Vụ kiểm lâm bị tố gọi người đến đánh lái xe: Vi phạm đến mức phải kỷ luật
Theo Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, vi phạm của tổ trưởng, tổ công tác thuộc Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 2 đến mức phải kỷ luật.
Vi phạm đến mức phải kỷ luật
Liên quan đến vụ việc kiểm lâm ở Nghệ An bị tố gọi người đến đánh lái xe, chiều ngày 24/10, ông Phạm Văn Thái – Trưởng Phòng Tổ chức tuyên truyền và xây dựng lực lượng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An, cho biết: “Sau khi nhận được thông tin phản ánh trên mạng xã hội Facebook và báo chí, ngày thứ 7 vừa qua, Chi cục đã thành lập đoàn công tác do Phó Chi cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn làm trưởng đoàn đã lên làm việc với đội để xác minh, làm rõ vụ việc”.
Người mặc áo dân thường đã xô xát với người trên xe tải (Ảnh cắt từ clip)
Sau khi làm việc, đoàn đã kết luận, ông Trần Đức Tuấn – Đội phó Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 2, tổ trưởng tổ công tác đã có thái độ gay gắt, phát ngôn tuỳ tiện, mang tính quy chụp thiếu căn cứ, tạo bức xúc cho người dân.
Cụ thể là “thái độ gay gắt trong phát ngôn; đối tượng buôn lậu chuyên nghiệp; đối tượng không đi học cũng có bằng lái xe”…
Theo ông Thái, vi phạm của ông Tuấn đến mức phải kỷ luật.
Về nội dung báo cáo của Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 2, sự việc kiểm tra phương tiện, nhưng không phát hiện lâm sản trái phép trên xe, nhận định có thể đối tượng lái xe mang biển số 29H – 824XX đã trút bỏ số lâm sản vi phạm trước khi qua địa bàn Nghệ An. Việc này nhận định như trên là phỏng đoán không có cơ sở.
Tổ công tác yêu cầu Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 2 họp và kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan với những tồn tại nêu trên và tự nhận hình thức kỷ luật phù hợp với quy định của pháp luật đồng thời rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại trong quá trình thực thi công vụ kiểm tra, kiểm soát lâm sản.
Kết luận của đoàn công tác cũng khẳng định, quá trình dừng phương tiện để kiểm tra truy xuất nguồn gốc lâm sản của tổ công tác Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 2 đã chấp hành đúng quy định. Lực lượng kiểm lâm không liên quan đến đối tượng đã ẩu đả, hành hung với lái xe và phụ xe trong quá trình Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 2 đang kiểm tra lâm sản.
Video đang HOT
Theo ông Thái, sau khi đoàn làm việc đã yêu cầu đội số 2 họp, bỏ phiếu và đề xuất hình thức kỷ luật đối với Đội phó, tổ trưởng Trần Đức Tuấn. Theo lịch hẹn thì chiều nay (24/10), đội số 2 sẽ gửi kết quả đề xuất hình thức kỷ luật cho chi cục, sau đó đơn vị sẽ thành lập hội đồng kỷ luật để xem xét, quyết định đưa ra hình thức kỷ luật cuối cùng.
“Anh Tuấn vi phạm phát ngôn, đạo đức nghề nghiệp khi thi hành công vụ. Chiếu theo Nghị định 112/2020/NĐ-CP “Về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức”, sẽ bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Tuy nhiên, hội đồng kỷ luật của chi cục sẽ họp, xem xét và quyết định hình thức cuối cùng”, ông Thái nói.
Cán bộ kiểm lâm và người mặc áo dân thường đuổi người trên xe ra ngoài (Ảnh cắt từ clip)
Cần thiết sẽ mời công an vào cuộc
Đó là khẳng định của ông Phạm Văn Thái – Trưởng Phòng Tổ chức tuyên truyền và xây dựng lực lượng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An.
Theo ông Thái, ông đã có trao đổi bằng miệng với Phòng An ninh Kinh tế, Công an tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, phía công an cho biết, nếu có đề nghị thì phải bằng văn bản, mà vấn đề này phải do người đứng đầu đơn vị quyết định.
“Vụ việc gây xôn xao dư luận, lãnh đạo Sở, lãnh đạo Chi cục rất quan tâm và chỉ đạo làm điểm để từ đó chấn chỉnh toàn bộ anh em trong ngành. Vì vậy, chi cục kiên quyết không bao che cho cái sai, cho tổ chức, cá nhân nào. Ai sai, người đó phải chịu trách nhiệm; sai đến đâu, xử lý đến đó.
Hiện tại đề nghị xử lý kỷ luật đối với Đội phó, tổ trưởng Trần Đức Tuấn, không có nghĩa là xong. Sau này, nếu phát hiện thêm vi phạm hoặc người khác vi phạm nhưng chưa kỷ luật, chi cục vẫn sẽ xử lý như bình thường”, ông Thái nói.
Khi PV Báo Giao thông đề cập tới video mới xuất hiện, quay lại cảnh một kiểm lâm nói với một thanh niên mặc áo khoác đen, quần bò, đội mũ phớt (đứng ngay trong khu vực tổ công tác đang kiểm tra) rồi chỉ tay về phía những người trên xe và nói “thằng ni (thằng này) không liên quan, chú này”.
Ngay sau đó, thanh niên kia liền đuổi những người “không liên quan”. Mặc dù người bị đuổi có cho biết là chủ xe nhưng thanh niên kia vẫn to tiếng đuổi ra ngoài. Cùng với đó, vị kiểm lâm kia cũng phối hợp đuổi người xưng chủ xe ra ngoài…
Ông Thái cho biết “video này tôi chưa nắm được. Trong quá trình lên làm việc với đội số 2, ngoài làm việc, chúng tôi cũng có gọi riêng các đồng chí trong tổ công tác ra tâm sự riêng để nắm thêm thông tin thì các đồng chí đều cam kết, khẳng định: người xô xát với nhà xe không liên quan với lực lượng”.
“Theo quan điểm của cá nhân tôi, với đồng lương ít ỏi như của kiểm lâm, anh em không có chuyện như mọi người gọi là thuê người đến đánh dân. Thứ 2, ví dụ nếu có thì phải có động cơ, mục đích; ở đây không có động cơ, mục đích gì cả.
Ngoài ra, trong quá trình làm việc, anh em cũng tâm sự, sự việc diễn ra gần 2 tiếng đồng hồ nhưng video trên mạng chỉ dài 3 – 5 phút và hầu hết là những đoạn có lợi cho lái xe. Vì vậy, trong vụ việc này chúng ta cần có cái nhìn khách quan, toàn diện.
Chi cục xem đây như là vụ việc điểm, sẽ xử lý nghiêm minh để chấn chỉnh trong lực lượng. Nếu cần thiết sẽ đề nghị công an vào cuộc để người dân thấy khách quan”, ông Thái nói.
Như Báo Giao thông đã đưa tin, sáng 21/10, trên mạng xã hội xuất hiện video clip ghi lại cảnh một tổ kiểm lâm đi xe biển xanh BKS 37A – 1533 đang dừng kiểm tra 1 ô tô tải.
Trong lúc hai bên nói chuyện, một người mặc quần áo dân thường đứng giữa 2 cán bộ kiểm lâm nhảy vào tát người trên xe tải.
Thấy vậy, một người cũng ở trên xe tải liền lao vào xô xát với người mặc quần áo dân thường kia rồi lên xe đóng cửa và cho rằng cán bộ kiểm lâm gọi người tới đánh dân (!?).
Ngoài ra, còn có video to tiếng giữa cán bộ kiểm lâm với tài xế. Cán bộ kiểm lâm gọi tài xế là “đối tượng buôn lậu chuyên nghiệp… riêng chiếc xe này đã chở rất nhiều hàng lậu. Hôm nay, đối tượng này cố tình gây khó khăn cho đội kiểm tra”.
Nghe vậy, người trên xe tải đã không bằng lòng và cho rằng vị cán bộ kiểm lâm này “vu khống” mình khi gọi là “đối tượng buôn lậu”.
Sau đó, tổ công tác kiểm lâm có kiểm tra thùng xe, nhưng xe chỉ chở khoai, không có lâm sản trái phép, không vi phạm gì và được thả đi.
3 cán bộ công an đánh thiếu niên đi xe máy:Tước danh hiệu kịp thời, không dung túng
Ba chiến sĩ bị tước danh hiệu Công an nhân dân chưa chắc đã xong. Vì Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định về Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong khi thi hành công vụ tại Điều 137.
Chiều 30/9, Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết đã có quyết định kỷ luật đối với 5 cán bộ, chiến sĩ liên quan đến vụ bạo lực với 2 thiếu niên.
Hình ảnh về vụ việc 2 thiếu niên bị đánh (ảnh cắt từ clip).
Cụ thể hình thức kỷ luật là: Tước danh hiệu Công an nhân dân đối với 3 cán bộ gồm Đại úy Châu Minh Trung, Trung úy Nguyễn Quang Thái và Thượng úy Đoàn Tấn Phong. Ngoài ra, cơ quan công an cũng kỷ luật bằng hình thức cách chức Phó Đội trưởng đối với Đại úy Hứa Trường An, kỷ luật cảnh cáo Đại úy Trần Minh Đời.
Trao đổi với PV Infonet về vấn đề nêu trên, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng VPLS Tinh Thông Luật cho biết: "Việc Đảng ủy, Ban giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng đã họp và quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với 3 cán bộ là việc làm thể hiện không có sự bao che, dung túng và rất kịp thời.
Có thể nói trong mọi hoàn cảnh, người chiến sỹ công an phải luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích của nhân dân lên trên hết. Do đó, hành động của những người này dù trong một phút nóng giận, không làm chủ được bản thân, thiếu kiềm chế nhưng đã gây ra bức xúc trong dư luận xã hội".
Luật sư Diệp Năng Bình.
Luật sư Diệp Năng Bình, tùy vào kết quả giám định thương tích của 2 thiếu niên và các hành vi, cơ quan công an mới có thể xem xét xử lý các bước tiếp theo (nếu có).
Ngoài ra, luật sư Diệp Năng Bình cũng khuyến cáo: "Các bậc cha mẹ cũng không nên vì cưng chiều con mà giao xe có phân khối lớn cho các cháu khi chưa đến tuổi sử dụng. Việc làm này có thể vô tình làm hại đến người khác và cả chính bản thân các cháu. Các bậc cha mẹ cũng thường xuyên giáo dục các cháu phải tuân thủ các quy định pháp luật khi tham gia giao thông".
Trước đó, theo cơ quan công an, lúc 15h ngày 25/9, tổ tuần tra Đội cảnh sát giao thông - trật tự Công an thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) gồm 5 người: Đại úy Hứa Trường An, Phó Đội trưởng, Tổ trưởng; Đại úy Châu Minh Trung; Trung úy Nguyễn Quang Thái; Đại úy Trần Minh Đời; Thượng úy Đoàn Tấn Phong, làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp lễ Sene Dolta.
Khi đến quốc lộ Nam Sông Hậu (đoạn qua phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng), tổ tuần tra phát hiện một thiếu niên chạy xe máy chở theo một người khác đi ngược chiều, nghi chưa đủ tuổi điều khiển xe. Tổ tuần tra ra tín hiệu dừng xe nhưng người cầm lái không chấp hành mà tăng ga bỏ chạy.
Lúc này, 3 cảnh sát Thái, Trung, Phong đuổi theo và đã có hành vi bạo lực với 2 thiếu niên (bị camera giám sát của nhà kho ghi lại hình ảnh). Clip sau đó lan truyền mạnh trên mạng xã hội gây phẫn nộ.
Vụ công an đánh tới tấp thiếu niên chạy xe máy: Cần xử lý nghiêm Clip ghi hình cảnh công an đánh tới tấp hai thiếu niên chạy xe máy xảy ra tại thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đang lan truyền trên mạng gây bức xúc lớn cho dư luận, các chuyên gia cho rằng cần xử lý nghiêm để giữ uy tín cho ngành công an. Ảnh cắt từ clip. Sau vụ việc công an đánh...