Vụ “nữ giáo viên cung Bò Cạp”: Giáo viên ‘du côn’, sao học sinh tôn trọng?
Tôi shock khi xem clip. Nó không có vẻ là một cơ sở giáo dục mà giống như giao tiếp xã hội đen thì đúng hơn. Hình ảnh giống như trong 1 phiên giao dịch chợ búa…
Cô giáo tiếng Anh mạt sát học viên
Đó là ý kiến của TS Vũ Thu Hương (giảng viên trường ĐH sư phạm HN) sau khi xem xong clip dài 8 phút ghi lại cảnh học viên nữ cùng học viên nam đến gặp cô giáo dạy tiếng Anh Lê Na, Hà Nội, yêu cầu giải quyết các vấn đề học tập kéo dài nhưng không nhận được sự giải thích thỏa đáng.
Cả giáo viên, giảng viên mất bình tĩnh
Quá bức xúc, nữ học viên này mới viết trên FB của mình và đăng tải clip quay cảnh cô giáo Lê Na mạt sát học sinh. Học viên này viết: “Ban đầu mình và bạn có đăng ký khóa học TOEIC ở trung tâm cô Lê Na ở Đại An, vì tiện đường, học phí lại đang được giảm 50% còn 2,5 triệu, đóng tiền trước cả khóa.
Video đang HOT
Khóa học bình thường sẽ kéo dài khoảng 4 tháng, giữa khóa sẽ có các bài kiểm tra, nếu không qua học viên phải học lại. Lần đầu mình thi qua nhưng trung tâm lại đổi ngày học nên mình không theo được, mình xin chuyển sang một lớp khác vào ngày phù hợp…thế nhưng khóa học lại muộn hơn so với dự kiến”.
Clip ghi lại diễn biến căng thẳng khi học viên nữ cùng một nam học viên thắc mắc, yêu cầu giáo viên và nhân viên tư vấn của trung tâm giải thích vì sao khóa học muộn hơn so với dự kiến. Mặc dù vậy, nữ giáo viên vẫn không giải thích mà cúi đầu ghi chép, nam học viên liền giật tờ giấy trên bàn, cả hai giằng co. Ngay lập tức, nữ giáo viên mắng học viên này “vô học”, xưng “mày – tao”.
Thậm chí, nữ giáo viên này còn sẵng giọng tuyên bố: “Tao không bao giờ quên nhé, tao là cung Bọ Cạp nhé, tao nói cho mày biết mày đã đụng đến tự ái và lòng tự trọng của tao thì tao sẽ làm đúng những gì mà mày đang làm với tao”.
Mặc dù nội tình sự việc hiện chỉ mới xuất phát từ một phía là bạn học sinh nữ. Tuy nhiên, đoạn clip đang thu hút đông đảo sự chú ý của cộng đồng mạng do cách hành xử của cô Lê Na.
Ths tâm lý Nguyễn Hà Thành (giảng viên trường ĐH FPT) cho rằng, cả 2 phía cùng mất bình tĩnh, nhưng cô giáo thiếu kỹ năng xử lý tình huống sư phạm. Cô giáo đã không kiểm soát được sự tức giận nên đã quay sang cãi nhau kiểu tay đôi như “hàng tôm hàng cá” và mạt sát học viên. Trong khi đó, đây là những học viên lớn tuổi, với cách ứng xử như vậy đương nhiên các em sẽ không sợ và không phục.
“Rõ ràng, ngôn ngữ của giáo viên với học sinh không phù hợp với môi trường giáo dục. Ngay thái độ cũng không hợp. Cần phải nhấn mạnh rằng, đây là lớp học thêm, việc học dựa trên sự thoả thuận hợp lý giữa 2 bên và khi phát sinh mâu thuẫn cần được trao đổi giải thích thoả đáng.
Do những thông tin thay đổi từ phía giáo viên và nơi tổ chức lớp học ảnh hưởng đến thời gian dự kiến ban đầu và có thể liên quan đến việc quản lý thời gian cho các hoạt động khác của người học. Vì thế, theo tôi, trong tình huống này cô giáo không nên tỏ một thái độ hống hách với người học như vậy, nhắc đi nhắc lại nhiều lần về việc đương nhiên thay đổi lịch học mà không cần biết điều đó ảnh hưởng đến ai”- Ths Hà Thành nhấn mạnh.
Đừng mong chờ sự tôn kính nếu giáo viên du côn
Ths Hà Thành cũng chia sẻ, đã từng làm việc với nhiều học sinh được cho là hư, cá biệt, thậm chí đã có kinh nghiệm làm việc với cả những học sinh trường giáo dưỡng nhưng suốt những năm tháng dạy học, Ths Hà Thành chưa bao giờ có bất cứ học sinh hay sinh viên nào có thái độ hỗn láo không đúng mực với mình.
Lý giải điều này, Ths Hà Thành cho rằng “khi giáo viên dùng những từ ngữ du côn chợ búa như vậy để đe doạ học sinh thì đừng mong chờ nhận được sự tôn kính. Tôi tin chắc nếu cô giáo dùng những từ ngữ đúng mực với thái độ lịch sự, ứng xử sư phạm hợp lý, không học sinh nào dùng thái độ như vậy để đáp trả giáo viên.
Tôi nhắc đến điều này như một lời chia sẻ và nhắc nhở các giáo viên cần để ý và xem lại thái độ ứng xử của mình trước khi trách học sinh. Với tôi, giáo viên không có quyền mạt sát học sinh. Đây là một cơ hội để mỗi giáo viên nhìn lại mình trong cách chúng ta ứng xử với học sinh trong những tình huống sư phạm”.
Chung quan điểm này, Ts Vũ Thu Hương, giảng viên trường ĐH sư phạm HN cảm thấy “thật sự khủng khiếp khi xem clip. Nó không có vẻ là một cơ sở giáo dục mà giống như giao tiếp xã hội đen thì đúng hơn. Hình ảnh giống như trong 1 phiên giao dịch chợ búa và rất căng thẳng. Đây không phải là môi trường giáo dục tốt”.
TS Hương cho rằng, không vô cớ mà học sinh đó giật bài của giáo viên. Rõ ràng, hành vi bộc phát đó của nam sinh đương nhiên là không đúng.
Tuy nhiên, trước tình huống này giáo viên đó đã thực sự không có kĩ năng làm việc với sinh viên. Hành động gọi học sinh là tao mày đã sai, hành động dọa nạt, sử dụng trường lớp của học sinh đó để đe dọa đến cũng không đúng.
“Là người giáo viên, với các kiến thức tâm lý, bạn phải biết cách kiềm chế tình cảm chính bản thân mình. Cho dù trường hợp nào, ứng xử của giáo viên cũng sẽ tác động rất mạnh đến học sinh. Nếu tác động tốt, học sinh có khi sẽ học hỏi và trưởng thành. Nếu tác động xấu, hành vi của giáo viên có thể sẽ đem lại những hậu quả vô cùng tai hại: Có thể là hình thành trong học sinh những suy nghĩ ức chế về giáo viên, về cả trường và cả ngành giáo dục, cũng có thể sẽ dẫn đến những xung đột sâu sắc” – TS Hương nhấn mạnh.
TS Hương cho rằng, những chuyện khúc mắc liên quan đến các vấn đề nằm ngoài bài học nếu giáo viên không giải quyết ổn thỏa thì có thể đề nghị học viên gặp gỡ các cấp cao hơn. Trong trường hợp mất bình tĩnh, giáo viên nên ngừng ngay cuộc giao tiếp, đề nghị người khác xử lý vấn đề, tìm cách giải tỏa ức chế trước khi tiếp tục làm việc.
“Những trường hợp nhà trường và giáo viên ứng xử không phù hợp, lời xin lỗi luôn cần thiết phải xuất hiện. Lời xin lỗi đó không hạ thấp giá trị của người giáo viên mà có thể còn nâng giáo viên lên tầm cao hơn. Chúng ta không bao giờ được quên nhiệm vụ trau dồi đạo đức cho học sinh. Nếu đã không làm tròn nhiệm vụ thì cũng đừng tạo hình ảnh xấu ảnh hưởng đến mục tiêu giáo dục này” – TS Hương bày tỏ.
Theo infonet