Vượt dông bão, ‘hoa hướng dương’ từng bị ung thư xương vào đại học
Một cô gái tuổi 16 trăng tròn đã phải đối diện với lằn ranh sinh tử. Trong những giây phút đớn đau và bi quan nhất của cuộc đời, việc học vẫn luôn thôi thúc cô tin vào ánh sáng cuối đường hầm, bởi ở đó có cánh cửa đại học.
Trần thị Thanh (bìa phải) những ngày chữa trị tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM vào năm 2017 – Ảnh: NGỌC HIỂN
Sau bốn năm trời vượt qua bao dông bão, cô gái này đã đặt chân đến giảng đường đại học. Đó là Trần Thị Thanh, tân sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Những ngày dông tố
Thanh từng là nhân vật trong phóng sự ảnh Tình bạn, tình người ( Tuổi Trẻ ngày 16-4-2017). Thanh quê ở vùng đất nghèo khó Can Lộc, Hà Tĩnh. Kỳ nghỉ hè trước khi vào lớp 10, bạn vô Sài Gòn bán vé số với ước mộng kiếm đủ tiền mua một chiếc xe đạp điện mang về quê.
Mới đi bán được một tuần, chân Thanh tê cứng, không cử động, đi khám bác sĩ thông báo bạn bị ung thư xương. Vào viện, nhiều đêm thức trắng mà nước mắt hai hàng, Thanh chưa chấp nhận được sự thật.
Chuỗi ngày dài phải nằm viện và đối diện với những lần phẫu thuật là những ngày tháng tuyệt vọng của Thanh. Thanh gặp một cô bạn Đà Nẵng cùng tuổi mang nỗi đau như mình, khiến Thanh ngộ ra, bất hạnh mà bạn oán trách số phận bấy lâu không chỉ riêng mình phải đối mặt.
Từ đó, họ trở thành đôi bạn khăng khít, và cùng hi vọng sẽ chữa lành bệnh rồi về quê đi học.
Thanh liên tiếp trải qua bảy lần mổ chân, và hai năm mang lồng sắt ở chân trái. Mái tóc mượt mà nữ sinh dần rơi rụng. Những đớn đau về thể xác, những âu lo về tinh thần vượt quá sức chịu đựng của một cô gái đang còn độ tuổi trăng tròn. Còn với cha mẹ Thanh, đồng tiền ít ỏi từ nghề thợ hồ lại khiến họ thêm nơm nớp về gánh nặng viện phí.
“Những đêm đau đớn thức trắng, tôi chỉ biết dùng thuốc giảm đau, đến mức bị chai thuốc phải dùng loại mạnh hơn mới nguôi ngoai những cơn đau nhức như muốn hạ gục thân thể mỏng manh này” – Thanh nói.
Ám ảnh nhất với Thanh đó chính là mật độ lấy ven nhiều đến mức “cháy ven” ở cả đôi tay, bác sĩ phải lấy ven lên đến cổ. Có lần vào phòng mổ cả tiếng đồng hồ rồi nhưng các bác sĩ vẫn không thể lấy ven, mấy lần mém “trả về” vì quá giờ mổ.
Sau thời gian nội trú, cả Thanh và người bạn Đà Nẵng cùng được về quê điều trị ngoại trú. Ngày trở về, hai mái đầu trọc, chân mang lồng sắt và đôi nạng thất thểu trên chuyến tàu chiều…
Thanh bây giờ là tân sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Và con tim đã vui trở lại
Video đang HOT
Về quê dưỡng bệnh, cả Thanh, cô gái Đà Nẵng và những người bạn cùng phòng đều hẹn nhau phải nhất định khỏi bệnh để trở lại trường lớp viết tiếp ước mơ xanh.
Thế rồi, những trang Facebook của người thân bạn cùng phòng của Thanh cứ lần lượt chuyển sang “màu đen”. Những lần như thế, Thanh lạnh người không dám hỏi, không dám kể cho ai, nhưng Thanh biết “bạn đã ra đi”.
“Minh Quân quê Đồng Nai u xương nè, Hà Anh quê Bình Dương cũng u chân nè, rồi còn Lành nữa, mất hết rồi” – Thanh xuống giọng. Sốc nhất với cô gái này đó là khi người bạn thân nhất của mình quê Đà Nẵng ra đi, cả hai cùng hứa với nhau bao hoài bão song đã vĩnh viễn dừng lại, ung thư đã hạ gục giấc mơ học của những bạn trẻ.
“Cứ mỗi lần như thế lo lắm, không biết khi nào đến lượt mình” – Thanh kể.
Vì cha mẹ còng lưng chạy chữa cho mình, vì tương lai mà mình hằng ao ước và vì giấc mơ chiến thắng nghịch cảnh, Thanh trở lại trường vùi đầu vào học tập. Cha mẹ đi làm thợ hồ ở Sài Gòn, Thanh sống với ông bà ngoại đã lớn tuổi ở quê và tự mình lo cho cuộc sống bản thân.
Tháo lồng sắt, Thanh tự chạy xe đạp điện đi học và đêm nào cũng thức đến khuya để “cuốc cày” bài vở bởi bạn bị dang dở một năm học do chữa bệnh. Suốt ba năm THPT, không dưới chục lần Thanh bị ngã xe đạp điện do chân vẫn không thể đi lại như trước.
Ròng rã ba năm rồi cũng qua, Thanh đối diện với cổng trường đại học với một sự lựa chọn khiến ai biết được nguồn cơn cũng phải nặng lòng. Đó là khi “có một thiên thần đã bay về trời”, Thanh lại hoang mang và rơi vào những nỗi sợ vô hình.
Càng lớn, càng tìm hiểu trên Internet, nữ sinh này mới hiểu ra rằng đó là một trong những biểu hiện của sang chấn tâm lý mà nếu có sự sẻ chia từ người có kiến thức sẽ giúp bạn nguôi ngoai phần nào. Từ đó, Thanh quyết định sẽ thi vào ngành tâm lý học của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.
Thi được 26,5 điểm song ngành này lại lấy 26,6 điểm, Thanh chỉ đủ điểm đậu vào ngành xã hội học, nhưng sẽ quyết tâm theo đuổi ngành tâm lý bằng cách học lên thạc sĩ.
“Tôi tin rằng từ những trải nghiệm bản thân và kiến thức từ trường lớp, sau này tôi sẽ có thể tư vấn tâm lý cho những đứa trẻ đồng cảnh ngộ như tôi đã từng” – Thanh bộc bạch.
Không còn vẻ tiều tụy, mái đầu trọc lóc năm xưa, Thanh bây giờ đã là một thiếu nữ khuôn mặt rạng ngời, mái tóc đen tuyền và tràn đầy ước mơ trước bước ngoặt học hành của cuộc đời. Bạn đã chiến thắng số phận, vượt qua dông bão, chạm tay đến ước mơ, như đóa hoa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời dù đoạn trường chông gai.
Những ân tình đọng lại
Năm học lớp 12, khi cô giáo ra đề văn chia sẻ về một cuốn sách mà bạn yêu thích hoặc một cuốn sách đã làm thay đổi nhận thức hoặc cuộc sống của bạn, Thanh đã chọn quyển Xin hãy cho con thêm thời gian . Đây là cuốn sách viết về Công dân trẻ TP.HCM, “đóa hướng dương” Lê Thanh Thúy từng đối diện với giai đoạn cuối căn bệnh ung thư xương với khao khát sống mãnh liệt.
Cũng từ đây, chương trình “Ước mơ của Thúy” do báo Tuổi Trẻ khởi xướng đã ra đời, đồng hành với các bệnh nhi ung thư cho đến nay.
Trong bài văn đó, Thanh viết: “Tôi lấy chị làm tấm gương để vươn lên, để dũng cảm hơn. Tôi từng hứa với bản thân rằng, mình sẽ chiến đấu hết mình đến khi không còn sức nữa thì thôi. Tôi phải cố gắng để sống, vì bên mình còn rất nhiều người ủng hộ yêu thương mình. Cảm ơn cuốn sách đã thay hoàn toàn ý thức của tôi, tiếp động lực cho tôi đi tiếp trên hành trình của mình”.
Khi điều trị ung thư, Thanh đã được chương trình “Ước mơ của Thúy” tài trợ một phần kinh phí chữa trị.
Và mùa tựu trường này, báo Tuổi Trẻ tiếp tục dành tặng một suất học bổng “Tiếp sức đến trường” để Thanh có thêm động lực đi tiếp trên hành trình chinh phục ước mơ, hành trình mà Thanh luôn đi giữa những ân tình.
Tiếp sức đến trường cho 325 tân sinh viên
Hôm nay 30-12, Thành đoàn TP.HCM và báo Tuổi Trẻ tổ chức lễ trao 325 suất học bổng cho 166 tân sinh viên Đông Nam Bộ, và 159 tân sinh viên các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đang học tập tại TP.HCM. Các bạn đều nỗ lực trong học tập, đạt điểm cao ở các kỳ thi và đậu vào nhiều trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc.
3,3 tỉ đồng là giá trị học bổng lần này do Quỹ “Đồng hành nhà nông”, Quỹ Khuyến học Vinacam, Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt, Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), Ủy ban Tương trợ người Việt Nam tại Đức, Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Công ty CP Hoàng Kim, ông Dương Thái Sơn (Công ty giấy bao bì Nam Long) và các bạn, bà Lê Thị Thùy Liên, bà Phạm Thị Trung Hiếu, CLB “Nghĩa tình Quảng Trị”, CLB “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, CLB “Tiếp sức đến trường” Quảng Nam – Đà Nẵng và bạn đọc báo Tuổi Trẻ đóng góp. Công ty CP phân bón Bình Điền hỗ trợ kinh phí tổ chức.
Đây là đợt trao học bổng cuối của “Tiếp sức đến trường” năm 2020, thuộc chương trình “Vì ngày mai phát triển” do báo Tuổi Trẻ sáng kiến và chủ trì, với 1.051 tân sinh viên trên 63 tỉnh, thành được tiếp sức, tổng kinh phí chương trình hơn 11,5 tỉ đồng.
Danh sách cảm ơn các nhà hảo tâm, các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” đã tài trợ cho học bổng “Tiếp sức đến trường” 2020 được đăng trên trang 10.2 quảng cáo hôm nay, 30-12).
CÔNG TRIỆU
Học bổng nghị lực mùa thi: Vỡ òa khi chạm được giấc mơ
Đã không biết bao lần phải tính đến chuyện nghỉ học giữa chừng vì gia đình quá khó khăn, thế nhưng nhờ có học bổng Nghị lực mùa thi , các em đã được bước vào giảng đường đại học viết tiếp ước mơ của mình...
Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Phó tổng biên tập thường trực Báo Thanh Niên (giữa) trao tặng học bổng cho các học sinh
Tại chương trình trao học bổng "Nghị lực mùa thi" được tổ chức tại Báo Thanh Niên ngày 13.11, những học sinh nhận được học bổng và sự hỗ trợ từ bạn đọc đã vỡ òa cảm xúc khi chạm được giấc mơ tiếp tục học hành của mình.
"Em đã được là sinh viên"
Câu nói đầu tiên khi gặp lại người viết mà như gói trọn cả niềm hạnh phúc và vui sướng của Nguyễn Thị Như Quỳnh, cô học trò mồ côi cả cha lẫn mẹ, được người bà hàng xóm nhận nuôi từ nhỏ: "Chị ơi, em đã được là sinh viên".
Vốn dĩ cái ăn còn thiếu trước hụt sau, bữa đói bữa no thì việc học đại học là điều quá xa vời với Quỳnh. Tại chương trình, Quỳnh nghẹn ngào: "Lúc đầu em có ước mơ nhưng không dám nghĩ tới vì hoàn cảnh của em thế này. Nhưng rồi như một cái duyên, em được chị phóng viên Báo Thanh Niên viết bài, rồi sau bài viết nhà trường tìm đến để cấp học bổng miễn phí 4 năm học, nên ngày hôm nay em mới được là sinh viên".
Khi kể về những trải nghiệm đầu tiên trở thành sinh viên, Quỳnh hồn nhiên: "Ngày đầu em bước vào trường đại học, em đã thốt lên "Ối giời ôi, sao trường to thế này". Từ cổng trường lên lớp mà em đi lạc đến mấy lần".
Trong lời kể của Quỳnh, chúng tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc vô bờ bến của cô học trò mồ côi. Căn nhà của 2 bà cháu bé tí, ẩm thấp, nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở Q.4, TP.HCM. Sống trong căn nhà xập xệ đó, em chưa bao giờ dám mơ đến một giảng đường đại học, nơi sẽ chắp cánh để những giấc mơ của em được trở thành hiện thực. Và ngày hôm nay, khi chạm đến được giấc mơ, niềm hạnh phúc của 2 bà cháu Quỳnh sao nói nổi được nên lời.
Không chỉ nhận được học bổng của chương trình và tiền bạn đọc hỗ trợ, mà còn được mạnh thường quân tài trợ tiền học phí suốt 4 năm học đại học nên Đào Đình Đức (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cũng nghẹn ngào trong hạnh phúc và biết ơn.
Đức không còn cha, chỉ một mình mẹ gồng gánh nuôi con. Và chính hoàn cảnh gia đình là động lực rất lớn để Đức không bao giờ bỏ cuộc. "Được tiếp tục học là niềm hạnh phúc rất lớn của em. Sắp tới, sau khi đã ổn định thời khóa biểu trên trường, em sẽ kiếm việc làm thêm để phụ giúp mẹ và trang trải việc học. Em rất biết ơn tấm lòng của các mạnh thường quân đã giúp đỡ để chặng đường học tập của em bớt vất vả, và em hứa sẽ phấn đấu hết mình để không phụ lòng của mọi người", Đức cảm động bày tỏ.
Các học sinh và người nhà xúc động bày tỏ lòng biết ơn tại chương trình - ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Cũng giống Quỳnh và Đức, 14 cô cậu học trò được nhận học bổng và sự hỗ trợ của bạn đọc thông qua chương trình Nghị lực mùa thi đều vỡ òa cảm xúc vì nhờ những hỗ trợ này mà giấc mơ của các em được viết tiếp.
Rơi nước mắt với những số phận
Khi màn hình chiếu các phóng sự về em Phạm Hoàng Tân, cậu học sinh đi đẩy thịt heo thuê lấy tiền đóng học và Nguyễn Thị Như Quỳnh, cô bé được bà hàng xóm làm nghề nhặt ve chai nuôi từ tấm bé, dưới hội trường nhiều người đã không cầm được nước mắt.
"Tôi biết rằng mình còn may mắn hơn rất nhiều người. Và tôi hiểu những gì mình cần phải làm để có thể giúp đỡ nhiều hơn những cô cậu học trò xung quanh mình, để các em có một cuộc sống tốt hơn", thầy Lương Thành Tâm, giáo viên Trường THPT Bình Chánh, H.Bình Chánh, TP.HCM, bộc bạch.
Liên tục lau nước mắt, Nguyễn Bảo Trâm và Nguyễn Phúc Loan Châu, hai nữ sinh viên năm 1 ngành ngôn ngữ, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho hay xem hình ảnh người bà khắc khổ nhặt từng chiếc vỏ chai nuôi cháu hàng xóm nên người, cô nghĩ ngay tới bà ngoại của mình.
Còn Đào Nguyễn Tuấn Tới, sinh viên năm nhất ngành du lịch, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, chia sẻ, chương trình xúc động này đã thay đổi rất nhiều suy nghĩ của em. "Những bạn bè xung quanh em vất vả, khó khăn như thế nhưng họ vẫn khao khát học, học rất giỏi, vậy thì mình càng không thể bỏ cuộc. Em thấy mình phải nỗ lực hơn rất nhiều", Tới chia sẻ.
Đưa con tới tòa soạn Báo Thanh Niên từ sáng sớm, chị Lê Thị Trúc Phương, mẹ của em Phạm Hoàng Tân, còn dắt theo cậu con trai út chừng 2 tuổi. Ngồi dưới hội trường, nghe những lời tâm sự của con, chị khóc. "Hôm nay tôi xin nghỉ một bữa bưng phở thuê để tới động viên con. Thấy con có học bổng thế này, tôi mừng lắm", chị Phương nghẹn ngào.
Liên tục nắm tay người viết, bà ngoại của Bùi Xuân Nhất Long, sinh viên Trường CĐ Kỹ nghệ 2, nói trong nước mắt: "Bà mừng lắm, vì khả năng của bà bây giờ già yếu không thể đi làm mướn được. Từ ngày thằng Long đi học tới giờ phải ăn mì gói suốt nên nó ốm yếu như thế này đây, nhìn cháu mà bà xót vô cùng. Nếu không được Báo Thanh Niên hỗ trợ và nhận được sự giúp đỡ, mấy bà cháu không biết sẽ như thế nào...".
Mong các em học sinh thêm ý chí và nghị lực
Chia sẻ với các em học sinh tại chương trình, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Phó tổng biên tập thường trực Báo Thanh Niên , cho hay những câu chuyện của các em học sinh với những hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha, mồ côi cả cha lẫn mẹ... trong chương trình trao học bổng Nghị lực mùa thi 2020 đã chạm tới trái tim của tất cả mọi người.
Nhà báo Ngọc Toàn động viên các em cố gắng học tập, có ý chí mạnh mẽ hơn. Hiện nay các em còn may mắn hơn rất nhiều học trò miền Trung chịu cảnh bão lũ liên tiếp, nhiều trường học bị sập, tốc mái, trò chưa thể đến trường. Nhà báo Ngọc Toàn động viên, đằng sau các em là Báo Thanh Niên, là các nhà hảo tâm... giúp đỡ để các em vững tâm bước tiếp. Trong hơn 30 năm qua, học bổng Nguyễn Thái Bình của Báo Thanh Niên đã tiếp sức cho rất nhiều thế hệ người trẻ, nhiều người giờ đã trưởng thành, quay trở lại giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn khác...
Quyết định trao ngay 2 học bổng
Một chi tiết đặc biệt là ngay sau chương trình, chị Nguyễn Thị Xuân Hoa, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Western Gate, đã quyết định trao ngay 2 học bổng là học phí trong tất cả các năm học cho Đào Đình Đức (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) và Phạm Hoàng Tân (Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng). "Tôi quê ở miền Trung, cũng từng trải qua thời học sinh khó khăn, xem chương trình mà tôi rớt nước mắt. Tôi sẽ hỗ trợ và đồng hành với các em, không chỉ 3, 4 năm học mà còn khi các em ra trường", chị Xuân Hoa nói.
Báo Thanh Niên xin trân trọng cảm ơn các quý vị phụ huynh, thầy cô, sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và các đơn vị đã tham dự chương trình: chị Lưu Kim Yến, đại diện Tập đoàn Thiên Long (tặng học bổng); anh Nguyễn Bá Anh, đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (tặng báo cho thí sinh mùa thi THPT 2020); anh Bùi Hải Thành, Phó bí thư thường trực Đảng ủy Tổng công ty điện lực TP.HCM (tặng báo cho thí sinh mùa thi THPT 2020); chị Phạm Vân Hà, đại diện Tổng công ty cấp nước Sài Gòn Sawaco (tặng báo cho thí sinh mùa thi THPT 2020); chị Nguyễn Thị Xuân Hoa, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Western Gate (tặng học bổng).
Sinh viên có thể lấy bằng đại học sau 3 năm Năm học 2020 - 2021 là thời điểm có nhiều thay đổi trong chương trình và thời gian đào tạo các trường ĐH, đặc biệt là khối ngành kỹ thuật. Sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM trong giờ thực hành - ẢNH: HÀ ÁNH Sinh viên (SV) vừa trúng tuyển sẽ có những trải nghiệm về chương trình học, bằng cấp với...