‘Vùng chiến sự’ trong phòng cấp cứu New York
Trong 40 phút, phòng cấp cứu bệnh viện Đại học Brooklyn, New York, có 6 bệnh nhân ngừng tim, 4 người không qua khỏi.
Trong chưa đầy một giờ, “Mã 99″ từ hệ thống báo động của bệnh viện Đại học Brooklyn, thuộc đại học Y khoa SUNY Downstate, New York, vang lên tới 5 lần, điều động các y bác sĩ tới hồi sức cấp cứu cho một bệnh nhân. Cảnh tượng đó không phải hỗn loạn mà giống như địa ngục, bác sĩ hô hấp Julie Eason cho hay.
“Họ bị bệnh nặng đến mức bạn có thể mất họ chỉ trong tích tắc”, Eason nói. “Họ mới nói chuyện với bạn và vài phút sau, bạn phải đưa ống vào cổ họng họ, hy vọng có thể đặt máy thở hỗ trợ họ”.
Đó là những gì nCoV đang gây ra với hàng nghìn người Mỹ và có thể thêm hàng nghìn người khác nữa. Tất cả bệnh nhân mà bệnh viện Đại học Brooklyn đang điều trị đều nhiễm nCoV và đây là một trong 3 bệnh viện tại bang New York được Thống đốc Andrew Cuomo chỉ định dồn toàn lực đối phó với đại dịch.
Thực tế, lượng người được chuyển tới phòng cấp cứu (ER) hiện nay thấp hơn so với trước khi Covid-19 bùng phát, nhưng vì các bệnh nhân đều nhiễm nCoV, tình trạng của họ nặng hơn, tỷ lệ tử vong cao hơn. Gần 25% số bệnh nhân Covid-19 nhập viện đã tử vong.
“Đó không phải là do bệnh viện, đó là bản chất của căn bệnh này”, bác sĩ cấp cứu Lorenzo Paladino nói.
Bên trong bệnh viện đại học Brooklyn, thuộc đại học Y khoa SUNY Downstate, New York. Ảnh: CNN
Những ngày này, không có bệnh nhân nào gãy xương hay đau dạ dày. Các bác sĩ chỉ nhìn thấy những người đang vật lộn để thở. Mỗi ngày, lượng bệnh nhân được đưa tới lại nhiều lên, “không ngừng nghỉ”, Paladino cho hay.
Các y bác sĩ cũng không có thời gian để nghỉ. Thi thể người đã mất được bọc lại và chuyển đi trong vòng 30 phút, để không gian xung quanh được khử trùng và một người đàn ông nguy kịch, ho hen, đeo mặt nạ oxy được chuyển vào.
Trong gần 400 người điều trị Covid-19 tại bệnh viện Đại học Brooklyn, 90% trên 45 tuổi, 60% trên 65 tuổi. Tuy nhiên, cũng có những bệnh nhân trẻ, nhỏ nhất mới 3 tuổi.
“Chúng tôi đang điều trị cho một số thanh niên hơn 20 tuổi, chưa từng nhìn thấy cảnh tượng này, họ đờ đẫn và chỉ khóc”, ông Paladino nói về những bệnh nhân trong phòng cấp cứu. “Với họ, mọi thứ cứ như trong phim chứ không phải đời thực”.
Trong khi đó, các bác sĩ, y tá, các nhà trị liệu hô hấp và nhân viên y tế phải giữ bình tĩnh để cứu bệnh nhân. “Đó là những gì mà chúng tôi được dạy, chỉ là không phải trong tình huống lần này”, bác sĩ Cynthia Benson, đồng nghiệp của Paladino, nói.
Video đang HOT
Họ chưa từng đối mặt với hoàn cảnh như thế: quá nhiều người khó thở, những hồi chuông báo động vang lên liên tục, tỷ lệ cứu sống bệnh nhân thấp vì Covid-19 diễn tiến quá nhanh và nguy hiểm.
“Bạn có thể gặp tới hai mã khẩn cấp trong một ca làm việc tồi tệ, cảm xúc ấy cứ bám lấy bạn và bạn tự hỏi mình đã làm mọi thứ có thể chưa”, Benson nói. “Tôi nghĩ rất khó để chuẩn bị tinh thần cho mức độ đau đớn, bệnh tật và tử vong như thế trong một khoảng thời gian ngắn. Tôi nghĩ chẳng ai trong số chúng tôi sẵn sàng cho điều đó”.
94 người đã tử vong do các biến chứng liên quan đến Covid-19 tại SUNY Downstate kể từ khi dịch bệnh bùng phát cách đây 3 tuần. Cheryl Rolston, y tá kiêm chủ nhiệm khoa cấp cứu, cho hay bà cảm thấy rất xót xa khi phải chứng kiến các bệnh nhân bị cơn đau hành hạ mà không có người thân bên cạnh.
“Con trai của một bệnh nhân hôm nọ gọi điện cho tôi và nói rằng bố anh ấy đã 80 tuổi, anh ấy biết rằng ông sẽ chết và rất buồn vì ông ấy sẽ ra đi cô độc”, Rolston nói.
Cảnh tượng bên trong SUNY Downstate, một bệnh viện công 8 tầng, giống như ở vùng chiến sự, khác hẳn với thế giới bên ngoài, nơi mọi người chấp hành lệnh “ở nhà”.
“Cách đây 3 tuần, cuộc sống của tôi khá bình thường và điều này chỉ xảy ra sau một đêm”, bác sĩ Robert Foronjy, trưởng khoa phổi của SUNY Downstate, sống cách bệnh viện chỉ 10 toà nhà, nói. “Mọi người đều gặp khó khăn nhưng tôi thấy thương nhất là các gia đình, đặc biệt là những người không bao giờ có cơ hội nói lời tạm biệt những người thân yêu”.
Các bệnh nhân nặng nhất cần được đặt máy thở, chiếc máy đắt đỏ và phức tạp rất quan trọng trong cuộc chiến với nCoV. Thống đốc Cuomo cho hay bang New York có thể cần thêm 30.000 máy thở. Tuy nhiên, chúng không phải là “chiếc đũa thần” với bệnh nhân Covid-19. Dữ liệu cho thấy tỷ lệ sống sót nhờ máy thở của các bệnh nhân Covid-19 là rất thấp, Paladino cho hay.
Ông là một trong những người đang nghiên cứu về khả năng cải tiến một máy thở để có thể cùng lúc hỗ trợ cho hai bệnh nhân trong một số trường hợp nhất định. Tuy nhiên, Paladino cho rằng kỹ thuật này không phải là giải pháp cho tình trạng thiếu trang thiết bị.
“Nó là giải pháp tạm thời trong vài giờ, 12 giờ, cho đến khi một bệnh viện trong khu vực chuyển cho chúng tôi thêm vài máy thở hoặc cho đến khi trang thiết bị được chuyển tới”, ông nói. “Chúng tôi lo lắng một ngày nào đó, mình không có đủ máy thở. Chúng tôi không muốn phải lựa chọn giữa hai bệnh nhân xem ai đáng được sống hơn hay tung đồng xu”.
Eason, chủ nhiệm khoa trị liệu hô hấp, cho hay máy thở rất phức tạp và nếu không lắp đặt đúng cách sẽ cho ra kết quả khác. “Chúng tôi cần những người có kỹ năng, nhiều kinh nghiệm làm việc này để các bệnh nhân có kết quả điều trị tốt và những bệnh nhân này rất khác so với những người chúng tôi từng gặp trước đây”, bà Eason nói.
Chuyên gia trị liệu về hô hấp Julie Eason, bệnh viện Đại học Brooklyn. Ảnh: CNN
Thống đốc Cuomo chỉ thị tất cả bệnh viện tại bang New York phải mở rộng số giường bệnh thêm ít nhất 50%. SUNY Downstate có hơn 2.000 nhân viên với 225 giường bệnh. Để đáp ứng lượng bệnh nhân tăng vọt, khu ăn uống của bệnh viện sẽ được trang bị thêm khoảng 50 giường và những chiếc lều dã chiến ở bãi đỗ xe đã được biến thành các phòng áp lực âm. Họ cũng sẽ sớm mở một bệnh viện dã chiến lớn điều trị Covid-19 tại khu phố gần đó.
Những chiếc lều thường gợi liên tưởng đến một căn cứ quân sự ở vùng chiến sự, nhưng bây giờ, chúng đang ở giữa khu dân cư, bao quanh là những dãy nhà.
“Chúng tôi thực sự đang áp dụng nhiều chiến thuật từ quân y trong thảm hoạ y tế này”, chủ tịch SUNY Downstate Wayne Riley nói. “Bạn phải ứng phó, sáng tạo trong những thời điểm thảm hoạ và đại dịch”.
Các nhân viên của bệnh viện đều đang làm thêm giờ và những kỳ nghỉ hay nghỉ phép cá nhân đều bị huỷ. Chính quyền New York đang kêu gọi những nhân viên y tế có bằng cấp tình nguyện hỗ trợ các bệnh viện tuyến đầu. Hơn 50 nhân viên y tế đã đề nghị được hỗ trợ SUNY Downstate, trong đó có một bác sĩ chăm sóc chuyên sâu đã hơn 70 tuổi.
“Họ đang đặt mình và gia đình mình vào hiểm nguy để chăm sóc cho các bệnh nhân của chúng tôi”, bác sĩ Mafuzur Rahman, người phân công các vị trí trong bệnh viện, cho hay.
Các nhân viên y tế ở SUNY Downstate cũng đang nỗ lực hết sức, dù có rất ít kiến thức về loại virus mới, nhiều phương pháp điều trị chưa từng được áp dụng.
“Tôi nhìn thấy sự tuyệt vọng, bất lực trong mắt họ. Họ muốn làm những gì tốt nhất có thể”, Rahman nói.
Sau những ca làm việc dài, căng thẳng, khó khăn, hầu hết nhân viên y tế không dám ôm hôn người thân. Họ phải tự cách ly khỏi gia đình vì sợ lây truyền virus.
“Tôi đeo khẩu trang nhìn họ từ xa và vẫy tay, cách nhau 6 mét hoặc hơn để đảm bảo họ không bị ảnh hưởng”, ông Paladino nói về gia đình mình.
Cảnh tượng này giờ đã trở thành điều bình thường ở SUNY Downstate và họ muốn những đồng nghiệp ở các thành phố như Chicago và Detroit, những nơi được đánh giá sẽ là điểm nóng Covid-19 tiếp theo, chuẩn bị cho thảm hoạ này.
“Hãy chuẩn bị sẵn sàng, vì những gì mà bạn nghĩ là ngày tồi tệ nhất vẫn chưa đến đâu”, bà Eason cảnh báo. “Chúng tôi thường chỉ có vài bệnh nhân nặng. Bây giờ, các phòng chăm sóc chuyên sâu của chúng tôi tràn ngập những người như thế và không ai trong số họ thở được”.
Bác sĩ Wayne Riley, chủ tịch bệnh viện SUNY Downstate. Ảnh: CNN
Mỹ hiện ghi nhận hơn 330.00 ca nhiễm nCoV, trong đó hơn 9.600 người tử vong, tiếp tục là vùng dịch lớn nhất thế giới. Riêng tại tâm dịch New York, hơn 600 người đã chết chỉ trong 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp tử vong toàn bang lên hơn 4.100 trong hơn 122.000 ca nhiễm.
Quá nhiều người đã chết và chết quá nhanh, đến mức bệnh viện SUNY Downstate phải điều hai xe đông lạnh đỗ ở ngoài để lưu giữ thi thể vì nhà xác quá tải.
“Đây chắc hẳn là điều tồi tệ nhất mà tôi từng chứng kiến. Vì khi xảy ra thiên tai, chúng tôi biết mình sẽ đón nhận những gì. Còn ở đây, mọi thứ cứ liên tục không ngừng nghỉ”, người phụ trách nhà xác Michael McGillicuddy nói, cho hay ông có thể cần thêm nhiều xe đông lạnh.
Với những người đã chết, các nhân viên y tế cố gắng dành cho họ sự tôn trọng cuối cùng. “Chúng tôi đang cố gắng hết sức để không xếp chồng các thi thể lên nhau”, Jelanie DeShong, một quan chức của bệnh viện, nói.
Anh Ngọc
New York cấp tập dựng nhà xác dã chiến giữa bão dịch Covid-19
New York dựng nhà xác dã chiến bên ngoài bệnh viện Bellevue ở Manhattan, nhằm ứng phó trong trường hợp số ca tử vong do Covid-19 tăng mạnh.
Công nhân xây dựng nhà xác dã chiến bên ngoài bệnh viện Bellevue ở Manhattan, New York hôm 25/3. Ảnh: Reuters.
"Chúng tôi đang trong cuộc khủng hoảng sức khoẻ cộng đồng, thành phố đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Kế hoạch dự phòng nhằm chuẩn bị cho mọi điều có thể xảy ra", Aja Worthy-Davis, phát ngôn viên văn phòng giám định y tế New York, nói. Worthy-Davis xác nhận nhà dã chiến bên ngoài bệnh viện Bellevue ở Manhattan nhằm dự phòng khi nhà xác cố định của thành phố quá tải.
Mỹ hiện ghi nhận hơn 83.000 ca nhiễm nCoV, cao hơn Trung Quốc và Italy, trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới, số ca tử vong đã lên hơn 1.200. New York là tâm dịch của cả nước với số ca nhiễm vượt 37.000 và gần 400 ca tử vong. Chính quyền bang đang tập trung giúp các bệnh viện tăng công suất ít nhất 50% khi có tới hơn 5.000 bệnh nhân Covid-19 đã phải nhập viện.
Nhà xác thành phố New York có sức chứa từ 800-900 thi thể cùng một thời điểm và hiện chưa quá tải, theo Worthy-Davis. Tuy nhiên, giới chức thành phố đang chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất, khi số ca tử vong do Covid-19 tăng mạnh. Worthy-Davis cho hay các lều và xe tải của nhà xác dã chiến bên ngoài bệnh viện Bellevue có thể chứa tối đa 3.600 thi thể, gấp nhiều lần nhà xác cố định.
Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA) hôm 25/3 cho hay bang New York đề xuất chính phủ liên bang xây dựng thêm nhà xác trong bối cảnh các ca nhiễm tăng cao. Hai bang Bắc Carolina và Hawaii cũng đề xuất tương tự. Lizzie Litzow, người phát ngôn FEMA cho biết các yêu cầu đang trong quá trình xem xét và phê duyệt.
Thống đốc New York Andrew Cuomo hôm 25/3 cảnh báo đỉnh dịch vẫn còn kéo dài nhiều tuần nữa, song khẳng định một số biện pháp nhằm ngăn virus lây lan của chính quyền đã bắt đầu có hiệu quả.
Craig Smith, trưởng khoa phẫu thuật tại Trung tâm y tế Irving thuộc Đại học Columbia, thành phố New York, cho biết số bệnh nhân sử dụng máy thở tại bệnh viện của ông đã tăng hơn gấp đôi trong ba ngày qua. Ít nhất một bệnh viện ở New York đã áp dụng phương án cho hai bệnh nhân dùng chung một máy thở. Tính đến 25/3, New York chiếm 25% số người được xét nghiệm trên cả nước.
Một nghiên cứu của Đại học Washington hôm 26/3 cảnh báo rằng 38.000-162.000 người có thể chết ở Mỹ trong 4 tháng tới vì Covid-19 và khả năng các bệnh viện bị quá tải ngay sau tuần thứ hai của tháng 4. Tổng thống Trump gần đây bày tỏ khả năng nới lỏng các biện pháp đóng cửa doanh nghiệp, yêu cầu người dân ở nhà. Các chuyên gia đang kêu gọi Tổng thống không nới lỏng những hạn chế đó, cảnh báo cuộc khủng hoảng có thể còn tồi tệ hơn.
Covid-19 xuất hiện ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ kể từ khi khởi phát ở Vũ Hán, Trung Quốc tháng 12/2019, khiến hơn 531.000 nhiễm, gần 24.000 người chết, gần 124.000 người hồi phục.
COVID-19 dọa đánh sập hệ thống y tế Mỹ Hệ thống y tế Mỹ choáng váng trước số ca bệnh và ca tử vong vì virus corona chủng mới. Các chuyên gia y tế lo ngại Mỹ có thể trở thành một phiên bản của Ý khi nhiều bác sĩ đang buộc phải chọn bệnh nhân để chữa. Các nhân viên y tế chuyển một bệnh nhân vào bệnh viện ở New...