Vụ học sinh bóp cổ giáo viên: Không nên đuổi học
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, học sinh bóp cổ cô giáo là hành động động trời, cho thấy đạo đức xuống cấp trầm trọng mà nguyên do là nền tảng giáo dục gia đình chưa được coi trọng. Theo các chuyên gia, không nên áp dụng hình thức đuổi học mà cần có giải pháp để giáo dục, giúp học sinh thay đổi.
Trường THCS Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre nơi xảy ra vụ việc học sinh xúc phạm giáo viên.
N.V.M.T là 1 trong 18 học sinh cá biệt của trường
Liên quan đến vụ việc trên, ngày 8/3, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tấn Sĩ – Hiệu trưởng trường THCS Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cho biết, em N.V.M.T có hành vi lời lẽ hạ nhục, đồng thời bóp cổ cô N. là học sinh cá biệt trong trường.
Cũng theo ông Sĩ, hiện nay nhà trường có 18 học sinh cá biệt và em T. nằm trong số đó. Theo quy định các học sinh này phải bị xếp loại hạnh kiểm yếu. Nhưng, để các em có tinh thần phấn đấu, Hiệu trưởng nhà trường đề xuất mô hình “Đội tình nguyện quản lý học sinh cá biệt” do đích thân ông làm đội trưởng và trực tiếp quản lí, thường xuyên nhắc nhở làm việc với nhóm học sinh này.
Thông thường, những học sinh vi phạm một lần đánh nhau được xếp hạnh kiểm yếu. Nhưng ông đã bảo lãnh trước tập thể ban lãnh đạo nhà trường cho các em này được xếp loại hạnh kiểm trung bình trong học kì 1 để các em có cơ hội phấn đấu sửa sai. “Khi được tôi trực tiếp theo dõi việc học tập và rèn luyện, các em có phấn đấu và báo cáo định kỳ những việc làm được cho tôi. Từ khi thành lập đội này, tình hình nề nếp tại trường rất ổn định”, ông Sĩ nói. Đồng thời cho biết thêm, chỉ duy nhất em T. không tham gia mô hình này, mặc dù đã được vận động đến 3 lần nhưng em này không đồng ý.
Theo ông Sĩ, việc em T. có lời lẽ hạ nhục, thậm chí bóp cổ cô N. vẫn đang trong quá trình điều tra từ nhiều phía và chưa có kết luận nên chưa thể thông tin cho báo chí được. Bên cạnh đó, muốn giữ ổn định tình hình của trường và tránh làm ảnh hưởng đến giáo viên khác nên nhà trường có trao đổi với phụ huynh tạm thời cho em này nghỉ học để suy nghĩ lại hành động của mình và chờ kết quả của Hội đồng kỷ luật nhà trường.
Được biết, trường THCS Tân Thạch nhiều năm liền đạt chuẩn quốc gia. Đây là trường hợp vi phạm đạo đức, thiếu chuẩn mực đầu tiên ở trường. Khi có ý kiến chỉ đạo của các ngành chức năng, Hội đồng Sư phạm nhà trường sẽ họp Hội đồng kỷ luật về trường hợp này. Phía Lãnh đạo nhà trường sẽ rút kinh nghiệm trong quản lý và tăng cường giáo dục đạo đức cho học sinh.
Video đang HOT
Riêng cô N. hiện nay vẫn lên lớp dạy bình thường nhưng tâm lí lo lắng khi học sinh có biểu hiện
như vậy.
Chiều cùng ngày, tại Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Bến Tre đã có cuộc họp gồm: Phòng Giáo dục huyện Châu Thành, Ban giám hiệu trường THCS Tân Thạch và cô giáo N. để nắm thông tin vụ việc. Trao đổi với Tiền Phong sau cuộc họp, bà La Thị Thuý – Phó giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Bến Tre cho biết, vụ việc hiện nay chỉ mới là thông tin một chiều, trong ngày hôm nay, Phòng Giáo dục huyện Châu Thành sẽ phối hợp với Công an huyện vào cuộc tiến hành điều tra.
“Chiều hôm qua, Sở đã có báo cáo về Vụ Công tác học sinh – sinh viên (Bộ Giáo dục) cũng như về Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre nắm vụ việc và cho biết vụ việc đang xác minh. Khi có kết luận sẽ báo cáo cụ thể”, bà Thúy thông tin.
Trước đó, ngày 2/3 trong tiết học Anh văn của lớp 8, tại trường THCS Tân Thạch, do cô C.T.N giảng dạy, có một học sinh nữ mang vở môn khác ra xem. Cô N. phát hiện và nhiều lần nhắc nhở nhưng nữ sinh này không làm theo.
Cô N. đến bàn thu giữ quyển vở, nữ sinh này không phản kháng mà nam sinh N.V.M.T ngồi ở bàn liền sau đứng dậy có lời lẽ thách thức, hạ nhục và bóp cổ cô N. Phải nhờ sự giải vây của nhiều thầy cô và học sinh lớp 8 cô giáo này mới thoát được.
Báo động về phương pháp giáo dục
TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), người có kinh nghiệm hàng chục năm cảm hóa trẻ hư cho rằng, hành động bóp cổ cô giáo ngay tại lớp học là hành động vô đạo đức, đáng bị lên án. Theo hiệu trưởng trường này, em học sinh đó rất cá biệt, có cá tính vì thế trong các sự việc, học sinh này dễ nổi nóng và có hành động bột phát, có thể với bất kỳ đối tượng nào như người thân trong gia đình, bạn bè, thầy cô giáo…Vì thế, với những học sinh này, giáo viên không nên đối đầu mà phải có phương án hạ nhiệt hoặc ít nhất khi thấy sự việc bị đẩy lên căng thẳng quá khả năng của mình nên dừng sự việc lại để Ban Giám hiệu giải quyết. “Ở trường THPT Đinh Tiên Hoàng cũng vậy, tôi từng đối mặt với nhiều tình huống gay cấn, học sinh có cá tính mạnh tạo ra nhiều chuyện trong lớp học. Nhưng tôi luôn yêu cầu giáo viên, trước các tình huống, nếu chưa nghĩ ra phương án hay thì không được “đổ thêm dầu vào đám lửa đang cháy”, điều đó chỉ làm cho sự nóng giận của học sinh thêm bùng phát dữ dội mà thôi”, thầy Lâm nói.
Theo TS Lâm, nguyên nhân sâu xa dẫn đến chuyện đạo đức học sinh xuống cấp là do nhà trường chưa chú trọng giáo dục giá trị sống. Hiện nay, Bộ GD&ĐT mới chỉ nhắc đến dạy kỹ năng sống, cụ thể là phải cho học sinh trải nghiệm các hoạt động để từ đó hình thành các kỹ năng, rút ra giá trị sống. Trong khi đó, lâu nay, chúng ta mới chỉ dạy Giáo dục công dân, Đạo đức, các bài học yêu cầu học sinh phải thế này, thế kia sẽ khiến học sinh dễ quên mà không áp dụng được trong đời sống hàng ngày.
TS Toán học Lê Thống Nhất, người thiết kế trường học trực tuyến Bigschool cho rằng, để xảy ra những chuyện như học sinh bóp cổ cô giáo là chuyện rất đáng buồn trong giáo dục. Tuy nhiên, việc này không thể đổ lỗi cho ngành giáo dục vì đạo đức một đứa trẻ trước hết phụ thuộc vào nền tảng giáo dục của gia đình. Có thể, nhiều gia đình hiện nay quá bận rộn, đã buông lỏng quản lý dẫn đến việc trẻ dễ lây nhiễm tính hư. Ngoài ra, xã hội hiện nay cũng tác động quá nhiều đến trẻ, như chuyện có quá nhiều hình ảnh bạo lực đưa lên mạng khiến trẻ dễ học theo, trong game cũng nhiều trò bạo lực, trẻ được chơi không kiểm soát. Yếu tố thứ 3 là trong giáo dục con cái, một số phụ huynh không làm gương. Như chuyện, phụ huynh ép cô giáo quỳ gối xin lỗi mình. Như vậy thử hỏi, làm sao họ giáo dục được con cái phải tôn trọng giáo viên, người đang dạy con của mình.
Từ câu chuyện này, TS Lê Thống Nhất cho rằng, “đã đến lúc phải báo động cho người lớn thấy cần phải chấn chỉnh lại cách giáo dục trẻ. Tốt nhất, là ngay từ trong gia đình, sau đó mới đến trường học, xã hội”.
Việc học sinh bóp cổ cô giáo, và hiện nay, trường xử lý bằng cách đình chỉ học tập của học sinh này chỉ là giải pháp tạm thời, không phải là giải pháp giải quyết gốc rễ vấn đề. Nếu học sinh này bị đuổi học thì lại càng nguy hiểm hơn vì trường học là nơi giáo dục con người bao gồm cả dạy kiến thức và giáo dục đạo đức, rèn nhân cách.
“Đã đến lúc phải báo động cho người lớn thấy cần phải chấn chỉnh lại cách giáo dục trẻ. Tốt nhất, là ngay từ trong gia đình, sau đó mới đến trường học, xã hội”.
TS Toán học Lê Thống Nhất
Theo TPO
Những cô giáo "gieo chữ" trên non không hoa, không quà ngày 8/3
Hôm nay, lại một ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 nữa, các cô giáo nơi vùng cao không được nhận hoa với những món quà từ người thân và bạn bè. Nhưng, với họ chỉ cần các em học sinh nơi đây được đi đọc, biết đến con chữ là món quà vô giá và ý nghĩa nhất.
Món quà vô giá và ý nghĩa nhất đối với các cô giáo trường Tiểu học Tây Tiến là các em được đi học và biết con chữ
Cách trung tâm thành phố Thanh Hóa gần 250km về phía tây, những cô giáo miền xuôi vẫn đang ngày đêm âm thầm "cõng" chữ về với bản làng ở huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Từ khi rời xa gia đình để lên cắm bản, bám trường, các cô chưa một lần được nhận hoa từ các em học sinh cũng như người thân trong những ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.
Cô giáo Lê Thị Thương - Giáo viên tại điểm trường Sài Khao, thuộc trường tiểu học Tây Tiến (xã Tây Tiến, huyện Mường Lát) tâm sự: "Những năm đầu lên đây công tác, các giáo viên ở bản như chúng em chưa một lần được tặng hoa hay quà. Nơi đây điện không có, sóng điện thoại thì chập chờn nên cũng không thể nhận lời chúc mừng từ bạn bè, người thân ở xa".
Cách đây 2 năm, cái lần đầu tiên trong đời làm giáo viên của mình, cô Thương được nhận quà 8/3 từ các em là một bó rau rừng. Cầm món quà núi rừng trên tay, cô Thương vô cùng xúc động, nước mắt rưng rưng.
Cũng như cô Thương, cô giáo Lê Thị Huê tâm sự: "Do nhà xa, đường xá đi lại rất khó khăn, có khi hai đến ba tháng chúng em mới về nhà một lần, sóng điện thoại không có nên những lời chúc từ gia đình và bạn bè bọn em cũng không nhận được. Lâu dần chúng em cũng quen, cũng chẳng nhớ gì đến ngày 8/3, có năm ngay cả ngày nhà giáo Việt Nam chúng em cũng không nhớ".
Theo các cô, học sinh ở nơi vùng cao đều là dân tộc thiểu số, ngày ngày lên nương cùng bố mẹ, nên chỉ cần vận động các em đến trường đã là niềm vui, là món quà lớn của các đối với thầy cô.
Cô Lê Thị Hiền : "Chỉ cần nhìn thấy các em đến lớp đầy đủ, học giỏi là chúng tôi vui lắm rồi, chứ chúng tôi cũng hiểu, nhà các em đa số là hộ nghèo, tiền mua quần áo mặc còn không có nói gì đến tiền mua hoa hay quà tặng các cô".
Thầy Lê Xuân Viên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Thầy cô ở đây vất vả và thiếu thốn rất nhiều, ngay cả sóng điện thoại để dùng cũng không có. Để động viên và an ủi các cô, vào những ngày lễ, nhà trường thường tổ chức liên hoan nhẹ tại khu chính".
Mặc dù ngày lễ Tết hay như ngày 8/3, các cô giáo ở vùng cao không được tặng hoa và quà như ở nơi phố thị, nhưng với họ, các em học sinh mới là món quà lớn nhất, là bông hoa núi rừng dành tặng cho thầy cô.
Theo Congly.vn
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Long An: 'Để cô giáo phải quỳ, hiệu trưởng có trách nhiệm rất lớn' Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An cho rằng hiệu trưởng tiểu học Bình Chánh có trách nhiệm rất lớn trong vụ việc giáo viên phải quỳ xin lỗi phụ huynh. Trường tiểu học Bình Chánh- nơi xảy ra vụ cô giáo quỳ xin lỗi phụ huynh. Liên quan đến vụ cô giáo quỳ xin lỗi phụ huynh...