Vụ nữ sinh nhảy cầu tự tử để lại 5 bức thư tuyệt mệnh: Không nên tạo áp lực cho con về thành tích học tập
GiadinhNet – Tự trách mình vì kết quả học tập không đạt được như kỳ vọng của bố mẹ, em Đ.T.T.T (16 tuổi, trú tại xã Long Bình, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) đã gieo mình xuống đập nước tự tử. Điều đáng nói, trước khi quyên sinh, T đã để lại 5 bức thư tuyệt mệnh bày tỏ nỗi niềm của mình.
Hiện trường vụ việc. Ảnh: TL
Lời tâm sự nghẹn đắng
Video đang HOT
Cái chết tức tưởi của cô học sinh 16 tuổi tại đập nước Phước Hòa (xã An Thái, huyện Phú Giáo, Bình Dương) vào sáng 27/12 khiến dư luận chưa hết bàng hoàng. Theo lời kể của em Trần Mạnh Hiếu (bạn học của T), sáng 27/12, do tâm trạng buồn rầu, T nhờ Hiếu chở tới đập nước Phước Hòa để hóng mát và trò chuyện. Khi câu chuyện đang dở dang, T bất ngờ leo lên lan can con đập rồi gieo mình xuống dòng nước chảy xiết. Hốt hoảng trước hành động của người bạn học, Hiếu gào khóc kêu cứu mọi người xung quanh. Rất nhiều người dân đang làm việc gần đập nước Phước Hòa đã chạy tới ứng cứu, nhưng thiếu nữ đã mất tích trong dòng nước chảy xiết. Sự việc nhanh chóng được người dân cấp báo tới cơ quan chức năng.
Tại hiện trường, cơ quan công an phát hiện trong chiếc balô để lại của T có 5 bức thư tuyệt mệnh. Trong đó, có 2 bức thư T gửi cho bố mẹ, số còn lại gửi cho người chị gái và bạn bè thân thiết. Nội dung 5 bức thư đều thể hiện tâm trạng buồn chán vì kết quả học tập không đạt được như sự kỳ vọng của bố mẹ. Trong bức thư T gửi cho bố mẹ có đoạn: “Năm nay con được học sinh trung bình. Con phụ lòng bố mẹ rồi, tương lai sau này của con cũng không còn nữa. Con xin lỗi! Con xin lỗi bố mẹ! Không, không, con không thể chịu nổi nữa rồi. Con… mệt… con … nản… Từ trước đến giờ con luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh… rằng… bố mẹ tạo áp lực… con trách con rằng con không lo học hành để rồi bây giờ làm cho bố mẹ buồn như thế. Con trách con rằng, con không nghe lời bố mẹ, để rồi bây giờ cuộc đời tối tăm như thế. Tương lai con mù mịt, suy nghĩ con mù mịt, con đường con đi cũng mù mịt, mọi thứ xung quanh con mù mịt… Hết rồi, tất cả kết thúc rồi”.
Ở một bức thư khác, T viết rằng, bản thân luôn cố gắng để có thể thi đậu trường công an, hay trường y dược để bố mẹ được vui lòng. Tuy vậy, T nói rằng điều đó là quá sức bản thân, nhiều lúc cô cảm thấy mệt mỏi, bế tắc và muốn buông xuôi tất cả. Có mặt tại hiện trường nơi xảy ra vụ việc, ông Đặng Minh C (bố T) gào khóc thảm thiết gọi tên con. Hòa lẫn trong nước mắt, nhìn dòng nước lạnh ngắt, ông C nói: “Bố mẹ xin lỗi. Bố mẹ biết lỗi rồi. Hãy tha thứ cho bố mẹ!”.
Công tác tìm kiếm thi thể nạn nhân nhanh chóng được các cơ quan chức năng tiến hành. Tới 13h cùng ngày, thi thể T đã được tìm thấy. T vẫn còn mặc nguyên bộ quần áo đồng phục học sinh. Nhìn cảnh tượng đó, rất đông người dân có mặt đã không thể kìm được nước mắt.
Đừng tạo áp lực cho con
Theo tìm hiểu của PV, do hai chị gái của T không học hành tới nơi tới chốn, nên bố mẹ T đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào cô. Được biết cuối năm lớp 10, T có học lực khá, đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, nhưng tới kỳ học này T cảm thấy kết quả học tập không đạt được như kỳ vọng của bố mẹ nên sinh ra tâm lý chán nản. Một số bạn học với T cho hay, thời gian gần đây T thường xuyên có biểu hiện buồn chán, ít trò chuyện tâm sự với mọi người và sống thu mình hơn trước. Khi mọi người hỏi nguyên nhân thì T chỉ im lặng hoặc nói rằng không có chuyện gì. Thông tin từ phía gia đình cho biết thêm, T rất ít khi tâm sự hay bộc lộ cảm xúc trực tiếp với bố mẹ. Mặt khác, do thời gian gần đây công việc bận rộn, nên mọi người cũng không trò chuyện được nhiều với T.
Ngay sau khi sự việc đau lòng trên xảy ra, rất nhiều bậc làm cha, làm mẹ đã cảm thấy xót xa và bày tỏ những quan điểm cá nhân hết sức trái chiều. Chị Lê Thị Tuyến (trú tại quận Long Biên, TP Hà Nội) cho rằng: “Bất cứ bậc làm cha, làm mẹ nào cũng mong muốn con cái mình giỏi giang, thành đạt. Tuy nhiên, nếu bậc làm, cha mẹ tự ý mang ước vọng của bản thân mình đặt lên vai các con, bắt chúng phải thực hiện những điều quá sức thì vô hình chung đó lại trở thành gánh nặng và nỗi ám ảnh khôn nguôi trong tâm lý đứa trẻ. Về mặt nhà trường cũng nên có những phương pháp giáo dục phù hợp. Hãy để các em sống với đúng ước vọng và khả năng của mình. Các em cũng có cuộc đời riêng nên không thể ép buộc hay áp đặt chúng phải sống thay một cuộc đời khác”.
Anh Nguyễn Văn Thành (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng có đồng quan điểm: “Gia đình tôi cũng có con đang học THPT nên rất hiểu. Chúng tôi cũng rất kỳ vọng vào con cái mình, nhưng luôn động viên, lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của các cháu. Bản thân tôi thấy nhiều bậc phụ huynh rất ít khi chịu lắng nghe con cái mình, mà luôn áp đặt chúng phải làm theo những gì mà họ đã vạch sẵn. Có những đứa trẻ gần như không còn có ước mơ của riêng mình. Mục tiêu của giáo dục không phải là dạy học sinh kiến thức mà là dạy cho trẻ biết làm thế nào để có kiến thức”.
Theo chuyên gia tâm lý giáo dục Nguyễn An Chất, Giám đốc Công ty Tư vấn tâm lý An Việt Sơn: Trong thời buổi hiện nay, việc nhiều học sinh rơi vào khủng hoảng tâm lý do áp lực học tập không còn là chuyện lạ. Vấn đề đặt ra ở đây là các bậc làm cha, làm mẹ cần làm gì khi con cái cảm thấy áp lực, quá tải trong việc học hành. Trước hết, bố mẹ cần dành một khoảng thời gian riêng tư trong ngày, dù ít hay nhiều để trò chuyện với con cái. Chỉ có những lúc như thế, các bậc làm cha, làm mẹ mới biết và hiểu con cái mình đang nghĩ gì, cần gì để điều chỉnh cho hợp lý.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất chia sẻ: “Bố mẹ đừng bao giờ áp đặt cuộc sống của mình cho con cái mà hãy khéo léo động viên, khuyến khích con cái cần làm những điều gì và chỉ ra cho chúng cái lợi khi chúng thực hiện được những điều đó. Ngoài phía gia đình, ở các trường học cũng nên tổ chức, thành lập một bộ phận chuyên môn về tư vấn học đường. Đó sẽ trở thành địa chỉ tin cậy để các em học sinh mỗi khi cảm thấp áp lực trong học tập tìm đến để biết cách giải quyết vấn đề. Ở Việt Nam hiện nay, hầu hết các trường học chưa làm được điều này, việc tư vấn học tập thường là do giáo viên chủ nhiệm làm thay”.
Theo GiadinhNet