Vụ quỳ xin không đóng cửa trường mầm non, giáo viên nói gì?
Liên quan tới vụ việc hàng chục cô giáo mầm non ở Thanh Cương, Nghệ An quỳ gối xin được tiếp tục dạy học khiến dư luận xôn xao, phóng viên báo Dân Việt đã gặp những cô giáo này, lắng nghe chia sẻ của họ.
Cụ thể, sáng 14.6, phóng viên Dân Việt đã đến cơ sở mầm non tư thục Tuổi Thơ đóng trên địa bàn thị trấn huyện Thanh Chương (Nghệ An) và gặp các giáo viên tại đây.
Cơ sở mầm non tư thục Tuổi Thơ đóng trên địa bàn thị trấn huyện Thanh Chương (Nghệ An).
Trao đổi với phóng viên, cô Nguyễn Thuỳ Dung – giáo viên chủ nhiệm nhóm lớp trẻ 2 tuổi cho biết: “Trước đó, đoàn của UBND Thị trấn Thanh Chương có sang làm việc với Ban giám hiệu nhà trường, yêu cầu dừng việc nhận trẻ tại trường mầm non Tuổi Thơ cho đến khi hoàn thành đầy đủ thủ tục giấy tờ pháp lý. Khi đoàn ra về thì tất cả giáo viên làm việc ở đây có quỳ xuống xin các lãnh đạo đừng đình chỉ trường, hãy tạo điều kiện cho giáo viên được tiếp tục đón trẻ”.
“Bản thân chúng tôi là phụ nữ, chúng tôi hành động theo cảm tính. Gắn bó với các con hơn một năm nay, giờ tự nhiên bảo chúng tôi không được đón và chăm sóc các cháu nữa thì chúng tôi không đành lòng, thương và nhớ các cháu. Chúng tôi biết có nhiều ý kiến cho rằng việc quỳ gối như vậy là phản cảm, làm mất hình ảnh của giáo viên. Nhưng chúng tôi chỉ nghĩ làm sao để được tiếp tục đón các con tới trường chăm sóc và làm sao để trường vẫn được tiếp tục hoạt động mà thôi. Bản thân tôi không thấy xấu hổ khi quỳ xuống như vậy, nếu làm bất cứ điều gì để trường vẫn được tiếp tục hoạt động, để các con vẫn được tiếp tục đến trường mà không phạm pháp thì tôi làm. Ai muốn nói gì tôi không quan tâm, chúng ta ai cũng làm cha làm mẹ rồi, cảm giác gắn bó với các con mà bị chia cắt thì chịu làm sao được” – cô Dung gạt nước mắt nói.
Video đang HOT
Dù bị đình chỉ nhưng phụ huynh vẫn đến gửi trẻ tại cơ sở này.
Còn cô Nguyễn Thị Phương cũng cho biết: “Tôi đi dạy ở đây được một năm rồi, cũng gắn bó với các cháu, việc thủ tục thiếu sót như thế nào là của ban giám hiệu nhà trường và các cấp lãnh đạo, chúng tôi là giáo viên thì chỉ biết việc chăm sóc trẻ thật tốt, chu đáo. Cơ sở của chúng tôi cũng tạo được niềm tin cho phụ huynh. Khi nhận được thông tin phải đóng trường thì chúng tôi thật sự lo lắng. Chúng tôi quỳ gối chỉ mong chính quyền xem xét tạo điều kiện để trường vẫn được hoạt động. Tôi không biết đó là hình ảnh phản cảm, chỉ là hành động theo bản năng, thương các con khi không được đến cơ sở nữa mà thôi.”
Tuy nhiên, có không ít ý kiến cho rằng hành động của Chủ tịch thị trấn Thanh Chương là đúng. Cơ sở mầm non này chưa đủ giấy tờ thì không nên cấp phép hoạt động. Nếu muốn hoạt động, chủ cơ sở nên gấp rút hoàn thành thủ tục thay vì để giáo viên quỳ gối như vậy. Cạnh đó, cũng có luồng ý kiến cho rằng, việc UBND thị trấn Thanh Chương yêu cầu cơ sở mầm non này dừng hoạt động khi trường chưa đủ thủ tục pháp lý, nếu đúng thì phải tuân thủ, chấp hành.
Nhưng cũng cần làm rõ trong quá trình làm thủ tục, giấy tờ, chủ cơ sở có bị gây khó, nhũng nhiễu, phiền hà từ cơ quan chức năng tại địa phương hay không.
Trước đó, ngày 12.6, đoàn cơ quan chức năng thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An) do Chủ tịch thị trấn Nguyễn Văn Vinh làm trưởng đoàn đến làm việc tại Cơ sở mầm non Tuổi Thơ và yêu cầu dừng hoạt động vì chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý. Khi đoàn làm việc chuẩn bị ra về thì các cô giáo trong trường đồng loạt quỳ gối, xin cơ quan chức năng thay đổi quyết định trên. Những hình ảnh này được quay lại thành clip và gây xôn xao dư luận.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.
Theo Dân Việt
Nhà bị cháy, nam sinh bất ngờ được trường ĐH hỗ trợ đột xuất 10 triệu đồng
Gặp khó khăn do nhà bị hỏa hoạn thiêu cháy rụi, nam sinh Hoàng Ngọc Giáp (sinh viên lớp 59A Lâm sinh Trường ĐH Lâm nghiệp, Hà Nội) bất ngờ được Ban giám hiệu nhà trường hỗ trợ đột xuất 10 triệu đồng.
Ngày 6/6 vừa qua, Hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp quyết định hỗ trợ đột xuất cho em Hoàng Ngọc Giáp (sinh viên lớp 59A Lâm sinh) gặp khó khăn do gia đình bị hỏa hoạn cháy nhà 10 triệu đồng.
Trao đổi với PV Dân trí, em Hoàng Ngọc Giáp cho biết, ngôi nhà sàn của gia đình em ở xã Minh Tiến, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái bị hỏa hoạn do chập điện dẫn đến cháy rụi hoàn toàn vào hôm 14/5. Hiện tại, mẹ em bị bỏng nặng hai chân đang điều trị ở bệnh viện huyện.
Hoàng Ngọc Giáp (sinh viên lớp 59A Lâm sinh) được nhà trường hỗ trợ đột xuất 10 triệu đồng do gia đình gặp hỏa hoạn.
Gia đình Giáp đang phải dựng lán ở tạm và không biết bao giờ mới làm lại được nhà sàn như cũ. Bố mẹ Giáp đều đã 60 tuổi, gia đình thuộc diện hộ nghèo, thu nhập từ nông nghiệp không đáng là bao.
Hoàn cảnh khó khăn, nam sinh người Tày chăm chỉ đi làm thêm (công việc ở xưởng làm đá lạnh công nghiệp) để kiếm thêm thu nhập trang trải học phí và sinh hoạt phí ngoài giờ học trên lớp.
"Em thực sự biết ơn và xúc động trước sự quan tâm, hỗ trợ sát sao kịp thời từ lãnh đạo, thầy cô nhà trường. Đây là món quà kịp thời đã giúp đỡ gia đình em trong khó khăn hoạn nạn", Giáp chia sẻ.
Lệ Thu
Theo Dân trí
TPHCM: Gần 90% phụ huynh đồng ý lắp đặt camera trong trường mầm non Theo kết quả khảo sát của Sở GD-ĐT TPHCM, có đến 88% phụ huynh có con học mầm non đồng ý lắp camera ở trường học, trong khi đó có 52% giáo viên không đồng tình. Sở GD-ĐT TPHCM vừa có báo cáo lên UBND TPHCM về việc xây dựng dự thảo về việc lắp đặt camera tại các cơ sở giáo dục...