Vụ học sinh lớp 1 tử vong: Trường Gateway gắn thêm chữ “Quốc tế” có bị phạt?
Trong buổi họp báo vụ học sinh bị bỏ quên trên xe trường Gateway tử vong, Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho biết, trên địa bàn quận không có trường nào gọi là trường “quốc tế”. Vậy nhà trường thêm chữ “quốc tế” có bị xử phạt?
Tại buổi họp báo ngày 7/8, thông tin về vụ học sinh bị bỏ quên trên xe trường Gateway tử vong, Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh khẳng định, trên địa bàn quận không có trường nào gọi là trường “quốc tế”.
Cũng trong buổi họp báo, ông Ngọc Anh nhấn mạnh tên “ trường tiểu học quốc tế Gateway” là cách mà trường tự đặt để thu hút thêm học sinh. Vậy nhà trường đặt tên như thế có đúng hay không? liệu có bị xử phạt? Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với TS. luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
Theo đó, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, hiện nay do pháp luật Việt Nam chưa có quy định thế nào là trường quốc tế nên rất khó để xử lý các trường vi phạm về hành vi lừa dối khách hàng mà chỉ có thể xử phạt hành chính theo quy định nghị định 158/2013, mức phạt từ 10-15 triệu đồng.
Nếu pháp luật đã có quy định rõ ràng thế nào là trường quốc tế, thế nào là trường tư thục mà các trường vẫn gian dối, giả mạo để tăng mức học phí thì khi đó có thể xử lý hình sự về hành vi lừa dối khách hàng. Hiện tại, chưa có quy định về trường quốc tế nên chưa thể xử lý hình sự với các trường vi phạm, chỉ có thể xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trưng biển hiệu không đúng quy định như sau:
Theo quy định của Điều 5 Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ngày 30/12/2010 của Bộ giáo dục và đào tạo ban hành điều lệ trường tiểu học thì Tên trường được quy định như sau: Trường tiểu học và tên riêng của trường.
Video đang HOT
Cũng theo Điều 5 Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, việc đặt tên trường được quy định như sau: Trường trung học cơ sở (hoặc: trung học phổ thông; tiểu học và trung học cơ sở; trung học cơ sở và trung học phổ thông; tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông; trung học phổ thông chuyên) tên riêng của trường.
TS. luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
Đối với Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài thì theo Điều 29 Nghị định số: 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục có quy định về cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, việc đặt tên được quy định như sau:
Đối với trường, tên phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trường”, “Cấp học hoặc trình độ đào tạo” và tên riêng; Tên riêng của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không được đặt trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của cơ sở giáo dục đã đăng ký, với tên của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư; không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
Như vậy, pháp luật không có quy định về việc đặt tên “quốc tế” mà các trường đặt theo tên nước ngoài tự nhận là trường “quốc tế” chỉ nhằm mục đích để thu hút người học vì có thể trong chương trình dạy của họ có một số giáo viên nước ngoài và chương trình dạy có một phần dạy theo chương trình của nước ngoài. Cách đặt tên này không sai vì không vi phạm thuần phong mỹ tục.
Khái niệm trường quốc tế ở Việt Nam chưa định nghĩa được vì chưa có văn bản nào quy định thế nào là trường quốc tế. Hiện nay nếu đặt tên không đúng quy định thì chỉ có thể xử phạt từ 10 đến 15 triệu đồng theo quy định tại khoản 2, Điều 66 Nghị định 158/2013.
Theo kienthuc
Bài học kinh nghiệm đắt giá !
Sự cố đau lòng hy hữu liên quan đến việc một HS lớp 1 Trường Gateway (Hà Nội) bị bỏ quên trên xe đưa đón dẫn đến tử vong khiến dư luận bàng hoàng, bức xúc trong những ngày qua.
Dẫu bao biện đến đâu đi chăng nữa thì nguyên nhân sâu xa dẫn đến cái chết thương tâm của cháu bé chính là từ sự tắc trách, cẩu thả, thiếu sâu sát, thiếu ý thức trách nhiệm trong công việc.
Trẻ em như búp trên cành, cần được đặc biệt quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ chu đáo. (ảnh có tính chất minh họa). Ảnh: P.T
Trên hết vẫn là ý thức trách nhiệm...
Sự cố đau lòng hi hữu trên không chỉ là lời cảnh tỉnh, là bài học kinh nghiệm hết sức đau đớn, đắt giá dành riêng cho ngành GD-ĐT Hà Nội mà còn là bài học kinh nghiệm chung của ngành GD-ĐT cả nước.
Tại Đà Nẵng, qua trao đổi lãnh đạo Sở GD-ĐT TP, được biết, công tác kiểm tra, chỉ đạo các trường học có tổ chức dịch vụ đưa đón HS phải bảo đảm tuyệt đối an toàn trong suốt quá trình đưa đón là một trong những nội dung, đầu việc được ngành quan tâm, quán triệt hàng năm vào đầu năm học mới. Tuy nhiên, từ sự cố đau lòng hy hữu xảy ra ở Hà Nội, ngành GD-ĐT TP xem đây là bài học kinh nghiệm để không chủ quan, khinh suất trong quá trình quản lý, chỉ đạo. Theo đó, ngành đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ thuộc Sở, Phòng GD-ĐT các quận tiến hành rà soát lại các trường có tổ chức dịch vụ xe đưa đón HS để tiếp tục có sự chỉ đạo quyết liệt hơn trong vấn đề này. Cũng trong quá trình chỉ đạo, điều được ngành GD-ĐT TP quan tâm, nhấn mạnh chính là ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, từ lãnh đạo đến giáo viên, nhân viên phục vụ trong các trường học; xây dựng quy trình chặt chẽ, kiểm tra sâu sát trong từng khâu...
Với tư cách là người quản lý một trường học có tổ chức xe đưa đón HS, bà Lê Thị Nga- Hiệu trưởng Trường tư thục liên cấp Đức Trí (Q.Hải Châu)- cho biết, khi đọc được thông tin này trên mạng, bà vô cùng bàng hoàng. Là người quản lý một trường liên cấp với rất nhiều đầu việc nên bà rất thấu hiểu áp lực của đội ngũ quản sinh, tài xế trong công tác quản lý khi đưa đón HS là rất lớn. Theo bà Nga, bất kỳ trường học nào cũng có quy trình, quy chế để điều hành các hoạt động công việc của nhà trường. Tuy nhiên, dẫu quy trình, quy chế có chặt chẽ đến đâu thì con người vẫn là yếu tố quyết định tất cả. "Ý thức trách nhiệm, sự sâu sát, kỹ càng của mỗi cá nhân trong công việc của mình; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc trong công việc vẫn là yếu tố cần được đặt lên hàng đầu. Đầu việc của mỗi trường học rất nhiều, đòi hỏi người quản lý phải lường trước các tình huống có thể xảy ra"- bà Lê Thị Nga chia sẻ.
Chú tâm đến công tác đưa đón HS
Là một trường tư thục có tổ chức xe đưa đón HS, Hiệu trưởng Trường tư thục Đức Trí cho biết, nhà trường không hợp đồng xe tư nhân hay các đơn vị vận tải mà từ phương tiện đến nhân viên lái xe đều của nhà trường để dễ kiểm soát, quản lý. Hiện trường Đức Trí có 5 xe 16 chỗ ngồi, mỗi ngày đưa đón khoảng 80 HS từ bậc học MN đến THCS. Trên mỗi xe đưa đón HS đều có một cô quản sinh phụ trách. Các cô có nhiệm vụ theo dõi, điểm danh, kiểm tra số lượng HS từ nhà đến trường, từ trường về nhà theo đúng danh sách. Thời gian đón, đưa HS được quy định rõ ràng để phụ huynh chủ động. Khi xe tới gần nhà mỗi HS, quản sinh sẽ điện báo để người nhà ra đón các em. "Liên quan đến các cháu nhỏ nên trong xây dựng quy trình phải được làm chặt chẽ. Dù vậy, theo tôi, bất cứ việc gì cũng không được chủ quan, khinh suất. Bởi quản lý trẻ con rất khó", bà Lê Thị Nga chia sẻ thêm.
Cũng là cơ sở giáo dục có tổ chức đưa đón HS với 300 em từ bậc học mầm non đến THPT với 18 xe đưa đón, Hệ thống Giáo dục chất lượng cao Sky-Line luôn quan tâm đến việc tập huấn cho đội ngũ quản sinh có nhiệm vụ đưa đón HS. Trao đổi với bà Phạm Thị Khánh- phụ trách công tác truyền thông Hệ thống giáo dục chất lượng cao Sky-Line- được biết, quy trình đưa đón HS được trường xây dựng rất chặt chẽ từ việc phân công trách nhiệm, quy trình đưa đón, điểm danh HS hàng ngày từ trên xe cho đến khi vào cổng trường, vào lớp học. Điều đáng nói hơn, Sky-Line đã áp dụng công nghệ trong quản lý HS. Cụ thể, mỗi giáo viên, nhân viên và HS đều được cấp code và thẻ để điểm danh ra, vào trường. Theo đó, khi HS quẹt thẻ, phụ huynh sẽ nhận được tin nhắn của hệ thống thông báo con họ đã lên/xuống xe. Các quản sinh đưa đón HS thì sử dụng phần mềm trên điện thoại để kết nối với hệ thống dữ liệu cập nhật tình hình nhận và trả trẻ. Trường hợp trẻ quên thẻ, các cô quản sinh sẽ tích vào phần mềm thông báo HS đó quên thẻ và được cập nhật lên hệ thống để bảo vệ bộ phận tư vấn nhằm cập nhật thông tin cho phụ huynh biết. Khi xe đến trường, các trường hợp này cũng được bảo vệ lập danh sách báo ngay cho bộ phận tư vấn. Bà Khánh cho biết thêm, hiện Sky-Line đang đặt mua máy tính bảng cho nhân viên bảo vệ để họ thực hiện các thao tác báo cáo này cho bộ phận tư vấn. "Theo tôi, trong quản lý đưa đón HS nói riêng, quản lý HS nói chung thì quy trình và ý thức trách nhiệm của từng bộ phận đều vô cùng quan trọng!"- bà Phạm Thị Khánh bày tỏ quan điểm.
Không riêng gì giáo dục mà trong bất kỳ lĩnh vực nào, sự chủ động phòng ngừa, không chủ quan, khinh suất đều không thừa. Theo đó, công tác tuyên truyền, nâng cao hơn nữa tinh thần, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong từng công việc, sự sâu sát trong kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở luôn cần được đẩy mạnh. Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng". Lúc đó thì đã quá muộn!
P.THỦY
Theo congandanang
Học sinh bị bỏ quên trên xe tử vong: Gateway mời chuyên gia thảo luận về cái chết, có nên? Đề nghị không thực hiện các hoạt động tưởng niệm học sinh bị bỏ quên trên xe tử vong trước cổng trường bởi hoạt động này có thể gây ra những ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng và lâu dài cho các em học sinh còn rất nhỏ tuổi. Tuy nhiên, Gateway lại mời chuyên gia tâm lý đến hỗ trợ nói về...