Vụ học sinh gãy chân trong sân trường: Đâu là sự thật?
Một số giáo viên trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) phản ánh việc bà hiệu trưởng viết “Báo cáo sự việc cần xem xét” gửi báo chí nhân danh tập thể nhà trường là không đúng.
Ngày 17/2, báo Tiền Phong nhận được “Thư bày tỏ” có chữ ký của 18 giáo viên trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội), trong đó cho rằng thông tin từ vị hiệu trưởng trường này tới các cơ quan chức năng và báo chí là không đúng sự thật. Trước đó, bà hiệu trưởng khẳng định với báo chí mình bị oan. Vậy đâu là sự thật?
Trong “Thư bày tỏ”, các giáo viên đồng thuận khẳng định việc phát phiếu khảo sát được hiệu phó Nguyễn Thị Hương nói nhằm phục vụ báo cáo về an toàn trường học và thanh tra của sở, chứ họ không hề biết gì đến vụ tai nạn cả.
Các giáo viên cũng phản ánh việc bà hiệu trưởng viết bản “Báo cáo sự việc cần xem xét” gửi cơ quan báo chí nhân danh tập thể cán bộ giáo viên nhà trường là không đúng, bởi sự thực chỉ có 3 người ký vào tài liệu đó, gồm hiệu trưởng, hiệu phó và chủ tịch công đoàn trường. Các giáo viên đều khẳng định họ không hề biết đến nội dung trong bản báo cáo.
Cô Trần Thị Thu Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp 2 A4, cô Nguyễn Thị Thanh Tú giáo viên lớp 5 và cô Vũ Thị Mừng, giáo viên lớp 3 tại buổi gặp gỡ với PV. Ảnh: Tiền Phong.
Cô Nguyễn Thị Thanh Tú, giáo viên dạy lớp 5, trường Tiểu học Nam Trung Yên chia sẻ điều khiến cô đau lòng nhất là sau vụ việc, dư luận cho rằng tập thể giáo viên trường bao che cho hiệu trưởng nên mới làm nhiều việc như ký đơn tập thể xin giữ cô hiệu trưởng ở lại, điền phiếu điều tra để che giấu sự thật mà trên thực tế sự việc không phải như vậy.
Một giáo viên là Đảng viên của trường kể lại sự việc mới đây, cô được lãnh đạo trường yêu cầu viết tâm thư để gửi cấp trên đề nghị giữ lại hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc, nhằm kêu oan cho bà Ngọc.
“Những việc làm này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý giáo viên, phụ huynh và học sinh, chất lượng dạy học, vì thế rất mong cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm để ổn định tâm lý cho giáo viên, phụ huynh, học sinh và trả lại sự bình yên cho ngôi trường”, trích thư bày tỏ của 18 giáo viên trường tiểu học Nam Trung Yên.
‘Tôi không thể im lặng mãi’
Ngày 17/2, trao đổi với PV, cô Trần Thị Thu Nhung giáo viên chủ nhiệm lớp 2 A4, nơi học sinh Trần Chí Kiên theo học cho biết: Việc hiệu trưởng cung cấp thông tin cho báo chí rằng cô Nhung tiếp nhận mong muốn của phụ huynh để làm khảo sát toàn trường là sai sự thật, bởi bản thân cô không tư vấn cho ban giám hiệu việc này và phụ huynh cũng không đề nghị.
Cô Nhung cũng khẳng định kết quả khảo sát 100% giáo viên, học sinh không nhìn thấy tô đi vào trường trong ngày xảy ra sự việc là không chính xác, bởi cô và một số giáo viên khác không được phát phiếu để tham gia vào buổi khảo sát này.
Video đang HOT
Những ngày sau, cô Nhung được lãnh đạo trường yêu cầu ký vào văn bản có nội dung gửi lãnh đạo cấp trên đề nghị giữ cô hiệu trưởng ở lại trường. “Tuy nhiên, sau khi đọc nội dung, tôi đã không ký vào văn bản đó vì lương tâm tôi không cho phép”, cô Nhung nói.
Cô Nhung cho biết thêm từ cuối tháng 12/2016, cô được trường cử về nhà dạy kèm cho học sinh Kiên. Khi cô trò tâm sự với nhau, có lần, Kiên kể lại sự việc là đang chạy ở sân thì con bị xe tông vào, cô Hương (hiệu phó) bế con vào phòng thư viện sau đó nói bảo vệ bế vào phòng y tế.
Đáng chú ý, các học sinh trong lớp khi điền phiếu khảo sát đều ghi không nhìn thấy vụ việc, nhưng sau đó có em kể lại rằng: Con chạy đằng sau Kiên, khi Kiên bị xe taxi đâm ngã, con đã chạy vòng ra phía sau xe để mách cô hiệu trưởng là bạn Kiên bị đâm.
PV hỏi tiết lộ những sự việc này cho báo chí cô có sợ bị trù úm? Cô Nhung nói: “Từ trước đến nay, tôi nghĩ sự việc không liên quan trách nhiệm của mình nên chỉ làm tốt việc dạy học của một giáo viên. Tuy nhiên, tôi không thể im lặng mãi. Nếu sự việc không được sáng tỏ, tôi sẵn sàng viết tâm thư cho Chủ tịch nước”, cô Nhung nói.
Cô Vũ Thị Mừng, giáo viên lớp 3 đã bật khóc khi trao đổi với PV. “Từ khi sự việc xảy ra, chúng tôi cảm thấy rất buồn, bản thân tôi cả tuần nay xin nghỉ phép không đến trường vì cảm thấy danh dự, uy tín của mình bị hạ thấp. Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng, nhiều bạn bè khắp nơi gọi điện về hỏi han, thúc giục tại sao chúng tôi khoanh tay ngồi nhìn. Vì thế, chúng tôi mong sự thật vụ việc sớm được sáng tỏ để trả môi trường trong sạch cho trường”, cô Mừng nói.
Hiệu trưởng nói gì?
Sau gần 2 tháng xảy ra sự việc, học sinh bị ngã gãy chân trong sân trường, ngày 13/2, bà Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) đã gửi “Bản cáo cáo sự việc đề nghị xem xét” đến nhiều cơ quan báo chí nhằm “nói lại cho rõ sự thật” vụ việc.
Trong thư, bà Ngọc khẳng định: Thứ nhất, việc trường phát phiếu điều tra lấy ý kiến 100% học sinh, giáo viên là do cô Trần Thị Thu Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp 2 A4 của học sinh Trần Chí Kiên tiếp thu mong muốn của phụ huynh và phản ánh lại với ban giám hiệu chứ không phải ý tưởng của trường.
Thứ hai, bà Ngọc khẳng định bà không lái ôtô vào trong trường, cũng không có mặt khi vụ việc xảy ra. Vì thế, bà mong muốn báo chí, dư luận không kết tội bà khi sự việc chưa được sáng tỏ.
Ngay sau đó, anh Trần Chí Dũng, phụ huynh em Trần Chí Kiên có đơn gửi các cơ quan liên quan phản đối lại tâm thư của bà Ngọc. Anh Dũng cho rằng bà Ngọc là hiệu trưởng, lãnh đạo nhà trường mà “lời nói trước sau bất nhất” và mong muốn cơ quan chức năng sớm làm rõ sự thật vụ việc.
Trước đó, ngày 13/2, trao đổi với PV Tiền Phong, bà Ngọc vẫn khẳng định bà không ngồi trong taxi khi xảy ra sự việc. Bà cho biết mình rất vui vì cơ quan công an đã bắt được người lái taxi. Vụ việc thế nào chờ kết luận của cơ quan điều tra nhưng điều bà buồn là dư luận chĩa búa rìu vào mình.
Một lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết quan điểm của sở là vẫn chờ kết luận của cơ quan công an. Còn việc có ra quyết định đình chỉ chức vụ bà Ngọc hay không, sớm hay muộn là thuộc thẩm quyền của UBND quận Cầu Giấy.
Trước đó, ngày 6/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo Sở GD&ĐT Hà Nội và các bên liên quan xem xét, đình chỉ chức vụ hiệu trưởng của bà Ngọc để chờ kết luận vụ việc.
Theo Nguyễn Hà / Tiền Phong
Vụ học sinh gãy chân: Hé lộ nhiều sự thật khác
Cho rằng trả lời của cô hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên về vụ học sinh bị đâm xe trong sân trường là không đúng sự thật, ngày 17.2, phụ huynh Trần Chí Dũng và nhiều giáo viên trong trường đã bức xúc lên tiếng.
Trả lời PV Dân Việt về sự việc này, cô Trần Thị Thu Nhung - giáo viên chủ nhiệm lớp 2A2 cho biết, khi đọc bản báo cáo về sự việc học sinh Trần Chí Kiên của ban giám hiệu (BGH) trường Tiểu học Nam Trung Yên gửi báo chí dưới danh nghĩa là cán bộ, giáo viên của trường, cô thấy bức xúc vì có nhiều điểm không đúng sự thật.
Phiếu khảo sát trường Tiểu học Nam Trung Yên phát cho học sinh.
Theo cô Nhung, trong báo cáo này có nêu: "...Ngày 12.12.2016, bố cháu Kiên đến trường trao đổi với cô Nhung mong muốn cô giáo chủ nhiệm và nhà trường khảo sát tìm nguyên nhân cháu Kiên ngã để gia đình có hướng điều trị phù hợp. Việc làm phiếu khảo sát cô Nhung đã tư vấn cho cấp ủy, BGH, chúng tôi đã tiếp thu ý kiến của gia đình, thống nhất mẫu phiếu khảo sát và giao cho cô hiên chỉ đạo các cô giáo liên quan làm rõ việc này".
"Sự thực là tôi không hề tham mưu, tư vấn cho cấp ủy, BGH về việc phát phiếu khảo sát. Văn bản viết như vậy là hoàn toàn không đúng sự thật" - cô Nhung khẳng định. Cô Nhung cũng cho biết thêm, sau khi đọc báo cáo này cô đã hỏi thẳng BGH trường rằng tại sao lại viết như vậy thì BGH không trả lời được (?)
Trong khi đó, các giáo viên khác cho rằng, sự việc được đưa lên truyền thông và có khẳng định rằng 100% giáo viên ký vào giấy khảo sát cho rằng không có ô tô nào đi vào trường hoàn toàn không đúng sự thật.
Cô Nguyễn Thị Thanh Tú - giáo viên lớp 5 cho biết, buổi trưa khi phát phiếu khảo sát, nhiều giáo viên không tham gia trông bán trú nên không có mặt ở trường. Vì thế, không thể nói 100% giáo viên được tham gia vào cuộc khảo sát.
"Khi lấy phiếu khảo sát tới từng lớp thì BGH trường thông báo là làm phiếu khảo sát phục vụ cho công tác thanh tra an toàn trường học vào tháng 3 của phòng chứ giáo viên, học sinh cũng không rõ là khảo sát về vụ việc cháu Kiên" - cô Tú cho biết.
Ảnh chụp X -quang xương chân bị gãy của học sinh Trần Chí Kiên.
Cũng bức xúc về kết quả khảo sát 100% giáo viên, học sinh nói không có xe ô tô vào trường, cô Vũ Thị Mừng - giáo viên lớp 3 của trường cho biết, từ khi xảy ra vụ việc các giáo viên trong trường phải chịu rất nhiều áp lực từ dư luận. Danh dự và uy tín của tập thể giáo viên trong trường cũng bị ảnh hưởng.
"Đọc những bình luận trên báo chí cho rằng giáo viên trường Nam Trung Yên đồng tình che giấu sự việc, đồng tình dối trá tôi rất buồn. Bạn bè ở khắp nơi cũng gọi điện hỏi thăm về vụ việc vì không hiểu rõ và đánh giá không tốt nhân cách, đạo đức của chúng tôi" - cô Mừng bức xúc chia sẻ.
"Để xảy ra sự việc như này bản thân tôi cũng thấy có trách nhiệm với học sinh của mình. Tuy nhiên, tôi nghĩ ai làm gì thì người đó rõ nhất và họ phải chịu trách nhiệm với việc làm của mình. Là người lớn chúng ta hãy sống sao cho đúng với lương tâm chứ đừng để tới mức phụ huynh phản ánh tới mức thế này" - cô Nhung nói.
Cô Nhung cũng cho biết thêm, hiện cô đang được phân công tới dạy cho em Kiên hàng ngày. "Sức khỏe và tinh thần của Kiên đã ổn định. Kiên tiếp thu môn toán khá tốt nhưng các môn tập viết thì khó hơn" - cô Nhung nói.
Cô Trần Thị Thu Nhung - giáo viên chủ nhiệm lớp 2A2 khẳng định không tham mưu cho BGH làm phiếu khảo sát.
Trong một diễn biến khác, sáng nay, 17.2, ông Trần Trí Dũng (bố cháu Kiên) đã có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng và báo chí, trong đó phản bác lại 7 điều mà theo ông không đúng sự thật trong phần trả lời của cô hiệu trưởng trường Nam Trung Yên.
Cụ thể, anh Dũng cho biết, việc gia đình mong muốn giáo viên khảo sát tìm nguyên nhân gây tai nạn là không đúng; việc cô Ngọc giải thích do phải gây mê còn mệt nên phải đi taxi vào trường là không hợp lý. Ngoài ra, anh Dũng cũng đánh giá, cô Ngọc bất nhất trong báo cáo về sự việc cả trước và trong quá trình điều tra: Lúc thì cô khẳng định không có ô tô vào trường, lúc khác lại nói là có.
Ngoài việc bất bình với bản Báo cáo sự việc của cô Tạ Thị Bích Ngọc - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên - anh Dũng cho biết, anh cảm thấy buồn khi cả tập thể giáo viên của trường không biết do cố tình hay bị ép buộc mà đồng lòng bao che cho sai trái.
"Tôi cho rằng cô Ngọc và cô Hương đã nói không đúng sự thật bằng những hành động và lời nói thiếu trung thực. Gia đình chúng tôi rất bức xúc trước sự việc này. Rất mong các cơ quan chức năng sớm có kết luận khách quan theo chỉ đạo từ Phó thủ tướng và Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội" - anh Dũng mong muốn.
Cũng trong ngày 17.2, để rộng đường dư luận, PV đã nhiều lần gọi điện thoại và tìm đến trường Tiểu học Nam Trung Yên để gặp BGH để trao đổi thêm, tuy nhiên lãnh đạo nhà trường đều từ chối gặp với lý do bận đi họp (?)
Trả lời PV về hướng xử lý đối với cô hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc, bà Nguyễn Thanh Tịnh - Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy cho biết hiện chưa có quyết định điều chuyển đối với hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc từ phía UBND quận Cầu Giấy. "Chúng tôi chưa nhận được kết quả điều tra của cơ quan công an. Quan điểm của chúng tôi là không bao che, sai đến đâu sẽ xử đến đó. Hiện phòng đang nghiên cứu các văn bản pháp quy để tham vấn cho lãnh đạo UBND quận thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố. Khi có kết luận, chúng tôi sẽ trực tiếp thông tin đến báo chí" - bà Tịnh nói.
Theo Danviet
Thùng phuy phát nổ khiến thợ hàn gãy hai chân Trưa 7/2, đang cắt thung phuy đê trang tri quán cafe xe buyt ơ khu đô thi Linh Đam (Hoang Mai, Ha Nôi), chiêc thung con hơi xăng phat nô làm một thơ hàn văng xa và gay chân. Cac bac sĩ sơ câp cưu cho thợ hàn. Anh: Sơn Dương Trưa 7/2, chủ quan cafe xe buýt ơ khu đô thi Linh...