Vụ tố giác lộ đề thi tốt nghiệp môn Sinh: Bộ GD-ĐT cần lên tiếng
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho hay đã nhận được tố cáo về vụ đề ôn tập ở Hà Tĩnh giống hơn 80% – 90% đề thi tốt nghiệp THPT 2021 và đã chuyển tới Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Cách đây 5 tháng, VietNamNet từng có bài phản ánh về nội dung đề ôn tập ngay trước ngày thi môn Sinh học ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 của thầy Phan Khắc Nghệ (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh) được một giáo viên khác (thầy Đinh Đức Hiền) chỉ ra giống đề thi chính thức đến 80%.
Thầy Đinh Đức Hiền cũng cho hay, nhận được rất nhiều ý kiến của học sinh và đồng nghiệp về sự giống nhau giữa đề thi chính thức môn Sinh học và nội dung ôn tập online trước ngày thi của thầy Nghệ.
Một trong những minh chứng đối chiếu của thầy Đinh Đức Hiền.
Các băn khoăn, nghi vấn dấy lên xuất phát từ 2 video của buổi ôn tập trực tuyến cuối cùng ngay trước ngày thi chính thức 8/7/2021 của bài thi Khoa học tự nhiên (bao gồm 1 video củng cố lý thuyết trọng tâm phát ngày 5/7/2021 và 1 video chữa đề số 40 trong khóa luyện thi ngày 7/7/2021).
Khi so sánh thấy tỉ lệ tương đồng/tương tự tới 80% (32/40 câu), giáo viên này cho rằng, nếu đây là sự đoán trước đề của thầy Nghệ thì thực sự là một sự trùng hợp đến kỳ lạ. Vì bên cạnh các nội dung dạng chữ, còn có nhiều hình vẽ không có trong sách giáo khoa hay bất kì đề thi nào trước đó nhưng lại xuất hiện nội dung ôn tập của thầy Nghệ và giống như đề thi chính thức.
Đặc biệt, một số câu có sự trùng lặp từng câu chữ một cách chính xác, nguyên vẹn như trong đề thi.
Sau khi kì thi kết thúc, hồi tháng 7, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết đã nắm được thông tin và đang phối hợp các cơ quan liên quan xác minh làm rõ.
Video đang HOT
Trùng đề 90% là chuyện lạ
Theo 1 nguồn tin của VietNamNet, Bộ GD-ĐT sau đó đã thành lập tổ công tác liên ngành xác minh thông tin phản ánh về đề thi môn sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Theo đó, một tổ chuyên gia đã xem xét các tư liệu: 4 đề thô xuất từ máy tính của Hội đồng ra đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021, 4 đề duyệt chốt bởi hội đồng ra đề thi, bản pdf đề Vip40 được thầy Nghệ dạy cho học sinh, 3 video live và các tệp được thầy Nghệ gửi Tổ trưởng Tổ ra đề môn Sinh và thành viên Tổ thẩm định,…
Nguồn tin của VietNamNet cho hay, khi các chuyên gia đánh giá câu hỏi trong 4 mã đề duyệt chốt với các câu hỏi xuất hiện trong các nội dung ôn tập của thầy Nghệ thì thấy trong tổng số 40 câu của từng mã đề duyệt chốt có 37 câu trùng (tỉ lệ 92,5%).
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy. Ảnh: quochoi.vn
Sáng nay 22/12, nói với PV, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho hay đã nhận được đơn tố cáo liên quan đến sự việc và chuyển tất cả tới Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
“Hiện nay, tôi được biết Bộ GD-ĐT cũng đang tiến hành các công việc để xử lý thông tin tố cáo này. Được biết, mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đã có động thái chỉ đạo các bộ phận chuyên môn báo cáo về vụ việc và sớm có phản hồi. Tôi cho đó cũng là một động thái tích cực để giải quyết sự việc”, bà Thúy nói.
Chia sẻ về sự việc, bà Thúy nêu quan điểm: “Tôi nghĩ nếu có đoán trúng đề thi thì cũng có mức độ chứ làm sao đúng đến 90% được. Tuy nhiên, vấn đề cụ thể như thế nào thì phải để cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ. Nếu đúng như báo chí nói là thầy Nghệ hướng dẫn cho học sinh ôn luyện trúng đến 90% đề thi tốt nghiệp THPT thì thầy đoán quá giỏi, quá siêu. Tôi nghĩ là chuyện khó tin. Còn những người trong ngành giáo thì cho đó là chuyện lạ”.
Bà Thúy cho hay, ngành giáo dục là ngành được nhiều cử tri, dư luận xã hội quan tâm. Do đó, cần minh bạch, công khai, rõ ràng sự việc.
Theo bà Thúy, thời gian vừa qua, ngành giáo dục cũng có nhiều thông tin tiêu cực dẫn đến ảnh hưởng uy tín và tạo dư luận không tốt với ngành. Đặc biệt ở 2 lĩnh vực là sách giáo khoa và thi cử. Thế nhưng, việc công khai giải quyết rõ ràng những sự việc như thế này có thể sẽ không làm xấu đi mà ngược lại tăng thêm uy tín cho ngành.
“Nếu muốn lấy lại danh dự và uy tín cho ngành giáo dục không cách nào khác bằng cách làm trong sạch ngành. Đấy là cách tốt nhất. Tôi không nghĩ vì uy tín, danh dự lung lay mà phải tìm cách chống chế”, bà Thúy nói.
“Tôi mong sự việc này được xử lý minh bạch, rõ ràng, để tạo niềm tin cho dư luận. Nếu thầy Phan Khắc Nghệ không làm những việc như vậy và luồng dư luận chưa đúng thì cũng cần được làm rõ để lấy lại danh dự, uy tín của nhà giáo; còn nếu không, thầy giáo phải chịu trách nhiệm”.
Còn theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, với một vụ việc gây bức xúc trong dư luận, cho các phụ huynh, các thầy cô giáo, Bộ GD-ĐT cần vào cuộc thanh tra và có câu trả lời rõ ràng trước công luận.
Ông Hòa cho biết, với phản ánh của dư luận về việc đề thi Sinh giống đề ôn tập bất thường thì cần phải làm cho rõ có việc lộ, lọt đề thi hay không, và nếu có thì là do chủ quan hay khách quan, từ phía cá nhân hay từ Bộ GD-ĐT?
Và khi đã thanh tra, xác minh làm rõ, nếu có tiêu cực cần phải xử lý nghiêm chứ không thể nào có sự bao che, hoặc bỏ qua, “đó là việc không nên và không chấp nhận được”, ông Hòa nhấn mạnh.
Thầy giáo bị 'tố' ra đề ôn tập giống 80% đề thi tốt nghiệp THPT chính thức lên tiếng
Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao trước thông tin thầy giáo Phan Khắc Nghệ tổ chức luyện thi online, trong buổi tổng ôn cuối cùng có những câu hỏi giống đến 80% đề thi chính thức môn Sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.
Trên mạng xã hội, một thầy giáo tên Đ.Đ.H. bày tỏ băn khoăn: "Sau khi kì thi tốt nghiệp THPT đợt 1 kết thúc, bản thân tôi nhận được thông tin từ nhiều thầy, cô đến từ nhiều địa phương trong cả nước về 1 buổi học khá kì lạ của một lớp học "online" nơi có tới hơn 4000 thí sinh theo học, trong đó giáo viên ôn tập đã cô đọng lại các nội dung kiến thức và các câu hỏi có độ tương đồng đến khoảng 80% so với đề thi chính thức thi sau đó 1 ngày.
Là một giáo viên dạy Sinh, tôi cũng quan tâm đến vấn đề này và được học sinh trong "Lớp VIP" đó gửi đề và video clip buổi ôn tập đó. Tôi đã tiến hành so sánh, đối chiếu giữa đề ôn tập và đề thi chính thức về nội dung, câu từ, hình vẽ và nhận thấy sự tương đồng ở mức độ cao đến 80% thì đúng là rất lạ".
Thầy Đ.Đ.H. cho biết, nếu là sự tương đồng ngẫu nhiên thì chứng tỏ khả năng khái quát, tổng hợp và dự đoán đề của giáo viên đó thật tuyệt vời. Nhưng, nếu đó không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà vì một lý do nào khác thì sẽ là mất công bằng rất lớn cho hàng trăm nghìn thí sinh khác trong cả nước so với hơn 4000 thí sinh được học "lớp VIP" đó, vì đề thi năm nay được đánh giá có sự phù hợp với mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp đồng thời có sự phân hóa rất tốt ở mức 8-10 điểm phục vụ mục tiêu xét tuyển vào các trường đại học.
Hiện tại, bài viết chia sẻ trên trang cá nhân của thầy Đ.Đ.H. vẫn đang khiến nhiều người tranh cãi, đa số đều tỏ ra nghi ngờ, hoang mang về điều lạ liên quan tới đề ôn tập và đề thi thực tế trên.
Hình ảnh so sánh sự giống nhau giữa đề ôn tập và đề thi tốt nghiệp được chia sẻ trên mạng xã hội:
Được biết, người bị "tố" có nội dung ôn tập đúng đến 80% đề thi tốt nghiệp THPT môn Sinh chính thức là thầy giáo Phan Khắc Nghệ - Phó hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh.
Trước đó, thầy Nghệ đã tổ chức buổi live tổng ôn ngay sát ngày thi chính thức cho môn Sinh (bao gồm 1 video củng cố kiến thức trọng tâm phát ngày 5/7 và 1 video chữa đề khóa luyện thi VIP ngày 7/7).
Lên tiếng sau những lùm xùm liên quan đến mình, thầy Phan Khắc Nghệ - Phó hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh khẳng định với PV Infonet rằng đề tổng ôn của mình có một số câu trúng y nguyên (đây là những câu được ghi rõ trong SGK, ở mức nhận biết kiến thức), một số câu thì có nội hàm tương tự nhau.
Thầy Nghệ nói: "Khi tôi giảng bài và mở rộng kiến thức thì có một số câu nội dung bao phủ phần kiến thức đó, nó có phần gần gần giống với nội dung kiến thức mà câu hỏi đặt ra trong đề thi. Đề thi cũng phát triển từ nội dung sách giáo khoa (SGK), tôi giảng bài cũng phát triển kiến thức SGK, vậy nên hai nội dung ấy tất nhiên phải giống nhau.
Nhiều người băn khoăn 3 hình vẽ sao mà giống nhau thế. Tôi xin được nói hình vẽ về thực hành hô hấp của thực vật đó là hình của SGK, thầy cô nào cũng dạy và đề thi liên tục có 1 câu thực hành, mà năm 2020 đã thi về thực hành động vật thì năm 2021 đương nhiên sẽ suy ra khả năng cao là thi về thực hành thực vật. Thực hành thực vật có duy nhất 2 bài trong SGK, trong đó 1 bài đã thi, vậy năm nay đương nhiên thi bài còn lại là chắc rồi".
Về các hình vẽ được cho là không có trong SGK nhưng lại ngẫu nhiên xuất hiện cả trong đề ôn tập của thầy Nghệ và đề thi tốt nghiệp, thầy Nghệ giải thích: Hình ảnh của các đảo ở câu hỏi tiến hóa được thầy tham khảo từ đề thi thử của tỉnh Nghệ An, còn hình vẽ mô tả diễn thế sinh thái thì không hề có trong đề ôn tập của thầy.
"Khi giảng bài và phân tích câu hỏi phần kiến thức về diễn thế sinh thái, tôi đưa ra các tình huống vận dụng mà đề thi có thể hỏi, trong đó hình vẽ đồ thị là một kiểu vận dụng. Hình mô phỏng khi tôi giảng bài gần giống y nguyên hình mà đề thi ra chính là do cùng logic tư duy phát triển một khái niệm có trong SGK", thầy Nghệ khẳng định.
Bất thường đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 Sự bất thường trong đề thi môn sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 khiến nhiều chuyên gia cho hay chưa bao giờ chứng kiến sự trùng lặp kỳ lạ đến như vậy Việc ngay trước ngày thi môn sinh học của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, thầy Phan Khắc Nghệ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Tĩnh,...