Vụ Tân Hoàng Minh: Luật sư hỏi ông Đỗ Anh Dũng chuyện trả tiền cho nhà đầu tư
Tại tòa, luật sư của những người bị hại hỏi Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng về việc dùng 8.644 tỷ đồng đang bị tạm giữ để trả ngay cho các nhà đầu tư.
Ngày 20/3, phiên tòa xét xử vụ Tân Hoàng Minh tiếp tục với phần thẩm vấn. HĐXX dành thời gian cho đại diện VKS và các luật sư thẩm vấn các bị cáo.
Theo cáo buộc, bị cáo Trần Hồng Sơn, Chủ tịch HĐQT, người đại diện pháp luật của Công ty Soleil đã thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Tân Hoàng Minh ký hợp thức báo cáo tài chính, biên bản họp, nghị quyết của Công ty Soleil về chủ trương phát hành trái phiếu; hợp đồng hợp tác đầu tư các lô đất tại Dự án Khu phức hợp Hoàng Hải ở Phú Quốc để làm hồ sơ phương án phát hành 3 gói trái phiếu SOL 1-2-3 của Công ty Soleil, giúp sức cho ông Đỗ Anh Dũng chiếm đoạt số tiền 1.891 tỷ đồng của các nhà đầu tư.
Trả lời thẩm vấn tại tòa, ông Sơn khai, trong gia đình bị cáo có nhiều người cũng bỏ tiền mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh.
“Con trai và con dâu của bị cáo mua hơn 1 tỷ đồng trái phiếu Tân Hoàng Minh, cháu bị cáo mua hơn 1,2 tỷ đồng trái phiếu Tân Hoàng Minh”, lời khai của bị cáo Sơn.
Những người bị hại dự tòa. Ảnh: CTV
Cáo trạng cũng cho rằng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV, người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt đã thực hiện chỉ đạo của bố con ông Đỗ Anh Dũng ký hợp thức báo cáo tài chính, biên bản họp, nghị quyết của Công ty Ngôi Sao Việt về chủ trương phát hành trái phiếu.
Ông Hùng còn ký hợp đồng hợp tác mua cổ phần Công ty Việt Tiến và hợp đồng hợp tác đầu tư dự án Nam Đại Cồ Việt để làm hồ sơ phương án phát hành 2 gói trái phiếu. VKS cho rằng, ông Hùng đã giúp sức cho Đỗ Anh Dũng chiếm đoạt 2.671 tỷ đồng của bị hại.
Video đang HOT
Theo lời khai của ông Hùng, Chủ tịch Đỗ Anh Dũng chỉ định bị cáo làm Chủ tịch Công ty Ngôi Sao Việt, mọi hoạt động của công ty đều do ông Dũng quyết định. Bị cáo không được tham gia họp bàn các công việc, các vấn đề tài chính của doanh nghiệp.
Khi làm việc, bị cáo chỉ được hưởng lương, thưởng của người lao động, không được thỏa thuận lợi ích nào khác.
Trước câu hỏi của HĐXX về việc tại sao không được họp bàn mà bị cáo vẫn ký các hợp đồng, ông Hùng trình bày, do bị cáo tin tưởng ông Dũng nên ký hồ sơ. Hơn nữa, lúc đó công ty trong giai đoạn khó khăn, bị cáo nghĩ phát hành trái phiếu là kênh huy động để có dòng tiền phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và có lợi cho nhà đầu tư.
Bị cáo Đỗ Anh Dũng tại tòa. Ảnh: CTV
Bản thân bị cáo cũng mua trái phiếu Tân Hoàng Minh, gia đình bị cáo có nhiều người như bố mẹ, em, mẹ vợ, họ hàng, người thân cũng tham gia mua trái phiếu Tân Hoàng Minh.
Trước lời khai của cấp dưới, bị cáo Đỗ Anh Dũng thừa nhận mình là người quyết định để ông Hùng làm Chủ tịch Công ty Ngôi Sao Việt. Về các công việc của công ty này, có phần do ông Dũng quyết định, có phần bị cáo ủy quyền cho Hùng giải quyết.
Vẫn theo lời khai của Chủ tịch Tân Hoàng Minh, việc phát hành trái phiếu là trách nhiệm của Chủ tịch Tập đoàn, nhưng các thành viên, phòng ban cũng có trách nhiệm. Việc phát hành trái phiếu là hoạt động kinh doanh bình thường, khi hoàn thành công việc tốt, hoạt động kinh doanh có hiệu quả, thì có thể được hưởng theo hiệu quả, theo tháng, theo năm.
Tại tòa, luật sư của những người bị hại hỏi bị cáo Đỗ Anh Dũng: Đối với khoản tiền 8.644 tỷ đồng đang bị tạm giữ, ông có đề nghị HĐXX trả ngay lại cho các nhà đầu tư và có cam đoan sẽ không kháng cáo, khiếu nại gì không?
Trong khi bị cáo Đỗ Anh Dũng định trả lời câu hỏi trên của luật sư, vị Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa ngắt lời, cho rằng: HĐXX mới là người xem xét, quyết định, đề nghị luật sư đặt câu hỏi khác.
Sáng nay, HĐXX cho tạm dừng phiên tòa lúc 9h53 để những người bị hại mới đến có thời gian rà lại thông tin, số tiền bị chiếm đoạt. Danh sách này được HĐXX trình chiếu trong suốt phiên xử.
Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng gửi lời xin lỗi các nhà đầu tư
Bị cáo Đỗ Anh Dũng thành thật xin lỗi các nhà đầu tư, gia đình, bạn bè thân thiết, cán bộ nhân viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã vất vả, lo lắng, gặp nhiều khó khăn trong suốt 2 năm qua.
Bị cáo xin nhận trách nhiệm cao nhất.
Hôm nay (19/3), TAND TP Hà Nội đưa 15 bị cáo vụ Tân Hoàng Minh ra xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước ngày diễn ra phiên xử, tại Trại tạm giam số 1 Công an TP Hà Nội, luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Thanh) và luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Công ty luật TNHH Biz consult) là những người bào chữa cho ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh ghi nhận ý kiến của bị cáo Đỗ Anh Dũng về một số nội dung.
Theo đó, ông Đỗ Anh Dũng cảm ơn TAND TP Hà Nội, VKSND Tối cao (Vụ 3), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã áp dụng những biện pháp nhân văn, nhân đạo trong quá trình điều tra, truy tố, chuẩn bị xét xử đối với bị cáo.
Bị cáo Dũng cũng cảm ơn các cơ sở giam giữ đã quan tâm, chăm sóc, tạo điều kiện để bị cáo được hưởng chế độ sinh hoạt công bằng, bình đẳng, phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe, giúp bị cáo có sự minh mẫn, tỉnh táo nhất để tham gia tố tụng.
Ông Đỗ Anh Dũng tại tòa. Ảnh: Chí Hiếu
Về nội dung kết luận điều tra và cáo trạng, bị cáo Đỗ Anh Dũng bày tỏ sự tôn trọng và xác nhận phần lớn nhận định, nhận xét của CQĐT và VKSND Tối cao là chính xác, đúng với diễn biến vụ án và hành vi của bị cáo.
Bị cáo Dũng bày tỏ rằng: Khi đồng ý về chủ trương và phát hành trái phiếu, bị cáo không có ý thức, mục đích lợi dụng việc này để lấy tiền của người dân. Khi phát hành trái phiếu, bị cáo xác định các trái chủ là những nhà đầu tư chiến lược, nếu không có họ thì phương án kinh doanh của bị cáo khó có thể thành công, do vậy bị cáo không hề có suy nghĩ sẽ lừa người dân.
Ngoài ra, bị cáo cho biết luôn tâm niệm có vay có trả, hơn nữa thời điểm đó bị cáo đang phát triển rất nhiều dự án, nếu huy động trái phiếu mà không trả khi đến hạn sẽ khiến uy tín của bị cáo và của Tập đoàn Tân Hoàng Minh giảm sút, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh, bán hàng của tất cả các dự án, thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều.
Trong biên bản ghi ý kiến, ông Dũng nêu: Sau này làm việc với CQĐT và VKS, bị cáo được các điều tra viên, kiểm sát viên phân tích nên đã hiểu rằng, dù ý thức của bản thân không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, nhưng việc làm của bị cáo không được pháp luật cho phép. Bị cáo thực sự ăn năn hối hận vì nhận thức chưa đầy đủ của mình dẫn đến hậu quả như ngày hôm nay.
Ngay sau khi vụ án xảy ra, bị cáo có đơn xin tự nguyện khắc phục hậu quả bằng cách bán tài sản để có tiền trả lại các nhà đầu tư. Quá trình làm việc với CQĐT, bị cáo liên tục nhắn nhủ tới gia đình, bạn bè, người thân tìm cách huy động mọi nguồn lực để thực hiện nguyện vọng này.
Với sự nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ của CQĐT, Viện kiểm sát, trước khi kết thúc điều tra, bị cáo đã nộp hơn 5.651 tỷ đồng, cộng với số tiền CQĐT thu hồi hơn 2.992 tỷ đồng, toàn bộ hậu quả của vụ án là hơn 8.643 tỷ đồng đã được giải quyết triệt để.
"Bị cáo Đỗ Anh Dũng thành thật xin lỗi các nhà đầu tư, gia đình, bạn bè thân thiết, cán bộ nhân viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã vất vả, lo lắng, gặp nhiều khó khăn trong suốt 2 năm qua. Bị cáo xin nhận trách nhiệm cao nhất", biên bản ghi.
Dùng thương hiệu "Tân Hoàng Minh" bán trái phiếu để huy động tiền Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng đồng ý cho triển khai thực hiện lựa chọn các công ty thuộc Tập đoàn phát hành trái phiếu, tài sản đảm bảo... mua trái phiếu sơ cấp để lấy uy tín, sau đó dùng thương hiệu "Tân Hoàng Minh" để bán trái phiếu ra cho nhà đầu tư để huy động tiền....