Vui học cùng robot
Sau giờ học trên lớp, nhiều em học sinh thay vì căng thẳng chạy theo các lớp học thêm thì được phụ huynh chở đến Trung tâm Vườn sáng tạo (Quận 3, TPHCM) vào những ngày cuối tuần. Đây là không gian học tập trải nghiệm mang đến cho các em những kiến thức và cơ hội thực hành thú vị cùng với robot.
Anh Lê Đình Phong, sáng lập và quản lý Vườn sáng tạo
Tâm huyết của những kỹ sư trẻ
Tốt nghiệp ngành Robotics tại ĐH Bách Khoa TPHCM và có thời gian khá dài tu nghiệp, lấy bằng Tiến sĩ chuyên ngành tại ĐH Kyung Hee và Viện Khoa học – Công nghệ Hàn Quốc, anh Lê Đình Phong không lựa chọn ở lại làm việc cho nước sở tại mà quay về TPHCM, cùng những kỹ sư trẻ khác thành lập và điều hành Trung tâm Vườn sáng tạo.
Với tâm huyết và sức trẻ, tháng 6 năm 2016, nhóm kỹ sư của anh Phong thành lập Trung tâm. Vườn sáng tạo mở ra cơ hội cho các em học sinh – sinh viên cùng nhau tiếp cận việc lắp ráp và điều khiển robot, điều này giúp các em nâng cao các khả năng làm việc theo nhóm, cùng hợp tác và giải quyết các vấn đề bên cạnh những kiến thức về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, và toán học. Đặc biệt, các em không chỉ được làm quen với phần mềm điều khiển robot có sẵn mà còn được học về lập trình, nền tảng cơ bản để các em tự phát triển các chương trình điều khiển robot của mình trong tương lai.
Hiện tại, Vườn sáng tạo xây dựng trang thiết bị học tập hiện đại, giáo án dạy học cập nhật liên tục để phù hợp với từng em học sinh, kết hợp giữa lý thuyết và thực nghiệm khoa học. Thời gian tổ chức các buổi học thường diễn ra vào thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, quy tụ hàng trăm lượt học sinh, nhất là học sinh trung học cơ sở.
Nhóm học sinh cùng nhau thực hành robot
Video đang HOT
Chương trình học sáng tạo và mới lạ
Vườn sáng tạo có ba chương trình học tùy vào độ tuổi của trẻ, bao gồm Chương trình Lập trình và lắp ráp robot Wedo 2.0 (dành cho trẻ 6 – 9 tuổi), Chương trình Lập trình và lắp ráp robot Mindstorm EV3 (dành cho trẻ 10 – 15 tuổi), Chương trình học lập trình vi điều khiển Arduino (dành cho học sinh trên 15 tuổi).
Chương trình “Lập trình và robot WeDo 2.0″ dành cho các học sinh từ 6 đến 9 tuổi. Chương trình gồm có 3 module mang tính kế thừa nhau. Trong mỗi module các em đều được học lập trình và các cơ cấu robot. Các khái niệm lập trình được học qua các trò chơi giúp các em phát triển tư duy logic. Các em học lắp ráp các cơ cấu khác nhau của robot như cơ cấu bước, quét, nâng… Ngoài ra các em còn học lập trình cho robot với động cơ, cảm biến.
Theo anh Lê Đình Phong, các em sẽ được học ngôn ngữ lập trình Scratch của MIT trên máy tính và chơi với bộ Lego Wedo 2.0. “Suốt 12 buổi học, mỗi buổi dài 2 tiếng, các em sẽ làm quen với khái niệm giải thuật, chương trình máy tính. Đồng thời, các em còn được sử dụng công cụ Scratch điều khiển chuyển động của các nhân vật trong một hệ trục tọa độ, vẽ các hình vẽ và tạo một câu chuyện đơn giản. Đối với môn robot, các em sẽ được học lắp ráp và lập trình robot với các cơ cấu như bánh răng, bánh xe, bước”, anh Phong nói.
Khóa học liên quan tới robot Mindstorm EV3 dành cho trẻ từ 10 – 15 tuổi cũng tương tự nhưng yêu cầu về độ khó cao hơn. Tuy nhiên, anh Phong cho rằng các khái niệm trong lập trình được giải thích một cách trực quan, sinh động từ các tình huống trong cuộc sống hàng ngày mà các em có thể quan sát được. Đối với chương trình này, các em sẽ được học sâu về cảm biến, sử dụng biến số lập trình game và nhiều kỹ thuật phức tạp hơn đối với một robot. Anh Phong còn cho biết, ở module cuối cùng tên Robot, các em có cơ hội tiếp xúc với lập trình của game Flappy Bird rất nổi tiếng.
Chương trình cao cấp nhất, độ khó cao nhất dành cho học sinh cuối cấp THCS và cấp THPT ở Vườn sáng tạo là “Học lập trình qua Arduino”. Anh Lê Đình Phong giới thiệu vi điều khiển Arduino là vi được hỗ trợ rất nhiều bởi các cộng đồng khoa học kỹ thuật trên thế giới. Nhiều ứng dụng lý thú dựa trên Arduino đã được cung cấp miễn phí trên các diễn đàn khoa học kỹ thuật trong nước cũng như trên thế giới và hầu hết các sản phẩm trong nhiều cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh, sinh viên gần đây cũng được xây dựng trên con vi xử lý này.
Theo TS Võ Thị Lưu Hương, giảng viên tại trung tâm, qua khóa học này, học sinh sẽ học được căn bản về ngôn ngữ lập trình C thông qua lập trình trên con vi xử lý Arduino. Sử dụng bộ kit Arduino của Vườn sáng tạo, học sinh sẽ được làm quen với vi điều khiển, các linh kiện điện tử như các loại cảm biến, nút bấm, biến trở, LCD, led 7 đoạn,… Hơn nữa, trong khóa học, học sinh sẽ xây dựng các ứng dụng thực tiễn có thể áp dụng trong cuộc sống như tưới cây tự động, đèn thông minh, điều khiển qua cổng hồng ngoại, Bluetooth,…
Trấn Kiên
Theo giaoducthoidai.vn
Robot mang trí tuệ nhân tạo sẽ giúp đỡ giáo viên trong tương lai
Ứng dụng AI vào giảng dạy sẽ giúp giáo viên có thêm thời gian hỗ trợ học viên phát triển các kỹ năng mềm.
Tại Hội nghị thượng đỉnh WISE tại Doha năm 2017, Wayne Holmes, giảng viên Viện Công nghệ Giáo dục - Đại học Open cho rằng, nhiều người đang đánh đồng AI với robot. Những ví dụ về sự thành công của AI trong giáo dục khiến nhiều người lo lắng robot sẽ thay thế công việc của thầy cô. Tập trung vào hình ảnh cụ thể của robot có thể khiến mọi người hiểu nhầm về các ứng dụng thực sự của AI. Thực chất, AI bao gồm các thuật toán, học máy và xử lý, cùng nhiều ứng dụng khác nữa.
Một trong những lợi ích nổi bật của AI trong giáo dục là khả năng tạo ra mô hình học cá nhân hóa, giúp mỗi học viên có thể tự sử dụng học liệu một cách phù hợp, theo năng lực bản thân.
Điều này sẽ cải thiện đáng kể cho nền giáo dục hiện nay. Với lớp học truyền thống, việc sâu sát đến từng học sinh gần như là bất khả thi. Nguyên nhân là số lượng học sinh quá lớn khiến giáo viên khó có thể trao đổi với từng người. Đồng thời, việc áp dụng một bài giảng cho tất cả mọi học sinh là khó tránh hỏi.
Jingfang Hao - nhà sáng lập WePlan nhận định, cá nhân hóa học tập là điều quan trọng nhất mà công nghệ đem lại. Bà cho rằng ứng dụng AI vào giảng dạy sẽ giúp giáo viên có thêm thời gian hỗ trợ học viên phát triển các kỹ năng mềm - điều này AI không thể thực hiện. "Chúng ta đang giới thiệu các công cụ để giúp đỡ giáo viên chứ không phải để thay thế họ", bà Jingfang Hao cho biết.
Jrg Drger, nhà vật lý, thành viên Hội đồng quản trị của tổ chức độc lập Bertelsmann Stiftung cho rằng, cần cân nhắc việc đặt yếu tố Sư phạm hay Công nghệ lên trước khi bàn về việc sử dụng AI trong giáo dục.
"Sư phạm là yếu tố quan trọng trong sự phát triển của giáo dục" Jrg nói. Mặc dù việc sử dụng công nghệ là điều hiển nhiên nhằm tối ưu hiệu quả của giáo dục, những nó vẫn chỉ là công cụ hỗ trợ cho các tương tác của con người chứ không thể thay thế.
Trong tương lai, việc robot thay thế giáo viên là điều không thể. Hệ thống giảng dạy thông minh là một trong những điểm mạnh nhất của AI, nhưng những yếu tố con người như nhận định cảm xúc và giải quyết các tình huống khó khăn là thứ AI chưa làm được.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng lo ngại sự can thiệp của các tập đoàn công nghệ lớn nhằm đưa AI vào giáo dục. Giám đốc Công ty Roboterra (Trung Quốc) Yao Zhang lại cho rằng, việc càng nhiều công ty ứng dụng AI trong giáo dục thực chất giống với việc sẽ có một lượng lớn nhà cung cấp các dịch vụ về kỹ năng và kiến thức đặc biệt chứ không phải là tạo ra một đội ngũ giáo viên robot đe dọa giáo viên thật.
AI trong giáo dục không phải là những robot thay thế giáo viên. Tất cả đều thuộc về vấn đề dữ liệu. Tính cá nhân hóa, tiết kiệm thời gian và mô hình lớp học tương tác, đều dựa vào việc sử dụng dữ liệu hiệu quả.
Ví dụ, một lớp học đông đúc sinh viên làm việc trên máy vi tính. Khi họ hoàn thành các bài luận, máy tính ghi lại lượng thời gian cho mỗi yêu cầu, chỉ ra những bài tập khiến học viên phải bỏ ra nhiều nỗ lực nhất... Dữ liệu này sau đó được thu thập và phân tích bởi phần mềm AI để giáo viên truy cập, cho phép họ nhìn thấy những phân tích chi tiết về năng lực của từng học sinh thông qua mỗi môn học hoặc bài tập và cho thấy những ai cần thêm trợ giúp.
AI thậm chí giúp đánh giá, thẩm định và thu thập hồ sơ năng lực của sinh viên thông qua các hoạt động, bài tập... xuyên suốt cả năm học, hơn là chỉ dựa vào kế quả một hai kỳ thi kiểu truyền thống.
Khi đã có AI hỗ trợ, phần quan trọng trong công việc của người giáo viên hiện đại là dạy cho học viên cách sử dụng những phương tiện công nghệ thích hợp để học tập. Người thầy mang vai trò định hướng, dẫn dắt học trò tiếp cận tri thức, dạy cho học trò cách tìm kiếm và phân loại thông tin.
Từ việc sử dụng công nghệ để xây dựng hồ sơ năng lực của học viên, tới việc làm nhẹ bớt những báo cáo thủ công và các nhiệm vụ tốn thời gian nhưng không quá phức tạp khác, AI có thể được khai thác để tạo nên bước tiến mới trong nền giáo dục trên khắp thế giới.
Quỳnh Anh (theo Edtechnology)
Theo vnexpress.net
Đại học Huế lọt top 350 trường Đại học tốt nhất châu Á 4 đại diện Việt Nam xuất hiện trong top 350 trường hàng đầu trong số 12.000 trường Đại học châu Á được tổ chức Quacquarelli Symonds xếp hạng, tương đương với tỉ lệ 3% trường tốt nhất khu vực. Bảng xếp hạng các trường Đại học ở Việt Nam. Theo bảng xếp hạng trường Đại học của QS, một trong những bảng xếp...