“Vũ khí” mới của phát triển giáo dục Lào Cai
QĐND Online – Học sinh sẵn sàng tranh cử, mạnh dạn tự tin khi trao đổi với khách, có khả năng thuyết trình, diễn giải, có nhiều sáng kiến trong học tập… đây là những thành quả mà mô hình trường học mới (VNEN) đã đạt được tại các trường tiểu học ở Lào Cai. Sau 3 năm triển khai, VNEN thực sự đã trở thành “vũ khí” quan trọng trong phát triển giáo dục của Lào Cai.
Tiết học toán tại lớp 3B, Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân.
Những thay đổi đến khó tin
Dù có đặc thù khác nhau nhưng những trường tiểu học mà chúng tôi ghé thăm đều có một điểm chung, đó là sự tự tin, năng động và sáng tạo của học sinh trong học tập, cũng như trong các hoạt động thường ngày.
Cô Trần Thị Thùy Dung, hiệu trưởng Tiểu học Lê Ngọc Hân (TP Lào Cai) chia sẻ một câu chuyện “lạ”: Người “to” nhất trường không phải cô hiệu trưởng mà là học sinh Châu Giang, Chủ tịch Hội đồng tự quản (HĐTQ) trường.
Video đang HOT
Hóm hỉnh chia sẻ về việc thất bại trước một học sinh lớp 3, cô Dung cho biết: “Khi tranh cử chủ tịch HĐTQ trường, mỗi ứng viên đều có một bài diễn thuyết để kêu gọi sự ủng hộ cho mình. Một số học sinh sau khi bỏ phiếu còn phê bình cô hiệu trưởng nói thì rất hay nhưng dài quá và có từ khó hiểu, như từ tầm nhìn…”. Lần đầu tiên có hiệu trưởng “thua” học sinh nhưng lại nhận được sự đồng tình của giáo viên và phụ huynh học sinh.
Ngoài HĐTQ của lớp, học sinh trường Tiểu học Lê Ngọc Hân còn “kiến nghị” thành lập HĐTQ trường gồm cả giáo viên, phụ huynh, học sinh và hiệu trưởng, họp giao ban hằng tháng. Không chỉ vậy, các em còn thường xuyên đề xuất những hoạt động chung của lớp và của trường như: Lê Ngọc Hân Got Talent, liên hoan Tiếng hát cha mẹ học sinh…
Là trường tiểu học đầu tiên của Lào Cai có bể bơi, nhưng điều đáng chú ý là ý tưởng xây dựng bể bơi mini lại đến từ các em học sinh và đã nhận được sự chấp thuận của giáo viên, phụ huynh toàn trường.
Lý giải về những thay đổi này, cô Trần Thị Thùy Dung cho biêt: “Chúng tôi luôn hướng tới học sinh và đặt chất lượng giáo dục học sinh lên hàng đầu. Các con được thỏa sức sáng tạo và học tập. Nhà trường cũng đảm bảo sự tương tác đa chiều với phụ huynh, cộng đồng và chính quyền địa phương, đặc biệt thực hiện dân chủ đến từng học sinh nhằm xây dựng môi trường giáo dục toàn diện”.
Cũng với cách làm ấy, nhưng với đặc thù một xã thuần nông, trường tiểu học Tả Phìn (huyện Sa Pa) lại có những “chiêu” thực hiện khá sáng tạo. Mô hình VNEN được áp dụng thông qua việc đưa các nội dung dạy kỹ năng sống, kiến thức thực hành, thực tế phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, thay vì đưa các nội dung về cây trồng, chăn nuôi, nhà trường đã phát huy lợi thế du lịch và truyền thống văn hóa địa phương vào giảng dạy. Nhà trường mời các nghệ nhân trong vùng đến giảng dạy, trình diễn cho học sinh kiến thức về thuốc gia truyền, nghề thổ cẩm, làm khèn, sáo… Trường còn phối hợp phụ huynh đưa học sinh đi trải nghiệm thực tế lấy lá, chế biến thuốc; thực hành dệt tại các gia đình nghệ nhân.
Các em học sinh trong buổi tập thể dục tại trường Tiểu học Tả Phìn (Sa Pa)
Chị Chảo Sử Mẩy, một phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Tả Phìn vui mừng cho biết: “Cháu nhà tôi đã mạnh dạn, tự tin, năng động hơn rất nhiều so với trước đây. Mặc dù việc lấy lá thuốc hay thực hành dệt cũng giống như những việc bố mẹ thường làm ở nhà nhưng khi có giờ học kỹ năng sống, được các thầy cô hướng dẫn chi tiết các thao tác, các cháu lại thấy hứng thú với công việc”.
Bí quyết của vùng cao
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ Lào Cai đạt được thành công khi triển khai mô hình trường học VNEN xuất phát từ việc đổi mới trong công tác quản lý cũng như trong việc bồi dưỡng đội ngũ. Chị Trần Thị Minh Thu, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Lào Cai khẳng định: “Ngoài quản lý nhà nước theo quy định, mỗi lãnh đạo, chuyên viên của Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT đều giữ vai trò là nòng cốt chuyên môn. Luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ Phòng GD-ĐT, các nhà trường khi cần thiết”.
Bên cạnh đó, tổ chức hội thảo, chuyên đề như: Biên soạn tài liệu theo mô hình VNEN; dạy học theo mô hình VNEN…, áp dụng linh hoạt các phương pháp vào giảng dạy, chú trọng dạy đến từng đối tượng học sinh trong hoạt động nhóm… cũng thường xuyên được tổ chức. Trong thời gian tham gia hội thảo, tất cả các học viên phải tham gia trao đổi, thảo luận, chia sẻ đóng góp ý kiến, đảm bảo sau khi kết thúc hội thảo mỗi giáo viên phải nắm chắc mục tiêu, phương pháp dạy và học theo mô hình VNEN áp dụng tốt tại lớp mình, trường mình.
Song hành với đó là bồi dưỡng tập trung 100% hiệu trưởng trường tiểu học là nòng cốt chuyên môn được bồi dưỡng về các chuyên đề lập kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, cách xây dựng mô hình giáo dục tổng hợp, đổi mới sinh hoạt chuyên môn trường tiểu học, phương pháp dạy học theo mô hình VNEN, bồi dưỡng thông qua đội ngũ cốt cán, thông qua sinh hoạt chuyên môn.
Bày tỏ quan điểm của mình, cô Bùi Kim Chi, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (TP Lào Cai) cho biết: “Đối với trường học VNEN, hiệu trưởng có vai trò rất quan trọng. Nếu hiệu trưởng có quyết tâm và thực sự tâm huyết thì sẽ truyền được sự say mê cho giáo viên và giáo viên sẽ truyền cảm hứng sang học sinh, phụ huynh”.
Bên cạnh đó, hiệu trưởng phải là “người giáo viên số 1″ trực tiếp tham gia giảng dạy, hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn cho giáo viên đi theo đúng định hướng của mô hình trường học VNEN.
Điều đặc biệt, mỗi trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Lào Cai mạnh dạn xây dựng một mô hình giáo dục gắn với địa phương. Mỗi mô hình có một ý tưởng riêng, sáng tạo, độc đáo phát huy hết thế mạnh từng lớp, từng trường, từng địa phương. Chú trọng phát huy vai trò, đề cao tư tưởng, ý tưởng của học sinh, của cộng đồng cùng tham gia xây dựng kế hoạch, hợp tác cùng thực hiện tốt như: mô hình Trường học Nông trại tại trường Tiểu học Bản Xen, mô hình Trường học Sinh thái tại trường Tiểu học Lùng Vai (huyện Mường Khương), Trường học Du lịch tại trường Tiểu học Tả Phìn huyện Sa Pa…
Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam (Dự án GPE-VNEN, Global Partnership for Education – Viet Nam Escuela Nueva) là một Dự án về sư phạm nhằm xây dựng và nhân rộng một kiểu mô hình nhà trường tiên tiến, hiện đại, phù hợp với mục tiêu phát triển và đặc điểm của giáo dục Việt Nam. Mô hình trường học mới khởi nguồn từ Côlômbia từ những năm 1995-2000 để dạy học trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn, theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm. Mô hình này vừa kế thừa những mặt tích cực của mô hình trường học truyền thống, vừa có sự đổi mới căn bản về mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình, tài liệu học tập, phương pháp dạy – học, cách đánh giá, cách tổ chức quản lí lớp học, cơ sở vật chất phục vụ cho dạy – học… Năm học 2011-2012, tỉnh Lào Cai đăng ký triển khai thí điểm Mô hình trường học mới (VNEN) tại 2 huyện Sa Pa, Bát Xát với 4 trường/8 lớp/171 học sinh. Năm học 2012-2013: 81 trường tại 9 huyện, thành phố/533 lớp 9.686 học sinh. Năm học 2013-2014: 102 trường (21 trường nhân rộng)/1.026 lớp/17.399 học sinh. Năm học 2014-2015: 117 trường (36 trường nhân rộng)/1.731 lớp/31.446 học sinh.
Theo QĐND