Vực dậy khối C: Thay đổi từ gốc
Ít trường đào tạo, khó xin việc, lương thấp, xã hội đánh giá không cao… là những lý do khiến các ngành khoa học xã hội giờ đây không hút thí sinh, thậm chí có thể nói là “rớt giá thê thảm” từ năm này qua năm khác.
Nói như GS Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học, sự thất thế của khối C tuy chưa phải là đã đến đáy nhưng “đừng chờ đến đáy mới giải quyết vấn đề”. Bởi điều này sâu xa báo hiệu sự suy giảm rất khủng khiếp về giá trị nhân văn.
Báo Đại Đoàn Kết trong loạt bài này muốn góp một tiếng nói trong việc xóa bỏ dần những định kiến của xã hội nói chung và một bộ phận học sinh về các môn học xã hội.
Bài 1: Học sinh ban C – hiếm như lá mùa thu
Học sinh chọn ban C ngày càng ít.
Việc mỗi kỳ thi tuyển sinh đại học (ĐH) lại vắng bóng thí sinh ban C dễ dàng lý giải là vì ngay từ khi phân ban vào lớp 10, ở nhiều trường số lượng học sinh (HS) đăng ký ban C ít đến đáng thương, đến mức nhà trường không mở lớp hoặc nếu có cũng chiếm tỷ lệ cực ít so với ban khoa học cơ bản hoặc khoa học tự nhiên.
Năm học 2020-2021, Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) tuyển sinh lớp 10 theo kết quả học bạ và kết quả tuyển sinh vào lớp 10 của Sở GDĐT Hà Nội năm 2020. Theo đó, HS phải xếp loại hạnh kiểm tốt, học lực khá trở lên và đã học tiếng Anh ở cấp THCS mới đủ điều kiện xét tuyển.
Sau đó, trường sẽ tính điểm xét tuyển dựa theo ban học mà học sinh chọn. Cụ thể, trường chia các lớp thành ba ban. Ban A với ba môn Toán, Lý, Hóa được học nâng cao và chuyên sâu; ban A1 là Toán, Vật lý, Tiếng Anh; ban D là Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh.
Khi đi làm công tác tuyển sinh, lãnh đạo nhiều trường THPT công lập trên địa bàn Hà Nội chia sẻ: Trước đây khi có chủ trương phân ban HS ngay từ khi vào lớp 10, nhiều năm nhà trường gom mãi không nổi một lớp theo ban khoa học xã hội. Cách khắc phục là một vài em đăng ký chọn ban này thì nhà trường xếp vào ban cơ bản học nâng cao Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Và càng những năm sau này, ban khoa học xã hội gần như bị xóa sổ.
Tới những năm gần đây, việc phân ban trong các trường phổ thông không còn rõ nét song định hướng của gia đình và nhà trường vẫn chủ yếu tập trung vào học các môn khoa học tự nhiên (nếu HS bộc lộ rõ thế mạnh ở các môn học thuộc lĩnh vực này) hoặc học tốt các môn cơ bản sau đó tới năm lớp 12 mới tập trung xác định rõ năng lực, nguyện vọng của bản thân sẽ chọn ngành nào, trường nào để xét tuyển vào ĐH.
Khi đó, HS sẽ chọn những môn học nâng cao phù hợp với khối thi ĐH dự kiến. Cách tư vấn này của nhà trường được phần lớn phụ huynh và HS đồng tình do khi mới vào lớp 10, các em có thể chưa rõ mong muốn của bản thân về nghề nghiệp sau này.
Video đang HOT
Nếu theo học chuyên sâu các môn khoa học xã hội, cơ hội chuyển đổi sang các khối khác sẽ khó hơn rất nhiều nên ít người học theo học ban khoa học xã hội là vì vậy.
…Đến thi thế nào, HS học thế đó
Đây là thực tế tồn tại lâu nay của giáo dục nước ta và cũng là câu chuyện chung của nhiều nền giáo dục khác trên thế giới như chia sẻ của PGS.TS Trần Kiều, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Trong một lần bàn về đổi mới giáo dục của Việt Nam, PGS Trần Kiều từng nhấn mạnh: “Chúng ta đang lao đao, điêu đứng bởi nền giáo dục ứng thí. Bất kỳ sự đổi mới nào cũng nhận hòn đá tảng nền này. Chính vì vậy, Bộ GDĐT luôn loay hoay về việc thi cử”.
Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 ở Hà Nội, khi môn thi thứ 4 là Lịch sử được công bố, nhiều thí sinh đã rất lo lắng vì không biết sẽ ôn tập thế nào do kiến thức cần phải nhớ rất nhiều so với các môn học khác.
Nhìn lại các kỳ thi, khi còn phương thức thi theo môn, ngoài các môn thi bắt buộc, các môn Lý – Hóa luôn có tỷ lệ đăng ký nhiều nhất, trong khi các môn Sinh – Sử – Địa luôn ở cuối bảng. Năm 2014, khi HS được quyền chọn một số môn thi tốt nghiệp THPT, có những trường mấy trăm HS mà không có thí sinh đăng ký thi tự chọn môn Lịch sử.
Song từ khi chuyển sang bài thi tổ hợp, tình thế đã đảo ngược. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, số lượng thí sinh đăng ký dự thi bài tổ hợp khoa học xã hội học (Sử – Địa – Giáo dục công dân) là 498.516, chiếm 55,38% tổng số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT.
So sánh với các năm trước, tỷ lệ thí sinh chọn bài thi tổ hợp khoa học xã hội tăng dần theo từng năm. Cụ thể, năm 2017 có 43% số thí sinh dự thi chọn bài thi khoa học xã hội; năm 2018 tỉ lệ này là 48% và năm 2019 là gần 53%, chưa kể số thí sinh chọn dự thi cả hai bài thi tổ hợp.
Liệu việc có đông thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội có phải là tín hiệu vui cho ngành khoa học xã hội? Có phải đã nhiều học sinh yêu thích các môn khoa học xã hội hơn, đặc biệt là môn Sử?
Theo phân tích của một số giáo viên dạy các môn khoa học xã hội, nhìn vào phổ điểm thi các năm trước, nhiều HS lựa chọn môn khoa học xã hội vì tư tưởng thực tế. Dù điểm thi môn Lịch sử vẫn thấp đến mức đáng báo động thì khi cộng điểm thành phần ba môn Sử – Địa – Giáo dục công dân, điểm bài thi của thí sinh vẫn đảm bảo đủ điều kiện xét tốt nghiệp do điểm môn Giáo dục công dân, môn Địa gánh đỡ được cho môn Sử.
Cô giáo Ngô Thị Thành, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), cho rằng việc xét tuyển ĐH sau này có thể dùng nhiều phương thức khác như xét tuyển bằng học bạ nên mục tiêu trước mắt của thí sinh là cần đỗ tốt nghiệp THPT, sau đó mới tính tiếp.
Nếu đăng ký bài thi tổ hợp khoa học xã hội, thí sinh sẽ hạn chế được điểm liệt vì với những câu hỏi thuộc lĩnh vực xã hội, có thể đoán “mò” kết quả. Thống kê từ thực tế, trong số thí sinh chỉ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp, mà không đăng ký xét tuyển ĐH thì phần đông đều chọn bài thi khoa học xã hội.
Như vậy, đây cũng chỉ là sự lựa chọn khi đi thi cho đỡ rủi ro thay vì xuất phát thực tâm từ sự yêu thích môn học, say mê tìm hiểu nó. Học chỉ để đi thi thì thi xong, chắc quá nửa kiến thức sẽ không cánh mà bay nên “dân ta phải biết sử ta” thực sự là một thách thức với nhiều HS hiện nay nói riêng và nhiều người Việt nói chung.
(Còn nữa)
Xét tuyển đại học: Khối C gần như 'biến mất'?
Năm nay, ở nhiều trường THPT tại TP.HCM, không có học sinh nào đăng ký xét tuyển khối C (văn - sử - địa) vào các trường ĐH.
Học sinh nộp hồ sơ đăng ký thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH tại Trường THPT Trưng Vương, Q.1, TP.HCM - ẢNH: ĐĂNG NGUYÊN
Tổ hợp xét tuyển khối C đang giảm sức hút đối với thí sinh ở các thành phố lớn trong những năm gần đây.
Không có thí sinh đăng ký
Theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM, năm nay trường có tất cả 273 học sinh (HS) chọn bài thi khoa học tự nhiên (KHTN), 200 HS chọn khoa học xã hội (KHXH) khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, đến khi xét tuyển ĐH thì các em chọn bài thi KHXH chỉ chọn khối D mà không có bất kỳ em nào theo khối C. Tình hình này diễn ra trong các năm gần đây. Theo ông Phú, xu hướng này sẽ tiếp tục kéo dài.
Môn văn nhiều năm nay rất nhiều thầy cô dạy theo văn mẫu. Chương trình học cũng theo một khuôn, không cho HS phát huy sức tưởng tượng, sự sáng tạo, quan điểm riêng... Môn sử, địa thì cũng đang học để thi là chính. HS dần mất hứng thú nên chỉ học để đối phó và không lựa chọn để xét tuyển ĐH
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM
Ông Nguyễn Vân Yên, Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương, Q.5, TP.HCM, cũng cho biết năm nay có đến 11/25 lớp 12 trong trường chọn bài thi KHXH dự thi tốt nghiệp. Khi xét tuyển các ngành ở trường ĐH, rất hiếm thí sinh chọn khối C.
Có tất cả 387 HS Trường THPT Marie Curie, Q.3, TP.HCM, chọn bài thi KHXH, 482 HS chọn bài thi KHTN. Tuy nhiên, theo bà Trương Thị Kim Anh, cán bộ phụ trách tuyển sinh nhà trường, rất hiếm HS chọn xét tuyển khối C vào các trường ĐH. Những năm gần đây, gần như không có HS nào lựa chọn khối C.
Sinh viên khối C đa số ở tỉnh ?
Tại các trường ĐH, thí sinh xét tuyển khối C đa số là ở các tỉnh. Thí sinh đến từ các thành phố lớn chủ yếu xét tuyển khối D.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ thông tin, trường xét tuyển 2 khối chính là C và D. Nhưng số lượng sinh viên vào học sau khi xét tuyển bằng khối D gấp đôi khối C.
"Thống kê số lượng thí sinh xét tuyển khối C trong 2 năm gần đây không chênh lệch nhiều. Năm 2018, có 10.675; năm 2019 có 10.601 thí sinh xét tuyển bằng khối C vào trường. Tuy nhiên, so với thí sinh khối D thì số lượng thí sinh khối C chỉ bằng một nửa. Thí sinh xét tuyển khối C đa số đến từ các tỉnh. Các trường ĐH mở ra nhiều tổ hợp cũng khiến thí sinh từ tổ hợp truyền thống C00 chuyển sang. Chẳng hạn, môn văn hiện nay có trong rất nhiều tổ hợp. Môn sử có trong tổ hợp D14 (văn - sử - tiếng Anh), môn địa có trong tổ hợp D15 (văn - địa - tiếng Anh)", tiến sĩ Hạ cho biết.
Các trường THPT tư thục ở TP.HCM có nhiều HS từ các tỉnh về học nội trú nhưng số lượng HS xét tuyển khối C cũng rất ít. Cụ thể, tại Trường THPT Nhân Việt, Q.Tân Phú, TP.HCM, HS chọn tất cả 1.113 nguyện vọng xét tuyển nhưng trong đó chỉ có 99 nguyện vọng xét bằng khối C, chiếm tỷ lệ 8,9%.
Khối giáo dục thường xuyên cũng rất hiếm thí sinh chọn xét tuyển khối C. Theo ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An, Q.5, TP.HCM, năm nay có gần 250 HS lớp 12 đang học tại trường. Tuy nhiên, vì đã định hướng từ trước nên những HS có học lực trung bình trở xuống đều đăng ký vào các trường CĐ, TCCN, học nghề. Còn khoảng 1/2 số HS chọn xét tuyển đa số vào các trường ngoài công lập. Thí sinh chủ yếu xét các khối A, A1, B00, D01.
Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT trong 3 năm gần đây, thí sinh lựa chọn khối C để xét tuyển ĐH cũng đang có xu hướng giảm.
Học sinh không còn hứng thú với văn - sử - địa
Bà Lại Thị Thắm, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, giải thích thực tế này do cơ hội của thí sinh xét tuyển khối C ít hơn hẳn so với các khối khác. "Khi cơ hội lựa chọn ngành nghề không nhiều thì HS không chọn lựa là điều rất dễ hiểu", bà Thắm nhận định.
Học sinh xác định rõ ràng mục tiêu hướng nghiệp ?
Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng nếu xét ở góc độ hướng nghiệp, việc chọn lựa của các HS hiện nay là điều nên vui. HS khi lựa chọn khối C xét tuyển vào các ngành đòi hỏi yếu tố KHXH là đã xác định được mục tiêu và lĩnh vực yêu thích, phù hợp của mình. Các em sẽ theo đuổi con đường này lâu dài hơn là chọn lựa khối thi, ngành học mà không hiểu nhiều.
Như nhóm ngành sư phạm tại trường, mấy năm nay gần như HS giỏi mới xác định theo đuổi. Tuyển sinh như vậy là đi theo xu hướng phân hóa người học vào ngành, trường phù hợp. Thực tế này cho thấy ở TP.HCM công tác hướng nghiệp tốt hơn, các em tiếp cận thông tin, ngành học kỹ hơn, biết rõ mình cần tố chất gì để học.
Ông Nguyễn Vân Yên, Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương, cũng cho rằng khối C hiện nay quá ít lựa chọn đăng ký ngành học nên trong khối KHXH, HS chọn khối D nhiều hơn. Ở các thành phố lớn, nếu học khối C thì không học nhiều ngoại ngữ nên HS không lựa chọn.
Ngoài những lý do trên, ông Huỳnh Thanh Phú còn cho rằng do HS ít hứng thú với những môn học này trong trường THPT. "Môn văn nhiều năm nay rất nhiều thầy cô dạy theo văn mẫu. Chương trình học cũng theo một khuôn, không cho HS phát huy sức tưởng tượng, sự sáng tạo, quan điểm riêng... Môn sử, địa thì cũng đang học để thi là chính. HS dần mất hứng thú nên chỉ học để đối phó và không lựa chọn để xét tuyển ĐH", ông Phú giải thích.
Dưới góc nhìn từ phía trường ĐH, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), cho rằng ít thí sinh xét tuyển khối C không chỉ có lý do là ít ngành nghề mà còn vì ở THPT, thầy cô có tạo được sự hứng thú cho HS theo đuổi các môn học KHXH hay không.
Người cha Trung Quốc xin lỗi con gái vì xé 56 cuốn truyện Tức giận vì kết quả môn tự nhiên của con, cha của Tu Sirui xé những trang truyện em tự viết. Trong chương trình truyền hình, con gái lên tiếng chất vấn hành động của cha. Sự việc được đưa ra trong "Thiếu niên nói" - chương trình nổi tiếng của Trung Quốc dành cho các bạn thanh, thiếu niên từ cấp một...