Vụ hai nam sinh đặt máy quay lén nữ sinh: Không nên đình chỉ học 1 năm
Hội đồng kỷ luật Trường THPT Giồng Ông Tố (Q.2, TP.HCM) thống nhất mức kỷ luật đình chỉ học tập 1 năm học với 2 nam sinh đặt máy quay lén trong nhà vệ sinh nữ (Tuổi Trẻ ngày 9-12).
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mức kỷ luật trên quá nặng.
- PGS.TS Nguyễn Thị Kim Ngân (phó viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu giáo dục và giao lưu quốc tế): Không đẩy học sinh vào ngõ cụt
Tôi cho rằng trước mỗi vấn đề, chúng ta cần tìm hiểu cái “gốc” của nó chứ đừng thấy hiện tượng học sinh quay lén trong nhà vệ sinh nữ là ngay lập tức đổ hết lỗi cho các em.
Trước hết, hãy xem hai nam sinh trong vụ việc này có được gia đình quan tâm đúng mức, ba mẹ các em có nói chuyện với con về giới tính, về những thay đổi của tuổi mới lớn chưa…
Về phía nhà trường, việc giáo dục về tâm sinh lý lứa tuổi đã được thực hiện đầy đủ và hiệu quả chưa, vấn đề an ninh đã được bảo đảm chưa khi mà hai nam sinh đột nhập vào nhà vệ sinh nữ đặt điện thoại để quay lén mà không bị bảo vệ, giám thị phát hiện…
Giáo dục không phải là đẩy học sinh vào ngõ cụt. Nhiệm vụ của giáo dục là vận dụng nhiều phương pháp khác nhau để kéo những đứa trẻ đang bị lệch hướng trở về con đường đúng.
Với vụ việc này, nhà trường nên mời một chuyên gia tâm lý nói chuyện với hai nam sinh trên để các em hiểu rõ về hành vi chưa đúng của mình.
Trường nên cho hai em làm cam kết để sửa đổi, không làm những việc xấu. Trường cũng sẽ tiếp tục theo dõi quá trình rèn luyện và học tập của các em để kịp thời uốn nắn, điều chỉnh các em.
- Cô Trương Thị Trị (tổng giám thị Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM): Kỷ luật phải có tác dụng giáo dục
Cá nhân tôi quan niệm học sinh làm sai phải bị phạt, bị kỷ luật. Tuy nhiên, hình thức kỷ luật phải có tác dụng giáo dục học sinh và giúp các em nhận ra lỗi lầm nhưng cũng phải mở ra cho các em một con đường để các em sửa đổi, rèn luyện, không dám tái phạm nữa.
Bây giờ trường tạm dừng học tập của hai nam sinh có nghĩa là từ nay đến cuối năm học 2020-2021 các em không được đến trường.
Khoảng thời gian sáu tháng ấy, các em sẽ làm gì, đi đâu? Nếu gia đình các em không quan tâm đúng mức hoặc không có thời gian quan tâm con cái đúng mức thì liệu đến đầu năm học 2021-2022 hai em có thể trở lại trường học được hay không?
Nếu phân tích kỹ hơn một chút sẽ thấy sự việc ở mức độ chưa gây hậu quả nghiêm trọng, tức là clip chưa kịp phát tán ra ngoài.
Video đang HOT
Mặt khác, hai nam sinh cũng không thuộc diện chuyên quậy phá trong lớp, trong trường thì hành động đặt máy quay lén chỉ là phút bồng bột, thiếu suy nghĩ xuất phát từ tính tò mò của tuổi mới lớn.
Vì vậy, trong trường hợp này chỉ nên dừng ở mức đình chỉ học tập 1 – 2 tuần và không ghi vào học bạ, để các em thuận lợi hơn trong việc xét tuyển vào ĐH, CĐ. Hai nam sinh đang học lớp 12, mấy tháng nữa các em sẽ phải tham dự kỳ thi quan trọng nhất của cuộc đời là thi tốt nghiệp THPT.
Thế nên dù trường có kỷ luật theo hình thức nào thì cũng không nên làm gián đoạn việc học của hai em. Trong thời gian bị đình chỉ học tập, học sinh vẫn phải đến trường.
Tuy không được vào lớp học nhưng phải ngồi ở phòng giám thị để tự học, làm bài tập các bộ môn như các bạn. Phần nội dung nào không hiểu, các em có thể hỏi thầy cô bộ môn hoặc bạn bè. Ngoài ra, hai nam sinh phải bị phạt lao động công ích như quét lớp, lau hành lang…
- TS Nguyễn Thị Bích Hồng (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM): Xem xét vấn đề một cách hệ thống
Để quyết định hình thức kỷ luật, ban giám hiệu Trường THPT Giồng Ông Tố cần xem xét vấn đề một cách hệ thống.
Thứ nhất, cần tìm hiểu quá trình học tập, sinh hoạt của hai em từ giáo viên chủ nhiệm, bộ môn, cha mẹ hai em… để có thể nhận định hành động đó là bộc phát hay bản chất các em hư hỏng. Nếu là bản chất thì phải có liệu trình giáo dục rõ ràng.
Thứ hai, trường cũng nên tìm hiểu tâm tư của nữ sinh bị quay lén để hiểu được cảm xúc, nói rõ cho các em hiểu về hai bạn trai trên cũng như giúp các em nhận định mức độ vụ việc tồi tệ đến đâu.
Thứ ba, cần làm việc với phụ huynh cả hai phía để nghe họ trình bày ý kiến, đề xuất giải pháp giải quyết.
Thứ tư, trường cần nghe hai nam sinh thổ lộ về những lo lắng, ăn năn, tâm tư sau những việc đã làm, những khó khăn đang gặp phải.
Cuối cùng, hình thức kỷ luật học sinh phải đạt được mục đích giúp học sinh nhận ra việc làm của mình là sai và sửa sai, đồng thời mang tính chất răn đe những học sinh khác để không vi phạm như bạn mình.
- Ông Nguyễn Văn Hiếu (phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM): Tạo cơ hội cho học sinh sửa sai
Sở đã yêu cầu Trường Giồng Ông Tố báo cáo cụ thể vụ việc. Sau đó, sở sẽ làm việc với trường để tìm một hình thức kỷ luật hai nam sinh phù hợp với quy định, quy chế của Bộ GD-ĐT nhưng cũng tạo cơ hội cho học sinh sửa sai, được tiếp tục đến trường.
Quan điểm của cá nhân tôi là sẽ cho hai nam sinh chuyển trường khác – giúp ổn định tâm lý cho cả hai nam sinh và những nữ sinh trong vụ việc, tạo điều kiện cho các em học tập thoải mái.
Dừng học 1 năm để học sinh biết lỗi: Sao buông tay?
Các chuyên gia đều cho rằng, dừng học 1 năm với hai nam sinh quay lén bạn nữ thay đồ là chưa khoa học.
Hội đồng kỷ luật trường THPT Giồng Ông Tố (TP.HCM) vừa thống nhất quyết định hình thức kỷ luật tạm dừng học tập 1 năm đối với hai nam sinh lớp 12 quay lén một nhóm nữ sinh lớp 10 thay áo dài trong nhà vệ sinh trường này.
Trường THPT Giồng Ông Tố, quận 2 nơi xảy ra sự việc nam sinh đặt máy quay lén trong nhà vệ sinh nữ. Ảnh: PLO
Clip đã được phát hiện và xóa kịp thời, chưa bị phát tán ra ngoài, tuy nhiên, nhận định đây là hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, có thể gây hậu quả nghiêm trọng, vì vậy, nhà trường đã quyết định tạm dừng học thời gian dài để hai nam sinh này chiêm nghiệm, suy nghĩ về những gì mình đã gây ra.
Nêu quan điểm cá nhân, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, hành vi của hai nam sinh này là sai, cần phải bị phê phán và xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, xử lý như thế nào để vừa bảo đảm tính giáo dục nhưng vẫn đủ sức răn đe thì cần phải phân tích cụ thể hành vi cũng như động cơ sai trái của hai nam sinh này rồi mới kết luận, kỷ luật.
Vị PGS cho hay, điều may mắn nhất là video được phát hiện kịp thời, không bị phát tán ra ngoài, điều này đã giúp ngăn chặn kịp thời những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Nhưng không vì thế mà không xem xét xử lý.
Đồng tình với quan điểm, một nam sinh lớp 12, đã 17-18 tuổi, tức là đã có nhận thức và ý thức về hành vi của mình. Mặc dù vậy, bàn tay ai cũng có ngón ngắn, ngón dài, không phải lúc nào học sinh cũng ngoan và tất cả học sinh đều ngoan. Vì điều này, mới cần tới vai trò của ngành giáo dục, ở đây chính là cách giáo dục, phương pháp giáo dục thế nào để có thể cảm hóa từ một học sinh hư thành học sinh ngoan, có ích cho gia đình và xã hội.
Do đó, ông mong muốn trước thực hiện các biện pháp kỷ luật, nhà trường và phụ huynh cần phân tích, đánh giá rất thận trọng về mặt tâm lý, hành vi cũng như động cơ của hai nam sinh trước khi quyết định. Vì nhiều trường hợp phạm lỗi do tò mò, do nghịch ngợm, do suy nghĩ chưa thấu đáo chứ chưa chắc phạm lỗi vì mục đích sâu xa khác. Hơn nữa, khi được mời làm việc, cả hai nam sinh cũng đã nhận lỗi, nhận lỗi là có ý thức biết sai, biết sai sẽ còn hy vọng được sửa.
Việc ra quyết định kỷ luật tạm dừng học 1 năm được PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tính cách, tương lai của các học sinh này.
"Học sinh tới trường hàng ngày, dưới sự giám sát, giáo dục của gia đình, nhà trường, thầy cô và bạn bè mà còn mắc lỗi, nếu cho học sinh nghỉ học hẳn một năm thì làm sao quản lý, giáo dục được?
Vai trò của ngành giáo dục không chỉ dạy chữ mà còn phải dạy học sinh những kỹ năng, kiến thức để làm người, thế nhưng, học sinh sai, học sinh không ngoan thay vì tìm cách giáo dục nhà trường lại lựa chọn cách cho nghỉ học, trả về gia đình thì vai trò giáo dục ở đâu nữa?
Thả nổi học sinh suốt một năm không đến trường, không phải chịu áp lực trong học tập, bài vở liệu có đẩy học sinh đi từ sai lầm này tới tội lỗi khác?
Tôi lo ngại với hình thức kỷ luật của nhà trường, bởi lẽ khi chúng ta có cơ hội nắm được học sinh, có cơ hội giáo dục, cảm hóa học sinh thì chúng ta lại không làm. Thay vào đó lại lựa chọn một giải pháp kỷ luật mang tính tiêu cực hơn, đẩy học sinh xa nhà trường hơn, xa giáo dục hơn thì sau một năm đó liệu học sinh có còn muốn quay lại trường nữa không? Một năm sống tự do với vết nhơ và tai tiếng liệu có khiến các em lấn sâu hơn vào con đường sai trái, có gây hại cho chính bản thân các em, cho gia đình và cả xã hội không?
Vì điều này, tôi rất mong hội đồng kỷ luật nhà trường, phía phụ huynh và cả các em học sinh nên cho hai em này cơ hội, tìm một giải pháp kỷ luật hiệu quả hơn", vị chuyên gia trăn trở.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cũng cho rằng hội đồng kỷ luật nhà trường nên xem xét kỹ tính cách, lỗi lầm của hai nam sinh này trong suốt quá trình học tập tại trường để có đánh giá cụ thể hơn. Quan trọng hơn, ông Lâm cho rằng các biện pháp kỷ luật phải thực hiện theo khung, theo quy định đã được ban hành.
"Sai lầm của học sinh có lặp lại nhiều lần không? Động cơ, mục đích là gì? Có những hành vi sai phạm khác không? Rất cần phải được làm rõ.
Tiếp theo là quy chế khen thưởng, kỷ luật của Bộ GD-ĐT mới không cho phép đuổi học học sinh trong thời gian dài, với những sai phạm nghiêm trọng hình thức kỷ luật là tạm dừng học tối đa 2 tuần. Như vậy, nếu cho học sinh nghỉ học 1 năm, nghĩa là nhà trường đã vượt qua quy định của Bộ GD-ĐT, việc này phải được sự cho phép của cơ quan quản lý cấp cao hơn", ông Lâm lưu ý.
Kiên nhẫn, cảm hóa, thay vì buông tay
Nói thêm về biện pháp kỷ luật với học sinh những học sinh cá biệt, không ngoan, PGS Trần Xuân Nhĩ lấy kinh nghiệm nhiều năm của một nhà giáo, một người làm quản lý nhấn mạnh biện pháp xử lý kỷ luật hiệu quả hơn cả không phải là hình thức kỷ luật thép mà chính là kiên trì, kiên nhẫn để cảm hóa.
Kể lại câu chuyện thời kỳ ông còn làm Hiệu trưởng, PGS Trần Xuân Nhĩ cho biết, ông cũng đau đầu nghĩ cách đối phó với một học sinh có hoàn cảnh và tính cách cá biệt.
Ông kể, quy định của nhà trường trong ký túc xá là học sinh phải ăn ở ngăn nắp, gọn gàng, ngủ dậy phải gấp chăn màn, xếp giày dép ngay hàng thẳng lối.
Hầu hết các học sinh trong ký túc xá đều chấp hành rất nghiêm túc, duy nhất chỉ có một trường hợp ngủ dậy là lật chiếu, cuộn tròn chăn màn, không cần gấp gọn, không cần xếp lớp, nhất định không chấp hành quy định của trường.
Bộ phận quản lý cũng như học sinh có phản ứng gay gắt vì việc làm của học sinh này đã ảnh hưởng tới môi trường, không gian sinh hoạt chung của cả khu ký túc xá và còn vi phạm nghiêm trọng nội quy của trường. Nhiều ý kiến yêu cầu không cho học sinh này ở trong ký túc xá nữa.
Ông đã chịu áp lực rất lớn, vì quy định nhà trường đã có, học sinh đã vi phạm nhiều lần, nhà trường đã nhắc nhở, phê bình nhưng không thay đổi. Xét về quy định, nhà trường hoàn toàn có thể đuổi học sinh này ra khỏi ký túc xá để bảo đảm tính kỷ luật trong trường.
Tuy nhiên, sau khi kiên nhẫn tìm hiểu, trò chuyện, ông được học sinh kể rằng, sự luộm thuộm của em ấy bắt nguồn từ hoàn cảnh, do thói quen từ nhỏ nên đã ăn sâu vào tiềm thức khiến em ấy không dễ bỏ được.
"Tôi được biết, gia đình em ấy có điều kiện khá giả, ngay từ nhỏ đã được sống riêng phòng, vì thế, mọi hoạt động, sinh hoạt của em ấy trong phòng riêng đều diễn ra theo ý của em ấy và không ai can thiệp. Khi ở phòng riêng, em này vẫn để nguyên chăn màn cho tiện hôm sau đỡ mất thời gian.
Tuy nhiên, tôi đã giải thích cho em ấy hiểu, đó là thói quen cá nhân, khi em ấy sống một mình với phòng riêng của cá nhân em ấy, còn ở đây trường học, em ấy đang sống giữa một tập thể vì thế, thói quen đó phải thay đổi.
Cùng với việc giải thích cho em ấy hiểu, tôi đã bố trí người giúp đỡ, hướng dẫn, nhắc nhở, và sau một năm em ấy đã thay đổi, trở thành một học sinh có thói quen sinh hoạt bình thường như những học sinh khác.
Nếu lúc đó nhà trường cũng lựa chọn giải pháp đuổi học sinh ra khỏi ký túc xá thì có khác nào đang tạo điều kiện cho thói hư, tật xấu của học sinh có cơ hội xấu hơn, hư hơn, như vậy là không nên", PGS Trần Xuân Nhĩ nhắn nhủ.
Kỷ luật học sinh: Làm sao để không tạo ra vết đen trên tờ giấy trắng? Theo đánh giá của một số giáo viên, hiện nay đã có nhiều hình thức kỷ luật học sinh không còn phù hợp, không hiệu quả. Vi phạm nghiêm trọng các quy tắc ứng xử, dẫn đến tác dụng ngược đối với học sinh. Thời gian qua đã xảy ra một số trường hợp giáo viên lạm quyền trong kỷ luật học sinh....