Vụ phạt sinh con thứ 3: Những ai phải chịu trách nhiệm?
UBND các huyện ở Nghệ An có thể phải bồi thường cho người dân toàn bộ thiệt hại gây ra trong thời gian thi hành quyết định sai phạm phạt tiền người dân khi sinh con thứ 3.
Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định thay thế xóa bỏ quy định sai trái này. Vậy những người trước đây đã nộp tiền phạt khi sinh con thứ 3 có được cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An trả lại hay không. Trả lời Báo Đời sống & Pháp luật, luật sư Trịnh Anh Dũng (Văn phòng luật sư Trịnh, Hà Nội) cho biết, tại thời điểm UBND tỉnh Nghệ An ban hành quy định xử phạt sinh con thứ 3 thì Nghị định 114/2006/NĐ-CP của Chính phủ vẫn đang có hiệu lực thi hành nên việc ban hành quyết định trên là hoàn toàn vi phạm pháp luật.
Luật sư Trịnh Anh Dũng.
Đặc biệt, theo luật sư Dũng, sau khi Chính phủ ban hành nghị định 176/2013/NĐ-CP thay thế, đáng lẽ UBND tỉnh Nghệ An phải ban hành ngay văn bản sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ các nội dung trái với quy định của Nghị định này. Tuy nhiên, các huyện, xã ở Nghệ An vẫn tiếp tục thi hành quyết định xử phạt khi sinh con thứ 3 trong một thời gian dài, gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân.
Mặt khác, trong quyết định xử phạt sinh con thứ 3 của UBND tỉnh Nghệ An quy định: Người sinh con thứ ba không phải là cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang phải đóng góp một khoản kinh phí theo cam kết cho ban Dân số- kế hoạch hóa gia đình tại xã, phường, thị trấn có giá trị từ 1 triệu đồncho một lần vi phạm là có dấu hiệu vi phạm điều điều 12 của luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Với sai phạm nghiêm trọng này, người dân địa phương có thể khiếu nại UBND tỉnh Nghệ An theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Khiếu nại năm 2011. Nếu có đủ các căn cứ và bằng chứng, cơ quan giải quyết khiếu nại có thể buộc người bị khiếu nại phải thu hồi quyết định hành chính vi phạm và bồi thường toàn bộ thiệt hại phát sinh cho người người khiếu nại.
Video đang HOT
Khi được hỏi về trách nhiệm của người ban hành quyết định, luật sư cho rằng, nếu có căn cứ kết luận việc ban hành văn bản là vi phạm pháp luật, tùy theo nội dung, tính chất, mức độ sai phạm và hậu quả, người kí quyết định ban hành, tham mưu ban hành văn bản đó sẽ phải chịu kỷ luật theo luật cán bộ, công chức năm 2008. Thậm chí, hình thức kỷ luật đối với người ban hành quyết định trái pháp luật có thể là cách chức.
Nhân Văn
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Sinh con thứ 3 phải nộp tiền: "Ấu trĩ và thiếu hiểu biết"
Luật sư Phong cho rằng, một số huyện ở Nghệ An bắt người dân "tự nguyện" nộp một khoản tiền vì sinh con thứ 3 cho thấy sự thiếu hiểu biết và nhận thức ấu trĩ của một số cán bộ.
Như tin tức báo Đời sống và Pháp luật đã đăng tải, nhiều người dân địa phương tại huyện Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai, Nghi Lộc và tại các huyện miền núi như Quỳ Châu, Quỳ Hợp của tỉnh Nghệ An phản ảnh việc họ sinh con thứ 3 và "phải tự nguyện" đóng tiền phạt 1 triệu đồng.
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Hà Huy Phong - Giám đốc Công ty Luật Inteco (Hà Nội) cho biết, Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.
Hiện nay, đa số các hành vi bị coi là vi phạm hành chính đều được quy định trong một Nghị định cụ thể về xử phạt hành chính. Mỗi lĩnh vực chuyên ngành thường có một nghị định quy định cụ thể về hành vi vi phạm, mức xử phạt và thẩm quyền xử phạt.
Nghị định số 176/2013/NĐ-CP về việc "quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế (thay thế Nghị định 114/2006/NĐ-CP) không đề cập gì đến việc "xử lý việc sinh con thứ 3".
Chính phủ đã ban hành nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định rất cụ thể về hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế, dân số, kế hoạch hóa gia đình.
"Chúng tôi đối chiếu rất kỹ thì không phát hiện quy định nào về xử phạt hành chính đối với việc sinh con thứ 3", LS Phong cho biết.
Cũng theo quy định tại Pháp lệnh Dân số (sửa đổi năm 2008) một trong những nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản là sinh một hoặc hai con. Nhiều văn bản liên quan cũng không có quy định nào cho rằng, sinh con thứ 3 là hành vi vi phạm hành chính.
"Không thể xử phạt hành chính đối với người sinh con thứ 3", Luật sư Phong nhấn mạnh.
Luật sư Hà Huy Phong - Giám đốc Công ty Luật Inteco.
Luật sư Phong cho rằng, ở góc độ khác, việc Nhà nước đưa ra một số quy định về sinh con thứ 3 nhằm hạn chế gia tăng dân số quá nhanh, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, điều kiện sinh hoạt và học tập của trẻ em. Quy định này mang tính định hướng chính sách chứ không áp đặt. Chính quyền địa phương đưa ra một khoản tiền phạt thì đã biến tướng thành một hành vi áp đặt.
Tuy nhiên, sinh con là quyền tự nhiên của con người, và không thể bị hạn chế, ngăn cấm hay coi là hành vi vi phạm pháp luật.
Việc một số địa phương tại huyện Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai, Nghi Lộc và tại các huyện miền núi như Quỳ Châu, Quỳ Hợp của tỉnh Nghệ An ép người dân nộp một khoản tiền vì sinh con thứ 3 phản ánh sự thiếu hiểu biết và nhận thức ấu trĩ của một số cán bộ nơi đây.
"Cũng không có khoản phí nào gọi là tự nguyện nộp phạt. Đây là khoản do địa phương tự đặt ra mà không có cơ sở pháp lý nào", Luật sư Phong nhấn mạnh.
UBND xã và các địa phương nêu trên phải hoàn trả lại số tiền cho người dân. Cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc để điều tra việc sử dụng các khoản tiền đã thu như thế nào, cũng như làm rõ trách nhiệm của các cán bộ liên quan việc áp đặt và thu các khoản tiền trái phép như dư luận phản ánh.
NHÂN NHÂN
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Hai anh em ruột đánh và trói mẹ cướp gần 100 triệu đồng Một trong hai đối tượng chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên được giao cho địa phương quản lý giáo dục. Đối tượng Đạt tại cơ quan điều tra Ngày 2-12, cơ quan CSĐT Công an huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết vừa có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam bốn tháng đối với...