Vụ phạt học sinh tự tát vào mặt: nỗi niềm giáo viên
Ngày 6-11, PV Tuổi Trẻ đã tiếp xúc với cô Nguyễn Thị Thanh – giáo viên chủ nhiệm lớp 5/2 Trường tiểu học Trần Văn Ơn, quận Tân Bình, TP.HCM, người đã phạt học sinh tự tát vào mặt vì nói chuyện trong lớp.
Học sinh Trường tiểu học Trần Văn Ơn, quận Tân Bình – Ảnh: H.HG
Mở đầu câu chuyện, cô Thanh khóc nấc, nói không ra câu. Chỉ đến khi nhắc đến học sinh lớp 5/2, cô mới bình tĩnh lại: “Lớp 5/2 có 40 học sinh, trong đó có 22 học sinh nam, còn lại là nữ. Đặc điểm chung là các em rất hiếu động và ít chịu tập trung.
Với kinh nghiệm giảng dạy 14 năm, tôi cũng tìm tòi và cố gắng đầu tư thời gian, công sức để có thể dạy bằng bảng tương tác, cố gắng đưa những hình ảnh sinh động, những clip… cho tiết học thêm sinh động, tránh cho học sinh sự nhàm chán.
Tôi cũng tăng cường cho học sinh thảo luận, làm việc nhóm… để các em thỏa mãn nhu cầu được nói. Không những thế, tôi còn yêu cầu học sinh phải tập trình bày chính kiến của mình trước đám đông. Các em phải lên bảng thuyết trình, học sinh giỏi và học sinh yếu đều phải thuyết trình trước lớp chứ không chỉ học sinh giỏi mới làm chuyện này”.
Mong học sinh tiến bộ
Cô Thanh tâm sự: “Năm nay là năm học cuối cấp, tôi mong muốn những học sinh trong lớp của mình phải rèn luyện được nề nếp học tập đàng hoàng, tạo đà cho việc lên lớp 6. Mỗi ngày tôi đều dò bài cho cả lớp, không thể kêu hết 40 em thì tôi cho các em viết ra giấy với mục tiêu hàng ngày học sinh phải học bài và nắm vững kiến thức đã học.
Tôi cũng đặt ra quy định thưởng – phạt để kích thích học sinh học tập như: thuộc bài được cộng thêm 2 điểm, nói chuyện bị trừ 3 điểm thi đua; từ điểm sẽ quy ra hoa: cứ 10 bông hoa là đổi được 1 món quà như: thước kẻ, bút chì, gôm…
Nhưng tình trạng ít tập trung, nói chuyện trong lớp vẫn cứ diễn ra. Trong tiết dạy, tôi thường hay liên kết kiến thức với cuộc sống bên ngoài để học sinh dễ hình dung, nhưng chỉ cần nói đến 1 vấn đề nào đó là ngay lập tức các em quay qua nói chuyện riêng với nhau và bàn tán rất rôm rả về vấn đề đó.
Video đang HOT
Tôi đã nghĩ ra cách cho học sinh viết cam kết vào một tờ giấy A4: cứ em nào nói chuyện là viết: “Em xin hứa không nói chuyện trong giờ học nữa” rồi ký tên. Chỉ sau 2 tháng 2 tờ giấy A4 đã gần kín những hàng cam kết. Trong đó, mỗi học sinh chỉ ghi 1 dòng. Nói như thế để thấy mức độ nói chuyện của các em không phải ít.
Cuối tháng 10-2018, gần đến ngày thi giữa học kỳ, tôi rất sốt ruột vì tình trạng nói chuyện không giảm đi được bao nhiêu. Đã vậy tôi lại còn nghe giáo viên Anh văn phản ánh: “Lớp cô Thanh có một số học sinh quên mang vở, có em mang vở nhưng giấu vở luôn, không mang ra học” tôi lại càng sốt ruột hơn.
Thế là tôi đã nghĩ ra hình thức phạt: em nào nói chuyện sẽ tự tát 2 cái, em thứ hai sẽ là 4 cái, em thứ 3 sẽ là 6 cái, những em tiếp theo sẽ cộng thêm 2 cái với mục đích các em thấy thế mà sợ, không nói chuyện nữa….Hình thức phạt này diễn ra đúng 1 tuần thì phụ huynh phản ánh với ban giám hiệu nhà trường”.
“Khi nhận quyết định đình chỉ công tác, tôi đã rất sốc, bất ngờ và chới với. Tôi thừa nhận mình đã sai. Và chỉ 1 lần sai thôi đã phủi bỏ tất cả những tâm huyết, những cống hiến của tôi trong suốt 14 năm qua. Thực sự tôi chỉ muốn tốt cho các em, tôi đưa ra hình thức phạt cũng chỉ vì mong muốn và tha thiết mong muốn các em sẽ tiến bộ, đừng nói chuyện nữa và tập trung vào bài học. Tôi cũng có con đang đi học phổ thông nên tôi thương học sinh như con của mình và mong ước con mình đi học cũng được thầy cô giáo thương yêu như thế”.
Cô Nguyễn Thị Thanh
“Bao giờ cô về dạy chúng con?”
Chúng tôi đang ngồi nói chuyện trong phòng hiệu trưởng Trường Trần Văn Ơn thì một phụ huynh gõ cửa rồi đi vào, chất vấn cô hiệu trưởng với giọng bức xúc: “Đến bao giờ thì lớp 5/2 mới ổn định? Chúng tôi cần sự ổn định cho lớp học của con em mình.
Phụ huynh nóng giận, bức xúc họ có quyền đi kiện. Nhưng ở đây chỉ có 2 phụ huynh đứng đơn kiện. Cô giáo thì đang bị đình chỉ giảng dạy. Mấy ngày nay không có cô chủ nhiệm, các bé quậy tưng bừng mặc dù vẫn có giáo viên dạy thay.
Không có giáo viên chủ nhiệm, các bé không chịu học hành gì cả. Cứ thế này thì làm sao có đủ kiến thức mà học lớp 6?”. Đó là bà Nguyễn Thị Thu Huệ, phó trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 5/2.
Bà Huệ cho biết: “Lớp 5/2 là lớp quậy có tiếng ở Trường tiểu học Trần Văn Ơn, không phải năm nay mà từ những năm trước đó rồi. Trong đó có đến 2/3 học sinh bị mất căn bản ở một số môn học.
Phụ huynh chúng tôi không đồng tình với bạo lực trong trường học, cô giáo sai thì cô cần sửa sai. Nhưng chúng tôi cần cô Thanh quay trở lại lớp dạy.
Con tôi là một đứa trẻ cực kỳ cá tính và ương bướng, hồi đầu năm bé không thích cô Thanh nhưng đến bây giờ bé rất yêu quý cô vì cô đã cho các bé được trình bày ý kiến của mình. Bé còn khen cô dạy hay, dễ hiểu, cô cho các con thảo luận tổ rất là vui, cô còn dạy nhiều kiến thức ngoài cuộc sống chứ không chỉ dạy trong sách giáo khoa nên các con thấy rất thú vị.
Hơn 30 phụ huynh lớp chúng tôi đã ký đơn gửi Phòng GD-ĐT quận Tân Bình và ban giám hiệu nhà trường, đề nghị tạo cơ hội để cô Thanh sửa sai và tiếp tục đứng lớp giảng dạy lớp 5/2 trong những ngày sớm nhất có thể”.
Trong khi đó, bà Lê Thị Anh Quý – phụ huynh bé Tuệ Nhi – kể: “Mấy hôm nay, thầy giáo dạy thay cô Thanh than phiền: nhiều em lớp 5/2 còn chưa thuộc bảng cửu chương. Với tình hình lớp như vậy chắc chắn giáo viên đứng lớp cũng có nỗi niềm.
Cô giáo phải thực sự yêu thương học sinh mới làm cho các em thay đổi được. Con tôi từ khi học cô Thanh đã có ý thức tự giác học tập và trong sinh hoạt hàng ngày. Mấy hôm nay con rất buồn, ngày nào cũng hỏi tôi: Chừng nào thì cô con được về lớp dạy tụi con?”.
“Khi nhận được đơn phản ánh có chữ ký của 2 phụ huynh lớp 5/2, ban giám hiệu nhà trường đã tiến hành xác minh ngay sự việc. Khi biết đó là sự việc có thật, chúng tôi đã yêu cầu cô ngưng ngay việc này, đồng thời đình chỉ công tác giảng dạy của cô trong 15 ngày để xác minh và xử lý.
Cô Thanh là giáo viên giỏi cấp quận, giáo viên mạng lưới của Phòng GD-ĐT, nhiều năm nay cô đều giữ nhiệm vụ tổ trưởng chuyên môn. Cô thuộc diện quy hoạch lên làm cán bộ quản lý ở Trường Trần Văn Ơn.
Năm nay, nhà trường giao cho cô phụ trách lớp 5/2 với niềm tin cô sẽ “vực dậy” tập thể lớp rất cá tính và nổi tiếng nghịch, phá ở trường. Về sai phạm của cô Thanh, nhà trường sẽ làm theo đúng quy trình và xử lý kỷ luật theo đúng quy định”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Yến (hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Văn Ơn)
Theo tuoitre
TPHCM: Cô giáo bắt học sinh tự tát 32 cái vì nói chuyện trong lớp
Trường tiểu học Trần Văn Ơn (quận Tân Bình, TPHCM) đang tạm đình chỉ việc đứng lớp của cô giáo N.T.T. để xác minh sự việc phụ huynh phản ánh cô bắt học sinh tự tát theo cấp cộng nếu nói chuyện riêng.
Sự việc xảy ra tại lớp 5/2, Trường tiểu học Trần Văn Ơn (quận Tân Bình, TPHCM) do cô N.T.T làm chủ nhiệm. Theo phản ánh của phụ huynh, cô giáo ra hình phạt có một không hai, học sinh đầu tiên nói chuyện tự tát mình 2 cái, em thứ hai tự tát 4 cái, cứ thế em tiếp theo lại cộng thêm 2 cái...
Đỉnh điểm, vào giữa tháng 10/2018, có học sinh phải tự tát vào mặt mình đến 32 cái ngay trước mặt bạn bè dù đó là lần đầu em vi phạm.
Học sinh Trường tiểu học Trần Văn Ơn, Tân Bình, TPHCM
Sự việc đã kéo dài một thời gian, lần lượt học sinh trong lớp đều đã tự tát mình nhưng các em sợ, không dám nói với bố mẹ. Khi biết được hình phạt khủng khiếp này diễn ra ở lớp học của con, phụ huynh đã bức xúc phản ánh sự việc lên trường.
Sáng ngày 5/11, bà Lữ Thị Tố Trinh, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Văn Ơn cho biết, nhà trường chỉ nghe sự việc cô T. phạt học trò khi có phản ánh từ phụ huynh, trước đó chưa từng nghe phản ánh về cô giáo. Sau khi nắm bắt thông tin từ phụ huynh, trường đã lập tức tạm đình chỉ việc đứng lớp của cô N.T.T để tìm hiểu, xác minh sự việc. Thông tin ban đầu, phản ánh của phụ huynh là đúng. Đồng thời, nhà trường cũng đã báo cáo việc này lên quận.
Được biết, ngày mai 6/11, Trường tiểu học Trần Văn Ơn sẽ họp Hội đồng kỷ luật về sự việc liên quan đến cô N.T.T.
Lê Đăng Đạt
Theo Dân trí
Bạn đọc viết: Họp phụ huynh cần thiết thực và ý nghĩa hơn Trải qua hai buổi họp đầu năm học ở hai cấp học khác nhau (tiểu học và THCS), tôi thấy nội dung các buổi họp vẫn lặp lại như một kịch bản sẵn có và tiếng nói của phụ huynh trong các buổi họp rất mờ nhạt, gần như không có sự tương tác giữa giáo viên và phụ huynh. Ảnh minh họa...