Vượt áp lực mùa thi
Học sinh lớp 12 đang bước vào kỳ thi quy mô quốc gia trong bối cảnh của đại dịch Covid-19, do vậy áp lực mùa thi sẽ càng tăng cao, mà biểu hiện rõ nhất là tình trạng stress và lo âu
Về stress, đây là tình trạng cơ thể phản ứng khi gặp tình huống gây cản trở. Trong khi đó, lo âu là một hậu quả khi stress không được kiểm soát tốt và lo âu gia tăng khi cá nhân có nhiều trở ngại nhưng có ít nguồn lực để giải quyết. Như vậy, nếu áp lực mùa thi là một bài toán thì lời giải cần tìm là cách giải tỏa stress và lo âu với một số gợi ý sau đây dành cho học sinh:
Suy nghĩ tích cực và hợp lý
Áp lực đến từ những suy nghĩ tiêu cực của chính bản thân. Mỗi suy nghĩ tiêu cực đều chứa đựng những yếu tố phi lý và việc nhận ra sự bất hợp lý ấy sẽ giúp học sinh chuyển từ suy nghĩ tiêu cực sang tích cực. Ví dụ: Đây là kỳ thi rất khó. Điểm bất hợp lý là kỳ thi có mục đích chính là xét tốt nghiệp, đặc biệt năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện giảm tải nội dung do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và hỗ trợ học sinh ôn tập bằng các bộ đề mẫu. Do vậy, đây là kỳ thi lớn nhưng không quá khó.
Loại bỏ suy nghĩ tiêu cực sau buổi thi đầu tiên nếu kết quả không như mong đợi Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đây là kỳ thi quyết định sự thành công cuộc đời. Điểm chưa hợp lý chính là việc chúng ta đánh giá sự thành công của một cá nhân, một đời người chỉ dựa vào một kỳ thi. Hiện tại, học sinh lớp 12 đang ở tuổi 18, nhiều năm sau các em sẽ đến với tuổi 28, 38, 48, 58 và hơn thế nữa. Cuộc đời dài rộng phía trước có nhiều thử thách “khó nhằn” hơn và các em sẽ nhận ra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm cuối cấp chỉ là một thử thách nhỏ. Hay nói cách khác, đây chỉ là một “ game nhỏ” thôi. Dù đạt kết quả tốt hay không trong kỳ thi này, các em vẫn còn nhiều lựa chọn, nhiều cơ hội đạt đến sự thành công.
Thư giãn ngay khi có stress
Dấu hiệu rõ nhất của stress là tình trạng căng thẳng thần kinh gây nhức đầu, hồi hộp, mất tập trung về mặt thể lý, sự bực bội, khó chịu về mặt cảm xúc và sự trì hoãn về mặt hành vi. Ngay khi có dấu hiệu này, học sinh nên lập tức thư giãn bằng loại hình mình thích hay đứng dậy vận động nhẹ, hít thở sâu trước khi quay trở lại việc ôn tập.
Phát huy nguồn lực của bản thân
Trong mọi tình huống, khi chúng ta nhận thấy nguồn lực của bản thân nhiều hơn các yếu tố cản trở, tình trạng stress, lo âu cũng như các áp lực nặng nề sẽ giảm. Bản thân mỗi học sinh luôn có sẵn các nguồn lực cần khơi gợi bằng cách:
Ôn tập kỹ: học sinh cần rà soát lại những nội dung ôn tập, dành thời gian cho mảng kiến thức bản thân chưa nắm vững. Đây là nội lực quan trọng quyết định cá nhân tự tin, vượt qua các áp lực mùa thi.
Chuẩn bị tâm thế: Sẵn sàng bằng việc tìm hiểu trước về địa điểm thi, chuẩn bị trước các giấy tờ, dụng cụ cần thiết cho buổi thi, thực hiện theo các chỉ dẫn bảo vệ sức khỏe trong dịch Covid-19 tại nhà và trường thi. Lưu ý, nếu có dấu hiệu sốt, ho…, học sinh cần đi bác sĩ khám, không tự mua thuốc uống để tránh trường hợp một số loại thuốc gây ức chế thần kinh, lừ đừ, buồn ngủ trong khi làm bài thi. Bên cạnh đó, học sinh cần thông tin ngay đến ba mẹ, thầy cô để được hướng dẫn và hỗ trợ. Thực hiện các chiến lược ôn tập và làm bài thi đã được thầy cô hướng dẫn. Chia sẻ với người thân về những lo lắng của bản thân trong kỳ thi để nhận được sự hỗ trợ.
Thực hành một số bài tập giải tỏa căng thẳng
Dù đã có sự chuẩn bị kỹ, khi bước vào phòng thi, một số thí sinh có thể xảy ra tình trạng căng thẳng gây các hiện tượng đau bụng, buồn nôn, vã mồ hôi, hay thậm chí các cơn hoảng loạn gây ra bởi lo âu với các mức độ khác nhau từ hồi hộp, tim đập nhanh, khó thở, lạnh tay chân, choáng váng hay thậm chí ngất xỉu. Việc nhanh chóng nhận ra các biểu hiện và thực hành các cách quản lý cơn hoảng loạn sau đây là điều học sinh cần ghi nhớ và thực hành trước vài lần ở nhà:
Hít thở sâu và tự trấn an: Ngay khi có các dấu hiệu nêu trên, thí sinh cần nhanh chóng hít thở sâu (uống một ngụm nước, ngồi xuống và nhắm mắt sẽ là điều hỗ trợ tốt cho sự chú tâm vào hơi thở), hít thở chậm rãi đi kèm những lời nói thầm trấn an tích cực: “Tôi sẽ làm được”, “Tôi đang quản lý cơn hoảng loạn”… Đến khi học sinh cảm nhận được nhịp thở đều đặn, hơi thở không còn nông và gấp, nghĩa là đã quản lý được sự căng thẳng và lo âu của bản thân.
Video đang HOT
Làm ấm bàn tay: Đây là một phần trong kỹ thuật có tên gọi Hand Warming BioFeedback. Nhiều thí sinh khi căng thẳng, lo âu, tay và chân sẽ đột ngột bị lạnh. Lúc này, học sinh cần nhanh chóng xoa đều 2 bàn tay và dùng tay xoa chân. Cơ thể và tâm trí là một thể thống nhất nên đến khi cảm nhận tay và chân ấm lên là lúc chúng ta đã có thể bình tĩnh quay trở lại bài làm.
Loại bỏ lo âu tưởng tượng
Một số trường hợp thí sinh làm bài thi đầu không tốt và rơi vào cảm xúc buồn, chán và dễ có những lo sợ, hình dung điều tương tự ở bài thi tiếp theo. Đây là những lo âu tưởng tượng, tiêu cực và phi thực tế. Học sinh cần nhanh chóng loại bỏ những suy nghĩ này bằng cách viết ra giấy, gạch bỏ điều vừa viết và có thể có hành động dứt khoát như xé bỏ và kết hợp chia sẻ cảm xúc với người mình tin tưởng để được nghe lời động viên, rút kinh nghiệm cho bài thi sau.
Cha mẹ hỗ trợ, đồng hành
Ngoài ra, phụ huynh cũng là một nguồn lực rất quan trọng với con. Con sẽ cảm thấy giảm áp lực khi cha mẹ đồng hành trong vai trò người hỗ trợ bằng cách tạo bầu không khí gia đình ấm áp, động viên con và chăm sóc cho con về dinh dưỡng, giấc ngủ hợp lý. Phụ huynh hãy luôn là động lực cho con thay vì tạo áp lực.
Phó giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An: Giảm áp lực cho thí sinh trong mùa thi
Năm học 2019 - 2020, Kỳ thi tốt nghiệp THPT và Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Nghệ An có những điều chỉnh với nhiều nét mới.
Tiết tự học của học sinh Trường PT DTNT THPT số 2. Ảnh: Đức Anh
Liên quan đến các kỳ thi sắp tới, Báo Nghệ An đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.
Sự cạnh tranh ở Kỳ thi vào lớp 10 không quá căng thẳng
P.V: Thưa ông, năm học này, toàn ngành Giáo dục chịu ảnh hưởng khá nhiều do dịch Covid - 19. Vậy, ngành Giáo dục Nghệ An đã có sự điều chỉnh thế nào để giảm áp lực trong học tập và tuyển sinh vào lớp 10 cho các thí sinh?.
Ông Nguyễn Văn Khoa: Như chúng ta đã biết, năm nay là một năm học đặc biệt do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 và học sinh phải nghỉ học trong nhiều tháng. Trước thực tế đó, căn cứ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng đã xây dựng chương trình giảm tải cho từng bậc học, từng môn học.
Việc tinh giản được hướng dẫn cụ thể theo từng tuần học trên nguyên tắc bảo đảm cho học sinh có được những kiến thức cơ bản, nền tảng và có đủ năng lực để học cho những năm học tiếp theo. Qua nắm bắt từ các địa phương, đến thời điểm này tất cả các trường đã hoàn thành chương trình và tổng kết năm học. Riêng học sinh cuối cấp vẫn tiếp tục ôn thi do các kỳ thi đã được kéo dài thêm 1 tháng.
Học sinh Trường THPT Đô Lương ôn thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Mỹ Hà
Về Kỳ thi tuyển sinh lớp 10, trên tinh thần giảm tải, giảm áp lực cho thí sinh, tỉnh Nghệ An cũng đã có những điều chỉnh kịp thời. Cụ thể, về nội dung ôn thi, ngành đã giảm những nội dung tự học và sẽ không đưa vào đề thi. Năm nay ngành Giáo dục cũng đã giảm số môn thi từ 5 môn (trong đó có tổ hợp môn tiếng Anh 1 môn tự nhiên và 1 môn xã hội) xuống còn 3 môn Văn - Toán - tiếng Anh. Tại Kỳ thi tuyển sinh vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, số môn thi cũng có điều chỉnh và thí sinh chỉ còn thi mỗi một môn chuyên, 3 môn còn lại là Văn, Toán và tiếng Anh được lấy điểm nền từ Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Điều này, sẽ thuận lợi rất nhiều cho quá trình thí sinh ôn thi và giảm áp lực trong mùa thi.
P.V: Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo đã công bố phương án tuyển sinh của các trường và tỷ lệ trúng tuyển của các thí sinh vào các Trường THPT công lập. Vậy, với những số liệu đã được công bố, ông đánh giá kỳ thi này có sự cạnh tranh nhiều so với các kỳ thi trước hay không. Năm nay, các thí sinh cũng chỉ thi 3 môn thay vì 5 môn như các năm trước. Điều đó, liệu có ảnh hưởng đến kết quả của các thí sinh hay không?.
Ông Nguyễn Văn Khoa: Tôi phải khẳng định, ở bất cứ kỳ thi nào thì cũng có sự cạnh tranh, có những áp lực riêng với người học. Về phía các nhà trường, kỳ thi còn là cơ sở để đánh giá quá trình tổ chức dạy học, chất lượng dạy và học ở các nhà trường.
Tại Nghệ An, năm nay Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 có hơn 37.000 thí sinh đăng ký dự thi. Căn cứ số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 của các trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX và chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đã được phê duyệt, Sở đã công bố danh sách các trường THPT tổ chức thi tuyển và các trường THPT tổ chức xét tuyển.
Theo đó, năm nay có 43 trường thực hiện phương thức xét tuyển do số lượng thí sinh đăng ký dự thi thấp hơn chỉ tiêu được giao. Trong đó, chỉ có 3 trường công lập thực hiện xét tuyển là THPT Tương Dương 1 và 2, THPT Quế Phong. Số còn lại chủ yếu là các trường ngoài công lập và các Trung tâm GDNN - GDTX và Trung tâm GDTX.
Ông Nguyễn Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Mỹ Hà
Qua đánh giá chúng tôi cũng thấy, năm nay tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường công lập khá cao, khoảng 78%, vì thế thí sinh không cần quá lo lắng. Tất nhiên, ở một số trường trung tâm, do số lượng thí sinh đông, mức độ cạnh tranh cao nên tỷ lệ trúng tuyển có thể thấp hơn.
Điều thuận lợi là năm nay, Sở cho phép các thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng nên số lượng hồ sơ đăng ký vào các trường đã có sự chuyển dịch. Như ở thành phố Vinh, trước đó Trường THPT Hà Huy Tập và THPT Lê Viết Thuật có sự chênh lệch khá lớn về tỷ lệ trúng tuyển. Tuy nhiên, sau khi được điều chỉnh nguyện vọng thì số lượng thí sinh đăng ký về cơ bản ngang nhau, dù Trường THPT Lê Viết Thuật chỉ tiêu tuyển sinh cao hơn Trường THPT Hà Huy Tập và ở kỳ thi tới điểm trúng tuyển vào 2 trường dự kiến không có sự chênh lệch quá nhiều...
Việc lựa chọn 3 môn Văn, Toán, tiếng Anh cũng sẽ thuận lợi cho thí sinh tại kỳ thi năm nay, vì đây là những môn học chính ở các nhà trường và học sinh đã có điều kiện ôn thi kỹ càng. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, nếu thi tiếng Anh thì chỉ thuận lợi cho học sinh ở vùng đô thị, trung tâm nhưng cá nhân tôi không nghĩ vậy, bởi ở kỳ thi này thí sinh ở vùng nào thì sẽ đăng ký vào học ở địa phương ấy nên mức độ cạnh tranh là ngang nhau. Ngay cả thi vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tiếng Anh chỉ là môn nền, lấy điểm hệ số 1 nên sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến việc xét tuyển của học sinh.
Với những học sinh còn lại, nếu không trúng tuyển các em có thể phân luồng vào học tại các Trung tâm GDNN - GDTX hoặc các trường ngoài công lập. Năm nay, Sở cũng đã tạo điều kiện để các trường ngoài công lập tuyển sinh theo nguyện vọng tối đa của nhà trường thay vì giới hạn chỉ tiêu như trước đây.
P.V: Ngoài Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 thì Kỳ thi vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và Kỳ thi vào các Trường THPT DTNT cũng có những sự điều chỉnh trong công tác tuyển sinh. Ông có thể nói rõ hơn về những điều chỉnh của kỳ thi năm nay? Hiện, có thông tin tỉnh đã cho phép một số trường trên địa bàn tỉnh tuyển thẳng một số thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Điều này có nghĩa là gì, thưa ông?.
Ông Nguyễn Văn Khoa: Không phải từ năm nay mà từ năm học trước Sở đã có những điều chỉnh ở Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ví dụ, nếu như ở các năm trước, Sở chỉ dành 10% cho những thí sinh là người dân tộc thiểu số ở vùng thuận lợi được đăng ký vào các trường PT DTNT tỉnh thì năm nay tỷ lệ này đã tăng lên 40% (ở Trường THPT DTNT tỉnh) và từ 20 - 30% tùy theo khu vực (ở Trường PT DTNT THPT số 2) để tăng cơ hội tuyển sinh, tăng chất lượng thí sinh trúng tuyển vào các nhà trường. Số còn lại sẽ dành cho thí sinh ở những vùng đặc biệt khó khăn.
Tiết học của học sinh Trường THPT Thanh Chương 1. Ảnh: Mỹ Hà
Tại cuộc thi vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Sở cũng đã điều chỉnh môn thi chuyên vào một số lớp. Ví dụ, thí sinh thi vào lớp chuyên Tin có thể lựa chọn đăng ký môn Tin học hoặc môn Toán học. Ngoài ra, đến thời điểm này, tỉnh cũng đã chấp thuận để Trường THPT chuyên Phan Bội Châu thí điểm tuyển sinh 1 lớp tiếng Anh chất lượng cao có đầu vào là chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và Sở cũng đang xây dựng phương án xét tuyển. Dự kiến thí sinh đăng ký vào các lớp này điểm xét tuyển phải tối thiểu là IELTS từ 5.5 trở lên và điểm trúng tuyển sẽ lấy từ trên cao xuống.
Nhằm khuyến khích và tăng cường học tiếng Anh ở các nhà trường, Sở cũng đã làm tờ trình xin thêm 1 lớp tiếng Anh chất lượng cao ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được văn bản đồng ý của tỉnh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 về cơ bản giữ nguyên bản chất
P.V: Năm học 2019 - 2020 là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vậy so với các kỳ thi trước, kỳ thi năm nay có sự thay đổi gì và bản chất của kỳ thi có thực sự thay đổi?.
Ông Nguyễn Văn Khoa: Theo chỉ đạo của Chính phủ, do năm nay toàn ngành Giáo dục chịu nhiều tác động của dịch Covid - 19 nên Kỳ thi THPT Quốc gia đã được đổi thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Về tổng thể chung, kỳ thi cũng có nhiều nét mới trong công tác tổ chức nhưng tăng cường tự chủ ở các địa phương và UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo tổ chức kỳ thi, thời gian kỳ thi được rút ngắn xuống còn 2 ngày và số môn thi cũng giảm xuống còn 4 môn thi. Các cơ sở giáo dục đại học không tham gia coi thi, chấm thi mà chỉ tham gia vào các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu của kỳ thi. Kỳ thi năm nay cũng sẽ thực hiện đối sánh, phân tích kết quả thi và kết quả học tập bậc THPT của thí sinh nhằm đưa kỳ thi về đúng thực chất và làm căn cứ để các nhà trường điều chỉnh việc tổ chức dạy học hiệu quả, nghiêm túc.
Tiết học của học sinh Trường THPT Đô Lương 1. Ảnh: Mỹ Hà
Về mục đích, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được làm căn cứ để công nhận tốt nghiệp cho thí sinh. Tuy nhiên, trong năm nay, dù tên gọi thay đổi, mục đích thay đổi nhưng bản chất của kỳ thi sẽ không thay đổi nhiều vì hầu hết các trường đại học trên cả nước vẫn lấy điểm của kỳ thi này để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng và đó là một thuận lợi cho các thí sinh.
P.V: Ở kỳ thi này, việc giao quyền tự chủ cho các địa phương được xác định khá rõ. Vậy đến thời điểm này, Nghệ An đã có sự chuẩn bị như thế nào để kỳ thi được diễn ra nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế? Sở cũng đã xây dựng các phương án như thế nào nếu kỳ thi diễn ra trong thời tiết bất thường?.
Ông Nguyễn Văn Khoa: Nghệ An là 1 trong 4 tỉnh có số lượng thí sinh đăng ký Kỳ thi tốt nghiệp THPT cao nhất cả nước với gần 32.000 thí sinh. Để kỳ thi được diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, trưởng ban là lãnh đạo UBND tỉnh.
Đồng thời cũng đã phân công nhiệm vụ cụ thể của các thành viên ban chỉ đạo để không chồng chéo, đúng chức năng, nhiệm vụ của các ban, ngành liên quan. Hiện, Sở cũng đã lựa chọn đội ngũ tham gia công tác phục vụ thi theo đúng quy chế và có phẩm chất, đạo đức, có kinh nghiệm coi thi trong nhiều năm
Kỳ thi năm nay sẽ được kéo dài đến gần giữa tháng 8 và đây cũng là thời điểm mùa bão lụt đang về. Vì thế, chúng tôi cũng đã xây dựng các phương án phòng ngừa như địa điểm đặt hội đồng thi an toàn, phải có địa điểm thi dự phòng, đảm bảo mọi điều kiện thuận lợi. Ngoài ra, sẽ tiếp tục rà soát cơ sở vật chất, các điều kiện đảm bảo kỳ thi như hệ thống camera, máy quét, phiếu trả lời trắc nghiệm. Với kinh nghiệm nhiều năm tổ chức tốt Kỳ thi THPT Quốc gia, tôi tin tưởng kỳ thi năm nay chúng ta sẽ thực hiện tốt, đảm bảo nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế đã đề ra.
Tiết ôn tập cho học sinh Trường THPT Thanh Chương 1. Ảnh: Mỹ Hà
P.V: Năm nay, học sinh cuối cấp phải ôn thi trong thời tiết khá nắng nóng. Trong thời gian tới, Sở đã có sự chỉ đạo nào tới các trường để việc ôn thi của thí sinh đạt hiệu quả. Ông có gửi gắm nào tới các thí sinh và các nhà trường trước mùa thi năm nay?
Ông Nguyễn Văn Khoa: Thời gian qua, Sở đã ban hành các văn bản hướng dẫn và xây dựng nội dung ôn tập để sát với các đối tượng. Đồng thời, Sở cũng đã kiểm tra việc ôn tập của các nhà trường, qua đó để tư vấn cho các nhà trường có thể ôn tập tốt và hiệu quả. Chúng tôi cũng lưu ý các nhà trường tăng cường trang bị các thiết bị như quạt máy để giúp học sinh ôn thi thuận lợi, điều chỉnh thời gian ôn thi như dạy học sớm hơn buổi sáng và muộn hơn vào buổi chiều để thí sinh ôn tập thuận lợi.
Trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, tôi đề nghị học sinh giữ gìn sức khỏe tốt, bám sát vào các hướng dẫn của Sở và bám sát vào nội dung, cấu trúc đề thi và đặc biệt qua đề thi minh họa học sinh cần phân tích, mổ xẻ, nhờ giáo viên ôn tập để có thể ôn thi hiệu quả. Trong quá trình ôn tập, các kiến thức phải được tổng hợp theo chuỗi, liền mạch để việc học và ôn thi có kết quả cao. Thí sinh cũng cần bình tĩnh, tự tin khi bước vào phòng thi, vì đây là một yếu tố hết sức quan trọng để quyết định một kỳ thi thành công.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Cha me làm gì để giúp con vượt qua áp lực mùa thi? Đây là khoảng thời gian học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi lớp 10 và tốt nghiệp THPT năm 2020 chịu nhiều áp lực. Cha me có cách nào giúp con vượt qua áp lực mùa thi? Thí sinh tỉnh Bình Dương tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 - LÊ THANH Không áp đặt và quan tâm đến giờ...