Vụ Vạn Thịnh Phát: Cựu cục trưởng thanh tra ‘bị cáo đã mất tất cả’
Nhận 5,2 triệu USD để bỏ qua sai phạm của Ngân hàng SCB, cựu Cục trưởng thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước tỏ ra hối hận nói: “Tội lỗi của bị cáo gây ra đã phải trả giá, bị cáo gần như mất hết tất cả”.
Hôm nay (7/11), phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tiếp tục phần xét hỏi nhóm bị cáo nguyên là cán bộ thanh tra Ngân hàng Nhà nước.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước, cựu trưởng đoàn thanh tra SCB) khẳng định mình không oan sai, chỉ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Về tình tiết giảm nhẹ, bà Nhàn cho rằng mình đã thành khẩn khai báo, quá trình công tác có nhiều thành tích xuất sắc, được Chủ tịch nước tặng thưởng huân chương, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, cùng nhiều giấy khen, kỷ niệm chương về sự nghiệp ngân hàng, thanh tra; gia đình có công với cách mạng…
Bị cáo Nhàn khai thêm, ngay khi bị bắt đã giao nộp toàn bộ số tiền 5,2 triệu USD nhận hối lộ từ bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn và nộp phạt bổ sung 100 triệu đồng. Ngoài ra, bị cáo Nhàn còn vận động gia đình nộp 500 triệu đồng khắc phục hậu quả chung của vụ án.
Mong muốn HĐXX xem xét giảm án, bị cáo Nhàn trần tình bản thân mang nhiều bệnh như tim mạch, tiểu đường, thận… cần phải chăm sóc y tế mỗi ngày. “Bị cáo mong HĐXX cho bị cáo được hưởng mức án thấp nhất của khung hình phạt để sớm về với gia đình. Tội lỗi của bị cáo gây ra đã phải trả giá, bị cáo gần như mất hết tất cả”.
Video đang HOT
Theo bản án sơ thẩm, quá trình thanh tra tại ngân hàng SCB, với vai trò là trưởng đoàn thanh tra, bà Nhàn đã nhận 5,2 triệu USD của SCB thông qua bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) và Đinh Văn Thành (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB).
Sau đó, bị cáo Nhàn chỉ đạo cấp dưới báo cáo và ban hành dự thảo kết luận thanh tra không khách quan, không trung thực, không đúng thực trạng tài chính của SCB, bao che, bưng bít sai phạm của SCB.
Bị cáo Nguyễn Thị Phụng (cựu Phó đoàn thanh tra) thừa nhận hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã quy kết, không oan sai, bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Theo bị cáo, mức án 4 năm tù là quá nặng, xin HĐXX cho bị cáo được hưởng án treo.
Bị cáo Phụng khai, trong quá trình thực hiện thanh tra tại Ngân hàng SCB, bị cáo hoàn thành đầy đủ trách nhiệm của mình. Bị cáo thừa nhận có nhận lợi ích vật chất từ SCB vào các dịp lễ, tết. Tuy nhiên, trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam bị cáo đã trả lại 20.000 USD và 210 triệu đồng.
Phiên tòa được xét xử trực tuyến giữa trại tạm giam T30 và trụ sở TAND Cấp cao tại TPHCM. Ảnh: Nguyễn Huế
Về tình tiết giảm nhẹ mới, bị cáo Phụng trình bày, trong quá trình công tác gần 30 năm tại Ngân hàng Nhà nước đã nhận được nhiều khen thưởng, chưa từng bị xử lý kỉ luật.
“Mong HĐXX xem xét cho bị cáo được hưởng án treo để sớm được trở về làm việc có ích cho xã hội. Sau khi bị bắt, bị cáo đã mất đi cha đẻ và mẹ chồng, bị cáo rất đau lòng”, bị cáo Phụng nghẹn giọng nói.
Bị cáo Nguyễn Văn Dũng (Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh TPHCM), thừa nhận sai phạm và tỏ ra ân hận trước việc làm của mình. Bị cáo Dũng gửi lời xin lỗi tới Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM vì việc làm của mình đã làm xấu hình ảnh của đơn vị trong mắt người dân.
“Bị cáo muốn nhắn nhủ tới các đồng nghiệp hiện đang công tác, cố gắng tránh những sai sót như bị cáo và một số bi cáo ở đây để không phải trả giá đắt như ngày hôm nay”, lời bị cáo Dũng.
Theo cáo buộc, dù Ngân hàng nhà nước có văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM tiến hành thanh tra đối với 439 khoản vay có giá trị từ 50 tỷ đồng trở lên để xác định sai phạm xảy ra tại Ngân hàng SCB. Tuy nhiên, bị cáo Dũng không thực hiện theo yêu cầu mà trả lời rằng “không thể thực hiện được” và “cần lựa chọn khách hàng trọng tâm” . Từ ý kiến của bị cáo Dũng nên Đoàn thanh tra lựa chọn 33/439 khoản vay để tiến hành thanh tra, dẫn đến bỏ qua nhiều sai phạm của SCB.
Tương tự bị cáo Nhàn, Phụng, Dũng, các bị cáo nguyên là cán bộ thanh tra Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định mình không có ý kiến về tội danh, mức án, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt. Về tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo, nhiều bị cáo được nhận bằng khen, giấy khen trong quá trình công tác, gia đình có công với cách mạng….
Vụ Vạn Thịnh Phát: Bị cáo phạm tội vì muốn vực dậy Ngân hàng SCB
Khai tại tòa về hành vi phạm tội, nhiều cựu lãnh đạo của Ngân hàng SCB cho rằng bản thân chỉ thực hiện theo sự chỉ đạo, chịu áp lực từ cấp trên và thời điểm đó các bị cáo muốn vực dậy SCB khi tiến hành tái cơ cấu.
Hôm nay (6/11), phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tiếp tục phần xét hỏi nhóm bị cáo là lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB).
Bản án sơ thẩm xác định, các bị cáo nguyên là cựu lãnh đạo của SCB đã giúp sức cho bị cáo Trương Mỹ Lan "hợp thức hóa" hồ sơ vay vốn khống của các công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát để vay tiền của SCB.
Tại phiên phúc thẩm, các bị cáo không có ý kiến về tội danh, chỉ xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt, với lý do rằng bản thân chỉ thực hiện theo sự chỉ đạo, chịu áp lực từ cấp trên và thời điểm đó các bị cáo muốn vực SCB dậy khi tiến hành tái cơ cấu.
Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: Nguyễn Huế
Bị cáo Nguyễn Văn Thanh Hải (cựu Phó Chủ tịch HĐQT SCB) trình bày, vào thời điểm ký các hồ sơ, bị cáo không nhận thức được sai phạm của mình, chỉ đến khi bị xét xử sơ thẩm mới nhận ra rằng tất cả các tờ trình đã duyệt đều không phản ánh đúng thực tế. Bị cáo giải thích rằng trong suốt thời gian công tác tại SCB, vai trò của mình chủ yếu là ký các giấy tờ theo các tờ trình đã có sẵn và không hề hay biết về những vấn đề sai phạm trong các hồ sơ đó.
Bị cáo Mai Hồng Chín (cựu Giám đốc Phòng Tái thẩm định SCB) cho rằng sai phạm của mình xuất phát từ sự hiểu lầm về bản chất của quá trình tái cơ cấu. Bị cáo khai, do không lường trước được những hậu quả nghiêm trọng của quá trình này nên đặt niềm tin sai lầm vào những lời chỉ đạo của các lãnh đạo.
Thời điểm đó bị cáo cho rằng việc "ký hồ sơ đảo nợ" chỉ là một giải pháp tạm thời mà không nhận thức đầy đủ về những hệ lụy lâu dài và nghiêm trọng mà hành động này có thể gây ra.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Nguyễn Huế
Bị cáo buộc trong khoảng thời gian từ tháng 11/2021-9/2022, bị cáo Lương Thị Hồng Quế, với vai trò Giám đốc Phòng Phê duyệt tín dụng khách hàng doanh nghiệp (tái thẩm định) tại SCB, đã ký duyệt 4 tờ trình tái thẩm đồng ý cho 4 khách hàng thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay tổng cộng 46 khoản vay tại SCB. Đến ngày 17/10/2022, tổng dư nợ của các khoản vay này lên đến 700 tỷ đồng.
Bản án sơ thẩm xác định, bị cáo Quế biết rõ các khoản vay này thực chất là hợp thức hóa hồ sơ vay vốn, giải ngân và rút tiền để nhóm Trương Mỹ Lan sử dụng trái với mục đích vay vốn đã cam kết.
Tại phiên tòa, bị cáo Quế trình bày rằng vào thời điểm ký duyệt các hồ sơ vay, bị cáo mới nhận nhiệm vụ tái thẩm. Bị cáo nghĩ mình chỉ thực hiện thủ tục tái thẩm cho các hồ sơ vay vốn cũ của Công ty Lavifood và không hề biết rằng công ty này đã được bị cáo Trương Mỹ Lan mua lại.
Ngoài việc trình bày về nguyên nhân đến hành vi phạm tội, các bị cáo cũng bày tỏ về thiện chí khắc phục hậu quả. Theo các bị cáo, dù hoàn cảnh gia đình hiện khó khăn nhưng họ vẫn vận động gia đình khắc phục hậu quả của vụ án nhằm bù đắp phần nào những sai lầm đã gây ra, giảm bớt thiệt hại.
Vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Lời 'gan ruột' của bị cáo Trương Mỹ Lan Bà Trương Mỹ Lan nghẹn giọng nói cả cuộc đời có ước mơ xây dựng bệnh viện đa khoa quốc tế, nhà ở xã hội, trường học và mái ấm cho người dân khó khăn. Nhưng đến nay, ước mơ này chưa kịp thực hiện có lẽ do định mệnh. Phiên xét xử sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2...