Vun đắp tình hữu nghị đặc biệt
Khi biết TPHCM triển khai chương trình “Sinh viên Lào với gia đình Việt”, bà Dương Thị Kim Dung (65 tuổi, ngụ phường 5 quận 3) xung phong hưởng ứng. Không chỉ nhận nuôi 2 sinh viên Lào đang học tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trong 3 tháng như kế hoạch, bà Dung còn đăng ký nuôi 2 sinh viên này suốt 6 năm theo học tại Việt Nam.
Nói về việc làm của mình, bà Dung bảo bản thân bà chỉ muốn đóng góp một phần nhỏ vun đắp tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào như lời Bác Hồ từng dạy.
Bữa cơm trưa vui vẻ của bà Kim Dung cùng 2 sinh viên Lào
Thoải mái như được ở nhà ba mẹ
Hơn một tháng nay, bữa cơm trưa nào bà Kim Dung cũng chờ đến khi Khounphinit Sodalay (tên gọi thân mật Jack, 20 tuổi) và Phrathepsouvan Thipphakone (tên gọi thân mật Axe, 21 tuổi) đi học về để ăn cùng.
“Tụi nhỏ còn lạ lẫm với trường học, đường sá và nơi ở mới nên bữa cơm là dịp để tôi hỏi thăm cũng như động viên các con cố gắng. Với lại, giao tiếp nhiều sẽ giúp tụi nhỏ hiểu văn hóa, con người Việt Nam, cũng như có thêm cơ hội trau dồi tiếng Việt”, bà Kim Dung nói.
Video đang HOT
Tính cách bà Dung cởi mở, lại xem Jack và Axe như con cái trong gia đình nên chỉ trong thời gian ngắn, bà đã giúp 2 sinh viên Lào bớt rụt rè và bữa cơm trưa của gia đình bà trở nên vui vẻ, thú vị. Từ sự chỉ dẫn của bà Dung, Axe và Jack đã mạnh dạn giao lưu, trao đổi văn hóa, ẩm thực cùng các thành viên trong nhà cũng như hàng xóm xung quanh.
Ngoài những bữa cơm tại nhà, bà Dung còn dẫn Jack và Axe đi ăn nhà hàng, quán cóc, dạo Phố đi bộ Nguyễn Huệ để các em có điều kiện giao lưu, hiểu hơn về ẩm thực của người dân địa phương.
Bà cũng lên kế hoạch dẫn 2 sinh viên Lào đi tham quan các tỉnh Tây Nam bộ nhằm giúp các bạn có cơ hội tiếp cận, cũng như phân biệt được văn hóa vùng miền.
Gia đình bà Dung có mở một quán ăn, những lúc rảnh rỗi sau giờ học, Jack và Axe lại xin được phụ giúp.
“Khi trao đổi với khách về món ăn, em lại có cơ hội học thêm tiếng Việt. Từ nào chưa hiểu lắm thì em hỏi cô Dung và lúc nào cũng được cô tận tình chỉ dẫn. Nhờ đó, tiếng Việt của em nay đã khá hơn rất nhiều. Ở với cô Dung, em thấy thoải mái như đang ở nhà cùng ba mẹ”, Jack chia sẻ.
Góp phần nhỏ để đời tốt đẹp hơn
Chương trình “Sinh viên Lào với gia đình Việt” lần đầu tiên được Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM phối hợp với Thành Đoàn, Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TPHCM tổ chức. Đây là hoạt động đưa các sinh viên Lào về sinh sống tại các gia đình Việt Nam trong thời gian du học tại TPHCM nhằm tạo môi trường cho du học sinh Lào tham gia trải nghiệm đời sống, sinh hoạt hàng ngày tại các gia đình Việt. Qua đó gắn kết tình cảm, hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần cho các bạn sinh viên Lào khi học tập xa nhà.
Trong lần đến thăm gia đình bà Kim Dung cùng 2 sinh viên Lào mới đây, đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, nhấn mạnh đây là việc làm thiết thực của người dân giúp bồi đắp quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào.
Đồng chí Võ Thị Dung mong rằng thông qua việc chung sống, các sinh viên Lào sẽ cảm nhận được những tình cảm thân thương từ gia đình Việt để phần nào vơi bớt nỗi nhớ nhà, thêm động lực để học tập thật tốt.
Chia sẻ về việc làm của mình, bà Kim Dung bày tỏ: “Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói mối quan hệ Việt Nam – Lào là sự đoàn kết gắn bó thân thiết rất đặc biệt. Mối quan hệ ấy là niềm tự hào của 2 dân tộc. Từ xưa đến nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân 2 nước đã không ngừng củng cố, tăng cường, hợp tác ngày càng bền chặt. Bản thân tôi là một người dân Việt Nam thì phải có trách nhiệm để góp phần vun đắp vào mối quan hệ đặc biệt ấy”.
Người dân trong khu phố nơi bà Kim Dung sinh sống rất quý mến bà, bởi bà luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người khi gặp khó khăn. Việc làm của bà rất thiết thực, có khi là giúp chị em phụ nữ ít vốn để buôn bán nhỏ, giúp ít chi phí để lo điều trị bệnh. Trước khi nhận nuôi 2 sinh viên Lào, bà Kim Dung đã nhận nuôi 2 sinh viên ngành Y (nhà ở huyện Củ Chi) học giỏi nhưng gia cảnh khó khăn. Sau 6 năm ra trường, bà cũng giúp giới thiệu để 2 cô học trò ấy có việc làm ổn định. Không chỉ vậy, trong những lần đi làm từ thiện ở các tỉnh thành, khi thấy hoàn cảnh các em nhỏ mồ côi, không nơi nương tựa, bà lại xin chính quyền nhận về nhà mình để nuôi dạy, rồi cho đi học nghề. Nhờ đó, nhiều em đã có cái nghề trong tay và xin được việc làm nuôi lấy bản thân.
THÁI PHƯƠNG
Theo SGGP
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch dành 50% chỉ tiêu cho thí sinh ngoại tỉnh
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM năm 2019 tuyển sinh toàn quốc, dựa trên kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
Ảnh minh họa
Trường tuyển 1.350 chỉ tiêu, trong đó dành 50% chỉ tiêu cho thí sinh có hộ khẩu TPHCM, 50% chỉ tiêu còn lại dành cho thí sinh các tỉnh thành khác. Riêng ngành Y khoa có chỉ tiêu lớn nhất là 800, ngành Răng Hàm Mặt 80, Dược học 80.
Điều kiện nhận xét tuyển của trường là học sinh xếp loại hạnh kiểm từ khá trở lên của năm học lớp 12 THPT, có đủ sức khỏe theo học ngành đăng ký xét tuyển. Trường sử dụng tổ hợp xét tuyển B00 (Toán, Hóa, Sinh) cho tất cả ngành.
Nếu các thí sinh có cùng mức điểm, trường sẽ dùng tiêu chí phụ theo thứ tự sau: điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia môn Ngoại ngữ; điểm trung bình chung lớp 12; điểm thi tốt nghiệp THPT môn Văn.
Riêng ngành Khúc xạ nhãn khoa, điểm kỳ thi THPT quốc gia môn tiếng Anh đạt từ 7 trở lên, bởi ngành này phải học các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh do giảng viên nước ngoài dạy.
THANH MINH
Hà Nội Ngôi trường Hà Nội có lớp học mang tên Kim Nhật Thành, Kim Jong Il Trường mẫu giáo Việt - Triều Hữu Nghị được thành lập ngày 8/3/1978, do Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên viện trợ xây dựng. Ngôi trường này được coi là một trong những minh chứng cho mối quan hệ lịch sử tốt đẹp giữa hai nhà nước và hai dân tộc. Ngôi trường mầm non biểu tượng của mối quan hệ...