Vụ Mobifone mua AVG và những dấu hỏi cần phải làm rõ!
Niềm tin của người dân có bị xói mòn hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc xử lý những vụ việc đang được dư luận rất được quan tâm như vụ Mobifone mua AVG này.
Thanh tra Chính phủ chính thức công khai kết luận thanh tra thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG).
Theo kết luận thì đây là vụ việc kinh tế rất nghiêm trọng, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cơ quan điều tra có thẩm quyền của Bộ Công an tiếp nhận toàn bộ hồ sơ, tài liệu thanh tra Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần AVG để xem xét, khởi tố điều tra, xử lý đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật.
Nó nghiêm trọng vì sự sai phạm không chỉ xảy ra ở một bộ.
Nghiêm trọng vì toàn bộ sự việc khi xâu chuỗi liên kết lại nó trở thành bức tranh “điển hình” của hệ thống mà bấy lâu nay nó đang vận hành, là căn nguyên của việc giảm sút lòng tin, là mảnh đất màu mỡ cho những mầm mống tham nhũng, tuỳ tiện có cơ hội phát triển.
Nghiêm trọng vì ngay từ lúc bắt đầu dự án, bản thân nó đã không đảm bảo bất kỳ tiêu chuẩn yêu cầu nào theo quy định pháp lý, vậy mà nó vẫn diễn ra với sự quyết liệt đáng ngờ.
Thâm chí, dấu hiệu vi phạm từ lập dự án, báo cáo, thẩm định, đấu thầu, sử dụng nguồn vốn ngân sách trong kinh doanh.
Cũng phải nhắc tới, ngày 12.3.2018, hai đơn vị AVG và Mobifone đã có biên bản thống nhất về việc sẽ “trả lại cho nhau những gì đã trao” trong thương vụ này.
Thoạt nghe những thông điệp từ chính nội dung biên bản làm việc này giữa hai đơn vị, các chuyên gia luật và người dân đều có ít nhiều bối rối khi thấy sự việc diễn ra “bất bình thường”.
Mobifone – AVG vừa có động thái hủy thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần.
Dư luận cũng đặt dấu hỏi: Liệu biên bản thỏa thuận “rút củi đáy nồi” này có dẫn đến dừng xử lý vi phạm nếu có đã diễn ra khi các bên ký kết hợp đồng hay không?
Hai đơn vị đều là doanh nghiệp có thể tự do ý chí thỏa thuận để trả lại cho nhau những gì đã trao theo nguyên tắc “tôn trọng tự do ý chí” đã được luật hóa hay không?
Tôi cho rằng không! Vì các lẽ sau:
Đầu tiên, phải xem xét vị trí pháp lý của hai công ty trong việc ký kết hợp đồng này, AVG đơn thuần là một doanh nghiệp được điều chỉnh bởi luật doanh nghiệp và việc tự do thỏa thuận là điều được pháp luật bảo vệ.
Video đang HOT
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng phải tuân theo các quy định pháp luật khác và quan trọng hơn, việc xác tín thông tin chính xác – không gian dối hay sai sự thật lại được đặt ra đối với bất kỳ doanh nghiệp nào bởi các quy định pháp luật hay bằng chính uy tín của doanh nghiệp đó.
Chính những chế tài và các quy định pháp lý này buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ để tránh những rủi ro pháp lý có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Mobifone là một doanh nghiệp nhà nước phải tuân thủ theo các quy định trong luật về quản lý sử dụng đầu tư và sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.
Tức là phải tuân theo các quy trình nghiêm nghặt nhất đối với từng đồng của người dân nộp vào ngân sách Nhà nước được đưa ra để kinh doanh, sử dụng trong hoạt động kinh tế.
Còn trong khoa học pháp lý thì câu chuyện này cần được minh thị rõ ràng rằng: Việc thỏa thuận hoàn trả cho nhau những gì đã trao chính là nội dung của “hợp đồng vô hiệu” bởi những điều cấm của luật, hay xét dưới góc độ cấu thành tội phạm “nếu có” thì hành vi trao trả lại chỉ được coi là “tình tiết giảm nhẹ” khi đã có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Tức là, dù anh không có thỏa thuận trả lại cho nhau những gì đã trao thì chính những chế tài trong pháp lý cũng buộc anh phải trả lại.
Vậy, việc các bên có ký biên bản thỏa thuận rằng sẽ trả lại cho nhau những gì đã trao trong đó có hướng đến các ý như “không gây thiệt hại” hay việc gây sức ép lên chính các cơ quan tiến hành xử lý vụ việc với cách đánh tráo khái niệm thì cũng không làm ảnh hưởng hay sai lệch đến bản chất của vụ việc, vụ án “nếu có”.
Luật vốn phức tạp nhưng không phải tự thân điều luật, mà xuất phát từ chính những người áp dụng và xử dụng pháp luật.
Việc “lách luật” bằng cách đánh tráo khái niệm hay các quy định pháp luật khác luôn phải được hiểu chính là hành vi vi phạm pháp luật.
Rõ ràng, doanh nghiệp có quyền làm gì pháp luật không cấm nhưng cũng không có nghĩa được quyền xâm phạm đến tính nghiêm minh của pháp luật, không được xâm hại đến tính thượng tôn của pháp luật.
Theo Danviet
ĐB chất vấn Quốc hội vụ Mobifone - AVG nói gì về kết luận thanh tra?
"Cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành để xảy ra sai phạm trong thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG" - Đây là quan điểm được ông Lê Thanh Vân - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nêu ra khi trả lời PV Dân Việt.
Kết luận thanh tra vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG vừa được công bố thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Theo kết luận thanh tra, quá trình thực hiện Dự án đầu tư, Mobifone, Bộ Thông tin truyền thông (TTTT) và nhiều bộ ngành liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), Tài Chính, Công an.... đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm.
Xung quanh kết luận này, phóng viên Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Thanh Vân - Ủy viên thường trực Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội.
Ông Lê Thanh Vân là người đã chất vấn Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn trước nghị trường Quốc hội sáng ngày 17.11.2017 về thương vụ AVG - Mobifone với câu hỏi :
"Từ nhu cầu nào và dựa trên cơ sở nào mà Mobifone đã dùng vốn chủ sở hữu nhà nước để mua AVG? Giá trị đích thực của thương vụ này là bao nhiêu? Từ ngày được Mobifone mua về đến nay, AVG hoạt động như thế nào, có tương xứng với giá trị đồng vốn bỏ ra hay không?"
Đại biểu Lê Thanh Vân
Thưa ông, là người đã từng chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ TTTT trước Quốc hội về hàng loạt vấn đề khi Mobifone mua 95% cổ phần AVG, tuy nhiên thời điểm đó ông không nhận được câu trả lời cụ thể. Giờ kết luận thanh tra vụ việc đã có, ông đón nhận kết quả này như thế nào?
Thực ra, khi đọc kết luận của TTCP, tôi không ngạc nhiên, vì sau khi chất vấn 3 câu hỏi về vụ việc này trước QH, tôi và Tổng TTCP thường xuyên liên lạc với nhau về tiến độ xử lý kết luận thanh tra.
Tôi còn nhớ, sau khi chất vấn Bộ trưởng Trương Minh Tuấn về vấn đề này, thì có không ít ĐBQH hỏi lại tôi "AVG là vụ gì vậy? Sao ông biết mà chất vấn".
Tôi nói ban đầu thì tôi đọc thông tin này trên mạng. Sau đó, thì tôi kiểm định thông tin trên thực tế, và sau nữa là theo dõi sự kiện. Tôi thấy, từ giữa năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc thanh tra, nhưng xem ra rất chậm.
Và, đặc biệt, đến tháng 7.2017, thì đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo công việc này trong một của họp của Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng.
Đến kỳ họp thứ tư cuối năm 2017, tôi trăn trở mãi về những câu hỏi đối với vụ chuyển nhượng trái pháp luật này. Cũng có người căn ngăn tôi, nhưng cứ nghĩ đến một khoản tiền lớn từ ngân sách nhà nước, vốn dĩ là mồ hôi, nước mắt của nhân dân bị sử dụng trái pháp luật, nên tôi đã quyết định chất vấn vụ việc bằng 3 câu hỏi trước QH như mọi người đã biết.
Sau kỳ họp QH, tôi và anh Lê Minh Khái (Tổng thanh tra Chính phủ - PV) thường liên lạc với nhau để đôn đốc tiến độ thanh tra. Có thể nói, anh Khái vào cuộc rất trách nhiệm và với tinh thần cầu thị. Những ý kiến của tôi, được anh Khái trân trọng tiếp thu.
Đến ngày 8.3.2018, sau khi nghe Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ báo cáo, Ban Bí thư đã có ý kiến chỉ đạo rất rõ ràng, mạch lạc: "Ban Bí thư cho rằng đây là vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, dự luận xã hội đặc biệt quan tâm. Ban Bí thư đề nghị Thường trực Chính phủ, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo và chịu trách nhiệm về Kết luận thanh tra, sớm công bố Kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật.
Các cơ quan có trách nhiệm khẩn trương xem xét, xử lý vụ việc bảo đảm khách quan, chính xác theo quy định của Đảng và pháp luật nhà nước với tinh thần kiên quyết, chặt chẽ, làm rõ đến đâu xử lý đến đó, đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật và thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát".
Mấy ngày sau đó, tiến độ hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra được đẩy nhanh.
Chiều 14.3, sau khi ký bản chính thức kết luận và đăng công khai trên trang web của TTCP, anh Khái gọi cho tôi, hỏi có hài lòng không? Tôi nói rất hài lòng.
Tôi vào mạng xã hội thấy tràn ngập bản kết luận này và hầu như ai ai cũng vui mừng, vì sự việc đã được đưa ra ánh sáng.
Kết luận thanh tra đã chỉ ra nhiều sai phạm "khủng" của Mobifone trong thương vụ mua 95% cổ phần AVG.
Ông nói "rất hài lòng", vậy có nghĩa kết luận thanh tra đã hoàn toàn khách quan, đáp ứng được các yêu cầu pháp lý?
Với tôi, thì đây là bản kết luận khá minh bạch, phản ánh đúng sự thật khách quan. Lý lẽ, lập luận, căn cứ pháp lý để kết luận từng hành vi của các bộ, ngành và cá nhân có liên quan đều tường minh, khá thuyết phục.
Chỉ có điều, nếu như bản kết luận ấy mà đề cập đến trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành liên quan sẽ thuyết phục hơn.
Vì sao tôi lại nói vậy? Vì các bộ, ngành là những cơ quan hành chính nhà nước, tức là chấp hành pháp luật, điều hành pháp luật và làm việc theo chế độ thủ trưởng. Vậy nên, khi nói đến những việc đúng, sai của cơ quan, tổ chức, thì việc đầu tiên là phải nói đến trách nhiệm của người đứng đầu.
Kết luận của TTCP đã kiến nghị BCT, BBT, UBKTTW xem xét, kỷ luật những cán bộ có liên quan là một kiến nghị đúng với vị thế của TTCP. Nếu các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm minh những sai phạm của cán bộ do mình quản lý, thì trước hết sẽ lấy lại niềm tin trong nhân dân, vốn dĩ đang thất vọng về việc bố trí nhân sự chưa ngang tầm nhiệm vụ.
Sau nữa, là việc xử lý nghiêm minh ấy chính là thông điệp thuyết phục nhất gửi đến những ai mà tự thấy mình tài hèn, đức mỏng nhận thức ra vị trí của mình đang ở đâu. Xử lý nghiêm minh cũng là cách để cảnh tỉnh họ, thấy mình không đảm đương được trọng trách, thì tốt nhất, nên tự giác trả lại ngôi vị cho người hiền tài. Đây cũng là cách thức để triển khai một yêu cầu đang đặt ra, là bằng thể chế chính sách để tạo ra một cơ chế tự kiểm soát quyền lực, ấy là "không thể, không muốn và không dám chạy chức, chạy quyền",
Đó chính là bài học sâu sắc về công tác cán bộ nói chung và công tác nhân sự nói riêng được rút ra từ những vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng đang thụ lý giải quyết hiện nay.
Dư luận nhiều ngày qua cho rằng, vụ hủy hợp đồng mua bán giữa Mobifone và AVG đã được thiết lập sẽ khiến tình hình trở nên "dịu hơn", quan điểm của ông trước vụ việc này?
Về việc hủy hợp đồng chuyển nhượng giữa AVG và Mobifone, tuy kết luận của TTCP không đề cập đến, nhưng cũng cần xem xét ở những khía cạnh cụ thể.
Có hàng loạt câu hỏi được đặt ra ở đây: Nếu không có chỉ đạo rõ ràng, mạch lạc từ cuộc họp của Ban Bí thư, do đích thân Tổng Bí thư chủ trì, thì liệu có diễn ra và diễn ra nhanh chóng việc này không? Tại sao trong một thời gian dài, những bên có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan không tự giác xử lý? Việc hủy Hợp đồng này xuất phát từ động cơ, mục đích gì? Căn cứ vào đâu và căn cứ ấy có đủ thuyết phục không?
Xin dành việc trả lời những câu hỏi này cho các cơ quan điều tra, truy tố và xét xử, như kiến nghị mà TTCP đã nêu.
Tuy nhiên, dù sao thì mục đích thu hồi tài sản của Nhà nước cũng là điều quan trọng lúc này, bởi đó là tiền thuế từ mồ hôi, nước mắt của nhân dân, phải hết sức trân trọng và bảo vệ.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Hàng loạt sai phạm "khủng" của Mobifone trong vụ mua 95% cổ phần AVG Ngày 14.3, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã có Thông báo Kết luận số 356/TB-TTCP về việc Kết luận thanh tra toàn diện Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG). Theo đó, ngày hôm nay, phó Tổng TTCP Bùi Ngọc Lam đã ký Kết luận thanh tra toàn...