp trẻ ở đây đã nỗ lực học tập. Nơi đây đã trở thành điểm sáng về phong trào vượt khó học giỏi của Phú Xuyên.
Về xã Hoàng Long, bên cạnh niềm vui hân hoan của nhiều gia đình có con em đỗ đại học vẫn còn những nỗi lo phía trước ở những gia đình nghèo. Có con đỗ Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội với 27 điểm là niềm tự hào của gia đình bà Hoàng Thị Xoan và cả dòng họ.
Nhưng niềm vui chưa qua, nỗi lo chi phí ăn học cho con khiến bà Xoan phải bận rộn hơn, bà phải dậy từ một giờ sáng để chạy chợ buôn rau. Đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Tình thuộc diện nghèo nhất xã Hoàng Long, chúng tôi tận mắt chứng kiến gia cảnh khó khăn của gia đình bà.
Trước giờ học, nhiều em vẫn phải phụ giúp gia đình để có kinh phí trang trải học tập
Chồng bị bệnh ung thư đã bảy năm, mọi việc trong gia đình chỉ trông cậy vào sự tần tảo ngày đêm của bà Tình. Một tay lo vun vén, thuốc thang cho chồng, một tay lo cho hai con học đại học, bà Tình vừa cấy lúa, trồng khoai, vừa nhận thêm hàng gia công mây tre đan về làm để kiếm tiền trang trải.
Ở Hoàng Long không chỉ nhà giàu mới đầu tư cho con em mình đi học mà cả những hộ nghèo cũng rất quan tâm đến việc học hành của con trẻ. Trong suy nghĩ của người dân, chỉ có học thức mới làm nên tất cả. Chị Nguyễn Thị Lý có chồng mất sớm, một mình lo toan cuộc sống gia đình nhưng vẫn hết mình vì "con chữ" của năm đứa con.
Chị tâm sự: "Nhà nghèo không có tài sản gì cho con nên chỉ còn biết mò cua bắt ốc bán kiếm tiền nuôi con học hành. Chỉ có học thì mới mong thoát khỏi cảnh bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, thoát khỏi cuộc sống cơ cực". Chính từ những ý nghĩ ấy đã tạo động lực cho chị chăm chỉ lao động quanh năm để nuôi con ăn học. Ở Hoàng Long còn rất nhiều tấm gương vượt qua nghèo đói để động viên con học tập. Chị Nghiêm Thị Thu, mẹ của Lê Đức Duẩn vừa đỗ thủ khoa Đại học Dược Hà Nội trong kỳ thi đại học vừa qua chia sẻ, mặc dù kinh tế gia đình còn rất eo hẹp, là một trong 20 hộ nghèo của xã, nhưng vì muốn con có cái chữ để sau này đỡ khổ nên dù vất vả đến đâu, gia đình vẫn cố gắng để các con được đến trường và các cháu cũng không phụ lòng công ơn của người thân.
Trên đường dẫn chúng tôi tới thăm những gia đình nghèo vượt khó nuôi con học đại học, Chủ tịch UBND xã Hoàng Long Đào Duy Anh, bảo: "Ở Hoàng Long dù kinh tế còn khó khăn nhưng các cháu ham học lắm, đứa lớn bảo đứa nhỏ học. Nhà này có con học đại học thì nhà khác lấy làm gương.
Dù gia đình nghèo khó nhưng khi đã quyết cho con học chữ thì họ luôn cố gắng vượt qua tất cả, hy vọng sau này con cái họ sẽ thực sự đổi đời, để không phải vất vả lam lũ như bố mẹ chúng". Mỗi năm, xã có khoảng 30 học sinh đỗ đại học, trong đó có nhiều gia đình khó khăn nhưng có đến 3-4 con đều học đại học.
Từ năm 1996 đến nay, xã Hoàng Long đã có vài trăm kỹ sư, cử nhân đủ mọi ngành nghề. Để khuyến khích và động viên các em vươn lên học tập, từ năm 1996 UBND xã đã phát động phong trào xã hội hóa giáo dục, huy động nguồn lực trong dân. Hằng năm, UBND xã đứng ra tổ chức họp mặt, động viên khen thưởng kịp thời cho các tân sinh viên, đồng thời tạo điều kiện cho các gia đình được vay vốn từ quỹ khuyến học của hội phụ nữ, quỹ hỗ trợ sinh viên nghèo nhằm giúp các gia đình có điều kiện nuôi con ăn học.
Số tiền quỹ khuyến học của xã thu nhận được từ các nhà hảo tâm được trích một phần đưa về nhà trường tặng thưởng cho những em được tham gia thi học sinh giỏi. Riêng các trường hợp thi đỗ đại học, cao đẳng, xã trích quỹ khuyến học tặng thưởng động viên, khích lệ các cháu nỗ lực học tập. Hiện nay, nguồn vốn vay cho đối tượng sinh viên nghèo học giỏi trên địa bàn xã khoảng 4 tỷ đồng đã giúp các gia đình giảm bớt khó khăn khi cho con em đến giảng đường đại học.
Theo hà nội mới
Nữ sinh dân tộc Thái đã nhập học ĐH Vinh Ngày 5/9, em Vi Thị Tâm, bản Pựn, xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An nhân vật trong bài viết "Chuyện nữ sinh dân tộc Thái và ước mơ giảng đường ĐH bị gác lại" đã tiến hành nhập học Trường ĐH Vinh - khoa Sư phạm ngữ Văn. Sau khi báo điện tử Dân trí đăng tải bài viết "Chuyện nữ...