Vùng cao Quảng Nam sẵn sàng cho năm học mới
Chỉ còn ít ngày nữa là bắt đầu năm học mới 2018-2019, huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam) đã gấp rút chuẩn bị mọi điều kiện, từ việc đầu tư sửa chữa cơ sở trường lớp, mua sắm trang thiết bị đến việc sắp xếp, bố trí giáo viên. Năm nay, 4 xã vùng cao Tây Giang có thêm ngôi trường mới, đó là trường THPT Võ Chí Công tại xã Axan.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ – Phó trưởng Phòng Giáo dục huyện Tây Giang – cho biết, năm học này, toàn huyện có 24 trường (7 trường mầm non, 9 trường Tiểu học, 6 trường THCS và 2 trường THPT), tăng 1 trường so với năm học trước.
Trường học ở vùng cao Tây Giang
Toàn huyện có trên 5.200 học sinh và 426 giáo viên. Trong đó, 350 học sinh được hưởng chế độ nội trú và 1.115 học sinh được hưởng chế độ bán trú. Riêng trường PTTH Tây Giang, năm nay số học sinh còn hơn một nữa do học sinh 4 xã vùng cao được chuyển về học tại trường mới (trường THPT Võ Chí Công). Trường THPT Tây Giang có 518 học sinh, 25 giáo viên. Còn trường THPT Võ Chí công, năm nay sẽ có 204 học sinh từ lớp 10 đến lớp 11, có 11 giáo viên giảng dạy và 2 cán bộ quản lý.
Bước vào năm học mới, vùng cao Tây Giang còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất chưa hoàn thiện, thiếu giáo viên ở cấp mầm non và tiểu học. Năm học này, toàn huyện thiếu 18 giáo viên mầm non và 13 giáo viên tiểu học, nhưng lại thừa đến 13 giáo viên THCS do sắp xếp, biên chế lại lớp học.
Ông Kỳ cũng cho biết tình trạng thiếu giáo viên có thể nhiều hơn, do số lượng giáo viên đăng ký chuyển vùng nhiều và đang chờ các huyện đồng bằng tiếp nhận. Huyện đã cho cơ chế hợp đồng ngắn hạn, nhưng lượng hồ sơ đăng ký thấp. Sinh viên sư phạm đồng bằng ra trường nhiều nhưng đi làm nghề khác chứ không ai lên miền núi hợp đồng ngắn hạn, lương thấp lại có không đóng bảo hiểm.
Lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra công trình trường THPT Võ Chí Công
“Từ năm học 2016-2017 đến nay, có nhiều biến động về đội ngũ như giáo viên xin nghỉ việc, nghỉ hưu, nghỉ theo Nghị định 108, giáo viên chuyển vùng… nên tình trạng thiếu giáo viên đã tồn tại từ năm học 2016-2017, nhưng Sở Nội vụ không giao bổ sung chỉ tiêu biên chế cho ngành giáo dục nên không thể đăng ký nhu cầu thi tuyển bổ sung”, ông Kỳ nói.
Một khó khăn nữa, theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT tỉnh về dạy học tiếng anh cấp THCS đối với lớp 6 phải thực hiện dạy học và đánh giá theo “4 kỹ năng”. Do vậy để đảm bảo cho nội dung này cần phải đảm bảo về cơ sở vật chất như phòng chức năng, nhưng hiện nay một số đơn vị trường chưa có phòng chức năng riêng để triển khai dạy học, đánh giá theo “4 kỹ năng” quy định nói trên. Đặc biệt, có 150 học sinh bán trú không được hưởng các chế độ chính sách theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ nên dễ bỏ học do điều kiện đi lại khó khăn.
Đối với trường THPT Võ Chí Công, theo kế hoạch sẽ hoàn thành và đưa vào giảng dạy năm học 2017-2018. Nhưng do điều kiện thời tiết mưa nhiều, giao thông đi lại khó khăn nên công trình này chậm tiến độ hơn 1 năm. Đến thời điểm hiện nay, công trình này đã hoàn thành khoảng 95% khối lượng, trong khi năm học mới đã cận kề.
Để việc triển khai năm học mới đạt hiệu quả, thời gian qua, huyện Tây Giang đã triển khai nhiều giải pháp như sắp sếp, quy hoạch lại mạng lớp trường lớp. Lãnh đạo Phòng Giáo dục Tây Giang cho biết, huyện đã tranh thủ nhiều nguồn đầu tư, xây mới và sửa chữa một số trường học tại các xã Dang, Ch’ơm, Atiêng, Avương… Trong đó, tranh thủ nguồn vốn của các tổ chức phi chính phủ như tổ chức Trẻ em Việt Nam (COV), tổ chức Save Children (SC) tại Việt Nam, Tổ chức Korea Food for the Hungry International (KFHI) – Hàn Quốc…
Riêng COV đã đầu tư trên trên 8 tỷ đồng để xây dựng 20 phòng mầm non tại các điểm thôn. Tổ chức Save Children tại Việt Nam tài trợ hơn 6,7 tỷ đồng để thực hiện dự án “Tăng cường kỹ năng làm quen với Toán và Tiếng Việt cho trẻ mầm non”, cấp miễn phí sách giáo khoa tiểu học cho 4 trường (Tiểu học Avương, Bhalêê, Atiêng, xã Dang), còn vở học tập UBND huyện Tây Giang đã đồng ý hỗ trợ toàn bộ cho học sinh.
Ông Arất Blúi – Phó Chủ tịch huyện Tây Giang cho biết, để chuẩn bị cho năm học mới, huyện đã tổ chức nhiều cuộc họp để giải quyết những khó khăn. Đến nay, cơ sở vật chất trường lớp cơ bản đảm bảo, không còn cảnh “tranh, tre, nứa lá”. Huyện chỉ đạo cho Phòng Giáo dục đảm bảo các trang thiết bị dạy học, nhất là phục vụ cho một Anh văn, Tin học, mua vở cấp cho học sinh, hỗ trợ gạo cho các trường. Đặc biệt phải đảm bảo ăn ở cho 150 học sinh bán trú không được hưởng các chế độ chính sách theo Nghị định số 116.
Bên cạnh đó, huyện đã có tờ trình gửi UBND tỉnh xin bổ sung 50 chỉ tiêu biên chế để huyện có điều kiện đăng ký thi tuyển viên chức; xin tỉnh cho chủ trương cho tổ chức thi tuyển hoặc xét đặc cách đối với các nhân viên y tế học đường, kế toán đã hợp đồng lâu năm để ổn định và an tâm công tác tại vùng đặc thù khó khăn, xin tỉnh hỗ trợ chế độ cho 150 em học sinh bán trú.
Đối với 13 giáo viên THCS thừa sẽ chuyển xuống dạy cấp Tiểu học ở một số môn… Hiện nay, huyện đã phối hợp với ĐH Quảng Nam mở các lớp nâng chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giáo dục. Phòng Giáo dục huyện phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện tổ chức bồi dưỡng chính trì hè năm học 2018-2019.
Đ.Hiệp – C.Bính
Theo Dân trí
Điện Biên: Kinh hoàng lũ ống đổ hàng trăm tấn bùn xuống Trường PTDTBT tiểu học Chà Nưa
Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa, năm học mới 2018-2019 sẽ chính thức bắt đầu. Tuy nhiên, nhiều trường học ở địa bàn huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên vẫn đang vất vả "chạy lũ" và "chống lũ". Lũ ống, lũ quét đã khiến nhiều trường bị ngập nặng, gây thiệt hại nhiều phòng học, trang thiết bị học tập nên việc dạy và học của giáo viên, học sinh đang bị ngưng trệ.
Thiệt hại nặng nhất là Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tiểu học Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. Cô Phạm Thị Hồng Nhung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mưa lũ trong suốt mấy ngày qua kéo theo hàng trăm tấn bùn đất đổ vào trường, gây ngập nặng nhiều phòng học, làm thiệt hại hàng trăm bộ sách vở từ lớp 1 đến lớp 3, làm hư hỏng phòng Lab dạy tiếng Anh và phòng Tin học. Mưa lũ cũng cuốn trôi toàn bộ khu vui chơi, ngập toàn bộ khu ăn ở nội trú của học sinh nên học sinh tạm thời được cho nghỉ học, về nhà.
"Đặc biệt, lũ cũng cuốn trôi gần 300m bờ kè phía sau trường, gây sạt lở nhiều đoạn đường ở xã nên việc đi lại của giáo viên, học sinh rất khó khăn. Lãnh đạo xã đã huy động lực lượng công an, bộ đội, học sinh cấp 3 và người dân cùng tham gia với giáo viên trường khắc phục lũ lụt từ ngày hôm nay để kịp tổ chức khai giảng năm học mới", cô Nhung cho biết.
Lũ quét ở Trường PTDTBT tiểu học Chà Nưa
Lũ ống, lũ quét kéo theo hàng trăm tấn bùn đất gây thiệt hại nặng xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
300m bờ kè chắn lũ bị cuốn trôi nên bùn đất thi nhau đổ xuống Trường PTDTBT tiểu học Chà Nưa
Bùn đất ngập toàn bộ sân trường và nhiều phòng học
Phòng học vi tính, phòng lab và khu nội trú của học sinh bị thiệt hại nặng nề
Sáng nay (30/8), nước bắt đầu rút thì giáo viên, học sinh cùng với sự giúp đỡ của các lực lượng công an, bộ đội, dân quân tự vệ giúp dọn dẹp vệ sinh nhà trường
Hàng trăm tấn bùn đất đang được thu gom, quét dọn để giáo viên, học sinh nhà trường chuẩn bị khai giảng năm học mới
Cuộc sống của giáo viên ở vùng cao đã khó khăn, nay còn khốn khó hơn vì thiên tai bão lũ.
Thế Nam
Theo Dân trí
Sẵn sàng cho năm học mới 2018-2019: Bài 2: Kiên quyết với vấn đề lạm thu trong trường học Một trong những vấn đề được nhắc đến đầu năm học mới là lạm thu. Mặc dù, lạm thu là một trong những căn bệnh không mới nhưng đến hẹn lại lên, đầu năm học, vấn đề này tiếp tục được đưa ra. Giáo viên đứng ra thu sai quy định Những ngày cuối tháng 8/2018, một số phụ huynh có con vào...