Vụ học sinh trường Gateway tử vong: Chưa có quy định cụ thể việc đưa đón học sinh bằng xe bus trường học?
“Khoán” việc vận chuyển, đưa đón học sinh cho công ty cung cấp dịch vụ, trường Gateway đã quá chủ quan trong quy trình đưa đón học sinh của trường, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến vụ việc đau lòng xảy ra.
Thông tin tại buổi họp báo trưa ngày 07/8 về vụ việc học sinh lớp 1 trường Gateway, quận Cầu Giấy, Hà Nội bị bỏ quên trên xe bus đưa đón học sinh của trường khiến cháu bé tử vong, Trưởng phòng GDĐT quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh cho biết, “Trong văn bản chỉ đạo hàng năm về công tác an toàn trường học luôn chú trọng đến công tác giao nhận học sinh thế nào. Sự việc này xảy ra do lỗi lầm của người lớn. Trong vụ việc này, chắc chắn có trách nhiệm của cô giáo đưa đón các cháu, chúng tôi đang yêu cầu rà soát lại hợp đồng của nhà trường với đơn vị cung cấp dịch vụ.”
Ông Ngọc Anh cũng cho biết, xe vận chuyển phải có đăng ký lưu hành, phải là xe vận chuyển hành khách. “Riêng đối với việc vận chuyển đối tượng học sinh thì chưa có văn bản quy chuẩn quy định cụ thể riêng cho phần này”, ông Phạm Ngọc Anh khẳng định.
Thực hiện chỉ đạo, Phòng GDĐT cũng đã có văn bản yêu cầu các trường rà soát các loại xe vận chuyển. Trong đó cũng yêu cầu xe phải đảm bảo điều kiện lưu hành cũng như đảm bảo quy định của các cơ quan quản lý đường bộ, các cơ quan chuyên môn. Trong đó nhấn mạnh, quy trình vẫn là đảm bảo đưa đón học sinh có sự bàn giao giữa giáo viên chủ nhiệm với phụ huynh học sinh.
Như vậy, Phòng GDĐT khẳng định là luôn quan tâm tới “công tác an toàn trường học luôn chú trọng đến công tác giao nhận học sinh thế nào”.
Tuy nhiên, sự việc xảy ra cho thấy quy định việc đưa đón học sinh bằng xe bus trong các trường học hiện nay tương đối lỏng lẻo, mỗi trường sẽ tự tổ chức đưa đón học sinh theo cách riêng chứ chưa có quy định cụ thể nào.
Nguy hiểm hơn khi Sở GTVT Hà Nội cung cấp thông tin chiếc xe đưa đón học sinh của trường quốc tế Gateway trong vụ việc cháu bé 6 tuổi tử vong chưa được cấp phù hiệu chở khách hợp đồng theo quy định.
Ảnh một chiếc xe bus vận chuyển học sinh của trường Gateway
Cũng theo Sở GTVT Hà Nội, hiện tại số lượng xe đưa đón học sinh trên địa bàn TP Hà Nội rất nhiều. Theo số liệu thống kê được Sở GDĐT gửi sang Sở GTVT Hà Nội, năm học 2019-2020, trên địa bàn Hà Nội có 17 trường có xe đưa đón học sinh, với tổng số xe đưa đón là 629 xe. Trong đó, loại xe 16 chỗ chiếm số lượng lớn nhất với 345 xe. Đáng chú ý, trong danh sách 17 trường đã nêu không có trường Gateway.
Liên quan đến vụ việc đặc biệt nghiêm trọng này, ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ GDĐT) cho biết, dịch vụ đưa đón học sinh diễn ra khá phổ biến tại các tỉnh, không chỉ ở thành phố mà tại các tỉnh, nhiều phụ huynh cũng tham gia vì điều kiện đường xa, không có nhân lực đưa đón. Tuy nhiên, việc này cũng tồn tại nhiều bất cập như: chất lượng xe không đảm bảo; ý thức lái xe không cao; hiểu biết pháp luật giao thông, các biện pháp bảo đảm an toàn không có hoặc thiếu…
Theo ông Linh, tới đây, Bộ sẽ phối hợp với Ủy ban an toàn giao thông quốc gia nghiên cứu hướng dẫn, quy định cụ thể hơn các tiêu chí đối với dịch vụ này theo hướng đảm bảo các tiêu chuẩn cụ thể, trách nhiệm các bên liên quan; các chỉ báo dán mác/ màu xe… để dịch vụ này được đảm bảo chất lượng và an toàn tuyệt đối cho học sinh.
Theo tìm hiểu trên thế giới cũng từng xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm do bị ‘quên’ hoặc ‘nhốt’ trong xe, mà hậu quả là trẻ bị ngất xỉu, thậm chí bị hôn mê sâu dẫn đến tử vong vì ngạt khí. Chính vì vậy, nhiều nước quy định rất chặt chẽ đối với việc vận chuyển hành khách là học sinh, đặc biệt là những quy định đối với lái xe.
Video đang HOT
Chẳng hạn, ở Mỹ, để được cấp chứng nhận lái xe bus trường học, các lái xe bắt buộc phải có giấy chứng nhận lái xe thương mại CDL hạng D. Ngoài ra, các tài xế cũng phải vượt qua các yêu cầu cấp phép ngặt nghèo của liên bang và tiểu bang tại Mỹ.
Riêng Bang California đã ban hành đạo luật 1072, cũng có tên là luật an toàn xe bus trường học Paul Lee, vào năm 2016 để ngăn chặn tai nạn tử vong trên xe bus trường học. Theo quy định của đạo luật này, trong xe phải có nút báo ở cuối xe, khi đưa đón học sinh, lái xe phải xuống cuối xe kiểm tra và ấn vào nút này để chắc chắn không còn học sinh nào ở trên xe.
Còn tại Seoul, Hàn Quốc, trên các xe đưa đón học sinh tiểu học được lắp đặt thiết bị kiểm tra trẻ ngủ quên, các lái xe sẽ phải kiểm tra toàn bộ xe trước khi đưa xe về bến để đảm bảo không học sinh nào bị sót lại trên xe.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc tại trường Gateway, Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia đã có văn bản về triển khai các nhiệm vụ cấp bách bảo đảm an toàn giao thông đối với xe ô tô đưa đón học sinh.
Theo chỉ đạo của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, để ngăn ngừa những vụ việc tương tự có thể xảy ra, đảm bảo an toàn cho học sinh khi đi học bằng dịch vụ đưa đón bằng xe ô tô do nhà trường tổ chức, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục (từ bậc mầm non đến trung học phổ thông) các tỉnh, thành phố trong cả nước có tổ chức đưa đón học sinh đến trường bằng xe ô tô phải lựa chọn các đơn vị kinh doanh vận tải có đủ điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định pháp luật; ghi rõ trong hợp đồng vận chuyển giữa cơ sở giáo dục và đơn vị kinh doanh vận tải những yêu cầu, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan về an toàn giao thông, bảo vệ sức khỏe cho học sinh khi ngồi trên xe và khi lên, xuống xe tô tô; trên xe phải có người chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra danh sách học sinh, duy trì trật tự, vệ sinh và hướng dẫn, nhắc nhở học sinh thực hiện các quy định và kỹ năng an toàn khi ngồi trên xe và khi lên, xuống xe ô tô.
Cùng đó, Bộ GDĐT chỉ đạo lực lượng chức năng ngành giáo dục phối hợp với lực lượng chức năng ngành giao thông vận tải và cơ quan chức năng địa phương thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật và hợp đồng vận chuyển đối với các cơ sở giáo dục và đơn vị kinh doanh vận tải tổ chức đưa đón học sinh bằng xe ô tô.
Bộ Giao thông vận tải rà soát, bổ sung các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông và sức khỏe cho hành khách là trẻ em trên các phương tiện vân tải; nghiên cứu, bổ sung các quy định pháp luật và hướng dẫn cụ thể đối với loại hình vận tải hành khách theo hợp đồng để đưa đón học sinh từ bậc mầm non đến trung học cơ sở.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Giáo dục và đào tạo tổ chức kiểm tra, rà soát các trường học sử dụng xe ô tô hợp đồng đưa đón học sinh; yêu cầu các cơ sở giáo dục và đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện đầy đủ quy định về an toàn giao thông đối với phương tiện, người lái; phối hợp với Sở Giao thông vận tải kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về an toàn giao thông đối với các đơn vị vận tải có hợp đồng đưa đón học sinh; chấm dứt hợp đồng và xử lý nghiêm các lái xe, chủ xe không tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn giao thông và trách nhiệm đã được xác định trong hợp đồng đưa đón học sinh bằng xe ô tô.
Khánh Vân
Theo toquoc
Học sinh tử vong vì bị bỏ quên trên xe: Yêu thương sẽ có trách nhiệm
Sự việc đau lòng xảy ra ở trường quốc tế Gateway và dòng thông báo về sự việc của nhà trường, khiến dư luận rùng mình về sự vô cảm của môi trường giáo dục nơi đây...
1. Tôi có 2 con nhỏ đang tuổi đi học. Ngày con vào lớp 1, điều tôi quan tâm nhất không phải là con học trường điểm hay lớp chọn mà là con học với cô giáo yêu thương học trò như thế nào. Cuối cùng tôi đã quyết định cho con học vào một lớp bình thường nhưng nghe nhiều thế hệ phụ huynh nói rằng cô rất quan tâm học trò.
Ngày bé, con gái tôi bản tính vốn hiền lành, nhút nhát. Con cũng muốn tham gia một số hoạt động ở lớp nhưng không dám đề đạt hay thể hiện, nên nếu học với một cô giáo ít quan tâm, sáo sát đến từng học sinh thì với một đứa trẻ như con gái tôi, chắc chắn sẽ khó có cơ hội được thể hiện mong muốn của mình.
Đúng như mong muốn của tôi, con tôi được học với cô giáo khá quan tâm đế từng học sinh, không riêng em nào. Chẳng hạn, khi lớp chuẩn bị có tiết mục văn nghệ chào mừng ngày 20/11, gần như lớp nào cũng chỉ chọn mươi bạn sôi nổi, biết nhảy múa và biết hát tham gia đội văn nghệ.
Nhưng ở lớp con gái tôi, cô giáo "bắt" cả lớp cùng tham gia. Ai hát tốt hơn thì hát chính, ai biết múa thì múa phụ họa, còn những bạn không biết hát hoặc rụt rè như con tôi thì đứng làm nhóm bè, thậm chí có nhóm không bè được thì chỉ cần nhiệm vụ đứng cho đẹp đội hình.
Chỉ những hành động nho nhỏ ấy đã khiến cho tất cả học sinh trong lớp, không bạn nào là không thấy mình quan trọng, các con phấn khởi và hào hứng. Riêng với con gái tôi, từ một đứa trẻ rụt rè, qua những lần tham gia văn nghệ và các hoạt động của lớp, đã khiến con trở nên tự tin, năng nổ hơn hẳn.
Có lần con bị ốm, chỉ nghỉ học 2-3 hôm, nhưng tối nào cô cũng gọi điện hỏi han. Một hôm vào buổi chiều tối, cô giáo chủ nhiệm xuất hiện trước cửa làm cả nhà tôi rất cảm động, riêng con gái tôi thì đến tận khi cô ra về, con vẫn rưng rưng.
Khi con đi học trở lại, cô sẵn sàng ở lại muộn sau giờ học để kèm thêm kiến thức cho những cháu nghỉ học như con tôi và những cháu không theo kịp bài trên lớp, mà không nhận bất cứ một sự "cảm ơn" nào của phụ huynh.
Những tình cảm ấy của cô giáo đã trở thành những kỷ niệm vô cùng đẹp đẽ, không chỉ đối với con gái tôi, mà với những học sinh và phụ huynh có con được học cô. Đến tận bây giờ, sau rất nhiều năm xa cô, con gái tôi vẫn rưng rưng mỗi khi nhớ về.
Và quan trọng hơn là chính sự yêu thương của cô đã biến con gái tôi từ một cô bé nhút nhát thành một đứa trẻ tự tin, có chính kiến và dám thử thách những việc có thể vượt quá khả năng của nó.
2. Trong ngày hôm qua, không chỉ người dân Hà Nội và người dân cả nước rụng rời trước thông tin cháu bé là học sinh lớp 1 Trường phổ thông chất lượng cao quốc tế Gateway ở Cầu Giấy, Hà Nội đã tử vong trên ô tô đưa đón học sinh của trường. Nguyên nhân được cho là em bị bỏ quên.
Trường phổ thông chất lượng cao quốc tế Gateway ở Cầu Giấy, Hà Nội
Cụ thể, theo phản ánh của gia đình, sáng 6/8, gia đình đã đưa cháu bé ra ô tô của trường để đi học. Đến 16h45 cùng ngày, cô giáo phụ trách đón cháu bé gọi điện thông báo tình trạng cháu bé tử vong.
Theo thông tin trong biên bản làm việc với công an, trong buổi sáng, giáo viên chủ nhiệm thấy học sinh vắng mặt khi điểm danh và đã báo tới hệ thống quản trị của nhà trường.
Thông tin này không khỏi làm dư luận bức xúc, phẫn nộ. Vì sao sự việc được báo tới quản trị nhà trường nhưng buổi chiều phụ huynh với nhận được thông tin?
Vì sao những thông tin liên quan đến tính mạng một CON NGƯỜI mà người ta lại tắc trách, cẩu thả đến như vậy?
Vậy trong suốt thời gian từ sáng lúc nhận được thông tin học sinh vắng mặt đến buổi chiều, nhà trường không mảy may tìm hiểu xem học sinh đó vì sao vắng mặt, chỉ đến khi xảy ra hậu quả đau lòng mới thông báo cho phụ huynh?
Và các cách đưa thông báo của nhà trường cũng khiến mọi người lạnh người vì sự vô cảm và lạnh lùng, của đội ngũ những người làm nhiệm vụ trồng người ở một ngôi trường luôn được quảng cáo là đặt lên trên hết đạo đức nghề giáo và chất lượng. Những dòng thông báo vô cảm "Thông báo về sự việc ngày 6/8/2019" kèm theo nhận định sự việc trên là "sự việc đáng tiếc" lại càng làm dư luận không thể không trào dâng phẫn nộ.
Một mạng người mà chỉ là "sự việc đáng tiếc" thôi sao? Cũng có lẽ vì quan điểm giáo dục vô cảm, lạnh lùng như vậy nên chuyện mới xảy ra việc giáo viên không kiểm đếm hoặc kiểm đếm cẩu thả đã bỏ quên cháu bé trên xe dẫn đến việc cháu bị tử vong? Hoặc có chuyện đã thông báo học sinh vắng mặt nhưng nhà trường không có hành động tìm hiểu, kiểm tra lại với gia đình xem vì sao cháu bé vắng mặt?
3. Hai câu chuyện trên ở hai thái cực hoàn toàn khác nhau nhưng đều cho thấy, trong môi trường mô phạm, điều cần hơn tất cả là tình yêu thương. Điều đó, thực tế ai cũng biết và ai cũng hiểu, bởi chỉ có tình yêu thương mới đem lại hiệu quả trong giáo dục. Một đứa trẻ từ bé nó đã được sống trong môi trường có tình yêu thương từ gia đình, nhà trường, chắc chắn nó sẽ trưởng thành.
Và sự việc đau lòng xảy ra ở trường quốc tế Gateway, đang phản ánh rõ thực tế này. Nguyên nhân sâu xa về cái chết đau lòng của cháu bé phải chăng bắt nguồn từ sự lạnh lùng và vô cảm của những người làm nghề trồng người ở trường quốc tế Gateway.
Bản tường trình nêu rõ: "Buổi sáng, giáo viên chủ nhiệm thấy học sinh vắng mặt khi điểm danh và đã báo tới hệ thống quản trị của nhà trường".
Nếu có tình yêu thương, người ta đã kiểm đếm rất kỹ, thấy thiếu học sinh người ta sẽ quay lại xe kiểm tra hoặc sẽ lục tung Hà Nội để tìm hiểu vì sao cháu bé vắng mặt.
Nếu có tình yêu thương thì khi nhận được thông báo về hệ thống từ buổi sáng, thì ngay lập tức thông tin về cháu bé phải được kiểm tra từ nhiều phía, trong đó có gia đình, không phải để đến chiều phụ huynh hỏi con thì mới tá hỏa nhận được tin con đã tử vong trên xe.
Nếu có tình yêu thương thì khi sự việc xảy ra, người ta không thể thông báo những dòng vô cảm, lạnh lùng như vậy và coi sự việc chỉ là "đáng tiếc"?./.
Theo Minh Hòa/VOV.VN
Những lỗ hổng trong quy trình đưa đón học sinh Vụ bé 6 tuổi tử vong tại trường quốc tế Gateway tử vong do bị bỏ quên trên ô tô là hồi chuông cảnh báo về việc cần siết lại qui trình đưa đón học sinh nhằm đảm bảo an toàn cho các con. Quy trình đưa đón học sinh ra sao? Thông thường tại một trường có tổ chức đưa đón học...