Vụ Trịnh Xuân Thanh là điển hình không tôn trọng kỷ cương phép nước
PGS.TS Lê Quốc Lý cho rằng, vụ ông Trịnh Xuân Thanh – nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang là điển hình của việc không tôn trọng kỷ cương, phép nước.
Muốn xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thì một trong những điều kiện quan trọng để đạt được mục tiêu là kỷ cương phép nước phải được coi trọng. Sau 30 năm đổi mới, chúng ta đã có được những thành quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Trật tự, kỷ cương được giữ vững, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của nhân dân ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, ở một chừng mực nào đó, có lúc, có nơi, kỷ cương phép nước chưa nghiêm.
Phóng viên VOV phỏng vấn PGS.TS Lê Quốc Lý – Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về vấn đề này.
PGS.TS Lê Quốc Lý – Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (Ảnh: Vnexpress)
PV: Quan sát những vụ vi phạm pháp luật gần đây, theo ông những vụ việc nào được coi là điển hình của việc không tôn trọng kỷ cương phép nước?
PGS.TS Lê Quốc Lý : Vấn đề không tôn trọng kỷ cương phép nước có rất nhiều, từ việc nhỏ đến việc lớn. Trên mạng xã hội, trên báo, đài cũng đã nêu về vấn đề này, đặc biệt điển hình như vụ 8B Lê Trực (Hà Nội) kéo dài nhưng đến nay chưa giải quyết xong hay như vụ ông Trịnh Xuân Thanh ở Hậu Giang, vấn đề an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm… chưa giải quyết dứt điểm.
PV: Mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đều phải tuân theo trật tự, kỷ cương. Nhưng trong vận hành bộ máy Nhà nước thời điểm hiện tại, theo ông lĩnh vực nào cần được đưa lên hàng đầu để tăng cường chấn chỉnh kỷ cương phép nước?
PGS.TS Lê Quốc Lý : Để tăng cường kỷ cương phép nước, việc đầu tiên dịch vụ công phải nghiêm minh trong bộ máy công quyền, phải minh bạch rõ ràng, nói đi đôi với làm, từ đó mới làm gương cho nhân dân noi theo.
Dịch vụ công bao trùm lên tất cả lĩnh vực, đó là những vấn đề giải quyết của công việc hành chính. Nếu việc hành chính không minh bạch, rõ ràng, kỷ cương phép nước không coi trọng thì những việc khác sẽ lu mờ. Dịch vụ công cũng gắn liền với vấn đề giải quyết đầu tư, về quản lý đất đai, vấn đề đời sống của xã hội và liên quan đến tất cả người dân.
Khi dịch vụ công nghiêm minh thì người dân mới thấy rằng mọi chuyện nhà nước đề ra là thật và sẽ làm thật, từ đó họ không dám vi phạm nữa. Nếu dịch vụ công không rõ ràng, cụ thể và không nghiêm thì mọi người luôn luôn có tâm lý “nói thế nhưng không phải thế”.
Video đang HOT
Ở một số nước trên thế giới, việc đầu tiên họ yêu cầu người cán bộ, công chức phải nêu gương và đòi hỏi trách nhiệm rất cao trong mọi hành vi, nói thế nào phải làm đúng, luật pháp ban hành thế nào phải làm nghiêm. Nếu cán bộ, công chức vi phạm thì sẽ bị kỷ luật nghiêm để làm gương cho xã hội. Từ những cái nghiêm đó sẽ làm cho xã hội chuyển mình.
Còn cán bộ công chức của ta nhiều khi nể nhau, luật pháp, văn bản của chúng ta cũng khá đầy đủ nhưng bao giờ cũng có một điều là một số trường hợp thì du di. Chính một số trường hợp du di lại được áp dụng nhiều hơn điều quy định cụ thể. Vì cái du di đó làm cho người ta lấn lướt, vi phạm và nghĩ rằng sẽ “lách” được.
Kỷ cương phép nước không nghiêm khiến mọi người có tâm lý “nói thế mà không phải thế”, ban hành thế nhưng ta không thực hiện, cứ thế cái nhỏ kéo theo cái lớn và cái sai vẫn kéo dài.
Như vấn đề xây dựng, quản lý đất đai… người ta cứ vi phạm và nghĩ rằng vi phạm rồi nhưng không ai xử lý nên họ tiếp tục vi phạm.
PV: Phải chăng việc xử lý không nghiêm, không đủ sức răn đe là căn nguyên dẫn đến tình trạng kỷ cương bị xem nhẹ, thưa ông?
PGS.TS Lê Quốc Lý : Đúng là như vậy. Chính việc xử lý không nghiêm, không đủ sức răn đe là nguyên nhân dẫn đến tình trạng kỷ cương phép nước bị xem nhẹ, làm cho mọi người nghĩ rằng “nói thế nhưng không phải thế”, “nói thế mà không làm thế”, vẫn có thể làm lệch đi một tí có lợi cho ta, có lợi cho lợi ích nhóm. Đã đến lúc phải làm nghiêm, nói đi đôi với làm.
PV: Ông cắt nghĩa nguyên nhân của tình trạng này là do đâu?
PGS.TS Lê Quốc Lý : Đầu tiên là do cách ban hành luật. Phải nói nghiêm chỉnh rằng các văn bản, Nghị định, Quyết định… luôn luôn có một điều là có một số trường hợp thì du di. Như một Bộ có 3 Thứ trưởng, nhưng người ta đưa lên nhiều hơn số đó, một Vụ có 3 ông Phó hay 10 ông Phó cũng được… bất kỳ việc gì cũng du di thì chính cái du di làm bóp méo luật pháp.
Quốc hội cũng nên nghiêm khắc kiểm điểm và nhận xét về mình, khi Quốc hội có gần 500 đại biểu nhưng ban hành một Luật chưa ra đời đã phải dừng lại chỉnh sửa.
Ngoài luật pháp thì có nguyên nhân về ý chí con người, kể cả lãnh đạo cấp trên, cấp dưới, chúng ta chưa làm cho mọi người thấy trách nhiệm, ý chí, danh dự của mình là phải thực hiện nghiêm pháp luật. Người ta chưa thấy xấu hổ khi bóp méo sự thật.
Đã đến lúc tạo ra danh dự cho lãnh đạo, công chức, trách nhiệm của họ với lịch sử. Anh ngồi ở vị trí nào thì phải xứng đáng ở vị trí đó, và đòi hỏi ở mình và xã hội một cách nghiêm minh. Phải yêu cầu đội ngũ công chức, lãnh đạo có danh dự của mình để xử lý công việc.
PV: Có ý kiến cho rằng, nhiều vụ việc sai phạm rành rành, có chỉ đạo xử lý nhưng theo thời gian, sự việc không có gì chuyển biến, nếu nói chúng ta đang bất lực trong thi hành pháp luật thì có đúng không?
PGS.TS Lê Quốc Lý : Có thể khẳng định là đúng, hoặc chúng ta bất lực, hoặc vì vấn đề lợi ích nhóm, vì lợi ích cá nhân nào đó mà “để lâu hóa bùn”. Phải nói rằng, nếu thực sự muốn làm thì chúng ta sẽ làm được, song có chỗ còn làm chưa nghiêm, chưa đến nơi đến chốn.
Như vụ 8B Lê Trực nếu thấy vi phạm thì Hà Nội đã làm rồi, nhưng nó có vấn đề “zích zắc” gì đó. Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, rồi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, và tôi thấy hiện cũng đang rục rịch làm nhưng vẫn chờ xem họ nói làm nhưng có làm không. Đúng ra là nhiều vụ không cần Thủ tướng chỉ đạo, các địa phương khi thấy vi phạm phải xử lý nghiêm trong thẩm quyền của mình, nhưng ở đây có dấu hiệu của sự bất lực hoặc sự thỏa hiệp nào đó nên chần chừ chưa xử lý.
PV: Đôi khi chúng ta đổ lỗi do lỗ hổng pháp lý, nhưng nhiều lĩnh vực pháp luật có đầy đủ, nhưng không được thực hiện. Nói cách khác là chúng ta có trật tự, kỷ cương mà không sử dụng, hoặc sử dụng không đúng. Theo ông, trách nhiệm thuộc về ai?
PGS.TS Lê Quốc Lý : Trách nhiệm thuộc về người đứng đầu bởi vì có kỷ cương phép nước nhưng mọi người đều “nhờn’ và người đứng đầu không có trách nhiệm rõ ràng dẫn đến tình trạng cứ để đấy với hy vọng cứ để đấy rồi mọi người sẽ quên đi. Vì vậy phải có những quy định rõ ràng những vụ việc trong thời gian bao nhiêu lâu phải hoàn thành; nếu không hoàn thành, người đứng đầu phải có trách nhiệm.
PV: Thưa ông để có một Chính phủ liêm chính, một Chính phủ hiệu quả, nói không với tiêu cực và tham nhũng thì cần siết chặt kỷ cương phép nước như thế nào để mang lại hiệu quả thực chất chứ không chỉ là hô hào?
PGS.TS Lê Quốc Lý : Để một nhà nước kiến tạo đầu tiên phải minh bạch, rõ ràng ngay từ trong điều luật, tức là không có điều du di, không có một số trường hợp ngoại lệ. Thứ hai, đội ngũ công chức, người lãnh đạo phải nêu gương trong vấn đề tuân thủ pháp luật. Nêu gương rồi phải kiểm tra giám sát. Bất kỳ vấn đề vi phạm nào phải có hình thức xử lý kỷ luật đến nơi đến chốn thì kỷ cương phép nước mới đi làm thực tế.
Người lãnh đạo phải gương mẫu, làm gương trước. Người này sẽ ảnh hưởng người khác, tạo ra được hình ảnh trong sáng về cán bộ, lãnh đạo, từ đó mọi sự sẽ tốt ngay. Vì một khi người lãnh đạo, công chức biết trân trọng luật pháp, biết thực hiện đúng pháp luật thì người dân không ai dám vi phạm.
PV: Xin cảm ơn ông!.
Theo VOV
Tổng Bí thư chỉ đạo tiếp tục xử lý vụ ông Trịnh Xuân Thanh
Ngày 18.7, Văn phòng T.Ư Đảng đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về các công việc cần làm tiếp sau khi có Thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương về ông Trịnh Xuân Thanh.
Công văn nêu rõ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh UBKT Trung ương với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, khách quan, đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, xem xét, kết luận bước đầu.
Tổng Bí thư chỉ đạo tiếp tục kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2010-2015 và ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Công Thương.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nguồn: VnEconomy
Cụ thể, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Thường vụ Đảng ủy và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang, Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ có sự tham gia của UBKT Trung ương tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan về các khuyết điểm, vi phạm như nêu tại Thông báo kết luận số 89-TB/UBKTTW, ngày 11.7.2016 của UBKT Trung ương.
Tổng Bí thư giao Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với UBKT Trung ương và các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, đánh giá các quy định, quy trình về công tác cán bộ để sửa đổi, bổ sung bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đề nghị Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ và Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương có sự tham gia của UBKT Trung ương tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với các tập thể, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm trong việc thẩm định, đề nghị cấp có thẩm quyền tặng thưởng Huân chương Lao Động trong 2 năm liền (năm 2009 và 2010) và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (năm 2011).
Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng của ngành công an điều tra làm rõ vi phạm để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng (giai đoạn 2011 - 2013) ở Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam; chỉ đạo xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc cấp biển số xe công trái quy định, rà soát, thu hồi biển số xe công (biển xanh) đã được cấp và sử dụng trái quy định.
Đối với những việc thuộc thẩm quyền của UBKT Trung ương đã quyết định (tiến hành quy trình xem xét kỷ luật đối với ông Trịnh Xuân Thanh. Tiếp tục kiểm tra, làm rõ trách nhiệm và xem xét lại việc kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam; kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và một số cá nhân. Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2010 - 2015 và đồng chí Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương), UBKT Trung ương cần chỉ đạo chặt chẽ các đoàn kiểm tra xem xét, kết luận bảo đảm đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, công tâm, khách quan, trong sáng, không chịu bất kỳ một sức ép nào của bất cứ tổ chức, cá nhân nào; chỉ đạo tiến hành khẩn trương các công việc được giao và báo cáo kết quả với Ban Bí thư.
Theo Nam An (Zing)