Xét xử giai đoạn 2 “đại án” Vạn Thịnh Phát: Bị cáo Trương Mỹ Lan nói SCB không có tiền!
Sáng 25/9, sau khi nghỉ giải lao, HĐXX vụ án Vạn Thịnh Phát tiếp tục xét hỏi vợ chồng bị cáo Trương Mỹ Lan để làm rõ hành vi rửa tiền, nguồn gốc, hướng đi của số tiền mà các bị cáo đã giúp sức cho bị cáo Lan từ hành vi tham ô tài sản và lừa đảo chiếm đoạt mà có.
Các bị cáo bị truy tố tội “Rửa tiền” trong vụ án gồm: Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Lan), Bùi Văn Dũng (lái xe riêng của bị cáo Lan), bà Trần Thị Hoàng Uyên (thư ký của bị cáo Lan), Trần Xuân Phượng (thư ký của bị cáo Ngô Thanh Nhã, em dâu bị cáo Lan), Nguyễn Phương Anh (Phó tổng giám đốc Sài Gòn Pennisula), Trương Khánh Hoàng (cựu Quyền tổng giám đốc Ngân hàng SCB), Trần Thị Mỹ Dung (Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB) và Trịnh Quang Công (Tổng giám đốc Công ty Acumen).
Về tội “Rửa tiền”, bị cáo Trương Mỹ Lan bị cáo buộc cùng các đồng phạm lên phương án, thực hiện việc rút tiền, chuyển tiền ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB nhằm cắt đứt dòng tiền, che giấu, hợp thức hóa số tiền 445.748 tỷ đồng.
Với bị cáo Trương Mỹ Lan, như thường lệ, không trả lời vào trọng tâm, luôn dài dòng. Ngay cả với câu hỏi cáo trạng kết luận bị cáo chỉ đạo cá bị cáo khác thực hiện các hành vi phạm tội đúng hay sai, thay vì trả lời “đúng – sai”, bị cáo Lan lại trả lời “tôn trọng, cơ quan tố tụng, tôn trọng lời khai của các đồng phạm”. Bị cáo không bình luận nhưng xin trình bày thêm một số nội dung để làm rõ bản chất vấn đề.
Video đang HOT
Khi được HĐXX hỏi có chuyển tiền đi nước ngoài và trả lãi cho ngân hàng khác không. Bị cáo Trương Mỹ Lan khẳng định, SCB không có tiền, toàn vay cũ – trả mới, lấy đâu mà rút. “Số tiền chuyển đi nước ngoài rất ít còn trả lãi ngân hàng khác bị cáo không rõ vì Vạn Thịnh Phát không vay còn nếu có thì khoản vay của SCB”, bị cáo Lan trả lời.
Các bị cáo tại tòa sáng ngày 25/9.
Bị cáo Trương Mỹ Lan còn nói, lời khai của các bị cáo khác, trong nhóm bị truy tố về tội “Rửa tiền”, bản chất không sai nhưng chưa rõ làm ảnh hưởng tới bản thân bị cáo. Tuy nhiên, khi tòa yêu cầu làm rõ thì nữ bị cáo lại trả lời “vòng vo”.
Khi chủ tọa hỏi có phải bị cáo là người chỉ đạo thực hiện các hành vi? Bị cáo Lan trả lời mình không chỉ đạo chi tiết. Cáo trạng xác định bị cáo Trương Mỹ Lan là người đưa ra các chủ trương việc phát hành trái phiếu (nguồn tiền) đến việc rút tiền khỏi SCB…
Về số tiền chuyển từ Ngân hàng SCB về nhà riêng hoặc trụ sở của Vạn Thịnh Phát, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát chỉ nói ông Dũng là một tài xế lái xe, rất hiền, không tham tiền nên giao cho trọng trách chở tiền chứ người này không được hưởng lợi gì.
Còn với Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Quảng trường thời đại (Việt Nam) – Times Square – Chu Lập Cơ, chồng bị cáo Trương Mỹ Lan, bị cáo này khai nhận có nhiều thẻ tín dụng chứ không có phải có mỗi thẻ SCB, nguồn tiền có thể dùng để đi lại. Khi nhận cáo trạng rất ngạc nhiên vì số tiền sử dụng có nguồn gốc bất hợp pháp nên đã nói gia đình khắc phục 19 tỷ đồng, có sử dụng 33 tỷ.
Cáo trạng xác định trong thời gian từ năm 2018 đến ngày 7/10/2022, Chu Lập Cơ đã cùng Trương Mỹ Lan che giấu, hợp thức, sử dụng số tiền hơn 33 tỷ đồng do Trương Mỹ Lan phạm tội “Tham ô tài sản” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trước đó, trả lời HĐXX, các bị cáo đồng phạm của bị cáo Trương Mỹ Lan thừa thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng nêu, đồng thời một số bị cáo cho biết làm theo chỉ đạo của bị cáo Lan và mong HĐXX xem xét hoàn cảnh, nhận thức khi thực hiện sai phạm
Được hỏi về 365 tỷ khắc phục hậu quả, bị cáo Trương Mỹ Lan nói "số tiền bé quá, không nhớ được"
Sáng 24/9, phiên tòa xét xử "đại án" Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát tiếp tục diễn ra. Các luật sư tiến hành xét hỏi các bị cáo có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua phát hành trái phiếu.
Vụ án xảy ra Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB).
Tại phiên tòa, luật sư Phan Trung Hoài muốn bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) xác định rõ thực trạng Ngân hàng SCB những năm 2017 -2018. Bị cáo Lan cho biết, bị cáo tham gia SCB với mục đích tái cơ cấu, được lãnh đạo SCB "nhờ" vì có uy tín và nhiều mối quan hệ. "Ngày nào họ cũng gọi yêu cầu cứu SCB", bị cáo Lan nói.
Trước đó, trả lời thẩm vấn HĐXX, bị cáo Trương Mỹ Lan đã trình bày một số phương án để khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại cho các trái chủ. Bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm bị truy tố về hành vi phát hành trái phiếu nhằm chiếm đoạt hơn 30 ngàn tỷ đồng của 35.824 bị hại.
Bị cáo Trương Mỹ Lan trả lời loanh quanh, phủ nhận vai trò người chủ trương phát hành trái phiếu lừa đảo chiếm đoạt 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên bị cáo nói muốn dùng 21.000 tỷ đồng thu hồi của giai đoạn 1 và 17.000 tỷ đồng của giai đoạn 2, đồng thời mong HĐXX yêu cầu Ngân hàng SCB trả lại tài sản cho bị cáo. Bị cáo cũng xin lấy lại bớt tài sản đang bị kê biên để khắc phục hậu quả cho các trái chủ... Ngoài ra, bị cáo Lan cũng trình bày trước HĐXX một số phương án khác để khắc phục hậu quả.
Tại phiên tòa sáng nay, bị cáo Trương Mỹ Lan lần nữa trình bày các phương án nhằm khắc phục hậu quả, bồi thương cho các bị hại.
Khi luật sư nêu số "tiền tươi thóc thật" mà bị cáo đã khắc phục (365 tỷ đồng), số tiền đó cụ thể do bị cáo và người thân khắc phục, con số cụ thể của từng người là bao nhiêu thì bị cáo trả lời "số tiền nhỏ quá, bị cáo không nhớ, chỉ nhớ số tiền to". Ngay sau đó, bị cáo Lan giải thích, do mình không nhớ hết chứ không phải không "lăn tăn" vì hiện rất khó khăn, 1 đồng cũng giá trị để khắc phục hậu quả
Bị cáo cũng trình bày về một số tài sản, dự án có thể bán để lấy tiền trả nợ nước ngoài và khắc phục hậu quả. Trong số các tài sản bị cáo Lan trình bày với HĐXX và luật sư có tài sản 29 Liễu Giai, Hà Nội. Tài sản này, theo bị cáo khi mua trị giá 600 triệu USD. Sau khi đầu tư, xây dựng, vay nước ngoài 250 triệu USD, tài sản này được xem là một tòa nhà đẹp nhất Hà Nội, trị giá 1 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện giờ chỉ được 350 triệu USD, đang chờ nhà đầu tư hay nước ngoài vào mua giá cao hơn, bị cáo sẽ bàn để lấy tiền trả nợ nước ngoài và lấy tiền khắc phục hậu quả.
Về dự án 6A Bình Chánh, diện tích 26 ha, dự án này có vị trí đắc địa, đã có nhiều nhà đầu tư trả mức giá 30.000-50.000 tỷ đồng, bị cáo muốn bán dự án này lấy tiền khắc phục cho bị hại.
Hiện luật sư đang tiếp tục hỏi các bị cáo liên quan
Vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Vì sao 46 nhân viên Ngân hàng SCB thoát lao lý? Dù liên quan tới việc phát hành hoặc bán trái phiếu nhưng 46 cán bộ, nhân viên của Ngân hàng SCB thoát lao lý vì không biết chủ trương phát hành trái phiếu là trái luật của bà Trương Mỹ Lan. TAND TPHCM đang xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm trong giai đoạn 2 vụ án xảy ra...