Vụ học sinh chui túi nilon vượt lũ: Chính thức thực địa, khảo sát vị trí đặt cầu dân sinh
Một cây cầu cứng bằng bê tông với 3 nhịp, dài khoảng 72m, rộng khoảng 3,5m sẽ được bắc qua suối Nậm Chim (bản Huổi Hạ, Mường Chà, Điện Biên), giúp học sinh không còn chui túi nilon để vượt lũ. Đây là kết quả của buổi khảo sát thực địa, do Ban Quản lý dự án 4, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cùng Sở Giao thông Vận tải tỉnh Điện Biên tiến hành ngày 27/9.
Sẽ đẩy tiến độ mức nhanh nhất
Sau loạt bài phản ánh của Dân trí và một số cơ quan báo chí về tình trạng học sinh chui túi nilon để vượt lũ tại bản Huổi Hạ (xã Na Sang, Mường Chà, Điện Biên), ngày 27/9, Ban Quản lý dự án 4, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cùng Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Điện Biên đã tiến hành khảo sát thực địa tại đây.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thế Anh, Phó Giám đốc điều hành dự án LRAMP tỉnh Điện Biên thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, qua phản ánh của báo chí, của chính quyền địa phương và nhân dân bản Huổi Hạ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ban quản lý dự án 4 đang phối hợp rất chặt chẽ với Sở GTVT tỉnh Điện Biên tiến hành khảo sát, điều tra sơ bộ ban đầu về sự cần thiết của việc xây cầu dân sinh qua suối Nậm Chim.
Qua rà soát, đánh giá cơ bản ban đầu, việc xây cầu cho bản Huổi Hạ đều đáp ứng tất cả các tiêu chí của dự án LRAMP.
“Qua thực tế kiểm tra, đoàn nhận thấy việc đầu tư cầu dân sinh bản Huổi Hạ rất cần thiết, phù hợp với các tiêu chí của dự án cầu dân sinh. Hiện tại đoàn kiểm tra đã xác định sơ bộ về một số phương án thiết kế và một số vị trí đặt cầu.
Bước tiếp theo sẽ báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT để triển khai các bước tiếp theo đầu tư xây dựng cầu để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân bản Huổi Hạ”, ông Thế Anh cho biết.
Trưởng bản Huổi Hạ đang đưa học sinh vượt lũ ở suối Nậm Chim bằng túi nilon (Ảnh: Đ. Tuấn)
Được biết, qua khảo sát thực địa của đoàn công tác thuộc Bộ GTVT, dựa trên văn bản số 2717 ngày 25/9/2018 của UBND tỉnh Điện Biên, dự kiến cầu dân sinh Huổi Hạ sẽ được đầu tư xây dựng với tổng mức khoảng 7 tỷ đồng. Vị trí đặt cầu qua khảo sát sẽ gần với khu vực người dân phải căng dây đi bè qua suối Nậm Chim.
Đây là cây cầu bằng bê tông với 3 nhịp, thiết kế dài khoảng 72 mét, rộng khoảng 3,5 mét, 2 bên bờ là 2 mố cầu kiên cố, ở giữa có trụ cầu bằng bê tông.
Được biết, Ban bảo trì đường bộ cũng đã làm báo cáo gửi Sở GTVT tỉnh Điện Biên tham mưu cho UBND tỉnh Điện Biên và gửi báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT đề nghị việc xây cầu Huổi Hạ sẽ tách riêng thành một dự án với tên gọi là ĐB-06, có báo cáo kinh tế riêng, thực hiện xây riêng cầu Huổi Hạ để đảm bảo tiến độ, phục vụ nhu cầu cấp bách đi lại của người dân.
Theo UBND tỉnh Điện Biên, đây là dự án đầu tư cấp bách, cần sớm hoàn thành phục vụ nhu cầu đi lại của người và phương tiện, đặc biệt là các cháu học sinh đi lại trên địa bàn khu vực bản Huổi Hạ được đảm bảo về tình mạng, tài sản.
Để vào bản Huổi Hạ, người dân phải vượt qua gần 20km đường đất bằng xe máy hoặc đi bộ. Do vậy, yêu cầu cấp thiết trước khi làm cầu là làm đoạn đường này để vận chuyển vật liệu vào. (Ảnh: VOV)
Dự kiến khởi công làm đường vào đầu tháng 10/2018
Video đang HOT
Trao đổi với PV Dân trí chiều 28/9, ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Sở GTVT Điện Biên cho biết, tiếp theo việc khảo sát này, sẽ có các đơn vị đấu thầu dự án. Nếu thời tiết thuận lợi, cây cầu sẽ xây dựng trong khoảng 1 năm thì hoàn thành.
Hiện, đội ngũ tư vấn thiết kế đã lựa chọn xong các phương án phù hợp nhất để khi được phê duyệt sẽ sớm đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây cầu cho bản Huổi Hạ nhanh nhất, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực.
Cũng theo ông Bình, hiện nay, huyện Mường Chà đã phê duyệt dự án làm đường, đoạn gần 20km dẫn vào suối Nậm Chim thuộc bản Huổi Hạ. “Dự kiến đầu tháng 10/2018, huyện Mường Chà sẽ triển khai làm đoạn đường này. Khi hoàn thành đường, mới đưa vật liệu vào làm cầu”, ông Bình cho biết.
Như Dân trí đã phản ánh trước đó, hiện tại bản Huổi Hạ vẫn còn tình trạng học sinh và người dân thỉnh thoảng phải vượt lũ bằng cách chui vào túi nilon do không thể đi được bằng bè mảng vì nước chảy xiết.
Đặc biệt, để vào được suối Nậm Chim, người dân phải đi qua gần 20km đường đồi núi rất khó khăn.
Nếu trời mưa, đoạn đường này thậm chí không thể di chuyển được bằng xe máy.
Theo lãnh đạo huyện Mường Chà, việc xây dựng cầu mất khoảng 6 tỉ đồng nhưng làm đường phải tốn vài chục tỉ đồng.
Ngay sau đó, Bộ GTVT đã có văn bản chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp, khẩn trương xây dựng cầu dân sinh vượt suối Nậm Chim.
Theo Bộ GTVT, tại vị trí qua suối vào bản Huổi Hạ, hiện không nằm trong danh mục đầu tư của dự án LRAMP do Bộ GTVT quản lý.
Những ngày không có mưa lũ, người dân bản Huổi Hạ vượt suối Nậm Chim bằng bè mảng (Ảnh chụp ngày 27/9. Ảnh: V. Lợi)
Để đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và các em học sinh trong khu vực khó khăn, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Điện Biên phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét, đối chiếu với các tiêu chí, nguyên tắc của dự án LRAMP. Nếu đáp ứng yêu cầu và nguồn vốn dự án còn cân đối được, thì đề xuất bổ sung ngay danh mục cầu vượt suối Nậm Chim vào dự án LRAMP.
Trường hợp cầu vượt suối Nậm Chim được bổ sung đầu tư trong dự án LRAMP, đề nghị UBND tỉnh Điện Biên phối hợp bố trí kinh phí để đầu tư phần đường kết nối từ bản Huổi Hạ tới trung tâm xã Na Sang đảm bảo khai thác đồng bộ với cầu.
Còn trong trường hợp không đáp ứng các yêu cầu để bổ sung vào dự án LRAMP, Bộ GTVT đề nghị tỉnh Điện Biên cần chủ động bố trí kinh phí để sớm đầu tư các công trình hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt của bà con, học sinh trong khu vực đã nêu.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Dân trí trước đó, ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, tỉnh không thể có nguồn lực để đầu tư xây dựng công trình giao thông do đây là tỉnh miền núi, kinh tế đặc biệt khó khăn nên sẽ chuẩn bị các thủ tục xin bổ sung vào dự án LRAMP.
Kết quả khảo sát thực địa ngày 27/9 với đánh giá cơ bản ban đầu, việc xây cầu cho bản Huổi Hạ đều đáp ứng tất cả các tiêu chí của dự án LRAMP giúp bà con bản Huổi Hạ sắp sửa có cầu bê tông, đáp ứng nhu cầu đi lại cấp bách của người dân ở đây.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Vụ học sinh chui túi nilon: Bộ GTVT đề nghị khẩn trương xây cầu dân sinh
Sau khi nhận được phản ánh của các cơ quan báo chí về tình trạng vẫn còn học sinh tại bản Huổi Hạ (xã Na Sang, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) phải chui túi nilon để vượt suối lũ do chưa được đầu tư hạ tầng giao thông, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp, khẩn trương xây dựng cầu dân sinh vượt suối Nậm Chim.
Công văn do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể ký nêu rõ: Sau khi nhận được phản ánh của các cơ quan báo chí, truyền thông trong ngày 5/9/2018 về tình trạng vẫn còn học sinh tại bản Huổi Hạ, xã Na Sang, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên phải chui túi nilon để vượt suối lũ Nậm Chim tới trường do chưa được đầu tư hạ tầng giao thông, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với chính quyền địa phương các cấp để kiểm tra, xem xét về vấn đề này.
Qua kiểm tra, vị trí vượt suối Nậm Chim vào bản Huổi Hạ thuộc tuyến đường từ bản Huổi Hạ tới trung tâm xã Na Sang, vì vậy việc đầu tư xây dựng cầu tại vị trí này thuộc trách nhiệm của địa phương.
Tuy nhiên, hiện nay, Bộ GTVT đang thực hiện "Dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương" - (LRAMP).
Theo dự án này, tỉnh Điện Biên được đầu tư 64 cầu dân sinh với kinh phí khoảng 235 tỷ đồng. Trong đó, huyện Mường Chà được đầu tư 5 cầu, gồm Na Pheo, Na Pheo 2, Huổi Sang, Nậm Piền, Bản Co Đứa.
Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp, khẩn trương xây dựng cầu dân sinh vượt suối Nậm Chim. (Ảnh: Đ. Tuấn).
Trong số này, có 3 cầu thuộc xã Na Sang là Na Pheo, Na Pheo 2 và Bản Co Đứa đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, đang tổ chức lựa chọn nhà thầu để khởi công trong tháng 9 năm nay.
Riêng cầu tại vị trí qua suối vào bản Huổi Hạ, hiện không nằm trong danh mục đầu tư của dự án LRAMP do Bộ GTVT quản lý.
Do đó, để đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và các em học sinh trong khu vực khó khăn, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Điện Biên phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét, đối chiếu với các tiêu chí, nguyên tắc của dự án LRAMP. Nếu đáp ứng yêu cầu và nguồn vốn dự án còn cân đối được, thì đề xuất bổ sung ngay danh mục cầu vượt suối Nậm Chim vào dự án LRAMP.
Trường hợp cầu vượt suối Nậm Chim được bổ sung đầu tư trong dự án LRAMP, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên phối hợp bố trí kinh phí để đầu tư phần đường kết nối từ bản Huổi Hạ tới trung tâm xã Na Sang đảm bảo khai thác đồng bộ với cầu.
Còn trong trường hợp không đáp ứng các yêu cầu để bổ sung vào dự án LRAMP, Bộ GTVT đề nghị tỉnh Điện Biên cần chủ động bố trí kinh phí để sớm đầu tư các công trình hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt của bà con, học sinh trong khu vực đã nêu.
Chính quyền tỉnh Điện Biên cũng tuyên truyền các địa phương nhắc nhở con em cố gắng hạn chế đi lại khi có mưa lũ". (Ảnh: Đ. Tuấn).
Trao đổi với PV Dân trí chiều 16/9, ông Mùa A Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên cho biết: "Chúng tôi rất xót xa trước tình cảnh các học sinh phải đi lại khó khăn trong mùa mưa lũ mà báo chí đăng tải.
Chính quyền cũng đã tuyên truyền các địa phương nhắc nhở con em cố gắng hạn chế đi lại khi có mưa lũ".
Cũng theo ông Sơn, tỉnh không thể có nguồn lực để đầu tư xây dựng công trình giao thông do đây là tỉnh miền núi, kinh tế đặc biệt khó khăn nên sẽ chuẩn bị các thủ tục xin bổ sung vào dự án LRAMP.
Địa phương này cũng đã có rà soát, hiện đang thiếu hàng mấy chục cây cầu chứ không riêng xã Na Sang.
Về việc xây cầu ở bản Huổi Hạ, ông Sơn cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã có văn bản giao Sở GTVT tỉnh Điện Biên chủ động, phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đề xuất bổ sung danh mục cầu vượt suối Nậm Chim vào dự án LRAMP.
làm cây cầu khoảng 6 tỉ đồng nhưng muốn làm được cầu phải mất khoảng vài chục tỉ đồng để làm đoạn đường khoảng 20km vì hiện tại, không thể đưa vật liệu vào điểm này bởi chỉ đi bộ hoặc xe máy. (Ảnh: V. Lợi).
Đồng thời, tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện Mường Chà khẩn trương chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng đường giao thông từ bản Nậm Pó đi bản Huổi Hạ, để đảm khả năng vận chuyển vật liệu, thiết bị khi triển khai thi công cây cầu này.
"Hiện, huyện đang khẩn trương thực hiện dự án và sẽ có tính toán làm sao để hoàn thành sớm", ông Sơn nói.
Như Dân trí đưa tin trước đó, ngày 5/9, một clip ghi lại cảnh nhiều học sinh ở bản Huổi Hạ phải chui vào túi nilon nhờ người lớn đưa qua suối lũ, rồi băng rừng hơn 5 tiếng đồng hồ tới trường vào ngày 4/9 để kịp khai giảng.
Trả lời PV Dân trí, Chủ tịch xã Na Sang và Chủ tịch huyện Mường Chà đều xác nhận, đây là sự thật. Tuy nhiên, các em không phải chui qua túi nilon này để đến trường hàng ngày mà chỉ dịp cuối tuần về nhà hoặc từ nhà xuống trường, nếu gặp lũ thì phải chui túi nilon vượt suối bởi các em được học bán trú ở trung tâm xã.
Cũng theo Chủ tịch huyện Mường Chà, trước khi làm cầu phải làm đường trước bởi đoạn đường 20km nhưng chỉ đi được xe máy vào mùa không sẽ rất khó khăn trong vận chuyển vật liệu.
Ông cho hay, làm cây cầu khoảng 6 tỉ đồng nhưng muốn làm được cầu phải mất khoảng vài chục tỉ đồng để làm đoạn đường khoảng 20km vì hiện tại, không thể đưa vật liệu vào điểm này bởi chỉ đi được xe máy.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
"Đến giáo viên cũng từng chui túi nilon để vượt lũ"! Trên đây là chia sẻ của thầy Nguyễn Minh Quý- giáo viên cắm bản tại Huổi Hạ, xã Na Sang, Mường Chà, Điện Biên, về việc học sinh chui vào túi nilon để vượt lũ. "Tôi sợ con mình sau này cũng phải chui túi" Thầy Quý vốn sinh ra tại Ba Vì, Hà Nội. Tính đến nay, thầy có khoảng 30 năm...